Công Dụng, Cách Dùng Hà Thủ ô đỏ - Tra Cứu Dược Liệu

Mục lục

  • Thông tin khoa học
  • Mô tả
  • Phân bố, sinh thái.
  • Cách trồng
    • Nhân giống
    • Làm đất
    • Cách trồng, bón phân
    • Sâu, bệnh hại
    • Thu hái
    • Bộ phận dùng
  • Thành phần hoá học
  • Tác dụng dược lý
  • Tính vị, công năng
  • Công dụng
  • Bài thuốc có hà thủ ô đỏ
    • Chữa phong lở ở đầu mặt, ngứa khắp mình (Hải Thượng Lãn Ông)
    • Chữa đái rắt buốt, đái ra máu (Hải Thượng Lãn Ông)
    • Chữa tóc rụng và bạc sớm, hồi hộp, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, đau mỏi lưng khớp, táo bón
    • Chữa xơ cứng mạch máu người già, tăng huyết áp, nam giới chậm có con
    • Chữa phong thấp đau lưng, viêm dây thần kinh hông, vận động khó khăn
    • Thuốc bổ dùng cho người già yếu, thần kinh suy nhược, tiêu hoá kém
    • Thuốc bổ khí huyết, mạnh gân cốt
    • Thất bảo mỹ nhiệm đơn, làm râu tóc trắng hoá đen, khoẻ gân xương, bền tinh khí, sống lâu
    • Hà thủ ô hoàn (công dụng như trên)
    • Hà thủ ô tán (công dụng như trên)
    • Chữa viêm hắc võng mạc trung tâm thanh dịch
    • Viên bổ Ngũ hà (chữa thiếu máu, mệt mỏi, tiêu hoá kém)
    • Viên bổ hà thủ ô (chữa sốt rét gầy yếu, ăn ngủ kém, đau xương, di tinh, bạch đới) trẻ em chậm đi, chậm mọc răng
    • Món ăn chữa bệnh chứa hà thủ ô

Thông tin khoa học

  • Tên khoa học: Reynoutria multiflora (Thunb.) Moldenke – Polygonum multiflorum Thunb.
  • Tên gọi khác: Dạ giao đằng, Má ỏn, Mằn măng ón, Khua lình
  • Họ Rau răm: Polygonaceae
  • Tên nước ngoài: Many – flowered knotweed, multiflorous knotweed (Anh); renouée multiflorée (Pháp)

Mô tả

  • Dây leo bằng thân quấn, sống lâu năm. Thân mềm, nhẵn, mọc xoắn vào nhau. Rễ phình thành củ, màu nâu đỏ, củ nguyên có hình giống củ khoai lang.
  • Lá mọc so le, hình mũi tên, gốc hình tim, đầu thuôn nhọn, dài 5 – 8cm, rộng 3 – 4cm, 3 – 5 gân xuất phát từ gốc lá, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng; cuống dài khoảng 2 cm, phủ lông tơ, bẹ chìa mỏng, ngắn, có lông dài.
  • Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành thành chùy phân nhánh, dài hơn lá; lá bắc ngắn; hoa nhỏ nhiều, màu trắng; nhị 8, thường dính vào gốc của bao hoa.
  • Quả hình 3 cạnh, nhẵn bóng, nằm trong bao hoa, 3 mảnh ngoài phát triển thành những cánh rộng.
  • Mùa hoa: tháng 9 -11; mùa quả: tháng 12 – 2.

Xem thêm: Nghiên cứu đặc điểm hình thái và giải phẫu loài hà thủ ô đỏ (Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson) ở Việt Nam

Phân bố, sinh thái.

Hà thủ ô phân bố rộng rãi ở nhiều nước cận nhiệt đới và nhiệt đới. Ở Việt Nam, có 1 loài là cây hà thủ ô đỏ. Trên thế giới, hà thủ ô đỏ có ở Trung Quốc, Bắc Lào, Nhật Bản và Ấn Độ. Ở Việt Nam, hà thủ ô đỏ chỉ có ở một số tỉnh vùng núi cao phía bắc. Cây mọc nhiều ở Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La….

Hà thủ ô là cây ưa khí hậu ẩm mát của vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới núi cao. Cây ưa sáng và có thể hơi chịu bóng. Nơi mọc tự nhiên thích hợp nhất là các quần thể rừng núi đá vôi.

