Con Trai Nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu: 'Bố Dặn Biết ơn Triệu ...

Con trai nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: Bố dặn biết ơn triệu người ngã xuống - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia buồn cùng với gia đình nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại lễ an táng tổ chức ở nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Lễ truy điệu và an táng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã được tổ chức trọng thể, trang nghiêm vào chiều 15-8. Thi hài của ông được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, bên cạnh nhiều bậc tiền bối cách mạng và các liệt sĩ của thủ đô Hà Nội.

"Tiếp bước bố, anh em con nhập ngũ..."

"Xin cảm ơn nhân dân đã tạm hoãn các hoạt động vui chơi, giải trí để thực hiện lễ quốc tang" - trưởng nam Lê Minh Diễn của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nói.

Tại lễ truy điệu, xin phép được có "đôi lời tiễn biệt" người cha đáng kính, anh Diễn nghẹn ngào: "Con sinh ra đã quen với sự vắng mặt của bố. Ký ức tuổi thơ của con chỉ là những đợt sơ tán trước những trận bom, những buổi tối mắt nhắm mắt mở lên nhà rồi lại xuống hầm. Chúng con đã quen với những trận mưa bão, nhà tốc mái, bung cửa, gió lùa vào mọi ngóc ngách trong căn nhà vách đất phải chống chọi với mưa bão, chỉ có mẹ và bốn bà cháu".

Là con của một vị tướng suốt đời trận mạc, "những ý niệm của con về bố chỉ là chú bộ đội đang đi chiến trường chẳng biết bao giờ mới về. Chiến tranh kết thúc, bố chỉ về phép như bao người lính rồi lại lên đường với cuộc chiến ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế. Tiếp bước bố, anh em con nhập ngũ, trở thành người lính. Con ra biên giới".

Tự hào về người cha "bộ đội Cụ Hồ", anh Diễn nói: "Khi đến thăm thành cổ Quảng Trị, nghe kể về cuộc chiến ở đây, con cũng cảm nhận được phần nào sự khốc liệt của chiến tranh. Mọi sự sống và cái chết giành giật từng ngày từng giờ. Đường 9 Nam Lào, Khe Sanh, chiến trường Trị - Thiên, nơi nào cũng in đậm dấu chân của bố".

"Bố vẫn nói với chúng con rằng được như ngày hôm nay phải biết ơn hàng triệu người đã ngã xuống, hàng ngàn gia đình mất người thân, nhiều ngàn người đã không còn nguyên vẹn thân thể khi trở về, di chứng chiến tranh còn theo họ và gia đình họ đến tận bây giờ.

Bố dặn chúng con phải luôn gần gũi với dân, phải sống xứng đáng với những đóng góp và hi sinh của nhân dân, dù ở bất kỳ cương vị nào" - trưởng nam của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu rưng rưng.

Đề cập đến di nguyện cuối cùng của bố, anh Diễn nói: "Con xin lỗi bố, con đã không thực hiện được ý nguyện của bố là rải tro cốt xuống ba dòng sông nơi gắn liền với nhiều kỷ niệm của cuộc đời bố. Do dịch bệnh, con không thể kéo dài thời gian tang lễ ảnh hưởng đến mọi người. Chắc là bố sẽ hiểu và thông cảm cho con".

"Con mong bố thanh thản về với cõi vĩnh hằng. Nơi đó không còn chiến tranh. Nơi đó luôn ấm tình đồng đội. Bố ra đi để lại trong con dấu ấn của một thế hệ xả thân vì nước, vì dân, dấu ấn của một thời trọn vẹn hi sinh. Bố ra đi để lại nơi này dấu chân qua các cuộc chiến, dấu chân người lính" - anh Diễn nói lời cuối trước linh cữu bố.

Người mang "phẩm chất cao quý bộ đội Cụ Hồ"

Đọc điếu văn trước khi tiễn nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu về đất mẹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xúc động tưởng nhớ người đảng viên cộng sản trung kiên đã suốt đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Ông khẳng định mất mát này là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân ta và với đồng đội, đồng chí, gia quyến, để lại niềm tiếc thương đối với bạn bè quốc tế.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, mới 16 tuổi đã giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào bình dân học vụ, khi 18 tuổi chàng thanh niên Lê Khả Phiêu trở thành đảng viên cộng sản và tham gia quân đội. Dấu chân của ông in lên khắp các chiến trường Đông Dương, ở những nơi chiến tranh ác liệt nhất.

"Trong mọi hoàn cảnh, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, chiến trường nào, đồng chí luôn luôn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; chiến đấu và chỉ huy chiến đấu; xây dựng lực lượng quân đội đoàn kết nội bộ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; thể hiện phẩm chất cao quý của bộ đội Cụ Hồ.

Trên cương vị là phó tư lệnh về chính trị Mặt trận 719 làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, đồng chí là người lãnh đạo, người chỉ huy từ những trận đánh đầu tiên, phối hợp chặt chẽ với lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ Khmer diệt chủng, đóng góp công sức giúp đất nước chùa tháp hồi sinh" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trên cương vị tổng bí thư, với những kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí Lê Khả Phiêu đã thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, trong mỗi giai đoạn cách mạng, đồng chí đều nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, luôn thương yêu đồng bào, đồng chí, đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên hết.

