CON TRÂU LÀ ĐẦU CƠ NGHIỆP - Góc Trời Viễn Xứ
Có thể bạn quan tâm
Xin giới thiệu quý độc giả GTVX bài viết của BS nhà văn Nguyễn Xuân Quang trong blog wordpress.com Nguyễn Xuân Quang.
Chúng ta là Lạc Việt con cháu Lạc Long Quân, Âu Cơ Mặt trời dòng Nước, làm ruộng nước Lạc điền, trồng lúa nước. Một con vật cốt yếu mà nhà nông Việt Nam không thể thiếu được là con trâu: Làm ruộng không trâu, làm giầu không thóc. Lạc Việt làm ruộng nước cách đây hàng mấy ngàn năm, nông nghiệp được coi là công việc của “nghiệp nhà”, của tổ tiên, của cha mẹ như ta thấy qua từ Việt ngữ gọi việc làm ruộng là công việc “đồng áng”, công việc của của mẹ cha, tổ tiên ta Việt ruộng nước: Trâu ơi, ta bảo trâu này, Trâu ra ngoài ruộng, trâu cầy với ta, Cấy cầy vốn nghiệp nông gia, Ta đây trâu đấy, ai mà quản công. Bao giờ cây lúa còn bông, Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn. Con trâu là tay chân của nhà nông làm ruộng nước, nhất là cầy bừa ở những ruộng sâu tức ruộng chiêm nhiều nước, mà lại phải cầy vỡ đất vào lúc mùa đông tháng giá thì phải cần tới một con vật thật khỏe mạnh là con trâu, con bò không làm nổi: Đồng chiêm xin chớ nuôi bò, Mùa đông tháng giá bò dò làm sao. Không những bò mà ngay cả trâu nái ruộng sâu cũng làm không nổi: Ruộng sâu, trâu nái. So với bò, trâu khỏe hơn nhiều: Trâu gầy cũng tầy bò giống. Hay Yếu trâu cũng bằng bò khỏe. Trâu con còn non gọi là trâu he cũng ngang sức với bò khỏe: Trâu he cũng bằng bò khỏe. Hay Trâu năm sáu tuổi còn nhanh, Bò năm sáu tuổi đã tranh về già. Con trâu là tay chân và niềm mơ ước một đời của nhà nông Việt Nam, là khởi đầu sự nghiệp của nhà nông: Con trâu là đầu cơ nghiệp. Vì thế tậu trâu, tìm một con trâu lý tưởng mà mua để làm ruộng là cả một vấn đề trọng đại. Chợ gia súc Sapa (ảnh của tác giả). Cái kinh nghiệm chọn mua trâu qua việc xem tướng con trâu đã được lưu truyền từ đời này qua đời nọ, còn được ghi lại rất nhiều trong túi khôn dân gian Việt Nam là ca dao tục ngữ. Nhà nông xem tướng con trâu từ đầu đến đuôi. Có một điểm, có lẽ là trùng hợp, nhưng rất lý thú là tướng trâu nhiều khi cũng trùng với tướng người. Bây giờ chúng ta hãy cùng nhà nông đi mua một con trâu. Chúng ta sẽ xem tướng từ đầu tới đuôi để chọn một con trâu lý tưởng cho việc đồng áng. Xem tướng đầu con trâu. Cũng giống người, đầu trâu phải có tướng oai phong, bệ vệ, thanh cao. Đầu phải ngóc cao hơn hơn phần mông sau, phải “ngửng mặt nhìn đời”, không lúi cúi chỉ biết gậm cỏ. Những con trâu nào có cái đầu trông thanh cao và ngửng cao hơn phía sau, thì là trâu mua được: Đầu thanh cao, rào thấp hậu, chẳng tậu thì sao. Tướng Sừng Đầu trông oai vệ, hùng dũng chính là nhờ cặp sừng. Con trâu tên cổ gọi là con “sửu”. Tuổi sửu là tuổi trâu. Tên sửu gọi theo cái sừng. Sửu biến âm với “sẩu”, “xẩu” có nghĩa là sừng như thấy qua bài đồng dao rồng rắn: Xin khúc đầu những xương cùng sẩu, Xin khúc giữa những máu cùng mê, Xin khúc đuôi, tha hồ mà đuổi… Cặp sừng phải to lớn, dang rộng ra như cánh chim cắt, tức chim phượng hoàng đất mới là