Con Nhà Giàu Vs. Con Nhà Nghèo: Phân Tích Từ Góc độ Giáo Dục
Có thể bạn quan tâm
Nguồn: Anh Thư Ng @immortal_wurst cho Vietcetera
Khi nói đến khoảng cách giàu-nghèo, tiền thường là điều đầu tiên hiện ra trong đầu mọi người. Nhiều tiền tức là giàu, ít tiền tức là nghèo. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất giữa giàu và nghèo đôi khi không thể thấy qua đồng tiền, mà ở những thứ đồng tiền có ảnh hưởng gián tiếp, như cơ hội, kiến thức, tư tưởng, lối sống…
Trong bài viết này, bằng các dẫn chứng từ nghiên cứu giáo dục, tôi sẽ phân tích các điểm khác biệt nêu trên giữa “con nhà giàu” và “con nhà nghèo”.
Từ đó, bài viết lý giải tại sao quá trình phân hóa giàu-nghèo không ngừng tiếp diễn. Cuối cùng, tôi sẽ đưa ra một số gợi ý nhằm giúp những người ở xuất phát điểm thấp có thể phát triển bản thân tốt hơn.
Bạn đọc cũng lưu ý rằng, khái niệm giàu-nghèo ở đây đã được phân thành 2 cực, tạo cái nhìn tổng thể. Còn thực tế, chúng có tính tương đối và phân tầng nhiều hơn.
Con nhà giàu và con nhà nghèo khác nhau ở điểm nào?
1. Giàu đồng nghĩa với có thêm nhiều lựa chọn
Trong một nghiên cứu về việc chọn trường đại học của 4 nhóm học sinh phổ thông tại California, tác giả Patricia McDonough cho thấy lựa chọn của các em có ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố: bộ máy nhà trường, gia đình, người cố vấn, và hoàn cảnh xã hội.
Những em gia đình có điều kiện thường được định hướng chọn trường đại học từ rất sớm. Hệ thống cố vấn ở trường cũng cung cấp cho các em nhiều thông tin quý báu. Họ giúp các em viết thư giới thiệu, sửa bài luận, kết nối với cựu sinh viên… để tăng thêm cơ hội vào đại học và phát triển sự nghiệp tương lai.
Ngược lại, những em gia đình kinh tế eo hẹp, theo học ở những trường phổ thông đông học sinh thường thiệt thòi hơn trong việc tìm trường đại học.
Nghiên cứu tôi thực hiện tại Việt Nam vào năm 2017-2018 cũng có quan sát tương tự. Nhiều em học sinh nông thôn, có hoàn cảnh gia đình khó khăn chỉ được hướng đến hai lựa chọn: con gái theo học sư phạm, con trai theo học quân sự. Hai lựa chọn này được gia đình cho là tối ưu để tiết kiệm chi phí ăn học và hy vọng ra trường có việc làm ngay. Trong khi thực tế họ vẫn có các lựa chọn khác tương đương.
Hiện tượng này được khái quát hoá trong khái niệm “bounded rationality” (lý trí bị hạn chế), tức là những hành vi lý trí như đưa ra quyết định của chúng ta có thể bị giới hạn bởi sự thiếu hụt về tư duy, kiến thức.
“Con nhà nghèo” vì thế dễ đưa ra những lựa chọn khiến cơ hội học tập và sự nghiệp bị thu hẹp. Do đó, khoảng cách giàu-nghèo tiếp tục tồn tại, thậm chí không ngừng nới rộng thêm.
2. Giàu giúp sửa sai, làm lại từ đầu dễ dàng hơn
Trong một nghiên cứu nổi tiếng kéo dài hơn một thập kỷ (1980-1990), Jay MacLeod đã theo dấu hai nhóm thanh niên nghèo tại Mỹ từ trung học đến khi trưởng thành. Họ đều lớn lên từ những dự án nhà ở hỗ trợ của chính phủ, nhưng có cái nhìn khác biệt về tương lai và học tập.
Nhóm thứ nhất (“Hallway Hangers”) nghĩ rằng mình sẽ chỉ tốt nghiệp cấp 3 và đi làm một công việc gì đó với thu nhập tối thiểu. Nhóm thứ hai (“Brothers”) ngược lại đề cao việc học. Họ tin rằng sau khi ra trường có thể xây dựng sự nghiệp tốt với địa vị xã hội cao.
Và thật bất ngờ, kết quả nghiên cứu lại cho thấy hầu hết các thanh niên trong cả hai nhóm này đều bước vào thời kỳ trưởng thành u ám. Họ không đạt được kỳ vọng về cả sự nghiệp lẫn địa vị như mong muốn. Nhiều người sa ngã, tù tội, thậm chí qua đời khi còn trẻ.
