'Con Nít Mà, Có Biết Gì đâu' - VnExpress

Vậy mà khi biết được điều đó, phụ huynh vẫn đứng cười phì vì đứa con của họ thật đáng yêu tinh nghịch, vì đứa trẻ của họ ngây thơ trong sáng.

"Con nít mà, nó có biết gì đâu". Đây là câu cửa miệng của các bậc phụ huynh khi con cháu của họ làm sai một điều gì đó đối với người khác.

Ở Việt Nam, khi còn là một đứa trẻ, chúng ta đã được "thừa hưởng" sự đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm từ thế hệ trước. Khi đứa trẻ ngã, ba mẹ sẽ đánh sàn nhà vì dám làm bạn khóc. Khi đứa trẻ đụng đầu vào tường, ba mẹ và ông bà sẽ vỗ vào tường vì nó dám làm đầu con cháu mình đau.

Hay đại loại chỉ cần trẻ bị tổn thương (vật chất, tinh thần) thì mọi trách nhiệm sẽ được đổ qua cho những tác nhân khác mà chẳng cần suy xét hay suy nghĩ nhiều. Hai đứa trẻ đánh nhau thì mặc nhiên con bà hàng xóm sai chứ con mình chả làm gì sai, "nó hiền như đất á mà".

Đương nhiên không phải gia đình nào cũng giáo dục con cái như vậy, nhưng tôi thấy điều này tồn tại ở rất nhiều gia đình Việt. Là con nít thì cứ mặc định là chẳng biết gì, chẳng làm gì là có lỗi là sai vì "nó có biết đâu mà đúng hay sai".

Vậy nên, cứ hễ gây ra một lỗi lầm gì đó thì thần chú ấy lại được niệm lên để xóa tan hết mọi hành vi chưa đúng, mọi hậu quả mà chúng gây ra.

>> Trẻ hư vì câu nói 'cháu còn nhỏ, biết gì đâu'

Một hôm lướt Tik Tok, tôi thấy một bạn nữ gặp trường hợp tương tự. Đứa cháu của bạn bẻ gãy hết album của một nhóm nhạc ngoại quốc mà bạn vừa mua. Khi bạn trình bày với phụ huynh đứa bé thì nhận về câu: "Có mấy cái đĩa mà làm quá lên. Nó con nít có biết gì đâu".

Thế là hành vi lấy đồ của người khác khi chưa được cho phép và phá hoại tài sản của đứa trẻ được xóa nhanh và nhẹ như lông hồng. Đứa trẻ vẫn không ý thức được việc sai và nó sẽ tiếp tục những hành vi không đúng đó.

Bạn đợi họ bồi thường ư? Không phải ai cũng sẵn sàng răn đe, dạy bảo lại con cái của họ, không phải ai cũng đồng cảm và bồi thường cho bạn đâu. Nhiều người còn trách bạn ích kỷ, nhỏ nhen vì đi trách một đứa con nít nữa kia kìa.

Con nít ai mà không hiếu động, tò mò. Đó là giai đoạn một đứa trẻ phát triển và khám phá thế giới xung quanh nó cơ mà. Ai cũng hiểu điều đó, nhưng hãy giáo dục những đứa trẻ từ khi còn nhỏ về tinh thần trách nhiệm, về việc biết sai và nhận lỗi và khắc phục lỗi lầm.

Đừng nghĩ là con nít là không biết gì cả. Sai lầm. Con nít tuy không biết nhiều thứ nhưng lại học cực kỳ nhanh. Độ 2,3 tuổi - chưa biết chữ nhưng chúng học cách sử dụng điện thoại thông minh còn nhanh hơn người già nữa.

>> Hai đứa trẻ bàn về ôtô 1,6 tỷ đồng

Vào thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh đến mức bạn chẳng kiểm soát được thì việc trẻ em tiếp nhận những thông tin độc hại là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu các bậc phụ huynh không giáo dục chúng từ khi còn bé mà bưng bê nguyên si cái lỗi đùn đẩy trách nhiệm, kèm thêm sự độc hại từ mạng xã hội... thì tương lai đứa trẻ ấy tương lai sẽ là một người "tuyệt vời"!

Lúc ấy lại trách đời, trách trời, trách mẹ, trách bà (con hư tại mẹ/cháu hư tại bà). Con nít có thể không biết và chưa ý thức được những việc chúng làm nhưng hãy nói cho chúng biết đâu là đúng đâu là sai, đâu là trách nhiệm của mình và biết cách khắc phục.

Đừng giáo dục theo lối cũ trong một xã hội mới. Đừng bao che, ngụy biện, xóa bỏ những lỗi lầm của chúng. Điều đó không giúp ích cho đứa trẻ ấy mà chỉ càng đang âm thầm đồng ý, chấp nhận, tạo động lực để chúng tiếp tục.

Đinh Văn Tiến

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

  • Cha mẹ chửi tục thì con hư, đừng đổ lỗi cho nhà trường giáo dục
  • Cha mẹ 'đẩy' con 18 tuổi khỏi nhà
  • Tôi báo trước sẽ cho con ở riêng sau 18 tuổi
  • Sinh viên Việt khó sống nếu không có tiền cha mẹ

Từ khóa » Tính Con Nít Là Như Thế Nào