Công Anh… Trồng Chuối, Nuôi Cò! - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

Người dân sống ven sông Hồng ở địa phận huyện Vũ Thư (Thái Bình) không ai không biết "lão nông" Trần Duy Quỳnh, với hình thức khá kỳ dị: "Đầu trọc, râu cong, quần nửa ống". Kỳ dị hơn là Trần Duy Quỳnh đã bỏ tiền tỉ ra đảo hoang đầu tư để chăn bò, chăn vịt. Gần đây, anh còn bị nguời dân quanh vùng bảo là "hâm" khi... trồng chuối nuôi chim trời.

Phải nhờ đồng nghiệp Vũ Quang Đán, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Thái Bình, dẫn đường, tôi mới tìm được hòn đảo nằm chênh vênh giữa sông Hồng. Trong buổi chiều tà rất đẹp, từ hai mép sông, từng đàn cò chao liệng trên nền trời đỏ quạch, rồi “độp” xuống vườn chuối mênh mông giữa đảo. Những tiếng kêu “quéc quéc...” râm ran trong khung cảnh yên bình của làng quê làm tan biến mọi mệt nhọc.

Bỏ tiền tỉ làm nông dân

30 tết, người dân nghỉ cả để ăn chơi, nhưng Trần Duy Quỳnh vẫn “đầu trọc, râu cong, quần nửa ống” đi chăn vịt, ngắm cò.

Trần Duy Quỳnh sinh ra ở xã Vũ Tiến, Vũ Thư. Mới 34 tuổi, song anh đã có gần 20 năm lang bạt kỳ hồ, long đong với đủ thứ nghề kiếm sống. Nhà nghèo nên bỏ học giữa chừng, đi làm thuê cho một cửa hàng sửa chữa xe máy. Chán sửa chữa xe máy thì đi học lái ôtô rồi làm nghề lái taxi tải trên Hà Nội. Tích cóp được ít vốn liền tìm đường sang Libye làm thuê. Libye có chiến tranh, anh "chạy" sang Hàn Quốc.

Ở Hàn Quốc được thời gian thì bị “mời” về nước do hộ chiếu hết thời hạn. Trần Duy Quỳnh tiếp tục sang Nga làm nghề tự do. 7 năm ở Nga đối với anh là những ngày đầy nước mắt. Để kiếm tiền, anh đã phải trả giá bằng máu nhiều lần. Chuyện làm việc hùng hục cả tháng trời, dành dụm được cọc tiền, rồi một lần, giữa ban ngày bị những kẻ lạ mặt dí súng vào cổ, trấn lột hết không còn lạ với người lao động tự do ở Nga như anh. Kiếm được đồng tiền quá vất vả, nguy hiểm nên anh rất quý trọng đồng tiền. Để sử dụng tiền có hiệu quả, anh quyết định đầu tư làm trang trại trên quê hương mình.

Khi bàn đến chuyện muốn dốc hết tiền bạc để đi... “chăn bò, chăn vịt”, cả gia đình anh phản đối. Người phản đối quyết liệt nhất là vợ anh. Cũng xin kể thêm: Hồi ở Nga, anh gặp một cô gái xinh đẹp tên là Nguyễn Thị Minh Tâm, quê ở thị trấn Đông Anh (Hà Nội), sang Nga du lịch. Chị Tâm cảm phục anh chàng chịu thương chịu khó nên đã xiêu lòng. Thế là Trần Duy Quỳnh quyết định theo nàng về nước. Sau đám cưới, Tâm cũng bỏ dạy học, bỏ cuộc sống nơi thị trấn phồn hoa để về vùng quê lúa sống với chồng.

Được một người giới thiệu hòn đảo hoang cách nhà 8 km, thuộc xã Vũ Vân, anh mê ngay. Khi đó, khắp hòn đảo rộng 13 hécta này cỏ cao lút đầu. Xưa kia, người dân trong xã đã chèo thuyền ra trồng cấy, nhưng cứ đến lúc sắp thu hoạch thì lũ về nước dâng ngập đảo, cuốn sạch hoa màu. Vì vậy, mấy năm nay người ta bỏ hoang.

Thế nhưng, khi nghe tin có một “đại gia” đến đấu thầu hòn đảo, thì nhà nào cũng mang cọc ra cắm nhận chỗ. Để đấu thầu được hòn đảo, anh phải bỏ 100 triệu đồng đền bù công cắm đất, khai hoang cho dân và 140 triệu đồng tiền thuê đất nộp cho xã.

