Cộng đồng Năng Lượng Tái Tạo Việt Nam Hướng Về Biển đảo Tổ Quốc

Đoàn Caravan đã đến thăm quan và học hỏi kinh nghiệm phát triển, vận hành tại nhà máy Điện mặt trời Mũi Né có công suất 40MW. Nhà máy có vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, được thiết kế theo hình cánh hạc vươn ra biển lớn.

Hành trình đoàn Caravan Bình Thuận

Nhà máy Điện mặt trời Mũi Né

Tiến sĩ Hoàng Giang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc nhà máy Điện mặt trời Mũi Né chia sẻ: “Một vùng đất hoang hóa khô cằn nay được phát triển thành nhà máy điện sạch và hiện đại. Chúng tôi đã được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương”.

Đoàn còn đến thăm nhà máy Điện gió Phú Lạc. Nhà máy Điện gió Phú Lạc hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào vận hành đấu nối lưới điện quốc gia sau 12 tháng thi công, có công suất 24 MW, tổng mức đầu tư là 1.089 tỷ đồng do Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tài trợ 35 triệu EUR, còn lại là vốn đối ứng từ chủ đầu tư.

Điện gió Phú Lạc, Tuy Phong, Bình Thuận

Ông Bùi Văn Thịnh, Tổng giám đốc Công ty CP Phong điện Thuận Bình, Chủ tịch Hiệp hội điện gió Tỉnh Bình Thuận cho biết: “4 năm trước, khu vực này trống vắng, không có người ở nhưng nhận thấy tiềm năng năng lượng tái tạo, chúng tôi đã chọn lập nghiệp ở đây. Từ không có cây cối nào sinh sống được nay mảnh đất này đã có màu xanh và 12 turbin gió đang vận hành. Chúng tôi đang có dự án điện gió thứ hai và các dự án điện mặt trời trong tương lai.

Mong ước biến khu đất cằn cỗi nhất cả nước thành trung tâm năng lượng xanh thân thiện với môi trường đã thành hiện thực. Khu vườn sinh thái cũng bắt đầu dần hình thành. Chúng tôi rất hoan nghênh ban tổ chức Caravan hướng về biển đảo đã lựa chọn Điện gió Phú Lạc là điểm đến hôm nay. Trong tương lai, chúng tôi muốn là một mắt xích trong cộng đồng năng lượng tái tạo để chúng ta có nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa”.

Đêm gala giao lưu hành trình Caravan cộng đồng hướng về biển đảo được tổ chức tại sân bóng nhà máy Điện gió Phú Lạc. Phát biểu tại gala, ông Huỳnh Văn Điển, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cho rằng, trong tương lai, năng lượng tái tạo sẽ là một trong những nhân tố quan trọng góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân trong huyện. Ông Điển hy vọng, trong thời gian tới, mối quan hệ hợp tác giữa các nhà đầu tư và chính quyền địa phương sẽ càng ngày bền chặt, gắn bó hơn để trong tương lai gần sẽ đạt được mục tiêu đưa Tuy Phong trở thành một trung tâm năng lượng (trong đó có năng lượng tái tạo) của Bình Thuận nói riêng và của cả nước nói chung.

Cũng tại gala, đại diện cộng đồng năng lượng tái tạo Việt Nam, ông Đặng Quốc Toản, Tổng giám đốc Asia Petroleum trao tặng quỹ học bổng giá trị 50 triệu đồng hỗ trợ học bổng cho học sinh là con em các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài biển đảo và ngư dân bám biển.

Cờ Tổ quốc hướng về biển đảo quê hương

Ông Đặng Quốc Toản cho rằng: “Đây là món quà nhỏ của các thành viên và doanh nghiệp trong cộng đồng năng lượng tái tạo Việt Nam hướng về biển đảo quê hương, hỗ trợ học bổng cho học sinh là con em các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài biển đảo và ngư dân bám biển. Chúng tôi mong muốn xây dựng quỹ lớn hơn từ sự đóng góp của các công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo để thường xuyên tài trợ học bổng cho con em chiến sĩ, bộ đội ngoài biển đảo Trường Sa, cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân bám biển. Rất mong nhà nước, người dân và doanh nghiệp cùng đồng hành để gìn giữ môi trường, giữ biển xanh sạch, phát triển nguồn năng lượng mới cho đất nước ngày một giàu mạnh hơn”.

Trong hành trình, đoàn còn ra biển Cổ Thạch tặng túi sinh học tự hủy và thùng rác cho người dân địa phương, kêu gọi thực hiện phong trào thu gom rác biển đảo, bảo vệ môi trường sạch đẹp.

Nhặt rác và dọn dẹp vệ sinh bãi biển Cổ Thạch

Từ khóa » Cộng đồng Năng Lượng Tái Tạo Việt Nam