Một trong những lý do chính dẫn đến kết cục trên được cho là vì những thanh thiếu niên ở giai tầng xã hội này thường sống trong môi trường phải nhìn thấy cái xấu hàng ngày. Họ trở nên dễ mắc sai lầm hơn, mà một sai lầm (dù rất nhỏ) cũng có thể dẫn đến hậu quả lâu dài. Thế nhưng, họ lại thường không có người ngay cạnh để chỉ dẫn làm lại từ đầu.
Ngược lại, với các thanh thiếu niên sinh ra trong gia đình có tiềm lực tài chính tốt hơn và địa vị xã hội cao hơn, khi họ mắc sai lầm, và muốn sửa sai thì có cả hệ thống hỗ trợ giúp họ trở lại đường đi đúng đắn.
Vì vậy, MacLeod đã đề xuất cần điều chỉnh thông điệp “Giáo dục có thể làm thay đổi vận mệnh con người”. Thực tế, có rất nhiều yếu tố bên ngoài giáo dục chi phối sự thành công của một cá nhân.
3. Giàu giúp tự tin, vững vàng hơn
Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới (như Kusserow, 2004; Ladson-Billings, 2006) đã chỉ ra rằng giáo dục từ gia đình tới nhà trường rất khác nhau ở các giai tầng xã hội.
Trẻ em và thanh thiếu niên ở tầng lớp xã hội cao hơn thường được giáo dục theo chiều hướng trở thành lãnh đạo (leader). Các em được khuyến khích sáng tạo, phản biện, tranh luận với những người lớn có quyền uy hơn (authority figures) như bố mẹ, thầy cô.
Trong khi đó, trẻ em và thanh thiếu niên ở tầng lớp xã hội thấp hơn lại được giáo dục theo chiều hướng trở thành những người theo sau (follower). Chẳng hạn như các em không được khuyến khích thể hiện ý kiến cá nhân, hay phát triển tư duy sáng tạo.
Điều này dẫn đến khác biệt lớn trong tâm thế vững vàng giữa “con nhà giàu” và “con nhà nghèo”, từ đó ảnh hưởng tới những quyết định thay đổi vận mệnh của cả hai.
Ngoài ra, khi trưởng thành từ gia đình có điều kiện kinh tế tốt, người trẻ thường tự tin hơn vì không phải chịu quá nhiều áp lực cơm áo, gạo tiền. Nếu có mắc sai lầm họ cũng có thể dễ sửa sai và làm lại từ đầu. Điều này giúp họ dám nghĩ, dám làm hơn.
Làm sao để vượt lên hạn chế giai tầng xã hội?
Bạn có thể đang tự hỏi, nếu nhiều nghiên cứu chỉ ra khoảng cách giàu-nghèo không ngừng tiếp diễn như vậy, tại sao lại có những cá nhân xuất phát điểm thấp nhưng thành công? Tại sao có những cá nhân xuất phát điểm cao nhưng thất bại?
Với vai trò người làm nghiên cứu, tôi chỉ có thể lý giải cho bạn rằng tất cả các nghiên cứu, dù sâu sắc, chất lượng đến đâu cũng không thể bao quát mọi trường hợp. Với vai trò người đọc bình thường, tôi nghĩ rằng những trường hợp “lội ngược dòng” để thành công là những nhân tố thú vị, đưa lại cho chúng ta niềm tin ở giáo dục và động lực để không ngừng vươn lên.
Kết hợp cả hai vai trò này, tôi có một số lời khuyên cá nhân dưới đây. Hy vọng chúng có thể giúp các bạn đang ở hoàn cảnh khó khăn có cơ sở để vượt lên hạn chế của bản thân.
1. Hiểu rằng giáo dục đơn lẻ không đủ để đóng lại khoảng cách giàu-nghèo
Có cái nhìn thực tế về giáo dục, như Jay MacLeod đã đề xuất, sẽ giúp bạn nhìn nhận cuộc sống đúng với giá trị của nó hơn. Không phải cứ có tấm bằng là ra trường bạn sẽ có công việc ngay và vị trí xã hội của bạn sẽ hoán đổi hoàn toàn. Giáo dục chỉ là một trong nhiều yếu tố để thành công mà thôi.
2. Đừng chỉ ngồi một chỗ và than phiền về bất công xã hội, hãy hành động
Dù không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào giáo dục ở trường lớp, bạn cũng lưu ý rằng điều đó không có nghĩa là việc học không quan trọng.
Trong những năm nghiên cứu giáo dục, điều lớn nhất tôi học được là phải nỗ lực không ngừng mới có thể “thắng” được sự áp đặt từ giai tầng xã hội. Càng ở xuất phát điểm thấp, bạn lại càng cần phải học tập và làm việc hơn gấp đôi, gấp ba người khác để đạt được thành công mình mong muốn, đặc biệt trong những năm đầu sự nghiệp.
