Con Trâu Là đầu Cơ Nghiệp
Có thể bạn quan tâm
Từ ngàn xưa, hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” đã trở nên quá đỗi quen thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam. Trong nền nông nghiệp lúa nước xưa, con trâu là đầu cơ nghiệp, gần gũi và gắn bó với đời sống của người nông dân.
Con trâu đi trước, cái cày theo sau
Trâu ơi, ta bảo trâu này Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta Cấy cày vốn nghiệp nông gia Ta đây trâu đấy ai mà quản công Bao giờ cây lúa còn bông Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
Chẳng biết tự bao giờ, con vật to khỏe, thân hình vạm vỡ ấy đã đi vào đời sống của người dân Việt Nam một cách bình dị và tự nhiên đến thế. Là nông dân chính hiệu, ông Bùi Văn Tần (67 tuổi), ngụ xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, đã quá đỗi quen thuộc với hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”.
Ông Bùi Văn Tần (bìa phải) nhớ lại những kỷ niệm về con trâu
Ông Tần chia sẻ, hình ảnh con trâu cần cù, chịu khó đã trở nên quá gần gũi đối với nông dân. Trâu to khỏe nên thường được giao “trọng trách” gánh vác những phần việc nặng nhọc giúp con người. Trên những cánh đồng, mặc cho thời tiết khắc nghiệt như thế nào đi chăng nữa, trâu vẫn cần mẫn cày, bừa, giúp tơi xốp đất, diệt cỏ dại, từ đó, nông dân sản xuất đạt năng suất cao hơn. Trong cuộc sống hàng ngày, con người còn tận dụng sức kéo của trâu để vận chuyển hàng hóa.
“Đáp lại sự giúp đỡ của trâu, con người cũng rất yêu quý loài vật này. Mỗi ngày, nông dân thường nhìn vào hông trâu để biết trâu đã ăn no chưa, nếu hông căng đầy thì trâu đã no. Sau mỗi vụ mùa kết thúc, nông dân sẽ bồi bổ để trâu lấy lại sức, thức ăn chính của trâu thời đó chủ yếu là rơm rạ và cỏ, trâu là loài vật dễ nuôi, mang nhiều lợi ích” – ông Tần nói.
Trước đây, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, một khi đã làm ruộng thì không thể thiếu con trâu. Hồi đó, máy cày chưa có nên trâu là phương tiện chủ lực trong sản xuất”. Ông Nguyễn Ngọc Khanh, ngụ xã Bình Tâm, TP.Tân An |
Trong ký ức của ông Nguyễn Ngọc Khanh (56 tuổi), ngụ xã Bình Tâm, TP.Tân An, hình ảnh con trâu trong đời sống nông nghiệp vẫn còn nguyên vẹn dù ngày nay, con vật này dần vắng bóng nơi thành thị. Ông Khanh kể lại: “Trước đây, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, một khi đã làm ruộng thì không thể thiếu con trâu. Hồi đó, máy cày chưa có nên trâu là phương tiện chủ lực trong sản xuất. Ngày trước, rất ít người làm trâu để lấy thịt, nếu có là do trâu chết già. Cũng có nhiều trường hợp khi trâu chết, người ta sẽ mang đi chôn chứ không ăn. Họ coi trâu như người bạn thân thiết nên rất yêu thương, đa số nông dân thời đó đều không ăn thịt trâu”.
“Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”
Theo ông Tần, không phải ngẫu nhiên mà con trâu được ông bà ta thời xưa ví von là “đầu cơ nghiệp” và đời người có 3 việc lớn phải trải qua là “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”.