Trông cảnh đảo hoang cỏ mọc lút đầu mà phát ớn. Ai cũng bảo: Chắc phải thuê chục người cắt cả tháng mới hết, mà cắt đến cuối đảo thì đầu này cỏ đã lại mọc lên đến thắt lưng rồi. Có người lại đề xuất chờ đến mùa khô, làm mồi lửa là xong.

Một ngày, người dân xã Vũ Vân thấy mấy chiếc xe tải nối đuôi nhau đỗ ở đường lớn. Trên xe chở toàn bò và bê con. Trần Duy Quỳnh dắt 100 con bê xuống thuyền, chở ra đảo. Cỏ mọc cao, rậm đến nỗi cứ thả con nào lên đảo là mất hút con ấy. Thả hết một trăm con rồi mà không nhìn thấy đàn bò. Để biết chúng đang ở đâu, anh mua một đống lúc lắc rồi đeo ngay vào cổ. Bò đi đến đâu, tiếng lúc lắc kêu, anh kiểm soát được chúng.

Gần một năm sau, khi đàn bê 100 con lớn thành bò, thì cũng là lúc cả đảo cỏ mênh mông bị chúng xơi trụi. Anh kiếm mấy trăm triệu một cách ngon ơ.

Để biến hòn đảo này thành trang trại liên hoàn, anh thuê phà chở máy xúc ra đảo, đào tổng cộng 8 cái ao, rộng tới 3 hécta, thả đủ các loại cá mú. Rồi xây chuồng nuôi vịt. Hiện tại, đàn vịt đẻ của anh có 1.500 con. Mỗi ngày anh thu 1,2 triệu đồng tiền bán trứng vịt. Thời gian tới, hòn đảo của anh sẽ biến thành “đảo vịt” với cả chục vạn con.

Để việc ra đảo thuận tiện, anh đầu tư làm một cây cầu gỗ rất ấn tượng, dài gần 200 mét, tốn kém 100 triệu đồng. Đẹp nhất là hai hàng lát Mexico mà anh phải mua từ tận đất nước châu Mỹ xa xôi, trồng hai bên con đường thẳng tắp chạy dọc đảo. Sau này, hai hàng lát sẽ là điểm nhấn tuyệt vời cho đảo. Tổng đầu tư vào hòn đảo hoang này đã lên tới 2,2 tỉ đồng.

Ngày chăn vịt, đêm trông cò

Để nuôi được đàn gà theo đúng kiểu gà chạy đồng, anh cùng 7 công nhân... trồng chuối. Đây là biện pháp nuôi gà mà anh tự nghĩ ra. Sau khi 1,5 hécta chuối xanh tốt, anh tiến hành xây hệ thống chuồng gà liên hoàn lẫn trong vườn chuối. Theo tính toán, vườn chuối sẽ cho quả đều đặn, mà đàn gà sẽ ngày tự do kiếm ăn dưới vườn chuối mát mẻ, đêm vào chuồng ngủ, anh cứ việc thu hoạch cả chuối lẫn gà.

Ngày đảo còn hoang vắng, chỉ mới có chiếc lều tạm, anh phân công 7 công nhân thay nhau trông đảo, còn ban đêm anh về với vợ con.

Một đêm, thấy nóng ruột, Trần Duy Quỳnh phóng xe máy ra đảo thì bắt gặp 7 công nhân đang đốt rơm thui 24 con cò. Họ kể rằng, suốt tháng trời, cứ chiều muộn là có vài đàn cò về vườn chuối ngủ. Họ chỉ việc đợi đêm xuống, vào vườn chuối là tóm được cò. Để tóm được nhiều cò hơn, họ còn kiếm súng kíp bắn đạn chì. Cứ bóp cò một cái, hàng trăm viên chì nhỏ bằng hạt gạo phụt ra, đàn cò rụng xuống lả tả. Tuy nhiên, các công nhân giấu tịt chuyện này, không kể gì cho ông chủ Quỳnh.