  • Hà thủ ô đỏ ra hoa quả nhiều hàng năm. Sau khi quả già, phần thân leo trên mặt đất tàn lụi, hạt giống phát tán xung quanh và sẽ nảy mần vào mùa xuân hè năm sau. Hà thủ ô đỏ có khả năng tái sinh vô tính khỏe. Từ một đoạn thân hay đoạn củ là có thể tái sinh thành cây mới.
  • Nguồn hà thủ ô ở nước ta trước đây khá dồi dào. Qua hàng chục năm khai thác và nạn phá rừng làm nương rẫy vùng phân bố tự nhiên của cây bị thu hẹp rất nhiều.

Cách trồng

Nhân giống

Theo kinh nghiệm của nhân dân ở Sơn La, Vĩnh Phúc, Bắc Giang hà thủ ô đỏ được trồng bằng củ có đường kính 3 -5 cm hoặc bằng dây bánh tẻ dài 30 – 4-cm, không có sâu bệnh.

  • Trồng bằng củ thì đặt củ theo hốc ở độ sâu 5 -7cm.
  • Trồng bằng dây thì đánh rạch, đặt dây và lấp đất như cách trồng khoai lang, để 1/3 dây thò lên khỏi mặt đất.

Củ và dây đều trồng với khoảng cách 20 -35cm, tưới và giữ ấm cho tới khi cây mọc.

Làm đất

Đất đồi, gò, nương, các chân ruộng cao nhiều mùn, thoát nước, giữ ẩm rất tốt cho việc trồng hà thủ ô. Đất cần cày bừa, đập nhỏ, lên luống cao 25 -30cm, ruộng 40cm nếu trồng một hàng hoặc 70 – 80cm nếu trồng 2 hàng.

  • Lá cây lấy củ, hà thủ ô đỏ cần được bón nhiều phân.
  • Nên bón lót cho mỗi ha 20 -25 tấn phân chuồng, 200kg lân và 100kg kali.

Cách trồng, bón phân

Khi cây mọc, làm giàn cho dây leo. Dùng tre, sắt cắm chéo xành sẻ, cao 1,5 -2m deo theo luống.

Hàng tháng làm cỏ, xới xào cho đất tơi thoáng, kết hợp bón thúc. Tốt nhất là dùng nước phân chuồng, nước giải pha loãng. Nếu cần, có thể tưới đạm pha với nồng độ 2%, mỗi lẫn 25kg đạm/ha. Việc bón thúc tiến hành từ tháng 3 -9 hàng năm, mỗi tháng thúc một lần.

Sâu, bệnh hại

  • Hà thủ ô ít sâu bệnh, cần chú ý phòng trừ dễ hại mầm non.

Thu hái

  • Cây trồng sau 2 -3 năm thì thu hoạch, để lâu quá củ dễ thối.
  • Năng xuất trung bình đạt 1,5 – 2,5 tấn củ khô/ha.

Bộ phận dùng

Rễ củ, hái vào mùa thu, đào về rửa sạch đất, bỏ rễ con. Củ nhỏ để nguyên, củ to bổ đôi hoặc bổ tư, phơi hay sấy khô. Nếu đồ chín rồi phơi khô thì tốt hơn. Loại nguyên củ của hà thủ ô đỏ có hình dáng hơi giống củ khoai, mặt ngoài có những chỗ lồi lõm đặc biệt, màu nâu đỏ.

Hà thủ ô đỏ có thể chế biến như sau:

Rễ củ được rửa sạch, ngâm nước vo gạo trong 24 giờ, rửa nước lại lần nữa. Cho dược liệu vào nồi, rồi cho nước đỗ đen đến ngập với tỷ lệ 1kg dược liệu và 100g đỗ đen và 2 lít nước. Nấu đến khi gần cạn, đảo luôn cho thuốc chín đều. Khi rễ củ đã mềm, lấy ra bỏ lõi. Nếu còn nước đậu đen thì tẩm phơi cho hết. Đồ phơi như vậy được 9 lần là tốt (cửu chưng, cửu sái). Khi dùng thái lát hoặc bào thành miếng mỏng.

  • Dược điển đông y Trung Quốc 1963 lại quy định thái hà thủ ô đỏ trộn với nước đậu đen và rượu cho vào thùng, đậy kín. Đun cách thuỷ cho đến khi rễ củ hút hết nước tẩm. Phơi khô.