trâu tốt: Sừng cánh cắt, mắt ông voi. Hiển nhiên cặp sừng là cái dũng khí của loài trâu, nó biểu tượng cái hùng tính của con trâu đực. Cặp sừng là khí giới chính của loài trâu. Trâu là loài “báng bổ” dùng cặp sừng để tự vệ và tấn công. Những con trâu mà sừng sà xuống là tướng trâu xấu: Sà sừng, mắt lại nhỏ con, Vụng giàn chậm chạp, ai còn nuôi chi. “Vụng giàn” là vụng về trong giàn cầy. Cũng vì trời cho trâu cặp sừng làm khí giới, trâu không cần dùng miệng để cắn cho nên trời đã sinh ra loài trâu không có hàm răng trên: Đã có sừng thì đừng hàm trên. Cũng vì cặp sừng tiêu biểu cho hùng tính nên nhìn vào cặp sừng ta có thể biết được sức mạnh và tính tình con trâu. Ta có thể biết con trâu còn mang tính trâu rừng rú hay đã là con tính thuần thục. Sừng trâu rừng thường vểnh cong và hẹp trông như hình chữ U viết hoa. Vì thế trâu có cặp sừng vểnh lên là trâu còn mang tính trâu hoang, trâu rừng, mua về nuôi có ngày mang tai mang họa: Vểnh sừng, tóc chóp, cửa nhà mang tai. Con trâu còn mang tính hung bạo nhiều khi nổi khùng như trâu điên húc người, chém người thường có cặp sừng nhọn sắc như vạc như đẽo nhọn: Trâu ác, vạc sừng. Trâu ác tính hung hăng hay húc cũng thường hay mài sừng cho nhọn giống như một tay đao phủ mài mã tấu như ta thấy qua câu thơ, nếu tôi nhớ không lầm là của một nhà thơ họ Tôn: Mài sừng cho lắm cũng là trâu, Nghĩ lại mà xem thật lớn đầu. Sừng trâu thuần thục trông phải to, bệ vệ và mở rộng ra, không sắc nhọn cong như lưỡi dao lưỡi kiếm mà cong vòng lên mở rộng ra như vòng tay mở ra để chào đón, ôm ấp. Trâu có sừng loại này dĩ nhiên nên mua về nuôi: Sừng to, móng hến thì nuôi đúng rồi. Tướng Đầu Tóc Sau cái sừng ta phải xem tướng đầu tóc. Trâu có một chùm lông trên đầu gọi là “tóc chóp”. Bò có lông như cái mũ tang chụp trên đầu gọi là “mũ mấn”, trâu bò loại này là loại có “chóp mào” hãy còn mang hung tính không thuần tính, là loại trâu bò xấu, không nên nuôi: Trâu tóc chóp, bò mũ mấn. Một cách xem tướng ở trên đầu trâu nữa để xem trâu tốt hay xấu là xem khoáy hay xoáy trên đầu, trên trán trâu. Cần phải xem thật kỹ xem trâu có xoáy hay không. Nhà nông Việt Nam qua kinh nghiệm tin rằng trâu có khoáy ở đầu là trâu bướng bỉnh, khó dậy, không thuần, khó dùng vào việc cầy bừa phải tránh nuôi. Có ba loại xoáy nhà nông cho là trâu xấu gọi là tam tinh. Đó là xoáy ở cuối chân sừng, ở giữa sỏ và ở cạnh tai. Ba xoáy này là xoáy tam tinh, đây là ba dấu hiệu nhà nông cho là rất xấu, rất độc, làm hại chủ vì thế mới có câu: Tam tinh khoáy sọ thì chừa, Đốm đuôi nát chủ thì đưa vào nồi. Nếu ở cổ chỗ đeo ách, chỗ chằng cái ách vào mà có một đường lông trắng vòng quanh cổ thì gọi là “chằng ách” thì lại càng nguy hiểm có thể mang tai ách cho chủ: Khoáy sừng, khoáy sỏ, khoáy tai, Tam tinh, chằng ách làm tai chúa nhà. Trâu có xoáy trán là trâu bướng bỉnh cũng áp dụng cho người. Trẻ con có xoáy ở trán thường gọi là “xoáy trâu liếm” và cũng cho là hay báng bổ, cứng đầu. Ngược lại đầu trâu mà có đốm được cho là loài trâu tốt: Đốm đầu thì