Công Chứng Hợp đồng ủy Quyền - Chi Tiết Tìm Kiếm

Công chứng hợp đồng ủy quyền Ngày đăng 05/07/2022 | 16:51 | Lượt xem: 1544

Vì điều kiện đang đi làm xa, tôi muốn ủy quyền cho cô bạn quản lý tài sản của mình ở Hà Nội. Không biết, giấy tờ ủy quyền này có bắt buộc phải công chứng hay không? Tôi nghe nói, kể cả khi hủy bỏ việc ủy quyền cũng cần có sự đồng ý của người mà tôi ủy quyền. Giả sử có gì đó rủi ro, ví dụ họ không đồng ý thì giải quyết như thế nào?

TIN LIÊN QUAN

Trả lời

Hợp đồng ủy quyền, theo Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015, “là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Pháp luật dân sự hiện không quy định hợp đồng ủy quyền bắt buộc phải công chứng. Một số trường hợp pháp luật chuyên ngành yêu cầu khi các bên thỏa thuận ủy quyền cần công chứng như thỏa thuận về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, yêu cầu hợp đồng ủy quyền bằng văn bản như ủy quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp, ủy quyền đại diện trong tố tụng hành chính, tố tụng dân sự.

Nếu ủy quyền về việc quản lý tài sản và các bên thỏa thuận lựa chọn công chứng, việc công chứng hợp đồng ủy quyền được quy định tại Điều 55 Luật Công chứng năm 20104 như sau:

“1. Khi công chứng các hợp đồng ủy quyền, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia.

2. Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền”.

Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

Khi hợp đồng ủy quyền có công chứng, việc hủy bỏ hợp đồng ủy quyền nếu cần công chứng phải có sự đồng thuận của tất cả các bên. Bởi vì, Điều 51 Luật này quy định:

“1. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.

2. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.

3. Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này”.

Trường hợp một trong hai bên không đồng ý hủy bỏ hợp đồng, dẫn đến không thể công chứng hủy bỏ hợp đồng, bên còn lại có thể thực hiện quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền theo quy định tại Điều 569 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể:

“1. Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.

Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.

2. Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có”.

Tóm lại, để hạn chế tranh chấp xảy ra, và khi tranh chấp xảy ra thì hợp đồng, giao dịch có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch không phải chứng minh, theo chúng tôi các bên nên thỏa thuận công chứng hợp đồng ủy quyền quản lý tài sản.

Với tư cách là chủ sở hữu tài sản, ủy quyền cho người khác thực hiện quyền của mình, bạn có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng này, dù đó là hợp đồng ủy quyền có trả phí hay không trả phí theo quy định nêu trên.

Thu Hường

Vũ Thị Thanh Tú

Các tin khác
  • bannertrai
  • Sách-nói,-sách-điện-tử.jpg
  • bannephai
  • Sách nói, sách điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2024
  • Các chứng chỉ được miễn thi môn ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT 2025
  • Hà Nội đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Vềđầu trang // ]]>

Từ khóa » Giấy ủy Quyền Có Bắt Buộc Phải Công Chứng