Điều này có bất công không? Có chứ! Nhưng nếu chỉ ở đó than vãn, chúng ta cũng vô hình chung tiếp tay cho sự bất công đó tiếp tục xảy đến với mình.
Bản thân tôi tự nhận mình có xuất phát điểm tốt hơn nhiều người vì lớn lên trong gia đình có bố mẹ là công chức ở thành phố. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình trung lưu không có điều kiện đầu tư học ngoại ngữ với người bản xứ, rèn luyện kỹ năng mềm từ nhỏ, nên sau này tôi cũng gặp thiệt thòi khi phải cạnh tranh với những bạn có điều kiện sống cao hơn. Dù vậy, tôi đã nỗ lực rất nhiều để đi từ 0 điểm phát âm tiếng Anh đại học đến tiến sĩ tại Mỹ.
3. Tập trung vào những mặt mạnh mà tiền không thể mua được
Đây là lời khuyên mà mẹ tôi thường nói mỗi khi thấy tôi so sánh bản thân với các bạn “con nhà giàu” khác hoặc khi bị người khác lấy đồng tiền ra coi thường mình.
Có những người dù dát lên người vàng bạc, kim cương, xoè tay ra là cả nắm đô-la nhưng không thể che giấu tính nhỏ mọn hay sự thiếu hiểu biết. Nhiều phẩm chất con người như thần thái, nhân cách, tri thức… không tiền nào có thể mua ngay tức khắc được.
Hành động dùng đồng tiền để coi thường người khác của ai đó cũng thường xuất phát từ tâm lý bất an về địa vị của chính họ. Bởi vậy, hãy tập trung vào bản thân. Khám phá thế mạnh của mình, đào sâu vào phát triển nó để tạo nên niềm tự hào riêng.
4. Chọn bạn mà chơi
Hãy gắn kết với những người mang lại ảnh hưởng tốt, nguồn năng lượng tích cực cho cuộc sống của mình.
Bạn không nhất thiết phải chơi với những người ở giai tầng xã hội cao hơn để vươn lên. Nhưng ít nhất nên gắn mình với những người có tâm, có tầm, có tài, ít nhất là qua sách, hay mạng Internet, để dẫn dắt mình vượt qua những giai đoạn khó khăn.
Kết
Hy vọng bài viết này giúp bạn đọc có thêm góc nhìn khách quan và chủ quan chi phối đến khoảng cách giàu-nghèo, cũng như hướng đi để vượt lên áp đặt của giai tầng xã hội.
Giáo dục chính thống không đảm bảo giúp chúng ta vươn lên trong cuộc sống. Nhưng với nỗ lực mở rộng kiến thức không ngừng, bạn sẽ có thể trở thành những “mẫu số đặc biệt” trong nghiên cứu - những người lội ngược dòng để thay đổi vận mệnh của chính mình.
>> Điều tệ nhất của việc học Giáo dục>> [PODCAST] TS. Bùi Trân Phượng, Nhà quản lý giáo dục: "Người thầy" quan trọng nhất là chính bản thân - #2>> [PODCAST] Thanh Bùi, T.S Veronica Boix-Mansilla: Hãy quay lại những điều cốt lõi trong giáo dục - #8#Sự nghiệp#Kỹ năng làm việc#Xu hướng sự nghiệpTừ khóa » Hình Con Nhà Nghèo
-
CON NHÀ NGHÈO - TRUYỆN CỔ TÍCH - PHIM HOẠT HÌNH
-
Nỗi Khổ Của Con Nhà Giàu Và Con Nhà Nghèo - YouTube
-
Con Nhà Nghèo - CafeF
-
Lợi Thế Của 'con Nhà Giàu' Không Chỉ ở Tiền - VnExpress
-
Con Nhà Nghèo - Tin Tức Mới Nhất 24h Qua - VnExpress
-
Khởi Nghiệp Kiểu "con Nhà Nghèo"
-
Con Nha Ngheo - Tin Tức Tức Online 24h Về Con Nhà Nghèo - Zing
-
Tin Tức, Video, Hình ảnh Con Nhà Nghèo | CafeBiz
-
Con Nhà Nghèo - Phạm Thanh Thảo
-
Tại Sao Con Nhà Giàu Thường Giỏi Giang Và ưu Tú? - AFamily
-
Tiểu Thuyết: Con Nhà Nghèo (P2) - Chương Trình Phát Thanh
-
Tiểu Thuyết: Con Nhà Nghèo (P3) - Chương Trình Phát Thanh
-
Con Nhà Nghèo