Công Dụng, Cách Dùng Câu Kỷ - Tra Cứu Dược Liệu
Có thể bạn quan tâm
Tra cứu dược liệu
Trang chủ » Tra cứu dược liệuMục lục
- Mô tả
- Phân bố sinh thái
- Cách trồng
- Bộ phận dùng
- Thành phần hóa học
- Tác dụng dược lý
- Tăng cường miễn dịch
- Hạ cholesterol huyết, đường huyết, bảo vệ gan
- Tác dụng làm chậm sự suy lão
- Tác dụng đối với hệ thống máu
- Các tác dụng khác
- Tính vị, công năng
- Công dụng
- Bài thuốc có câu kỷ
Mô tả
- Cây nhỏ, mọc đứng thành bụi sum sê, phân cành nhiều, cao 0,5 – 1m. Cành cứng đôi khi có gai ngắn ở kẽ lá. Lá nguyên mọc so le hoặc tụ tập 4-5 cái, hình mũi mác, hẹp dần ở gốc, đầu tù hoặc nhọn, mép uốn lượn, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt; cuống lá ngắn.
- Hoa nhỏ, mọc đơn độc hoặc 2-3 cái ở kẽ lá, màu tím nhạt hoặc tím đỏ; đài nhẵn hình chuông, có 3 – 5 thùy; tràng hình phễu, 5 cánh, có lông ở mép; nhị 5 đính ở đỉnh của ống tràng.
- Quả mọng, hình trứng thuôn, khi chín màu đỏ sẫm hoặc vàng đỏ; hạt nhiều, hình thận dẹt.
- Mùa hoa quả : tháng 6 – 10.
- Loài Lycium ruthenicum Murray cũng được dùng nhưng ít phổ biến hơn. Cây có thể cao đến 2m. Cành có gai dài. Lá thường mọc tụ tập 4 – 5 cái ở một mấu, không có lá mọc đơn lẻ; phiến lá hẹp ngang. Quả hình cầu, màu đen.
Phân bố sinh thái
- Chi Lycium L. có khoảng 100 loài trên thế giói, phân bố rải rác khắp các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới ở châu Mỹ, châu Phi và châu Á.
- Có 2 loài câu kỷ đáng chú ý là :
- Câu kỷ quả đỏ (Lycium chinense Mill.), có nguồn gốc từ vùng Tây Á. Mọc hoang và trồng nhiều ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Malaysia, Indonesia …
- Câu kỷ quả tím đen (L. ruthenicum Murray) cũng có nguồn gốc ở vùng Tây Á hoặc Nam Á. Cây được trồng ở Ấn Độ, Malaysia và một số nơi khác.
- Ở Việt Nam, hiện nay có cả hai loài, nhưng không rõ được nhập trồng từ bao giờ. Cây trồng ở Đà Lạt (Lâm Đồng), Hà Nội và một số nơi khác chủ yếu là lấy lá và ngọn non để ăn. Từ năm 1996, Trạm nghiên cứu Dược liệu Thanh Hóa đã nghiên cứu trồng loài L. chinese Mill. thành công và hàng năm đều thu hoạch được nhiều quả.
- Nhìn chung cả 2 loài câu kỷ trên đều là cây ưa sáng và ưa ẩm. Cây sinh trưởng tốt trong vụ xuân – hè, có hoa quả vào cuối mùa hè đến đầu mùa thu. về mùa đông có hiện tượng rụng lá. Đối với loài câu kỷ quả đỏ, muốn có hoa quả, không được thu hoạch ngọn và lá làm rau. Câu kỷ có khả năng tái sinh cây chồi sau khi chặt. Từng đoạn thân, cành đem vùi xuống đất cũng có khả năng tái sinh.
Cách trồng
- Câu kỷ có khả năng thích ứng rộng, có thể trồng được ở cả miền núi, trung du và đồng bằng. Cây thích đất pha cát, thoát nước không bị úng ngập, có tầng canh tác sâu. Là cây sống nhiều năm, câu kỷ hơi chịu bóng lúc còn nhỏ, từ năm thứ 3 trở đi, cây cần được chiếu sáng đầy đủ.
- Câu kỷ có thể được nhân giống bằng hạt hoặc bằng cành. Trong sản xuất, thường dùng cách gieo hạt trong vườn ươm, sau đó đánh cây con đi trồng. Hạt gieo từ tháng 2 đến tháng 5. Giâm cành có thể tiến hành từ tháng 4 đến tháng 6.
