Con Sam – Cặp đôi Trong đời Sống Văn Hóa!

  • Dữ liệu của "con ếch"
  • Con cóc có là… cậu ông giời!

Tồn tại đã lâu lại có tập quán đặc thù nhưng thường sống dưới đáy biển ít được con người biết tới nên tính phổ biến bị hạn chế. Tuy đã kết thành biểu tượng nhưng chỉ lưu truyền trong phạm vi văn hóa dân cư ven biển mà không tìm thấy ở miền văn hóa nào khác. Là sự kết tinh, phản chiếu, khúc xạ các quan niệm nên biểu tượng văn hóa luôn đa dạng các lớp nghĩa chung quanh nghĩa hạt nhân. Sam cái luôn lớn hơn, có khi gấp ba lần khối lượng sam đực. Sam cái luôn đi trước, thậm chí để sam đực bám chặt vào mai nên bắt sam thì luôn bắt được cả hai.

image002.jpg -0
Vợ chồng con sam biển.

Do vậy có một nghĩa biểu tượng chung ở hầu hết các vùng văn hóa là ca ngợi tình cảm vợ chồng chung thủy, trước sau như một, gắn bó không rời. Lại có nơi nảy ra tập quán nếu ăn thịt sam phải ăn cả đôi, nếu ăn một sẽ bị ngộ độc. Chắc có lý do sam luôn đi đôi như cặp phạm trù âm dương nên chỉ ăn thịt một con sẽ mất cân bằng... (!?). Thực ra không phải vậy. Khoa học dinh dưỡng chứng minh thịt sam cái (nhất là ăn trứng sam) thì tốt hơn vì sam đực gầy, nhỏ, lại dành nhiều tinh lực cho việc giao phối.

Thành ngữ người Việt có những câu: “Dính nhau như đôi sam”, “Thương nhau như sam”... Lại có một cổ tích đi kèm tên “Sự tích con sam” như là một cách chứng minh: Có hai vợ chồng làm nghề đánh cá nghèo rất yêu thương nhau. Người chồng đi biển chẳng may gặp bão nên đã hàng tháng bặt tin. Đau đớn khôn cùng, người vợ bỏ nhà ra đi, đi mãi, cứ theo bờ biển mà đi.

Một hôm trèo lên một đỉnh núi rồi ngủ thiếp. Bỗng một tiếng nổ làm bà choàng dậy. Một ông lão đầu tóc bạc phơ đứng trước mặt, hỏi sao dám đến nằm trước nhà ta. Bà nói đi tìm chồng. Ông lão tự nhận là thần Cây bèn nói chồng ngươi còn sống đang ở ngoài đảo xa rồi trao cho người đàn bà viên ngọc và bảo ngậm vào miệng thì sẽ bay qua được biển để gặp chồng. Nhưng phải nhớ nhắm mắt ngậm miệng kẻo rơi ngọc.

Bà làm theo. Trời nổi gió. Người bà chợt nhẹ bẫng. Bà bay đi... Gặp nhau cả hai vợ chồng vô cùng mừng rỡ. Người chồng ôm ngang lưng vợ để bay qua biển về nhà. Tâm trạng xốn xang mừng tủi, đang bay mà người vợ cứ quay lại nhìn và muốn nói chuyện cho thỏa. Quên phắt lời thần Cây, bà mở miệng. Viên ngọc rơi xuống. Họ cũng rơi theo... Ông trời cảm động thương tình hóa cho họ thành đôi sam, lúc nào con sam đực cũng ôm lấy con sam cái như khi họ ôm nhau để bay qua biển!

Một bi kịch nhưng là “bi kịch lạc quan” trân trọng tình nghĩa vợ chồng bền chặt, chung thủy luôn luôn có nhau kể cả khi đã hóa thành kiếp khác!

Môtip “mở miệng là chết” có trong rất nhiều truyện cổ tích như nhắc nhở con người chỉ nói khi cần thiết. “Con người có miệng có môi...” ngoài để cười để khóc, cơ bản hơn là để ăn để nói. Nhưng có phải lúc nào nói cũng là tốt đâu. Phải biết nói đúng lúc đúng chỗ, nếu không sẽ nguy hiểm đến chính tính mạng mình. Không nói thì giữ được ngọc quý. Nói ra là mất ngọc quý. Thì ra có một thứ ngọc bảo hiểm cho con người, đó là im lặng!!!

Dân ca Nam bộ có bài “Lý Con Sam” khẳng định nghĩa tình vợ chồng chung thủy rất được mến chuộng, thường được đưa vào các vở tuồng cải lương: “Sông sâu nước chảy có nguồn/ Con sam có cặp theo luồng nước sông/ Hỡi ai biết cặp con sam/ Mình đồng chân sắt mắt lại trên lưng/ Uống nước thôi cầm chừng/ Đói no xin nhờ vợ ta đừng có theo ai/ Ấy là đôi cặp con sam/ Sam ơi sam lội sam vùi dưới sông.../ Nghĩa nhân có đặng keo sơn/ Bền lòng son sắt ắt đẹp duyên hương/ Chớ thiếp luôn chiều chồng/ Mới nên duyên chồng vợ/ Xin chàng chớ quên em/ Ấy là duyên nợ con sam…/ Ấy là duyên nợ con sam...”.