Sau vụ ấy, anh cấm công nhân bắn cò. Để bảo vệ đàn cò, anh đầu tư xây ngôi nhà khang trang giữa đảo rồi ở lại đảo luôn cả ngày lẫn đêm. Từ bấy, vợ nhớ quá thì tự mò ra đảo, chứ chả mấy đêm anh về nhà.--PageBreak--

Từ ngày có anh trông nom, cò về đông hơn. Chiều nào cũng vậy, khi đàn cò đi kiếm ăn về, anh lại trèo lên mái nhà ngồi đếm. Thoạt đầu chỉ có vài chục con, hai trăm con, một ngàn con, giờ đây, số cò trú ngụ ở khu vườn chuối của anh đã lên đến nửa vạn. Ngày nào thấy thiếu một đàn là anh lo lắng, buồn phiền đến mất ăn mất ngủ và mỗi khi tivi thông báo có dịch cúm gia cầm, anh lại giật mình thon thót.

Qua gần 2 năm trời sống chung với đàn cò, anh rất hiểu tập tính của chúng. Giống cò rất nhát, song khi chúng đã tin tưởng con người thì lại khá dạn. Nếu đàn sau thấy đàn trước đã về thì chúng mới xuống, còn không thấy là chúng lượn lờ rồi bay đi mất. Anh Quỳnh kể, không biết giống cò có đọc được ý nghĩ con người hay không mà nó tin tưởng anh lắm. Hễ người khác mon men đến gần vườn chuối là cả đàn nháo nhác, kêu “quéc quéc” rền rĩ cả vườn chuối, song anh thì vô tư ra vào mà chúng cũng không có biểu hiện sợ sệt.

Mới đây, anh đã sắm chiếc máy ghi âm kỹ thuật số, có thể ghi được 100 tiếng. Đêm nào anh cũng bật máy ghi âm cài ở vườn chuối rồi copy vào máy tính nghe lại để tìm hiểu tập tính loài cò. Sắp tới, anh sẽ sắm thêm chiếc camera để quay phim và nghiên cứu về chúng kỹ lưỡng hơn.

Cò về rợp trời.

Hồi đàn cò mới về, đám thợ săn ở nơi khác thường vác súng, chèo thuyền ra đảo săn trộm. Cứ mỗi đêm thấy tiếng cò kêu “quéc quéc...”, anh tung chăn chạy thục mạng về phía vườn chuối. Tuy nhiên, đám thợ săn lại nhanh chân nhảy xuống thuyền chuồn mất. Cũng có lần anh kỳ công phục kích, tóm được đám thợ săn. Tuy nhiên, họ cãi: “Tôi bắn chim trời chứ bắn chim nhà ông đâu...”, anh đành phải chào thua.

Trần Duy Quỳnh luôn tâm niệm đàn cò là tài sản quốc gia, do vậy, để đảm bảo sự an toàn cho đàn cò, anh đã đến Sở Văn hóa - Thông tin và Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Thái Bình, đề nghị hai cơ quan này có phương án bảo vệ đàn cò, cắt cử người trông coi, nhưng không được đáp ứng. Anh chua chát: “Giá tôi bắn chết hết đàn cò rồi đem ra chợ bán chắc cũng chả ai có ý kiến”.

Một lần Trần Duy Quỳnh phải rơi nước mắt vì hàng ngàn con cò bỏ đi biệt tăm suốt một tuần. Nguyên nhân là lần đó anh cho mấy người trong xã đốn vài cây chuối đã chết về cho lợn ăn. Buổi chiều, đàn cò về, thấy khoảng trống trong vườn, chúng không đáp xuống mà lượn vài vòng trên không, kêu la thảm thiết rồi bay đi mất. Đàn trước không dám xuống, đàn sau cũng bay đi luôn.

Cả tuần ấy, chiều nào anh cũng ra bờ sông ngóng về bốn phương tám hướng, đêm nào cũng mang đèn pin đi soi khắp lượt mà tịnh không thấy con cò nào. Trần Duy Quỳnh còn thể hiện sự ăn năn với đàn cò bằng cách thề với trời đất từ nay sẽ không có bất cứ một sự xâm phạm nào vào vườn chuối. Thế rồi, đàn cò lại lũ lượt kéo về. Anh lại rơi nước mắt vì sung sướng.

Để bảo vệ đàn cò, anh mua một lúc 20 con chó. Sau các khóa huấn luyện, 20 con chó hung dữ này trở thành những vệ sĩ đắc lực của đàn cò. Hồi mấy đồng chí phóng viên của Đài Truyền hình Thái Bình ra đảo làm phim khi không có ông chủ đón đã bị đàn chó từ đâu lao tới cắn cho tơi tả. Bữa ấy, anh em chẳng còn tâm trí quay với cóp nên kéo hết đi... tiêm phòng dại.