- Đất vườn ươm cần làm nhỏ, lên thành luống cao 15 – 20cm, rộng 0,8 – 1m, sau đó đánh thành rạch cách nhau 10 – 12cm. Hạt được ngâm đủ nước, vớt ra để ráo và gieo vào rạch. Gieo xong, dùng rơm rạ phủ lên và tưới giữ ẩm thường xuyên. Sau 7-10 ngày, hạt bắt đầu nảy mầm, dỡ bỏ rơm rạ. Khi cây cao 5-7 cm, cần tỉa bớt để giữ khoảng cách giữa các cây từ 7 đến 10cm. Khi cây đạt chiều cao 15 – 20cm (khoảng tháng 5, 6) đánh đi trồng. Vườn ươm cần luôn sạch cỏ, đủ ẩm. Nếu cây còi cọc, có thể tưới thúc bằng nước phân chuồng, nước giải pha loãng.
- Nếu nhân giống bằng cành thì chọn cành bánh tẻ, cắt thành từng đoạn dài 15 – 20cm, giâm trong vườn ươm hoặc trồng thẳng ra ruộng.
- Đất trồng câu kỷ cần cày bừa, lên thành luống cao 25 – 30cm, mặt luống rộng 40cm, sau đó bổ hốc thành một hàng, hốc cách nhau 70 – 80cm. Dùng 10-15 tấn phân chuồng mục, 200kg supe lân, 100kg kali trộn đều để bón lót theo hốc cho mỗi hecta. Sau khi trồng cần tưới ẩm và đảm bảo sạch cỏ thường xuyên cho tới khi cây giao tán. Mùa mưa cần thoát nước kịp thời.
- Câu kỷ sống nhiều năm và đòi hỏi nhiều dinh dưỡng, nhất là khi cây đã lớn. Hàng năm, cần bón thúc ít nhất 3 lần, vào đầu mùa xuân, đầu mùa hạ và cuối mùa thu. Lần thứ nhất và lần thứ hai nên dùng các loại phân nước để tưới, lần thứ ba, dùng 1 – 2kg phân chuồng mục để bón kết hợp vun cho mỗi gốc.
- Câu kỷ trồng ở Việt Nam sang năm thứ hai đã bắt đầu cho thu hoạch quả. Thời kỳ quả chín kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10. Quả chín đến đâu cần thu hoạch ngay đến đó, nếu không thu kịp thời quả sẽ rụng. Cần thu vào buổi sáng sau khi tan sương hoặc chiều mát. Nếu thu vào buổi trưa quả sẽ kém chất lượng.
- Câu kỷ ít bị sâu bệnh hại. Năng suất quả trung bình có thể đạt khoảng 700 – 1000kg/ha.
Bộ phận dùng
- Quả chín phơi khô của cây câu kỷ (câu kỷ tử).. Quả được thu hái khi quả chuyển sang màu đỏ da cam.
- Sau khi phơi âm can để vỏ quả se lại thì đem phơi nắng cho đến khi vỏ quả khô lại và cứng, còn ruột thì vẫn xốp.
- Vỏ rễ phơi hay sấy khô (địa cốt bì).
Thành phần hóa học
- Quả câu kỷ chứa tinh dầu, trong đó 36 thành phần trung tính đã được nhận dạng bằng sắc ký khí liên hợp vói phổ khối. Hai sesquiterpen được nhận dạng là dehyđro – α – cyperon và solavetivon. Methyl linoleat chiếm tỷ lệ cao (18%) trong phân đoạn trung tính. Các ester của các acid béo C14, C16 và C18 cũng có với tỷ lệ cao. Ngoài ra, quả còn có betain, Zeaxanthin, physalien.
- Hạt chứa nhiều sterol: 4,4 – dimethylsterol, cycloartanol, cycloartenol, 24 – methylen cycloartanol (các chất này chiếm tỳ lệ cao), một số dẫn chất của lanosterol (các dẫn chất này chiếm tỷ lệ thấp). Trong số các sterol này có gramisterol (44%), citrostadienol (18%), lophenol (9%), cycloeucalenol (8%), nor – cycloartenol (6%), obtusifoliol (6%).
- Hai chất còn được chiết tách từ quả và nhận dạng là β – sitosterol và acid melissic.
