Con Người Xuất Hiện Từ Bao Giờ? Những Bằng Chứng Khoa Học Về ...

Con người xuất hiện từ bao giờ? Câu hỏi đó không phải đến nay mới được đặt ra. Sự quan tâm của con người tới nguồn gốc “xuất thân” của mình được thể hiện qua rất nhiều truyền thuyết, truyện cổ tích về sự sáng tạo thế giới mà ở bất cứ dân tộc nào cũng có. Thời cổ đại, một số học giả lại cho rằng thoạt đầu con người có hình dáng nửa người nửa động vật. Thời trung đại, giáo lí của các tôn giáo, dưới nhiều hình thức khác nhau, đều giải thích rằng con người do Thượng đế sinh ra.

Đến giữa thế kỉ XVIII, vấn đề về vị trí của con người trong thế giới tự nhiên mới được đặt ra trên nền tảng khoa học thực sự khi Cac Linnây xếp con người vào cùng hệ thống với thế giới động vật. Từ đó, qua nghiên cứu, các nhà khoa học ngày càng nhận thấy cơ thể của người và lớp động vật có vú, đặc biệt là giống vượn hình người hiện đại như Jipbông (Gibbon), Ôrăng Utăng (Orang-Outang), Gôril (Gorille), Sanhpăngdê (Chimpanzé) có rất nhiều nét gần gũi nhau. Những kết quả nghiên cứu của ngành động vật học cao cấp cũng cho thấy, một số động vật có vú cũng mắc một số căn bệnh mà trước kia người ta thường cho rằng chỉ có loài người mới có; những động vật này cũng chịu thuốc kháng sinh và các loại vắcxin phòng dịch. Khi nghiên cứu quá trình phát triển của bào thai người, ngành phôi thai học đã đi đến kết luận: quá trình hình thành bào thai người là sự “rút ngắn” của hàng triệu năm tiến hóa từ động vật trở thành người.

Sau khi công trình của Đacuyn được công bố năm 1871, nguồn gốc động vật của loài người đã được nhiều ngành, nhiều nhà khoa học tìm kiếm, chứng minh bằng những bằng chứng khoa học, trong đó nổi bật nhất là việc phát hiện những di cốt hóa thạch của loài vượn cổ và người vượn trung gian, cho phép khôi phục lại các mắt xích của quá trình chuyển biến từ vượn thành người.

Ở chặng đầu của quá trình có một loài vượn cổ hay còn gọi là vượn nhân hình – Hominid, sống ở cuối thế kỉ thứ ba của thời đại Tân sinh, cách ngày nay khoảng hơn 6 triệu năm. Loài vượn nhân hình này đã có thể đứng và đi bằng hai chân, dùng hai chi trước để cầm nắm, ăn hoa quả, lá cây, củ và cả động vật nhỏ. Trong quá trình phát triển, loài vượn nhân hình này cũng tiến hóa dần dần, ngày càng gần với người hơn: từ loài vượn Đriôpithécus đến Ramapithécus và bước tiến hóa rõ rệt hơn cả là vượn phương Nam – Australopithecus. Di cốt hóa thạch của những loài vượn này đã được tìm thấy ở Đông Phi, Tây Á, Ấn Độ, Trung Quốc và cả ở Lạng Sơn (Việt Nam).

Loài vượn nhân hình Hominid là tổ tiên chung của loài người và cả các giống vượn hiện đại. Từ Hominid, một nhánh nào đó đã phát triển lên thành người Homo Habilis (người khéo léo). Đó là giai đoạn thứ hai và là bước ngoặt quan trọng trong quá trình tiến hóa. Di cốt của một trong những Homo Habilis đã được hai vợ chồng L.Leakey phát hiện năm 1960 ở thung lũng Ônđuvai (Tanzania). Thể tích hộp sọ là 650cm3 và có niên đại khoảng 1.850.000 năm. Năm 1976, Clark Howall công bố những phát hiện mới trong những năm 1967 – 1976 ở thung long Ômô (Etiôpia). Tại đây đã phát hiện những hóa thạch động vật có vú và người Homo Habilis có niên đại khoảng 2.500.000 năm. Đặc biệt, năm 1974, D.Johansơn đã tìm thấy ở thung lũng Afar (Etiôpia) một di cốt hóa thạch khá đầy đủ. Đó là một cô gái khoảng 25 – 30 tuổi, được đặt lên là Lucy và “tuổi” của cô được xác định bằng phương pháp Kali Acgông là 3.500.000 năm. Lucy đã thường xuyên ở tư thế đứng thẳng.

Cũng trong năm 1974, Mary Leakey đã phát hiện ở Lactôli (Tanzania) 42 răng người và một hàm hóa thạch với 9 chiếc răng nguyên vẹn. Niên đại của chúng được xác nhận là khoảng 3.700.000.