Ông Tần chia sẻ: “Tậu trâu” là việc quan trọng nhất đối với nông dân. Ngày xưa, nông dân không có trâu thì cũng giống như người lính ra chiến trường mà không có vũ khí. Mỗi nhà phải cố gắng có được con trâu để chủ động trong công việc; làm ruộng mà không có trâu thì phải thuê của nhà khác, chính vì vậy mà ông bà ta hay nói “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Nông dân dựa vào sự giúp sức của trâu để làm ra hạt lúa, hạt gạo nuôi sống bản thân và gia đình, chính vì lẽ đó mà phải có trâu thì người đàn ông mới bắt đầu tính đến chuyện lập gia đình. Sau khi đã “tậu trâu, cưới vợ” thì vợ chồng mới cùng nhau lao động, sản xuất, dành dụm tiền của để “làm nhà”.
Không chỉ là “trợ thủ” đắc lực của nông dân mà trong tiềm thức của nhiều người, con trâu còn ngầm khẳng định vị thế của con người trong xã hội. Ông Khanh bộc bạch: “Ngày xưa, ở xã này chừng chục nhà có trâu nên người nào có con trâu là quý lắm. Vị thế, độ giàu có, khá giả của từng gia đình được tính dựa vào số lượng trâu mà họ sở hữu, nhà càng nhiều trâu chứng tỏ càng giàu. Hiện tại, có thể quan niệm “Con trâu là đầu cơ nghiệp” đã không còn phù hợp nữa nhưng ngẫm lại thì câu tục ngữ đó rất đúng trong đời sống xã hội ngày trước”.
Xã hội ngày càng phát triển kéo theo nhiều sự thay đổi. Hiện tại, nền nông nghiệp Việt Nam cũng dần hiện đại hóa, máy móc đã bắt đầu thay thế sức người và sức vật trên nhiều lĩnh vực. Hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” gần như không còn hiện hữu trên những cánh đồng ở Long An nhưng tin chắc rằng, trong suy nghĩ của mỗi người Việt Nam thì trâu vẫn mãi mãi là một phần ký ức không thể quên. Đối với trẻ nhỏ, con trâu gắn liền với bao kỷ niệm tuổi thơ; còn đối với người lớn, trâu không chỉ đơn thuần là con vật theo chân con người đi khai hoang, mở đất, là phương tiện hỗ trợ trong sản xuất mà hơn hết còn là người đồng hành, “người bạn” thân thiết của nông dân./.
Ngày xưa, nông dân mà không có trâu thì cũng giống như người lính ra chiến trường mà không có vũ khí. Nông dân dựa vào sự giúp sức của trâu để làm ra hạt lúa, hạt gạo nuôi sống bản thân và gia đình”. Ông Bùi Văn Tần, ngụ xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ |
Theo Báo Long An Online
Từ khóa » Hình ảnh Con Trâu đi Trước Cái Cày Theo Sau
-
Con Trâu đi Trước Cái Cày Theo Sau Là Nói đến Yếu Tố Nào Dưới đây ...
-
Con Trâu đi Trước Cái Cày Theo Sau Là Nói đến Yếu Tố Nào Dưới đây ...
-
'Con Trâu đi Trước Cái Cày Theo Sau'' Là Nói đến Yếu Tố Nào Dưới đây ...
-
Hình ảnh Con Trâu đi Trước Cái Cày Theo Sau - Facebook
-
Câu “Con Trâu đi Trước Cái Cày Theo Sau” Nói đến Yếu Tố Nào Dưới đây
-
Con Trâu đi Trước Cái Cày Theo Sau Là Nói đến Yếu Tố Nào...
-
“Con Trâu đi Trước Cái Cày Theo Sau” Là Nói đến Yếu Tố Nào Dưới đây ...
-
Không để Tồn Tại Mãi Hình ảnh "con Trâu đi Trước, Cái Cày Theo Sau"
-
Con Trâu đi Trước Cái Cày Theo Sau Là Nói đến Yếu Tố Nào ... - TopLoigiai
-
Trâu Từ Tâm Thức “in” Ra Hiện Vật Và Hình ảnh
-
Thủ Tướng: Con Trâu đi Trước Cái Cày Theo Sau Thì Khó Làm Giàu
-
Hình Tượng Con Trâu Trong Văn Hóa – Wikipedia Tiếng Việt
-
Con Trâu ở Làng Quê Việt Nam