- Vỏ cây cũng chứa β – sitosterol và acid melissic. Ngoài ra, còn có acid linoleic, 5α- stigmastan – 3,6 – dion, sugiol.
- Vỏ rễ chứa một alcaloic gọi là kukoamin và một dipeptid gọi lyciumamid (N – benzoyl – L – phenylalanyl – L – phenylalaninol acetat).
- Lá chứa betain, các lycinumwithanolid A và B, tinh dầu trong đó có hydroxydehydro – β – ionol.
- Câu kỷ còn được ghi là có scopoletin, acid vanilic, betain, nicotinamin.
- Quả câu kỷ vẫn được nhập, lấy từ loài Lycium barbarum L, một loài rất phổ biến trong y học cổ truyền của Trung Quốc. 100 quả chứa 3,1g protein, 1,9g lipid, 9,1g carbohydrat, 1,6g chất xơ, 22,5mg Ca, 56mg p, 1,3mg Fe, 19,6mg caroten, 0,08 thiamin, 0, 14mg riboflavin, 0,67mg acid nicotinic và 42,6mg acid ascorbic.
- Theo A.Y.Leung và cs, 1996, quả chứa 8 – 10% acid amin trong đó chừng một nửa ở dạng tự do: acid aspartic 1,2%, prolin 0,65%, acid glutamic 0,63%, alanin 0,37%, arginin 0,19%, serin 0,14% và 9 acid amin khác.
Tác dụng dược lý
Tăng cường miễn dịch
- Nước sắc câu kỷ tử 50% với liều 2,5g/kg/ngày, dùng bằng đường uống trong 3 ngày liên tiếp, làm tăng cường khả năng thực bào của đại thực bào trong xoang bụng chuột nhắt, đồng thời tăng cường hoạt động của men lysozym trong huyết thanh và nâng cao hiệu quả kháng thể kháng hồng cầu cừu của huyết thanh và tăng số lượng tế bào có kháng thể hình thành trong tổ chức lách.
- Quan sát trên lâm sàng ở những người già mà chức năng miễn dịch giảm, dùng dạng chiết từ câu kỷ tử hoặc ăn quả câu kỷ tươi thì hệ thống miễn dịch đã bị giảm của họ được điểu chỉnh, tỷ lệ chuyển hóa của nguyên bạch cầu (leukocytoblast), globulin miễn dịch trong huyết thanh như IgG, IgA và IgM đều tăng.
Hạ cholesterol huyết, đường huyết, bảo vệ gan
- Dạng chiết nước từ câu kỷ tử dùng cho chuột cống trắng và thỏ có tác dụng làm giảm cholesterol và có tác dụng bảo vệ gan. Nuôi chuột dài ngày (75 ngày) bằng thức ăn có trộn dạng chiết từ câu kỷ tử (0,5% và 1%) hoặc betain (0,1%) có tác dụng bảo vệ gan, chống lại những tổn thương do tetraclorua cacbon gây nên.
- Dạng chiết từ quả L.barbarum dùng cho chuột cống trắng có tác dụng hạ đường huyết rõ rệt và kéo dài, đồng thời khả năng dung nạp đường tăng cao.
- Trên lâm sàng, những người già trên 60 tuổi uống dạng chiết từ câu kỷ với liều 100mg liên tục trong 4 tuần lễ thì cholesterol huyết, β- lipoprotein và triglycerid đều giảm.
Tác dụng làm chậm sự suy lão
- Dạng chiết nước từ câu kỷ tử cho vào thức ăn của ruồi giấm (2%) làm cho sức ăn của ruồi giấm tăng 47% và ức chế sự tích luỹ fuscin của ruồi.
- Người già mỗi ngày dùng 5g quả câu kỷ trong 10 ngày liên tiếp thì hoạt độ của men superoxid dismutase (S0D) tăng 48%, hemoglobin (Hb) tăng 12% và lipid peroxyd giảm 65%.
Tác dụng đối với hệ thống máu
- Nước sắc câu kỷ tử (10%) dùng cho chuột nhắt trắng với liều 0,5ml/chuột, liên tục trong 10 ngày làm tăng lượng bạch cầu. Dạng đông khô câu kỷ tử có tác đụng ngăn ngừa hiện tượng giảm bạch cầu do cyclophosphamid gây nên trong điều trị ung thư thực nghiệm trên chuột cống trắng. Người bình thường hoặc bệnh nhân ung thư ăn quả khô câu kỷ 5g/ngày liên tục trong 10 ngày thì số lượng bạch cầu tăng lên rõ rệt.
