Cộng đồng Người Myanmar ở Nhật đấu Tranh Cho Dân Chủ - NHK

Hai thế hệ, một mục tiêu

Ông Than Swe, 60 tuổi, đã chứng kiến cuộc nổi dậy dân chủ và đàn áp của quân đội vào năm 1988 khi ông là giảng viên địa chất tại một trường đại học ở Yangon. Ông ủng hộ các nhà hoạt động trẻ tuổi nhưng ông lo là mình rồi sẽ bị bắt giam, nên ông đã bỏ chạy và đến Nhật Bản vào năm sau đó.

Thế hệ của ông Than Swe thường hát một bài hát kêu gọi dân chủ mỗi khi họ xuống đường. Ca khúc đó đã trở thành một tác phẩm kinh điển với một thông điệp vượt thời gian, và đã được những người phản kháng ngày nay sử dụng.

Ông Than Swe nói: “Họ là những người sinh sau năm 1988 và không trải qua phong trào ủng hộ dân chủ khi đó. Nhưng chúng tôi sẽ giành chiến thắng. Với sức mạnh của họ, cuối cùng chúng tôi sẽ lấy lại nền dân chủ của mình".

Than Swe
Ông Than Swe tại Đại sứ quán Myanmar ở Tokyo.

Hàng thập kỷ qua, ông Than Swe đã hy vọng sẽ không có ai phải chịu đựng những gì mà ông đã trải qua. Ông muốn các công dân trẻ của Myanmar hành động, nhưng cũng phải suy nghĩ cẩn thận. Lời khuyên của ông dành cho họ là chỉ với nhiệt huyết thì khó thay đổi được chính trị. Ông nói rằng sự kiên nhẫn và chiến thuật là những yếu tố không thể thiếu.

Ông nói: "Tôi biết đây sẽ là một chặng đường dài, nhưng tôi muốn tin vào sức mạnh của thế hệ trẻ ngày nay. Chúng tôi không thể dừng lại cho đến khi người dân Myanmar giành lại được nền dân chủ".

Phản kháng thời công nghệ số

Ông Win Kyaw, 56 tuổi, cũng bỏ chạy sang Nhật Bản vào năm 1989. Sau cuộc đảo chính hồi tháng 2 vừa qua, ông cảm thấy cần phải làm gì đó. Ông đã cùng những người trẻ tuổi Myanmar sử dụng mạng xã hội để phản kháng.

Ở Myanmar, quân đội đang tăng cường kiểm soát Internet. Từ tháng 2 đến tháng 4, cứ đến tối là quân đội cắt mạng Internet, thậm chí còn hạn chế cả các mạng di động. Nhưng ở Nhật thì không. Ông Win Kyaw coi đây là lúc để ông sử dụng thời gian lên mạng của mình một cách có ý nghĩa hơn.

Ông nói rằng vào thời của ông thì "đó là bạo lực - chúng tôi chiến đấu bằng súng''. Nhưng bây giờ thì "giống như cuộc chiến trên mạng hơn".

Win Kyaw
Ông Win Kyaw bỏ chạy và đến Nhật Bản năm 1989.

Vào cuối tháng 2, một đám tang được tổ chức tại thành phố Naypyidaw cho một người biểu tình tên là Mya The Khaing, người bị bắn vào đầu và qua đời vào ngày 9/2. Lẽ ra cô sẽ đón sinh nhật lần thứ 20 vào ngày hôm sau. Các báo cáo ban đầu cho biết cô đã bị trúng đạn cao su. Nhưng các nhân chứng nói rằng đó là đạn thật.

Ông Win Kyaw quyết định phát huy sự tự do của mình và sử dụng mạng để tìm hiểu vụ việc. Ông thu thập thông tin bằng cách chia sẻ hình ảnh và video với những người trẻ Myanmar sinh sống trên khắp thế giới. Trong số đó, ông đã tìm được một số người đam mê pháp y kỹ thuật số rất nhiệt tình giúp đỡ.

Ông Win Kyaw đối chiếu bức ảnh chụp chiếc mũ bảo hiểm mà ông nhận được qua mạng xã hội với một đoạn video ghi lại khoảnh khắc vụ nổ súng. Chiếc mũ bảo hiểm giống hệt chiếc mũ Mya The Khaing đã đội và bị thủng một lỗ vì đạn.

Ông và những người cùng tìm hiểu vụ việc qua mạng cũng có được một bức ảnh cho thấy một cảnh sát đang vung súng. Họ đang cố gắng xác định xem viên sĩ quan này có phải là người đã bắn phát đạn gây chết người hay không.

Mya The Khaing thiệt mạng trong cuộc biểu tình ngày 9/2. Xem Video 09:32

Hơn 750 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình vẫn đang diễn ra, tình hình không có dấu hiệu cải thiện. Ông Win Kyaw hy vọng rằng những gì ông phát hiện ra sẽ được sử dụng làm bằng chứng tại một tòa án quốc tế.

Ông nói: “Quân đội đã quên rằng bây giờ là năm 2021. Họ sống giới hạn trong tổ chức của họ, và không nhận thức được những gì đang xảy ra ở những nơi khác trên thế giới".

Từ khóa » Chuyện Gì Xảy Ra ở Myanmar