Cồng Chiêng Có Núm Hay Không Núm - .vn

         Biết tôi đang nghiên cứu về cồng chiêng, bạn bè hỏi: cồng và chiêng, cái nào có núm?

Anh bạn đồng nghiệp cùng cơ quan thì nhất mực khẳng định: cồng có núm, còn chiêng không núm.

Chẳng riêng gì anh ấy, sách giáo khoa phổ thông tuy không viết rõ cồng có núm, chiêng không có núm, nhưng dưới hình ảnh chiếc có núm thì ghi chữ cồng, chiếc không núm ghi chữ chiêng. Tất nhiên, các cô giáo sẽ dạy học sinh là cồng có núm và chiêng không có núm.

Gần đây, một học viên cao học ở Viện Nghiên cứu Văn hóa trình bày trước hội đồng về cách dạy âm nhạc cho học sinh phổ thông bằng hình ảnh minh họa, đã lấy chuyện cồng có núm và chiêng không có núm làm ví dụ. Trên màn hình, những chiếc có núm được dán lên chữ cồng, còn những chiếc không núm được dán lên chữ chiêng.

 PGS Tô Vũ, người đã gắn bó với nhiều cuộc hội thảo khoa học về cồng chiêng, gần đây vẫn đang băn khoăn “Cồng chiêng là những thuật ngữ đẳng lập hay là loại nhạc khí đồng loại, cồng hay chiêng loại nào có núm?”(1). Không định tranh cãi về chuyện cồng chiêng có núm hay không núm, nhưng trước sự băn khoăn và cả những khẳng định nêu trên, mặt khác đã “mang tiếng” là người nghiên cứu ở lĩnh vực này, do đó chúng tôi thấy không thể đứng ngoài cuộc.

1. Trong bài viết, chúng tôi sử dụng từ ghép cồng chiêng làm thuật ngữ chung cho các loại tên gọi khác trong dân gian như cồng, chiêng, chinh, chêng, goong, thanh la,… Những tên gọi đó để chỉ loại nhạc khí cổ truyền bằng đồng hợp kim, dạng phiến mỏng, hình tròn, không núm hoặc có núm ở giữa, có thành ở vành ngoài, nhiều kích cỡ, tồn tại dưới dạng đơn chiếc. Khi coi cồng chiêng là thuật ngữ chung, quan điểm của người viết không đặt ra chuyện phân biệt có núm hay không núm theo tên gọi định sẵn nào. Quan điểm này không mới mẻ gì, chỉ là sự đồng thuận, nhắc lại cách hiểu và cách dùng tên gọi đã có từ lâu về cồng chiêng mà thôi.

2. Trước Hội thảo lần đầu tiên về cồng chiêng ở Tây Nguyên năm 1985, chưa có cách gọi chiêng bằng, tức là chưa phân biệt có núm và không núm. Khi ấy, cồng hay chiêng là hai tên gọi cùng để chỉ một loại có núm, còn loại không núm là thanh la hoặc đồng la, người Mường gọi là phèng la.

Trong sách Góp phần tìm hiểu tỉnh Hòa Bình, các tác giả gọi cồng là tên chung: “Cồng Mường có nhiều loại. Căn cứ vào cách chế tạo, thấy phân biệt ra loại chiêng đúc là những chiếc cồng…; loại chiêng thau là những chiếc cồng…”(2). Lưu ý là người Mường chỉ dùng loại có núm.

Tương tự, trong Luận văn tốt nghiệp Đại học, Phạm Đức Lộc viết: “Bộ cồng Mường có số lượng không nhất định, có thể từ 6, 7, đến 10, 12 chiếc cồng to nhỏ khác nhau. Thành phần bộ cồng Mường thường có 1 đôi boòng beng, một đôi chiêng đủm, một số chiêng khỗ… và 1 chiêng dàm” (3). Tác giả đã dùng cả cồngchiêng trong cùng một ý. Như vậy, ở đây có thể hiểu cồng với chiêng là một.

