Công Chứng Vi Bằng Cần Những Giấy Tờ Gì? Luật Hoàng Phi

Lập vi bằng là một cách thức được nhiều người lựa chọn để giảm thiểu và hạn chế các rủi ro pháp lý. Một trong những câu hỏi được quan tâm liên quan đến vi bằng là Công chứng vi bằng cần những giấy tờ gì?

Vậy để giải đáp và tìm hiểu các thông tin liên quan đến Công chứng vi bằng cần những giấy tờ gì? Kính mời quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.

Tìm hiểu khái quát về vi bằng

Khoản 3 Điều 2 Nghị định Số: 08/2020/NĐ-CP Về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại quy định: “Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.”

Có thể hiểu, Vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có video, hình ảnh, âm thanh kèm theo (nếu có) do văn phòng Thừa Phát Lại cấp, ghi nhận. Theo đó, vi bằng chỉ ghi nhận, mô tả những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến một cách trung thực và khách quan.

Trong đó, Lập vi bằng là hoạt động do Thừa phát lại công nhận hay ghi chép lại đầy đủ, trung thực tất cả nội dung những sự việc quan trọng, hành vi được sử dụng làm bằng chứng tại những vụ việc liên quan đến xét xử hoặc là sự kiện mang tính pháp lý.

Công chứng vi bằng là gì?

Theo quy định của pháp luật thì Thừa Phát Lại không được Nhà nước trao quyền công chứng. “Công chứng vi bằng” chỉ là một thuật ngữ được nhiều người sử dụng đây không phải là một thuật ngữ pháp lý.

Có thể hiểu đơn giản, “Công chứng vi bằng” chính là việc lập vi bằng do Thừa phát lại thực hiện, nó có giá trị là bằng chứng ghi nhận sự kiện, hoạt động đó xảy ra mà không ghi nhận tính hợp pháp của sự kiện, hoạt động đó. Giá trị của vi bằng giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất sẽ không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực .

Cụ thể, Nếu công chứng chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch,… bằng văn bản, thì lập vi bằng là việc Thừa phát lại lập văn bản trong đó ghi nhận các sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.

Vi bằng có giá trị chứng cứ, là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự, hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật.

Công chứng vi bằng cần những giấy tờ gì?

Sau khi đã tìm hiểu công chứng vi bằng là gì? Phần này chúng tôi xin cung cấp đến quý bạn đọc thông tin giải đáp cho câu hỏi Công chứng vi bằng cần những giấy tờ gì?

Theo Điều 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP nghị định về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại có quy định về thủ tục lập vi bằng như sau:

“ 1. Thừa phát lại phải trực tiếp chứng kiến, lập vi bằng và chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập. Việc ghi nhận sự kiện, hành vi trong vi bằng phải khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.

Người yêu cầu phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến việc lập vi bằng (nếu có) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu cung cấp.

Khi lập vi bằng, Thừa phát lại phải giải thích rõ cho người yêu cầu về giá trị pháp lý của vi bằng. Người yêu cầu phải ký hoặc điểm chỉ vào vi bằng.

  1. Vi bằng phải được Thừa phát lại ký vào từng trang, đóng dấu Văn phòng Thừa phát lại và ghi vào sổ vi bằng được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.
  2. Vi bằng phải được gửi cho người yêu cầu và được lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về lưu trữ như đối với văn bản công chứng.
  3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, Văn phòng Thừa phát lại phải gửi vi bằng, tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở để vào sổ đăng ký. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng.

Sở Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu về vi bằng; thực hiện đăng ký và quản lý cơ sở dữ liệu về vi bằng theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.”

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì “công chứng vi bằng” cần những giấy tờ gồm:

  1. Phiếu yêu cầu lập vi bằng
  2. Phiếu thỏa thuận lập vi bằng trong đó có các nội dung: nội dung cần lập vi bằng, thời gian, địa điểm lập vi băng, chi phí lập vi bằng… đồng thời tiến hành tạm ứng chi phí lập vi bằng
  3. Giấy tờ tùy thân của người yêu cầu lập vi bằng.

Vi bằng được lập thành 03 bản chính: 01 bản cho người yêu cầu, 01 bản cho văn phòng thừa phát lại và 01 bản gửi lên Sở tư pháp trực thuộc để đăng ký (Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày lập).

Thẩm quyền công chứng vi bằng thuộc cơ quan nào?

Như đã phân tích ở trên, “công chứng vi bằng” thực chất là thuật ngữ chỉ việc lập vi bằng. Căn cứ quy định pháp luật, Thừa phát lại được Nhà nước trao quyền lập vi bằng. Hay nói cách khác thẩm quyền “công chứng vi bằng” do Thừa phát lại thực hiện.

Ngoài ra, Thừa phát lại có thể cấp bản sao vi bằng trong trường hợp:

– Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc cung cấp hồ sơ vi bằng phục vụ cho việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc đã lập vi bằng;

– Theo yêu cầu của người yêu cầu lập vi bằng, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vi bằng đã được lập. Trường hợp này người yêu cầu cấp bản sao vi bằng phải trả chi phí cấp bản sao vi bằng theo mức sau đây: 05 nghìn đồng/trang, từ trang thứ 03 trở lên thì mỗi trang là 03 nghìn đồng.

Trên đây, chúng tôi mang tới cho Quý khách hàng những thông tin cần thiết liên quan tới Công chứng vi bằng cần những giấy tờ gì?. Để biết thêm thông tin chi tiết, Quý khách hàng đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn trực tuyến để được hỗ trợ nhanh chóng nhất.

Từ khóa » Giấy Vi Bằng Là Gì