Bình thường, mỗi con chó “phụ trách” một khu vực trên hòn đảo rộng 13 hécta này và làm nhiệm vụ... tiêu diệt chuột. Nhưng khi có người lạ vào đảo, một con sủa lên là cả đàn tấn công theo hướng đó. Từ khi có đàn chó, cấm thấy tay săn trộm nào dám bén mảng ra đảo.

Không những huấn luyện được đàn chó tuyệt vời mà anh còn huấn luyện được một con chim chào mào cực kỳ thông minh. Mỗi lần anh về đảo, nó bay ra tận đầu cầu đậu trên vai anh. Ban đêm, nó đậu trên ngực anh ngủ. Khi nào thấy tai ông chủ bẩn là nó rỉa sạch ráy tai. Đã nhiều lần, người lạ ra đảo, con chim này lao ra mổ. Khi người đó còn đang chú ý đến con chim thì đàn chó đã lẻn đến đớp cho vài nhát. Mới rồi, con chim tấn công đám người chở cát trên sông nên bị họ bắt trộm mất. Anh thương nhớ con chim chào mào, buồn hết cả mấy ngày tết.

Phải nói rằng, công lao của Trần Duy Quỳnh đối với đàn cò là rất lớn. Chưa kể công sức đêm hôm trông nom chúng mà anh còn phải hy sinh cả vườn chuối và dự án nuôi gà trong vườn chuối này. Theo tính toán, với 1,5 hécta chuối, mỗi năm anh thu 100 triệu đồng tiền bán quả. Để đảm bảo an toàn cho đàn cò, hệ thống chuồng gà trị giá gần trăm triệu đồng cũng phải dỡ bỏ.

Không những thế, anh còn phải tiếp tục trồng thêm chuối, mở rộng vườn chuối cấp tốc để cò có chỗ đậu, bởi vì phân cò rất độc, chỉ một thời gian là chuối trụi lá, thối thân. Hiện tại, anh đã trồng bạch đàn bao quanh vườn chuối. Sắp tới, nơi rìa đảo sẽ mọc lên những vườn tre rộng mênh mông để đàn cò có chỗ trú chân lâu dài. Chúng không làm tổ, đẻ trứng ở vườn chuối là bởi vì chúng biết cây chuối có tuổi thọ rất ngắn.

Khi những vườn tre, bạch đàn rậm rạp, không những đàn cò về sống và sinh sản mà còn nhiều loại chim trời nữa cũng về đây sinh sống. Hàng ngày, có rất nhiều loại cò lửa, diệc xám, cốc, cuốc, vịt trời, đặc biệt, thỉnh thoảng có đàn giang đến kiếm ăn ở bãi cát ven đảo.

Giang là loại chim cực lớn, có sải cánh dài 2m, chân cao hơn 1m, nặng từ 5 đến 7kg. Nếu hòn đảo của anh là nơi trú ngụ của giống chim lớn này thì cực kỳ quý giá. Giống chim này rất nhát, hầu như chúng chỉ sống trong khu bảo tồn rừng ngập mặn rộng lớn vùng ven biển Thái Thụy và được sự bảo vệ chu đáo của bộ đội biên phòng.

Từ ngày có đàn cò về sống, Trần Duy Quỳnh trở nên lãng mạn hơn. Ngoài việc nghĩ cách khai thác hòn đảo kiếm tiền, anh còn nghĩ ra ối trò để biến hòn đảo này thành nơi hoạt động văn hóa lành mạnh. Khi hai hàng lát Mexico rợp bóng, anh sẽ làm những ngôi nhà lơ lửng trên cây, những khu nhà vườn độc đáo, những vườn hoa cải vàng rực bên sông... để cho những đôi uyên ương hưởng tuần trăng mật.

Các cô vợ hằng ngày sẽ hái hoa, kết thuyền thả sông, các ông chồng câu cá, đuổi gà làm thịt. Hiện tại, anh đã san bằng một khoảnh đất để làm sân vận động và trồng những hàng cây bạch đàn xung quanh tỏa bóng mát. Sắp tới, anh tổ chức định kỳ các cuộc đấu bóng cho học sinh các trường THPT trong huyện và sẽ bỏ tiền trao giải. Anh làm vậy để thỏa mãn niềm đam mê bóng đá...

Từ khóa » Trồng Chuối Nuôi Gà