Thành phần hoá học

Hà thủ ô đỏ chứa 1,7% antraglucosid trong đó có crysophanol, emodin, rhein, 1,1% protid, 42,2% tinh bột, 3,1% lipid, 4,5% chất vô cơ, 26,4% chất tan trong nước…

Thành phần hoá học của hà thủ ô đỏ thay đổi trong quá trình chế biến. Theo y học cổ truyền, hà thủ ô đỏ sống chứa 7,68% tanin, 0,259% dẫn chất antraquinon tự do, 0,805% dẫn chất antaquinon toàn phần.

Sau khi chế biến, dược liệu chứa 3,82% tanin, 0,113% dẫn chất antraquinon tự do, 0,25% antaquinon toàn phần. Chất phospholipid có 3,49% trong dược liệu thô và 1,82% trong dược liệu đã chế biến. Ngoài ra còn có các chất vô cơ K, Ca, Mn, Ni, Cr.

Tác dụng dược lý

  • Hà thủ ô đỏ có tác dụng dược lý như sau: làm tăng đường máu ở thỏ; do chứa lecithin, nên có thể dùng trong suy nhược thần kinh và bệnh về thần kinh, giúp sinh huyết dịch, bổ tim, giúp cải thiện chuyển hoá chung; do chứa antraglucosid nên kích thích co bóp ruột, kích thích tiêu hoá, cải thiện dinh dưỡng.
  • Hà thủ ô đỏ có tác dụng nội tiết kiểu oestrogen, tác dụng kiểu progesteron nhẹ trên nội mạc tử cung, làm tăng trương lực cơ tử cung trong những thí nghiệm tử cung cô lập và ở nguyên vị trí, tăng tiết sữa và chống viêm.
  • Hà thủ ô đỏ có tác dụng nâng cao tỷ lệ sống hoặc kéo dài thời gian cầm cự đối với động vật đã tiêm liều độc nọc rắn hổ mang và tác dụng ức chế sự co thắt cơ trơn ruột cô lập gây bởi histamin và acetylcholin.
  • Hà thủ ô đỏ có tác dụng chống co thắt phế quản, kéo dài thời an toàn trong mô hình khí dung histamin.
  • Hà thủ ô đỏ có tác dụng chống viêm trên mô hình thực nghiệm, gây phù cấp tính và viêm mạn tính, gây rỉ dịch màng phổi bằng tinh dầu thông, gây viêm dị ứng và viêm khớp bằng BGC.

Bài thuốc Lục vị tân phương trong đó có hà thủ ô đỏ và một số vị khác đã được thử dược lý và thấy có độc tính rất thấp, có tác dụng tăng số lượng hồng cầu, lợi tiểu, nhuận tràng và làm giảm sự hoạt động của động vật thí nghiệm. Trên lâm sàng, thuốc làm bệnh nhân bớt mỏi mệt, ăn ngon, ngủ được, đại tiện dễ dàng, giảm cảm giác nóng bức và tăng cân.

Một đơn thuốc trong đó có hà thủ ô và một số vị khác đã được dùng điều trị 136 bệnh nhân viêm hắc võng mạc trung tâm thanh dịch đạt hiệu quả làm tăng thị lực tốt.

Chế phẩm Ramazona bào chế từ phương thuốc “Phù tang thế bảo” của Tuệ Tĩnh, gồm rau má thìa, ngưu tất, ba kích, hà thủ ô đỏ đã được điều trị trên những bệnh nhân lớn tuổi và thấy thuốc có tác dụng tốt giúp nâng cao thể trạng và làm tâm thần sảng khoái, tăng protid máu, làm thay đổi tỷ lệ A/G theo chiều thuận lợi, giữ huyết áp ổn định ở người huyết áp cao. Không nên dùng cho người có rối loạn tiêu hoá.

  • Cao lỏng và những hợp chất antraquinon của hà thủ ô có tác dụng tăng cường nhu động ruột, nhuận tràng.
  • Dịch chiết methanol của hà thủ ô đỏ có tác dụng ức chế sự tăng cholesterol máu ở chuột ăn thức ăn có lượng cholesterol cao.
  • Ảnh hưởng của những thành phần stilben của hà thủ ô đỏ trên tổn thương gan gây ở chuột cống trắng bằng việc cho ăn dầu peroxy – hoá đã thể hiện ở chỗ piceid và 2, 3, 4, 5, 4′ – tetrahydroxy stilben – 2 – 0 – D – glucosid có tác dụng ức chế một phần sự tích luỹ các peroxyd lipid trong gan chuột. Những stilben glycosid ức chế sự tăng GOT và GPT trong huyết thanh chuột. Ngoài ra, resveratrol, piceid và 2, 3, 5, 4′ – tetrahydroxy stilben – 2 – 0 – D – glucosid còn ức chế sự peroxy – hoá lipid gây bởi ADP (adenosin – 5′ – diphosphat) và NADPH (nicotinamid adenin dinucleotid phosphat) ở những vi tiểu thể gan chuột.
  • Cao cồn hà thủ ô đỏ còn có tác dụng dự phòng xơ vữa động mạch, gây thực nghiệm theo cơ chế ngoại sinh trên chim cun cút. Tác dụng làm giảm cholesterol và triglycerid huyết thanh, ức chế sự tăng lipid máu và làm chậm sự phát triển xơ mỡ động mạch.

