Công Bố Top 10 Công Ty Uy Tín Ngành Logistics Năm 2020

Chú thích ảnh
Hoạt động vận chuyển hàng hóa tại Tân Cảng Sài Gòn. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Kết quả nghiên cứu được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá và xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính là năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng và khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2020.

Top 10 công ty uy tín ngành logistics năm 2020 được chia thành nhiều nhóm, ngành như: giao nhận vận tải quốc tế, kho bãi, dịch vụ logistics bên thứ 3, thứ 4, vận tải hàng hóa; khai thác cảng; chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối…

Trong Top 10 công ty uy tín ngành logistics năm 2020 gồm có: Công ty cổ phần Gemadept; Công ty cổ phần giao nhận và vận chuyển Indo Trần; Công ty cổ phần giao nhận toàn cầu DHL (Việt Nam); Công ty cổ phần Transimex; Công ty cổ phần TNHH Expeditors Việt Nam; Công ty TNHH Schenker Việt Nam; Công ty TNHH Kuehne+Nagel; Công ty cổ phần giao nhận vận tải Con Ong (Bee Logistics); Công ty cổ phần Kho vận miền Nam và Công ty cổ phần Vinafreight.

Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report cho biết, sau nhiều thập kỷ toàn cầu hóa, thế giới đang được kết nối hơn bao giờ hết. Sự kết nối này đã mở ra cơ hội lớn cho thương mại toàn cầu và thúc đẩy chuỗi cung ứng phát triển với quy mô, mức độ tích hợp cao hơn.

Tuy nhiên, chính vì tính liên kết mạnh đó mà khi một cú sốc bất ngờ như đại dịch COVID-19 xảy ra đã tạo nên một làn sóng chấn động toàn thế giới, phơi bày các vấn đề cơ bản của chuỗi cung ứng nói chung và ngành logistics nói riêng – xương sống của chuỗi cung ứng. Do vậy, tất cả câu chuyện từ việc ứng phó với khủng hoảng cho tới khắc phục những sai lầm, đề ra chiến lược phát triển trong thời hậu COVID-19 của ngành logistics sẽ khó mà tách biệt riêng rẽ với chuỗi cung ứng.

Thực tế, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn thường xảy ra. Tuy nhiên, cú sốc với quy mô toàn cầu và bắt đầu từ Trung Quốc - HUB logistics lớn nhất của thế giới thì tác động lại lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng. Để chuẩn bị tốt hơn cho các cú sốc trong tương lai, doanh nghiệp cần làm tốt việc xác định các vấn đề cụ thể do COVID-19 gây ra cho hoạt động của mình, từ đó có thể đưa ra phản ứng tốt nhất cho những vấn đề tương tự và chuẩn bị một chiến lược phù hợp để giảm thiểu sự sai lệch so với tầm nhìn kinh doanh hiện tại, đồng thời đảm bảo quản lý rủi ro đầy đủ trong những năm tới.

Để hiểu được tác động của đại dịch trong ngành logistics, cần phải đặt vào thời điểm COVID-19 xảy ra – khi mà những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài, buộc một số công ty phải xem xét lại hoạt động của mình, trọng tâm là chiến lược “Trung Quốc +1”, lấy nguồn nguyên liệu đầu vào chi phí thấp từ các thị trường như Việt Nam và Mexico.

Theo khảo sát của Vietnam Report, hai nguyên nhân lớn nhất khiến cho mức độ ảnh hưởng của đại dịch trở trên nghiêm trọng như vậy bao gồm: Chủ quan, đánh giá thấp tác động của dịch và Không hành động đủ nhanh khi ứng phó với dịch.

Thêm vào đó, trên 50% số doanh nghiệp cho rằng quản trị rủi ro yếu kém; không lập kế hoạch trước; đánh giá thấp sức mạnh của việc lập chiến lược/mô hình kinh doanh cũng khiến doanh nghiệp trở nên lúng túng hơn trong quá trình ứng phó với những khó khăn của đại dịch; trong đó, điểm nghẽn lớn nhất trong chuỗi cung ứng được cho sự thiếu rõ ràng trong việc xác định nhu cầu khách hàng.

Từ khóa » Các Công Ty Logistics Lớn ở Việt Nam