nuôi, Đốm đuôi thì thịt. Tướng Trán Con trâu có cái trán vuông như cái bánh chưng và lưng cong lên như lưng tôm càng là tướng trâu mạnh và tốt: Trán bánh chưng, lưng tôm càng. Trâu có vết lang trắng ở trán cũng là trâu tốt nên mua về dùng vào việc cầy bừa: Lang đuôi thì bán, lang trán thì cầy. Tướng Tai Kế đến là xem tướng tai trâu: Cái tai trâu phải to phải lớn, mắt phải to mới là tướng trâu quí mua được: Tai lá mít, đít lồng bàn. hay Vành mồm trắng mắt, tai to, Hễ thưa lông bụng, móng hài cũng mua. Điểm tai to này ở trâu cũng giống tướng tai, mắt ở người. Những người “tai to mặt lớn” khác với những người “mặt dơi tai chuột”. Những người mắt to khác với những người mắt ti hí mà dân dã Việt Nam tin là: Những người ti hí mắt lươn, Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người. Ngược lại trâu mà có vết vân vân ở trong tai như cái hoa tai và bò sừng sần sùi, có gai thì là trâu bò xấu hại cho chủ: Trâu hoa tai, bò gai sừng. Trâu có hoa tai không biết rõ tại sao không tốt, còn bò gai sừng thì rõ là bò còn mang tính rừng rú nên sừng còn gai góc sắc nhọn. Đây là loài bò hãy còn “đầu bò đầu bướu” khó trị hãy còn ưa “ húc”. Tướng mắt Mắt trâu phải to như cái bánh rán: Mắt bánh rán, trán bánh chưng, lưng tôm càng. hay như trên đã thấy mắt phải to như mắt ông voi: Sừng cánh cắt, mắt ông voi. còn mắt nhỏ không nên nuôi: Sà sừng, mắt lại nhỏ con, Vụng giàn chậm chạp, ai còn nuôi chi. Mắt phải trắng: Vành mồm, trắng mắt, tai to. Tướng Miệng, Mõm Trâu Miệng trâu phải rộng và vành lên mang tai như thấy ở trên gọi là “vành mồm” mới là trâu tốt. Trâu miệng rộng cũng giống đàn ông “miệng rộng thì sang”. Miệng rộng, mõm phải dài như cái giỏ mới là trâu tốt: Thưa lông, mọng da, mõm giỏ. Trâu thưa lông bụng cũng tin là trâu tốt. Nếu có được các tính tốt này mà móng trâu như trông như cái hài của phái nữ – nghĩa là không tốt bằng móng hến – nhưng cũng vẫn mua được như thấy qua câu: Vành mồm, trắng mắt, to tai, Hễ thưa lông bụng, móng hài cũng mua. Miệng trâu hàm nghiến chặt lại là trâu xấu: Trâu nghiến hàm, bò bạch thiệt. Trâu có hàm nghiến là trâu xấu giống như bò có lưỡi trắng là bò xấu. Xem tướng miệng thì phải xem cả tướng lưỡi. Trâu có lưỡi đốm xanh tím lợt như màu hoa cà cũng như trâu có sừng cong vểnh lên trời, có hàm nghiến lại và có mào “tóc chóp” mua đem về nuôi sẽ tán gia bại sản: Hàm nghiến, lưỡi đốm hoa cà, Vểnh sừng, tóc chóp, cửa nhà mang tai. Xem Tướng Cổ Trâu có cổ thon vươn dài ra như cổ cò là trâu tốt trong khi đó cổ bò ngắn rộng, to như cổ vại mới là loại bò tốt: Trâu cổ cò, bò cổ vại. Coi Tướng Vai Vai trâu phải to tròn như cái nồi đồng mới là trâu tốt: Vai nồi đồng, mông cối lỗ. Vai trước của con trâu phải cao và phía thân sau của trâu phải thấp thì trâu nới có thế kéo cầy được mạnh: Cao đầu thấp hậu thì tậu liền tay. Phía trước vai phải cao lên gọi là “dậy tiền” mới kéo cầy mạnh, hốc vai phải lõm sâu mới dễ bám ách kéo cầy vào gọi là “sâu vai”, phía sau phải “nở hậu” nghĩa là có mông lớn, hai chân sau mở rộng ra thật vững