Trong bài Chiêng đồng, loại nhạc cụ dân tộc có truyền thống lâu đời ở nước ta, Nguyễn Văn Huyên cho rằng: “Chiêng đồng (hay còn gọi là cồng) là loại nhạc khí rất thông dụng ở nước ta từ rất lâu đời”. Ông mô tả chiếc chiêng rất chi tiết: “Chiêng này có đường kính 56 cm, thành chiêng cao 9,5 cm. Mặt chiêng hơi lõm xuống, ở giữa chiêng có một núm tròn dẹt đường kính 11,5 cm, núm chiêng cao 6,5 cm” (4). Theo bài viết, đây là cái chiêng ở Viện Bảo tàng Lịch sử, trong Phòng trưng bày Các phong trào nông dân khởi nghĩa thế kỷ XVIII. Căn cứ vào tên bài viết và mô tả chi tiết, hình dạng thì chiêng này có núm và còn được gọi là cồng.

3. Năm 1985, có thể coi là cái mốc cho sự thay đổi nhận thức về cồng chiêng. Để tổ chức được cuộc hội thảo đầu tiên về cồng chiêng ở Tây Nguyên, các cơ quan chức năng và giới nghiên cứu đã có đợt khảo sát bước đầu về loại hình nghệ thuật cồng chiêng của các tộc người Tây Nguyên. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng, cồng chiêng Tây Nguyên thật đa dạng. Có những bộ gồm toàn loại có núm, ngược lại có bộ toàn loại không núm, thậm chí nhiều bộ là sự kết hợp cả có núm lẫn không núm. Từ đây, việc phân biệt cồng chiêng thành hai loại có núm và không núm được đặt ra, và có lẽ cũng từ đây, người ta quên dần cách gọi thanh la, đồng la đối với loại không núm.

Tại hội thảo trên, PGS Tô Vũ đưa ra ý kiến: “phải chăng ta nên giữ lại cả hai từ cồng và chiêng và định nghĩa rõ ràng những thuộc tính mang tính cách thuật ngữ âm nhạc học. Chẳng hạn ta qui ước cồng là loại có núm, thường là kích thước lớn, chuyên dùng đảm nhiệm âm hình tiết tấu trì tục, còn chiêng là loại không núm, thường nhỏ hơn cồng và chủ yếu để tấu giai điệu”(5).

Lại nữa, trong Từ điển bách khoa Việt Nam có viết: “Loại cồng có núm ở giữa gọi là chiêng có núm, loại không có núm gọi là chiêng bằng”(6). Cách giải thích không khẳng định chiêng là loại không có núm, vì loại có núm cũng được gọi là chiêng: chiêng núm.

Nhưng cũng có một số tài liệu cố gắng phân biệt rạch ròi cồng chiêng thành hai loại gắn với việc định danh cụ thể. Trong cuốn Nhạc khí dân tộc Việt viết: “Cồng, chiêng là nhạc khí tự thân vang gõ phổ biến tại Việt Nam, đồng thời ở một số nước khác ở châu Á cũng có… Cồng luôn luôn có núm ở giữa, chiêng có hai loại: chiêng có núm ở giữa gọi là chiêng núm và chiêng không có núm gọi là chiêng bằng”(7).

Định nghĩa này tách riêng cồng với chiêng ngay từ đầu bằng dấu phảy trước khi mô tả. Cách mô tả đó không khỏi làm cho người đọc băn khoăn hoặc nhầm lẫn giữa cồng với chiêng núm. Người ta hoàn toàn có thể gọi cồng là chiêng núm và ngược lại, gọi chiêng núm là cồng. Vậy thì sự tách biệt trên còn ý nghĩa gì không?