Các tác dụng khác
- Betain làm tăng trọng lượng gà nuôi thịt so với lô đối chứng, và làm tăng lượng trứng đẻ ở gà mẹ. Dịch chiết câu kỷ tử tác dụng trực tiếp lên tuyến yên của chuột cống trắng kích thích rụng trứng.
- Độc tính:Câu kỷ tử có độc tính thấp.
- Địa cốt bì
- Tác dụng hạ sốt: Dạng chiết nước, chiết cồn từ địa cốt bì trên thỏ gây sốt thực nghiệm có tác dụng hạ sốt rõ rệt, còn dạng chiết bằng ether không có tác dụng hạ sốt.
- Tác dụng hạ đường huyết: Trên thỏ, nưốc sắc địa cốt bì bằng đưòng uống với liều 8g/kg, có tác dụng hạ đường huyết, tác dụng xuất hiện tối đa sau khi dùng thuốc 4-5 giò, trung bình hạ 14%.
- Tác dụng hạ cholesterol máu: Trên thỏ, cao lỏng địa cốt bì bằng đường uống làm giảm cholesterol toàn phần trong máu một cách rõ rệt, còn đối với triglycerid thì ảnh hưởng không lớn lắm. Chất betain có tác dụng bảo vệ gan chống nhiễm mỡ.
- Tác dụng hạ huyết áp: Trên chó, mèo, thỏ gây mê và trên chuột cống trắng không gây mê, nước sắc và cao lỏng địa cốt bì có tác dụng hạ huyết áp. Tác dụng hạ huyết áp ở mức độ trung bình, thời gian hạ áp ngắn. Tác dụng hạ áp của địa cốt bì ngoài nguyên nhân ở trung ương thần kinh, còn liên quan đến sự phong bế các tận cùng thần kinh giao cảm.
- Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc địa cốt bì có tác dụng ức chế rõ rệt các khuẩn gây bệnh đường ruột như Bacilus typhi, B.paratyphi, Shigella shigae, Sh.Flexneri; còn đối với Staphylococus aureus không có tác dụng. Ngoài ra nước sắc địa cốt bì còn có tác dụng ức chế virus cúm.
- Độc tính: Nước sắc địa cốt bì trên chuột nhắt trắng dùng qua đường dạ dày với liều 262,6g/kg súc vật vẫn không chết.
Tính vị, công năng
- Câu kỷ tử có vị ngọt, tính bình, vào 2 kinh can và thận có tác dụng dưỡng can, minh mục, bổ thận, ích tinh, nhuận phế.
- Địa cốt bì có vị ngọt, tính hàn, vào các kinh phế, can, thận, có tác dụng lương huyết, thanh phế, giáng hoả.
Công dụng
- Câu kỷ tử được coi là vị thuốc bổ toàn thân, dùng cho cơ thể suy nhược, can thận âm quỵ, tinh huyết bất túc, thần kinh suy nhược, lưng gối mỏi đau, hoa mắt, thị lực giảm, di tinh, đái đường.
- Liều dùng: 6 – 12g, sắc nước uống, chế thành cao, ngâm rượu hoặc các dạng hoàn tán.
- Chú ý: Ngoại tà thực nhiệt, tỳ hư tiết tả cấm dùng.
- Địa cốt bì dùng trong những trường hợp hư lao triều nhiệt, ra mồ hôi trộm, ho hen, nôn ra máu, chảy máu mũi, đái ra máu, đái đường, cao huyết áp, mụn nhọt.
- Liều dùng: 9 – 15g, sắc nước uống hoặc dùng dạng hoàn tán.
Bài thuốc có câu kỷ
- Chữa hư lao tinh qụy, lưng gối mỏi đau: Câu kỷ tử 12g, thục địa 12g, tục đoạn 9g, tầm gửi 12g. Sắc nước uống.
- Chữa can thận bất túc, đau đầu hoa mắt: Câu kỷ tử, cúc hoa, thục địa, sơn thù du, sơn dược, trạch tả, mẫu đơn bì, phục linh mỗi thứ lượng bằng nhau; nghiền thành bột mịn, luyện với mật, làm hoàn bằng hạt ngô; mỗi lần uống 9g.