Tính vị, công năng

Rễ củ hà thủ ô đỏ có vị đắng chát, hơi ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ gan, thận, bổ máu, ích tinh tuỷ, hoà khí huyết, mạnh gân xương, nhuận tràng.

Công dụng

Theo y học cổ truyền:

  • Rễ hà thủ ô có tác dụng bổ máu, chữa thận suy, gan yếu, thần kinh suy nhược, ngủ kém, sốt rét kinh niên, thiếu máu, đau lưng mỏi gối, di mộng tinh, khí hư, đại tiểu tiện ra máu, khô khát táo bón, da mẩn ngứa không có mủ.
  • Uống lâu làm đen râu tóc đối với người bạc tóc sớm, làm tóc đỡ khô và đỡ rụng.
  • Hà thủ ô chế có tác dụng bổ gan, thận, ích tinh huyết, dùng làm thuốc an thần, bổ và tăng lực trong các chứng đau thân thể suy yếu, hoa mắt, chóng mặt, tim hồi hộp, nhức đầu, mất ngủ, suy nhược thần kinh.

Liều dùng:

  • Ngày uống 6 – 20g, thuốc sắc, rượu thuốc hoặc bột.

Trong y học cổ truyền Trung Quốc:

  • Hà thủ ô sống tươi và khô có tác dụng thông tiểu, giải độc, tiêu ung thủng, chữa táo bón cho phụ nữ sau khi đẻ hoặc người già, mụn nhọt, ghẻ lở, eczema, tràng nhạc. Có thể phối hợp với hạ khô thảo, kim ngân hoa.
  • Ở Ấn Độ, rễ hà thủ ô đỏ được dùng làm thuốc bổ, chống bệnh scorbut và làm đen tóc. Nó còn có tác dụng đối với bệnh tăng đường máu. Một chế phẩm của hà thủ ô đỏ được dùng cho phụ nữ sau khi đẻ.
  • Rễ hà thủ ô được dùng trong y học cổ truyền Trung Quốc và Nhật Bản để điều trị viêm da mủ, bệnh lậu, bệnh nấm gavut ở chân, bệnh viêm và tăng lipid máu.

Bài thuốc có hà thủ ô đỏ

Chữa phong lở ở đầu mặt, ngứa khắp mình (Hải Thượng Lãn Ông)

Bài thuốc ngâm rượu:

  • Rễ gắm sao 120g, vỏ chân chim sao 100g, rễ rung rúc sao 80g, rễ cây bươm bướm sao 60g, rễ chiên chiến sao 60g, cây bấn đỏ sao 40g, cây bấn trắng sao 40g, quy bầu 40g, ô dược 40g, cỏ xước sao 40g, rễ bưởi bung sao 40g, rễ cỏ chỉ sao 80g, cỏ roi ngựa sao 24g, rễ cây chỉ thiên 24g, tang ký sinh 40g, hà thủ ô đỏ (9 lần đồ, 9 lần phơi) 60g.
  • Cách chế: Tán nhỏ các vị thuốc, gói vào một túi vải và bỏ vào hủ rượu, trát đất kín miệng, nấu lên trong thời gian cháy hết 1 nén hương, rồi chôn xuống đất 3 ngày đêm. Uống dần ít một vào lúc đói.

Bài thuốc viên: (dùng kết hợp với bài thuốc trên)

  • Hà thủ ô đỏ 320g, cẩu tích 240g (tẩm rượu, nấu với nước muối, phơi khô), cốt toái bổ 160g (cạo lông, thái nhỏ, nấu với nước mật, phơi khô), thạch hộc 160g (rửa với rượu, chưng kỹ, phơi khô), quán chúng 100g (phơi trong râm, bỏ lông và vỏ), hy thiêm 160g (chưng với rượu và mật), lá ké đầu ngựa 40g (phơi râm), rễ cỏ xước 160g (dùng tươi, rửa sạch với rượu), vỏ chân chim sao 160g, rễ gắm sao 160g.
  • Cách chế: Các vị trên tán bột luyện mật làm viên, mỗi lần uống 8 – 12g với nước gừng hay rượu.