chãi gọi là “khai hậu”, những con trâu có các đặc tính này rất tốt cho việc cầy bừa: Cao vây, dậy tiền, sâu vai, khai hậu. Còn ngược lại “tiền thấp hậu cao”: phía vai trước thấp, phía sau mông lại cao, trâu đi như chúi xuống thì cầy bừa thật khó khăn: Lại thêm tiền thấp, hậu cao, Đuôi chùng quá gối thì nào được đâu. Tướng Lưng Trâu phải có lưng cong vòng lên như lưng tôm càng mới dễ kéo cầy, mới là trâu tốt: Trán bánh chưng, lưng tôm càng. Sống lưng không được lớn quá, lộ rõ ra, vì trơ xương sống xương sườn ra là trâu gầy trâu ốm, sống lưng phải nổi cao lên nhưng nhỏ và thanh như vây cá mới cầy giỏi: Cao vây, nhỏ sống thì rộng đường cầy. Tướng Bụng Trâu có lông bụng thưa là trâu tốt: Vành mồm, trắng mắt, to tai, Hễ thưa lông bụng, móng hài cũng mua. tướng lông bụng này cũng giống ở người, dân dã Việt Nam cho rằng đàn ông Việt Nam mà có lông bụng là người không tốt. Tướng Dò, Cẳng Bốn cái chân con trâu có lẽ là phần quan trọng nhất. Trâu to xác và nặng nề đi đứng chập chạp, đi không đã chậm chạp nặng nhọc rồi mà còn phải kéo cầy kéo bừa ở ruộng ngập đầy bùn nước, trơn trượt thì bắt buộc phải cần có bốn cái chân thật vững thật khoẻ vì thế xem tướng chân trâu là một điểm không thể thiếu xót khi đi mua trâu. Nhà nông so sánh việc xem tướng chân trâu như đi lấy vợ xem nòi: Mua trâu xem vó, lấy vợ xem nòi. hay so sánh với việc mua chó: Mua trâu xem vó, mua chó xem chân. Chân trâu cần khỏe để đi cầy bừa tốt. Chân chó cần lớn và có “tức túc huyền đề” là loại chó tốt. Trâu cần phải có cặp đùi to khoẻ mới kéo cầy giỏi. Ta cũng thường nghe nói câu “xem giò xem cẳng” áp dụng cả cho người. Trâu có cặp đùi to khoẻ, mập gọi là “chùng đùi”. Thứ đến là ống chân phải săn chắc, thắt lại nghĩa là vững mạnh gọi là “thắt quản”. Móng chân trâu phải nhỏ chiều ngang to hơn chiều dài trông như cái vỏ hến vỏ sò gọi là “móng hến” thì trâu mới tốt: Chùng đùi, thắt quản, ngắn đuôi, Sừng to, móng hến thì nuôi đúng rồi. Ngược lại ống cẳng chân mà to, móng chân to dài như cái hài phụ nữ thì không kéo cầy nổi, rất yếu: Chân to bàn rộng kéo cầy làm sao. Tướng Đuôi Đuôi thì phải ngắn không chấm tới kheo sau thì mới là trâu tốt. Như trên đã thấy: Chùng đùi, thắt quản, ngắn đuôi, Sừng to, móng hến thì nuôi đúng rồi. Trâu mà đuôi dài thườn thượt chấm đất thì vô tích sự: Đuôi chùng quá gối thì nào được đâu. Đuôi dài quá gối chấm bùn và vướng vất trong lúc đi cầy. Ngoài ra đuôi phải gọn, mượt thì mới là một thứ dùng xua ruồi muỗi mới hữu hiệu, còn nếu trâu có đuôi xù như một bó rễ hay như một cành lá rủ trễ xuống là trâu không tốt: Thứ nhất bó rễ, thứ nhì trễ cành. Ngoài ra đuôi có đốm lang trắng thì không nên giữ lại nuôi: Lang đuôi thì bán, lang trán thì nuôi. hay Đốm đầu thì nuôi, Đốm đuôi thì thịt. Trên đây ta đã xem tướng từ đầu tới đuôi con trâu để mua một con trâu lý tưởng cho việc cầy bừa. Bây giờ ta xét tới con trâu nuôi làm thịt. Người Việt ít ăn thịt trâu. Nuôi trâu cốt để cầy đồng chứ không phải nuôi trâu lấy thịt ăn. Tại sao như vậy? Có nhiều lý do. Trước hết