4. Qua một số tư liệu mang tính nghiên cứu thì như vậy, còn trong dân gian không có từ ghép cồng chiêng, chỉ có các từ đơn cồng, chiêng dùng tách rời. Nghĩa là khi đã nói cồng thì thôi chiêng và ngược lại. Ngoài ra, còn nhiều tên gọi khác dành cho loại nhạc khí này. Mỗi tộc người có một cách gọi riêng. Xin điểm lại những cách gọi của các tộc mà chúng tôi biết, đồng thời nêu lên mối liên hệ giữa tên gọi với chuyện có hay không núm của cồng chiêng.

Người Kinh, người Mường dùng cả hai tên cồng và chiêng gọi loại nhạc khí nêu trên, nhưng phải có núm, nếu không có núm, họ gọi là lệnh hoặc thanh la (người Mường còn gọi là phèng la). Người Mường dùng tên chiêng làm cách gọi phổ biến nhất, tên cồng đôi khi cũng được dùng.

Người Khơme Nam Bộ gọi loại nhạc khí trên như sau: nếu không có núm là khmuôs, và có núm là kôông môôn hoặc kôôn skô (8). Người Gia rai gọi là chinh, chêng, trong đó chêng là loại có núm còn chinh hoặc chinh chêng để chỉ cả bộ cồng chiêng, ngầm hiểu là cả có núm và không núm (9). Người Giẻ Triêng gọi loại có núm là chinh honh hoặc goong, loại không núm là chinh hlong (10). Người Ê đê không phân biệt, có núm hay không có núm họ đều gọi là chinh (11). Người M’nông gọi loại có núm là goong, loại không núm là chêng (12).

Như vậy, người Việt, người Mường ở miền Bắc không có ý niệm chiêng bằng. Còn ở miền Nam, người Ê đê gọi chinh là tên chung cho cả hai loại có núm và không núm. Một số tộc khác lại phân biệt hai loại đó bằng những tên khác nhau, chẳng hạn, không núm gọi là chêng, có núm gọi là goong.

5. Những thông tin, tư liệu chúng tôi đưa ra ở trên cho thấy không nên định danh cồng – có núm, và chiêng – không có núm. Khi viết về cồng chiêng của tộc người nào, nên sử dụng cách gọi của tộc người đó, không nhất thiết phải bắt loại có núm mang tên cồng và ngược lại. Chúng ta đã có cách gọi chiêng núm, chiêng bằng tương đối phổ biến đó thôi? Tại sao không sử dụng cách gọi đó mà cứ khăng khăng định danh cồng là có núm, chiêng là không có núm. Trong dân gian cũng như trong các tư liệu, loại có núm vẫn được gọi cả hai tên là cồng và chiêng, loại không núm được gọi bằng các tên chiêng, thanh la, phèng la. Sau nhiều năm, loại không núm dường như chỉ còn tồn tại một tên chiêng. Chúng ta nên chấp nhận thực tế đó, tức là có hai tên cồng, chiêng để chỉ loại có núm và có một tên chiêng để chỉ loại không núm. Từ đó, theo chúng tôi, sử dụng từ ghép cồng chiêng với ý nghĩa là thuật ngữ chung để chỉ các dạng cồng, chiêng, chinh, goong, thanh la… là hợp lí.

Nếu tư duy cố định cồng – có núm, chiêng – không có núm, từ ghép cồng chiêng sẽ khó được hiểu như một thuật ngữ chung mà là phép cộng của hai loại đó. Chính vì thế, có tác giả, trong một bài viết, khi thì dùng thuật ngữ cồng chiêng, lúc lại dùng chiêng cồng, hoặc đôi khi dùng dấu phảy ở giữa cồng và chiêng. Cũng theo tư duy định danh nêu trên, đối với dàn gồm toàn chiếc có núm phải gọi là dàn cồng, dàn gồm toàn chiếc không núm phải gọi là dàn chiêng, nếu trong dàn gồm hai loại có núm và không núm thì gọi là dàn cồng chiêng.

Thực tế có tác giả viết: “Ngoài dàn cồng ba chiếc, một số dân tộc … còn có dàn cồng và chiêng với biên chế lớn… Cơ cấu chung của các dàn cồng chiêng loại lớn này bao gồm các cái cồng của biên chế ba cồng và thêm vào một số từ 5, 7, 9 chiêng (không có núm)” (13). Hoặc có tác giả dù đã phân biệt rõ ràng cồng có núm, chiêng không có núm nhưng vẫn viết: “Bộ cồng chiêng Mường gồm 6-12 chiếc cồng, không có chiêng”(14). Điều đó là bộc lộ sự thiếu logic trong tư duy khoa học.

Do đó, theo chúng tôi, khi viết về cồng chiêng của từng tộc người nên tôn trọng theo cách gọi dân gian. Thiết nghĩ, không nên bác học hóa (hay khoa học hóa) những hiện tượng văn hóa dân gian bằng cách định danh chúng trong những thuật ngữ mang tính áp đặt.

Hóa ra, vấn đề không hề đơn giản khi muốn văn bản hóa một hiện tượng văn hóa dân gian tưởng như đơn giản. Đôi khi, vì muốn đơn giản, chúng ta lại khiến vấn đề thêm quá phức tạp.

_______________

1. Tô Vũ, đề cương bài phát biểu trong cuộc tọa đàm Giá trị văn hóa của các nhạc cụ gõ bằng đồng của Việt Nam và các nước trong khu vực, Viện VHTT tổ chức tại Hà Nội, 10-2004.

2. Bùi Văn Kín (chủ biên), Góp phần tìm hiểu tỉnh Hòa Bình, Ty VHTT tỉnh Hòa Bình xb, 1972, tr.39.

3. Phạm Đức Lộc, Bư­ớc đầu tìm hiểu dàn cồng M­ường vùng Hòa Bình tỉnh Hà Sơn Bình, Luận văn tốt nghiệp Đại học, Nhạc viện Hà Nội, 1978, tr.25.

 4. Nguyễn Văn Huyên, Chiêng đồng, loại nhạc cụ dân tộc cổ truyền có truyền thống lâu đời ở nước ta, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 6-1977, đăng lại trong Hợp tuyển tài liệu Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX, Viện Âm nhạc xb, Hà Nội, 2003, tr.319-321.

5. Tô Vũ, Nghệ thuật cồng chiêng – kỷ yếu liên hoan và hội thảo cồng chiêng, sở VHTT Gia Lai – Kon Tum xb, 1985, tr.261.

6. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn, Từ điển bách khoa Việt Nam (tập 1), Trung tâm biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam xb, Hà Nội, 1995, tr.600.

7. Võ Thanh Tùng, Nhạc khí dân tộc Việt, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2001, tr.373.

8. Đào Huy Quyền, Sơn Ngọc Hoàng, Ngô Khị, Nhạc khí dân tộc Khơme Nam Bộ, Nxb Khoa học Xã hội, 2005, TP.HCM, 2005, tr.232-237.

9. Rơmăm Del, Nghệ thuật cồng chiêng – kỷ yếu…, sđd, tr.132-142.

10. A Thiên Xương, Nghệ thuật cồng chiêng – kỷ yếu…, sđd, tr.153-157.

11. Lê Thị Kim Quy, Nghệ thuật cồng chiêng – kỷ yếu…, sđd, tr.200-225.

12. Bài tham luận của Sở VHTT Đắc Nông tại cuộc tọa đàm Giá trị văn hóa của các nhạc cụ gõ bằng đồng của Việt Nam và các nước trong khu vực, tháng 10-2004.

13. Tô Ngọc Thanh, Giới thiệu một số nhạc cụ dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Văn nghệ – Trung tâm Tăn hóa dân tộc, TP.HCM, 1995, tr.120.

14. Bùi Văn Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm hiểu và suy ngẫm, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005, tr.166.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 297, tháng 3-2009

Tác giả : Kiều Trung Sơn

Đánh giá post

Từ khóa » Cồng Chiêng Là Cái Gì