- Chữa thận hư di tinh, dương uỷ, xuất tinh sớm, khí huyết lưỡng suy: Câu kỷ tử, thỏ ty tử mỗi thứ 240g, ngũ vị tử 30g, phúc bồ tử 120g, xa tiền tử 60g. Nghiền thành bột mịn, nhào với mật, làm thành hoàn mỗi lần dùng 9g.
- Chữa nam giới bất dục, tinh huyết bất túc: Câu kỷ tử 120g, đương quy 60g, thục địa 180g ngâm rượu (3kg). Mỗi ngày uống 2 lần sáng, tối; mỗi lần 30ml.
- Chữa thần kinh suy nhược, mất ngủ hay mệt mỏi: Câu kỷ tử tươi 500g: giã dập cho vào túi vải, ngâm với 2kg rượu trong bình kín, thời gian 2 tuần. Mỗi lần uống 30ml, ngày 1-2 lần.
- Chữa âm hư triều nhiệt: Địa cốt bì, ngân sài hồ, tri mẫu, bán hạ (ngâm rửa 10 lần), nhân sâm, cam thảo, xích phúc linh. Tất cả với lượng bằng nhau, nghiền thành bột, mỗi lần dùng 6g cho thêm 5 lát gừng tươi, sắc nước uống sau bữa ăn.
- Chữa đái đường, uống nhiều, đi tiểu nhiều: Địa cốt bì, rễ thổ qua, rễ qua lậu, lô căn mỗi vị 45g, mạch môn đông 60g, táo 7 quả. Mỗi lần 9g sắc nước uống lúc nóng.
- Chữa thân thể gầy mòn, ốm lâu suy nhược: Địa cốt bì, trần bì, thần khúc, mỗi vị 10g nấu với thịt cừu (hoặc dê) non 250g, gan cừu 250g. Ăn trong ngày.
Cập nhật: 30/11/2023
★★★★★★ 0 đánh giá Chia sẻ Chia sẻ- Bình luận
- Câu hỏi của bạn
Hủy
XBạn vui lòng điền thêm thông tin!
Chọn tệp (Allowed file types: jpg, png, maximum file size: 100MB.
Dược liệu được quan tâm
Anh thảo
Mục lụcĐặc điểm mô tảPhân bốVai trò trong hệ sinh tháiSinh t...Sâm tố nữ
Sâm tố nữ lần đầu tiên được tìm thấy ở phía Bắc Thái Lan, My...Giảo cổ lam
Mục lụcMô tả câyPhân bốBộ phận dùngThành phần hóa họcTính vị...Sâm cau
Là cây thảo, sống lâu năm, cao 20 - 30 cm, có khi hơn. Thân ...Cà gai leo
Cây nhỏ leo, sống nhiều năm, dài khoảng 1 m hay hơn. Thân hó...Các thông tin trên Website được dựa trên Cuốn Danh lục cây thuốc Việt Nam, cây thuốc và động vật làm thuốc
↑Từ khóa » Cây Rau Kỷ Tử
-
Rau Kỷ Tử 200g - Chuỗi Cửa Hàng VietGreenFood
-
Canh Rau Củ Kỷ, Câu Kỷ Tử, Khởi Tử - Goji Leaves Soup - YouTube
-
Cây Câu Kỷ Đặc Tính Cây Câu Kỷ Tử Cách Trồng Cây ... - YouTube
-
RAU KỲ TỬ Cây Kỳ Tử Là Một Loại... - Rau An Toàn VietRAP | Facebook
-
Đông Y Khen Cây Kỷ Tử Tốt Từ Gốc đến Ngọn: Lá, Quả, Rễ đều Có Thể ...
-
Câu Kỷ Tử- Cây Thuốc đa Năng - Báo Nông Nghiệp
-
Câu Kỷ Tử Có Tác Dụng Gì? Những Lưu ý Khi Sử Dụng Loại Quả Này
-
Rau Câu Kỷ - Món Rau Dân Dã Ngon Miệng - Mộc Nhiên Farm
-
Câu Kỷ Tử: Công Dụng, Liều Dùng & Cách Sử Dụng Hiệu Quả
-
Trọn Bộ Trồng Và Chăm Sóc Giống Cây Câu Kỷ Tử
-
Trọn Bộ Trồng Và Chăm Sóc Giống Cây Kỷ Tử
-
Cây Kỷ Tử ( Khởi Tử) - Giống Cây Trồng Cây ăn Trái
-
Công Dụng Chữa Bệnh Của Kỷ Tử - Vinmec