Con Người Là Thủ Phạm Gây Xói Lở Bờ Biển - VnExpress

Theo tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, hiện tượng xói lở bờ biển ngày càng gia tăng là hệ quả của nhiều tác nhân, như khai thác nước ngầm quá lớn cho nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt ở vùng ven biển có nền đất yếu; nước biển dâng và triều cường do biến đổi khí hậu; tình trạng phá rừng ngập mặn, hút cát ở các cửa sông/lòng sông gần biển... Các nguyên nhân này phát triển khác nhau tùy từng đoạn bờ biển cụ thể, nhưng tác động của chúng thường là "cộng hưởng".

"Tội phạm chính và gốc rễ vẫn là con người, do không hiểu kỹ bản chất tự nhiên của một vùng dễ bị tổn thương trước khi ra quyết định khai thác và sử dụng", tiến sĩ Hồi nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này dẫn chứng khu resort Fusion Alya và Vinpearl Hội An ở gần cảng Cửa Đại đang sụp đổ dần từng hạng mục mà lỗi chính là do xây dựng sát biển, lấn ra biển. Bên cạnh đó, công trình bó bờ bảo vệ khách sạn lại làm thay đổi hướng dòng chảy và sóng, gây hậu quả cho khách sạn khác, kiểu "gậy ông đập lưng ông".

Nhiều nhà hàng ven biển đầu tư thêm lưới thép rào quanh các cọc tre để giữ những bao cát lại, nhưng chỉ sau vài ngày đã bị sóng đánh bung. Ảnh: Nguyễn Đông.

Nhiều nhà hàng ven biển Hội An đã sử dụng lưới thép rào quanh các cọc tre để giữ những bao cát chống lại xói lở biển, nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời. Ảnh: Nguyễn Đông.

Tiến sĩ Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện nghiên cứu biển đảo thì cho rằng, nguyên nhân chính là thiếu hụt bùn cát. Theo ông, hàng loạt nhà máy thủy điện, thủy lợi được xây dựng trên thượng nguồn sông khiến lượng bùn cát vào mùa mưa lẽ ra được mang ra biển thì lắng đọng lại trong lòng chứa của các hồ.

Bên cạnh đó, các địa phương trên dải ven biển Việt Nam thường diễn ra hoạt động khai thác cát để phục vụ xây dựng, san lấp nền và bán cho nước ngoài. "Bùn, cát đã thiếu hụt lại bị khai thác nên lại càng thiếu hụt và do vậy xói lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng", tiến sĩ Ca nói.

"Ở miền Nam, trên thượng nguồn sông Me Kong có hàng loạt nhà máy thủy điện Trung Quốc đã xây dựng và chặn dòng. Phía bên Lào cũng trong tình cảnh tương tự. Còn ở miền Bắc, phía thượng nguồn sông Hồng có nhiều đập thủy điện, thủy lợi nên dòng chảy trong sông còn rất ít, thậm chí vào mùa lũ", tiến sĩ Ca nói.

Ông Ca dẫn chứng thêm, trước đây sông Tiền, sông Hậu ở miền Nam và sông Hồng ở miền Bắc vào mùa mưa lũ nước rất đục, nhưng giờ thậm chí trong mùa lũ có những ngày nước rất trong. Điều này chứng tỏ lượng bùn, cát được tải về cửa sông và ra biển rất ít. Thiếu hụt bùn cung cấp cho vùng cửa sông làm suy thoái các rừng ngập mặn và làm giảm khả năng tiêu tán năng lượng sóng của bãi bùn ven bờ, từ đó làm gia tăng độ cao sóng tác động vào rừng ngập mặn với hậu quả là gia tăng xói lở rừng ngập mặn.

Để ngăn chặn tình trạng xói lở bờ biển, các tỉnh ven biển Việt Nam đã sử dụng nhiều giải pháp. Ban đầu là giải pháp công trình "cứng" khá phổ biến như kè mỏ hàn, đập ngăn bồi tích, đê kè. Có địa phương phân luồng bồi tích từ sông ra hoặc bẫy cát tạo bãi biển để hỗ trợ những khu bờ bị xói lở do "đói bồi tích". Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chỉ là giải pháp chống đỡ tình huống, thụ động, không dài lâu, tốn kém và dễ gây hậu quả cho các khu bờ lân cận.