con trâu vận động, làm việc lao động nặng nhọc thịt săn lại, rắn chắc nên thịt ăn rất dai. Điều này cũng thấy rõ ở con gà. Gà thả rong có người gọi là “gà đi bộ” là gà dai, thịt ăn không bở như gà Mỹ nuôi bị nhốt trong chuồng. Người Nhật ở tỉnh Kobe cũng rút tỉa kinh nghiệm này đem áp dụng vào việc nuôi bò. Bò Kobe được nuôi trong nhà, cho uống bia và được tẩm quất hàng ngày nên thịt rất mềm. Thịt bò Kobe nổi tiếng ngon và cũng nổi tiếng đắt tiền. Một điểm nữa, thịt trâu dai vì chỉ những con trâu già hay trâu không còn dùng được vào việc cầy bừa được nữa gọi là “ trâu quá sá” mới đem làm thịt bán: Trâu quá sá, mạ quá thì. Vì thế thịt trâu thường dai, cứng hơn thịt bò. Con trai mới lấy vợ mà phải ở nhà vợ làm bếp núc thì “làm rể chớ nấu thịt trâu”, nếu không thì thể nào cũng bị chê trách. Do đó thịt trâu chỉ dùng nấu mấy món ninh nhừ hay kho nhừ ăn mới ngon, trong khi thịt bò có thể ăn tái: Trâu thì kho, bò thì tái. Muống thì vừa, cải thì nhừ. Và thịt bò tái như bê thui, phở tái, bò tái chanh… là những món ngon: Thứ nhất thịt bò tái, thứ nhì gái đương tơ. Thịt trâu không những dai mà còn gây hơn thịt bò. Loài thú gây nhiều, oi nhiều, loài cá tanh nhiều vì có nhiều dầu mỡ, nhiều mồ hôi. Có lẽ con trâu lao động nhiều phải đổ mồ hôi nhiều nên thịt trâu gây hơn thịt bò. Vì thế ăn thịt trâu phải ướp thêm nhiều gia vị nhất là tỏi: Ăn thịt trâu không có tỏi, Như ăn gỏi không có lá mơ. Trâu đem bán làm thịt thường là trâu gầy: Trâu thịt thì gầy, trâu cầy thì béo. Mới nghe qua có vẻ tréo cẳng ngỗng, trâu thịt đáng lẽ phài là trâu béo nhiều thịt mới đứng chứ? Không phải như vậy. Nếu muốn mua trâu về cốt chỉ nuôi làm thịt thì phải mua trâu gầy, vì sao? Vì trâu gầy ốm không dùng được vào việc cầy bừa nên mới bị đem đi bán để nuôi cho mập làm thịt. Trâu gầy là trâu vô dụng nên giá rất rẻ mua về nuôi mập đem bán thịt sẽ có lời. Dĩ nhiên trâu béo khoẻ để cầy bừa chẳng ai nỡ làm thịt mà bán thịt cũng không lợi bằng để cầy bừa. Hơn nữa muốn mua trâu về cầy bừa thì phải mua con trâu béo mập khỏe mạnh mới dùng ngay vào việc đồng ruộng được, còn mua trâu gầy thì phải đợi nuôi cho béo khỏe, phải chờ đợi mất một thời gian lâu dài. Chính vì thế mới có câu “Trâu thịt thì gầy, trâu cầy thì béo” là vậy. Một lý do nữa là người Việt ít ăn thịt trâu nhất là ở vùng đồng ruộng miền Nam, trâu được coi là một con vật có nghĩa, nên nhà nông không nỡ giết trâu bán thịt, không ăn thịt trâu. Nhưng lý do chính yếu là vì con trâu là vật tổ của Lạc Việt ruộng nước Lạc Long Quân Mặt trời nước thấy qua truyền thuyết con Trâu Vàng Kim Ngưu (xem dưới). Chúng ta không ăn thịt vật tổ. Đây là điều kiêng cữ cấm kỵ tiếng cổ Việt gọi là “hèm” (theo h = kh như hì hì = khì khì, hèm = khem; khem là kiêng cữ, kiêng khem). Cũng chính vì lý do nầy người Việt ít ăn thịt trâu và nói tránh đi là ăn thịt trâu dễ bị phong. Trong Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt, tôi đã khám phá ra tên của Lạc Long Quân là Sùng Lãm có một nghĩa là Sừng Lầm là con vật có Sừng sống ở chỗ đầm lầy hay là Sừng Lã là con thú có Sừng sống được ở dưới nước là con Trâu. Lạc Việt Lạc Long Quân ruộng nước có vật biểu là con trâu nước vì thế chúng ta không ăn thịt trâu. Con trâu không những là một con vật cốt yếu của nhà nông Việt Nam mà còn là vật tổ của Lạc Việt ruộng nuớc. Con trâu đã đi vào huyền thoại của chúng ta như sự tích con Trâu Vàng ở huyện Tiên Du, Vũng Trâu Đầm Hồ Tây, như núi Trâu Sơn nơi Phù Đổng thiên vương phá giặc Ân, như truyện thằng cuội giết trâu lấy đuôi cắm vào lỗ nẻ nói dối chú là con trâu chui xuống đất và vì nói dối nên bị bay lên ở trên cung trăng: Thằng cuội ngồi gốc cây đa, Để trâu ăn lúa gội cha ời ời. Cha còn cắt cỏ trên giời, Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên. Có truyện cổ tích nói rằng ngày xưa con trâu cũng biết nói tiếng người. Rồi đến một lúc có một thằng chăn trâu ham đánh đinh đánh đáo, cột trâu vào một chỗ không cho ăn. Trâu bị bỏ đói nên trâu ốm o gầy còm. Thằng chăn trâu che mắt chủ lấy mo cau buộc vào bụng trâu rồi trét bùn lên. Tối tối dẫn trâu về chuồng nó nói dối là đã cho trâu ăn no cành bụng. Được một dịp may, con trâu bèn mách chủ: No gì mà no, Trong mo ngoài đất, Đánh cật chịu đòn. Buộc gốc bò hòn, Đánh đinh đánh đáo. Thằng chăn trâu tức giận lấy cây nhang yểm vào lỗ mũi trâu từ đó trâu không còn nói được nữa. Như truyện chọi trâu của Trạng Quỳnh và còn rất nhiều nữa… Con Trâu Vàng Kim Ngưu là một vật tổ của Lạc Việt ruộng nước, Lạc Long Quân mặt trời-nước của chúng ta…
(Trích trong Ca Dao Tục Nagữ Tinh Hoa Dân Việt).
LEAVE A REPLY Cancel reply
Please enter your comment! Please enter your name here You have entered an incorrect email address! Please enter your email address hereSave my name, email, and website in this browser for the next time I comment.
Thống kê người truy cập
Total Visit : 1422774 |
Mới Nhất
UncategorizedTâm an đời thường
Biên KhảoNGƯỜI NHỚ KHÔNG
Âm Nhạc - Văn NghệCánh Hạc Bay
Front pageI- Gốc rễ của khổ là do bản ngã/”self”.
Biên Khảo ABOUT USChúng tôi xin cảm ơn quý bằng hữu và bạn đọc xa gần đã thăm viếng website “Góc Trời Viễn Xứ” của chúng tôi. Hy vọng GTVX sẽ mang đến cho quý vị một vài điều vui vẻ và hữu ích. Chúng tôi mong muốn có sự tham gia bài viết, những tác phẩm của quý vị cho trang web “Góc Trời Viễn Xứ” mỗi ngày thêm phong phú hơn. Quý vị có thể viết “comments” hay gởi bài và tác phẩm qua email: thomasle548794@gmail.com hay phone 253-468-1880. Chân thành cảm ơn.Contact us: thomasle548794@gmail.comTừ khóa » Bò Xoáy Lùi
-
Cách Xem Xoáy Tướng Bò Theo Kinh Nghiệm Các Cụ Ngày Xưa
-
Chọn Bò Lõ Trán Mà Nuôi - Dân Việt
-
Nuôi Bò Xem... Tướng! - THÔNG TIN KH&CN VĨNH LONG
-
Cùng Nhau Bàn Về Tướng Của Bò - Agriviet
-
Cách Xem Xoáy Tướng Bò Theo Kinh Nghiệm Các Cụ Ngày Xưa
-
Xem Tướng Bò Bằng... Tay - Tiền Phong
-
Theo Chân Lái Bò - Báo Đồng Nai điện Tử
-
Lái Bò Khét Tiếng - Báo Người Lao động
-
Bò... Tân Trang! - Báo Người Lao động
-
Đoán Tính Cách Và Vận Mệnh đời Người Qua Xoáy Tóc - Báo Mới
-
Trà Gạo Lứt Lh: 0985290979 - Facebook