Điều đặc biệt quan trọng là ở một số nơi như ở Ômô và Rudolf (Bắc Kênia), người ta cũng đã tìm thấy những công cụ đá chôn cùng với hóa thạch Homo Habilis. Những phát hiện mới này không những đã đẩy niên đại của sự xuất hiện loài người lên khoảng 3.500.000 đến 4.000.000 năm cách ngày nay, mà còn làm nảy sinh nhiều giả thuyết mới về cái “nôi” của loài người và về động lực của quá trình tiến hóa từ vượn thành người.

Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn của những người Homo Érectus (người đứng thẳng). Địa điểm đầu tiên phát hiện ra loại người vượn này là Trinil ở miền Trung Java (Inđônôxia). Trong những năm 1891 – 1892, bác sĩ Dubois người Hà Lan đã khai quật được ở đây một răng hàm trên, nấp sọ và một xương đùi. Tới năm 1894, ông công bố chi tiết phát hiện của mình và đặt tên cho nó là Pithécanthropus Èrectus. Dựa vào các tài liệu đã công bố, tính đến năm 1986 ở đảo Java đã phát hiện được khoảng 21 mảnh sọ, 5 hàm dưới và 3 hàm trên hóa thạch của Homo Érectus. Dung tích sọ não của người Pithécanthropus đã vào khoảng từ 750 đến 975 cm3. Họ đã biết phát ra tiếng nói và biết chế tạo công cụ lao động.

Một đại diện khác rất nổi tiếng của Homo Érectus là Sinanthropus (người vượn Bắc Kinh) mà hóa thạch răng của nó đã được phát hiện trong những năm 1921 – 1923, ở Chu Khẩu Điếm gần Bắc Kinh. Đến năm 1937, ở khu vực này, người ta đã phát hiện được khoảng 40 cá thể của loài người vượn này và cho tới gân đây vẫn có những phát hiện lẻ tẻ khác nữa.

Người Sinanthropus có sọ dẹt, trán dốc thoải, u trán nổi rõ, dung tích sọ khá lớn (từ 850 đến 1220 cm3). Họ đã biết chế tạo công cụ bằng đá rất thô sơ, biết duy trì và sử dụng lửa tự nhiên.

Di cốt và mảnh di cốt của người Homo Érectus được tìm thấy ở nhiều nơi khác như Ấn Độ, Kênia v.v… Vào những năm 1964 – 1965, các cán bộ khoa học Việt Nam đã phát hiện được một chiếc răng ở hang Thẩm Hai và 9 chiếc khác ở hang Thẩm Khuyên (Bình Gia, Lạng Sơn). Những chiếc răng này đều có niên đại trung kì Pléistocène và đều là răng của Homo Érectus.

Đến thời hậu kì Pléistocène đã xuất hiện một dạng người mới, gần với người hiện đại hơn. Di cốt hóa thạch tiêu biểu của dạng người này đã được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 1956 ở một thung lũng nước Đức mà giới khoa học gọi là người Nêanđectan. Thân thể người Nêanđectan đã rất giống với người hiện đại, thể tích hộp sọ khá lớn – từ 1200 đến 1600cm3. Vì thế, khả năng lao động và ngôn ngữ của họ cũng phát triển hơn; Di cốt của dạng người Nêanđectan – cả của người lớn và trẻ con, còn được tìm thấy ở nhiều nơi khác như Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, vùng Trung Á, Trung Quốc v.v…

Đến khoảng 4 vạn năm trước đây, Người hiện đại hay Người tinh khôn (Homo Sapiens) đã ra đời. Homo Sapiens có cấu tạo cơ thể phát triển như người ngày nay. Các bộ phận cơ thể đã trở  nên hoàn thiện, hai bàn tay nhỏ, khéo léo, các ngón tay, nhất là ngón cái linh hoạt hơn, trán cao, xương hàm nhỏ và không còn nhô ra phía trước, não đặc biệt phát triển.

Sự xuất hiện Homo Sapiens là bước nhảy vọt thứ hai sau bước nhảy vọt từ vượn thành người Homo Habilis. Di cốt của họ đã được tìm thấy ở hầu khắp các lục địa. Sự phát hiện các di cốt hóa thạch cùng với công cụ lao động của các dạng người nói trên không những đã cung cấp cho chúng ta những bằng chứng khoa học không thể chối cãi được về nguồn gốc động vật của loài người, mà còn giúp ta thấy rõ cả quá trình hình thành loài người với những niên đại ngày càng được xác định chính xác hơn.

Lịch sử thế giới cổ đại - NXB Giáo dục,

« Sơ lược về quá trình nghiên cứu lịch sử xã hội nguyên thủyLịch sử thời kỳ tiền sử – cộng sản nguyên thủy »

Từ khóa » Truyền Thuyết Về Sự Xuất Hiện Của Loài Người