Các công trình bê tông đang được một số khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long, nhất là mũi Cà Mau sử dụng. Nhưng theo tiến sĩ Vũ Thanh Ca, nhược điểm của nó là đắt tiền và làm thay đổi cảnh quan của biển. Ngoài ra, nếu có sự thay đổi xu thế từ xói lở sang bồi tụ thì việc dùng các công trình bê tông là lãng phí. Vì vậy, cần nghiên cứu, dự báo xu thế xói lở, bồi tụ tại các khu vực để làm cơ sở cho việc thiết kế công trình tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả. 

Gần đây, giới chức và các nhà khoa học chú trọng đến giải pháp công trình “mềm” như "nuôi bãi biển" bằng cách bẫy cát tự nhiên để chuyển trạng thái xói lở của khu bờ sang bồi tụ. Phương pháp này từng áp dụng thành công để cứu đảo Cát Hải (Hải Phòng) cách đây 20 năm. Cơ quan hợp tác phát triển Đức đã giúp thành công giải pháp công trình mềm, đó là kết hợp vật liệu địa phương (tre) để tạo bẫy bùn cát, trồng rừng ngập mặn ở các khu bờ biển bị xói lở tại Sóc Trăng và Kiên Giang. 

Resort Fusion Alya ở ven Cửa Đại (Hội An) bị nhấn chìm xuống biển. Ảnh: L.Đ.Dũng

Resort Fusion Alya ở ven Cửa Đại (Hội An) bị nhấn chìm xuống biển.  Ảnh do tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi cung cấp.

Bên cạnh đó, các giải pháp phi công trình được khuyến cáo có hiệu quả dài hơn. Trong đó, các hệ sinh thái ven biển được xem là "cơ sở hạ tầng tự nhiên" để chống đỡ với thiên tai biển và xói lở bờ biển. Vì vậy, việc bảo tồn và trồng lại rừng ngập mặn ven biển cũng như bảo vệ được các hệ sinh thái ven biển khác sẽ tạo ra bức tường tự nhiên chống lại xói lở bờ biển, đem lại môi trường sống cho các loài thủy sản, cho du lịch sinh thái và cải thiện sinh kế của người dân ven biển.

Theo nhận định của tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi thì xói lở bờ biển liên quan đến nhiều nguyên nhân nên không có giải pháp "vạn năng" để chống. Vì vậy cũng giống như chữa bệnh, địa phương phải điều tra kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân cụ thể ở đoạn bờ xói lở trước khi lựa chọn giải pháp chữa trị.

Tiến sĩ Hồi cho rằng, về mặt tổng thể và chiến lược thì công cụ quy hoạch không gian ở vùng bờ biển sẽ hỗ trợ cách nhìn tổng thể và hướng phát triển toàn diện, giảm thiểu thấp nhất các tác động tiêu cực không mong muốn trong quá trình phát triển vùng ven biển, trong đó có chống xói lở bờ biển.

Theo các nhà khoa học, xu hướng sạt lở bờ biển trong thời gian tới phụ thuộc vào các kịch bản nước biển dâng và mức độ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng ven biển và lân cận, đặc biệt là cách "hành xử" thiếu cẩn trọng của con người đã và sẽ cường hóa quy mô và tốc độ xói lở ở những vùng bờ biển cụ thể. 

"Nếu tiếp tục giải pháp công trình cứng can thiệp tràn lan vào vùng ven biển, cửa sông và sự bùng nổ quá tải của các đập thủy điện trên lưu vực sông như hiện nay thì số phận của nhiều vùng đất vàng, bãi tắm ven biển tiếp tục bị thủy thần lôi ra  biển", tiến sĩ Hồi nói.

Hương Thu

  • Quảng Nam loay hoay cứu bờ biển Cửa Đại
  • Nguy cơ mất các bãi biển đẹp nhất Việt Nam

Từ khóa » Sự Xói Mòn Bờ Biển Là Gì