Bài ca có bốn lời, lời dân gian miêu tả thói quen, tập quán của sam (Sông sâu nước chảy có nguồn/ Con sam có cặp theo luồng nước sông) và đặc thù hình dáng (Mình đồng chân sắt mắt lại trên lưng). Lời người chồng tri ân và nhắn nhủ người vợ (Uống nước thôi cầm chừng/ Đói no xin nhờ vợ ta đừng có theo ai). Lời người vợ khẳng định lòng mình và nhắn nhủ chồng (Chớ thiếp luôn chiều chồng/ Mới nên duyên chồng vợ/ Xin chàng chớ quên em). Kết lại là lời đồng vọng không phân biệt giọng của ai vì cùng hô ứng bền chặt trong tình nghĩa “con sam” (Ấy là duyên nợ con sam…/ Ấy là duyên nợ con sam...). Điệp khúc này cứ ngân nga luyến láy mãi như nhắn nhủ mọi người hãy chung thủy như đôi sam vậy!

image001.jpg -0
Hình minh họa "Sự tích con sam" trong Truyện cổ tích Việt Nam.

Truyền thuyết Khơ Me có “Chuyện con sam” kể, có một ông vua giàu có luống tuổi mới sinh được hoàng tử. Một hôm hoàng hậu đưa con đi chơi bị con garuda (tiếng Phạn cổ là chim thần) tha mất. Một thiếu nữ miền biển Nam Krès xin vua đi cứu. Con garuda định tới nơi thật xa để ăn mồi thì gặp bão nên đánh rơi hoàng tử xuống một hòn đảo. Thiếu nữ đến kịp thời và bảo hoàng tử ôm vào cổ để nàng bơi vượt biển. Đến giữa biển đột nhiên váy áo của nàng bị tuột. Xấu hổ, thẹn thò, nàng bơi lại lấy. Hoàng tử bị chết đuối, chìm dần. Nàng hoảng hốt lặn xuống cứu nhưng khi hoàng tử ôm lại vào cổ thì nàng kiệt sức... Họ hóa thành đôi sam!

Người Campuchia có thành ngữ “Không nên như con sam đực” chắc ít nhiều có mối liên hệ với chuyện cổ tích này. Ý nói là đàn ông đừng nên “bám váy” đàn bà! Còn không sẽ bị trả giá bằng cái chết như cậu hoàng tử nọ! Rõ ra cái chủ đề ca ngợi người nữ vị tha, gan dạ dũng cảm cứu người. Chủ đề “thiên nữ tính” khá đậm trong văn học Campuchia, quả thật, điệu múa apsara của dân tộc Khơ Me đã nổi tiếng thế giới!

Cổ tích Nhật Bản cũng có “Sự tích con sam” giống với truyện của ta nhưng chủ đề khác. Đôi vợ chồng nghèo nọ mới cưới chưa con cái rất yêu nhau nên suốt ngày quấn quýt. Người vợ rất chiều làm đủ việc thay chồng. Được đà anh chồng ỷ lại làm nũng, chỉ biết bám vào vợ... Nhờ người vợ tháo vát, đảm đang, khỏe mạnh, nhất là có ý chí, nghị lực làm giàu nên gia đình dần khấm khá có của ăn của để. Nhưng anh chồng cứ ngày một sinh hư, không chỉ yếu về sức lực vì không quen lao động mà còn yếu đuối cả về tinh thần. Mọi việc vợ quán xuyến hết. Thậm chí đi đâu xa anh ta còn bắt vợ cõng... Một hôm hai vợ chồng bơi thuyền ra cửa biển chẳng may gặp bão. Họ chìm xuống. Anh chồng vẫn cố bám vào cổ vợ... Họ hóa thành đôi sam!

Rõ ràng câu chuyện này “tỉnh táo” hơn. Nó như dạy các cặp vợ chồng: yêu nhau là tốt, vì đó là nền móng của ngôi nhà hạnh phúc. Nhưng phải biết tự trọng, không dựa dẫm vào người mình yêu. Anh chồng này yêu vợ nhưng chỉ biết dựa vào vợ, ăn bám vợ. Người vợ yêu chồng nhưng không biết “dạy chồng”. “Có chí thì nên” là một luận đề mang tính giáo dục đậm nét trong thế giới cổ tích Nhật Bản. Nó răn dạy con người biết kiên trì, vượt khó để thành công. Truyện này cũng là một minh họa, nhưng cao hơn là nhắc nhở con người trong yêu thương, dù chiều chuộng nhau cũng phải biết giúp nhau có thêm ý chí nghị lực. Nếu không sẽ thất bại đau đớn!

Đặc trưng của sam, ngoài luôn “cặp díp” chồng vợ còn có những nét lạ là mắt ở trên lưng và máu màu xanh. Con sam còn để làm thuốc chữa bệnh, chữa trị chứng ngứa lở cho trẻ em, ho suyễn cho người già,... rất công hiệu. Máu sam thường dành cho người suy dinh dưỡng.

Dựa vào những nét nghĩa này cư dân ven biển Thái Lan có “Sự tích con sam” kể đôi vợ chồng nọ yêu thương nhau. Người chồng từng bị tai nạn nhưng được cứu thoát kịp thời nên rất mộ Phật. Họ ăn chay trường, luôn làm công đức, sống tình nghĩa với dân làng, hay giúp kẻ khốn khó. Cứ mỗi buổi chiều ra ngồi trước cửa hai vợ chồng cùng ngước lên trời ngắm những đám mây hình Phật. Một lần đi vãng cảnh chùa xa, qua cầu chẳng may họ bị rơi xuống sông. Người vợ để chồng ôm vào lưng rồi cố bơi vào bờ nhưng không thành. Cả hai chìm xuống...

Phật tổ thương hóa kiếp cho họ thành đôi sam mãi mãi bên nhau. Vì sống dưới đáy sông nên Phật cho họ thêm đôi mắt trên lưng để nhìn ngắm Phật như lúc họ sống. Máu xanh là lúc sống họ ăn chay trường... Y học hiện đại thì lại chứng minh máu sam không chỉ là vị thuốc bổ mà còn có sức kháng khuẩn mạnh!

Từ khóa » Bám Chặt Như Sam