Những năm gần đây, mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhưng đồng chí Lê Khả Phiêu vẫn đóng góp nhiều ý kiến cho Đảng, Nhà nước và quân đội. Đồng chí là nhà lãnh đạo đầy nhiệt huyết, có trách nhiệm cao với Đảng, với dân, với nước, với quân đội.

"Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ cả nước học tập và noi theo. Trong gia đình, đồng chí là người chồng, người cha, người ông sống giản dị, mẫu mực, giàu đức hi sinh, lòng nhân ái" - Thủ tướng xúc động, nói lời vĩnh biệt và hứa "nguyện đoàn kết một lòng, đi theo con đường cách mạng của Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn".

Đông đảo người dân thủ đô đã đứng hai bên tuyến đường đoàn xe tang đi qua để tiễn biệt nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu - nhà lãnh đạo tài năng đức độ, cả cuộc đời vì dân, vì nước, tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

Trên 11.000 người viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu

Hai ngày tổ chức lễ quốc tang có 946 đoàn, số lượng trên 11.000 người đã đến viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, trong đó có 2 đoàn đại biểu cấp cao của Campuchia và Lào đã đến thủ đô Hà Nội viếng, thăm hỏi và chia buồn với Đảng, Nhà nước Việt Nam và gia quyến nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.

Nhớ về anh Năm

lexahoi 1(read-only)

Thiếu tướng Lê Xã Hội - Ảnh: TIẾN TRÌNH

"Khi là tổng bí thư rồi, không ngờ anh Năm về còn gọi tôi đến, anh quan tâm như người anh trong nhà" - tướng Lê Xã Hội kể về thủ trưởng cũ.

Vừa viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu về, thiếu tướng Lê Xã Hội (nguyên tư lệnh, tham mưu trưởng Quân khu 9) nhớ về người thủ trưởng, người anh vừa nghiêm khắc vừa bình dị.

"Nghe tin anh Năm (nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu) mất, tôi buồn không tả được", giọng thâm trầm, thiếu tướng Lê Xã Hội nhớ về nguyên thượng tướng - Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, người mà ông coi là thủ trưởng mẫu mực, người anh sống nghĩa tình, luôn quan tâm đến cấp dưới.

Ông nói tướng Lê Khả Phiêu được biết đến trong quân đội là người lính chiến trường, nhất là lúc ông làm trung đoàn trưởng cầm quân ra trận mạc ở mặt trận Quảng Trị - Thừa Thiên Huế. "Anh Năm quan tâm từ cấp dưới đến người dân. Ở trong nước hay sang Campuchia anh ấy cũng vậy - tướng Hội nhớ - Lúc sang Campuchia, tôi lúc ấy là sư trưởng sư đoàn 4.

Có lần gặp ảnh, tôi "cự nự": "Anh cứ phân công tôi đi làm dân vận hoài vậy sao được anh Năm?". Lúc này, tướng Lê Khả Phiêu ôn tồn: "Đồng chí đánh diệt bao nhiêu quân diệt chủng Pol Pot cũng được, nhưng không được lòng dân thì chiến tranh không bao giờ chấm dứt. Diệt địch chỉ là phương thức thôi. Cái chính là yên dân".

Thực tế, những năm tháng chiến đấu ác liệt đánh quân diệt chủng, bộ đội tình nguyện Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của người dân Campuchia cũng từ chính sách gần dân đó.

Khi sư đoàn 4 của tướng Hội được phong anh hùng, tướng Lê Khả Phiêu xuống dự, lại phân công thêm nhiệm vụ: "Đồng chí biết tiếng Campuchia, nên vừa chiến đấu, phải vừa xây dựng sao cho bạn đủ mạnh, đủ sức trụ lại mới được về...".

"Anh Năm là người nguyên tắc nhưng rất tình cảm, quan tâm cấp dưới. Khi nào có dịp gặp Năm Phúc, Bảy Thành, Hai Dương Tử... thì ảnh hỏi thăm tôi và ngược lại. Cũng nhờ đó mà ảnh có thông tin về "lính" cũ. Khi làm đến tổng bí thư rồi ảnh vẫn vậy. Có lần về, ảnh cho người gọi tôi đến. Tôi ngạc nhiên khi nghe ảnh hỏi: "Thằng Hội, vợ mày mất rồi mày có cưới vợ nữa không?".

"Anh Năm là người có tầm nhìn xa, bản lĩnh vững vàng, lại là người sống trọn với chữ tình. Là cấp trên nhưng anh ấy luôn quan tâm và hiểu cấp dưới" - tướng Lê Xã Hội rưng rưng nhắc về vị thủ trưởng cũ.

TIẾN TRÌNH ghi

Tiễn đưa nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu về miền cao xanh Tiễn đưa nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu về miền cao xanh

TTO - Lễ an táng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu bắt đầu lúc 14h hôm nay (15-8). Thi hài nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu được gia đình và tổ chức đồng ý an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội, an nghỉ bên nhiều vị lãnh đạo tiền bối của Đảng.

Từ khóa » Tổng Bt Lê Khả Phiêu