Chữa đái rắt buốt, đái ra máu (Hải Thượng Lãn Ông)

  • Lá hà thủ ô đỏ tươi, giã vắt lấy nước, hoà với mật uống.
  • Lá hà thủ ô đỏ, lá huyết dụ, lượng bằng nhau. Sắc rồi hoà thêm mật ong uống.

Chữa tóc rụng và bạc sớm, hồi hộp, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, đau mỏi lưng khớp, táo bón

Hà thủ ô chế, sinh địa, huyền sâm, mỗi vị 20g. Sắc uống.

Chữa xơ cứng mạch máu người già, tăng huyết áp, nam giới chậm có con

Hà thủ ô đỏ 20g, tang ký sinh, kỷ tử, ngưu tất đều 16g. Sắc uống.

Chữa phong thấp đau lưng, viêm dây thần kinh hông, vận động khó khăn

Hà thủ ô đỏ, ngưu tất 30g, cẩu tích 16g, huyết giác 12g, thiên niên kiện 12g, bạch chỉ 6g. Sắc uống.

Thuốc bổ dùng cho người già yếu, thần kinh suy nhược, tiêu hoá kém

Hà thủ ô đỏ 10g, đại táo 5g, thanh bì 2g, trần bì 3g, sinh khương 3g, cam thảo 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia 3 – 4 lần uống trong ngày.

Thuốc bổ khí huyết, mạnh gân cốt

Hà thủ ô trắng và hà thủ ô đỏ với lượng bằng nhau, ngâm nước vo gạo 3 đêm, sao khô, tán nhỏ, luyện với mật làm thành viên to bằng hạt đậu xanh. Uống mỗi ngày 5 viên với rượu và lúc đói.

Thất bảo mỹ nhiệm đơn, làm râu tóc trắng hoá đen, khoẻ gân xương, bền tinh khí, sống lâu

  • Hà thủ ô đỏ và trắng, đã chế biến, mỗi thứ 600g, xích phục linh và bạch phục linh, mỗi vị 600g. Cạo vỏ, tán bột, khuấy với nước trong, lọc lấy bột lắng ở dưới, nắm lại, tẩm với sữa người, phơi khô.
  • Ngưu tất 320g, tẩm rượu để 1 ngày, trộn với hà thủ ô và đồ với đỗ đen vào lần thứ 7, 8, 9 rồi phơi khô.
  • Đương quy 320g tẩm rượu phơi khô
  • Câu kỷ tử 320g tẩm rượu phơi khô
  • Thỏ ty tử 320g tẩm rượu cho nứt ra, giã nát phơi khô.
  • Bổ cốt chi 100g, trộn với vừng đen, sao cho bốc mùi thơm.
  • Tất cả giã nhỏ, trộn đều, thêm mật vào làm thành viên 0,5g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 50 viên. Sáng dùng rượu chiêu thuốc, trưa dùng nước gừng, tối dùng muối.

Hà thủ ô hoàn (công dụng như trên)

Hà thủ ô đỏ 1800g thái mỏng, ngưu tất 600g thái mỏng, đỗ đen một đấu to đãi sạch. Cho thuốc vào chõ, một lượt thuốc, một lượt đỗ, đồ tơi khi chín đỗ, rồi lấy thuốc ra phơi khô. Làm như vậy 3 lần rồi tán bột. Lấy thịt táo đen Trung Quốc trộn với bột thuốc, làm viên 0,5g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 30 viên. Dùng rượu hâm nóng để chiêu thuốc.

Hà thủ ô tán (công dụng như trên)

Hà thủ ô đỏ cạo vỏ, thái mỏng phơi khô, tán bột. Ngày uống 4g vào sáng sớm, chiêu thuốc bằng rượu.

Chữa viêm hắc võng mạc trung tâm thanh dịch

Hà thủ ô đỏ 20g, thục địa 20g, trạch tả 12g, hoài sơn 12g, cúc hoa 8g, nấu với nước thành cao lỏng, uống.

Viên bổ Ngũ hà (chữa thiếu máu, mệt mỏi, tiêu hoá kém)

Mỗi viên có: Cao ngũ gia bì 0,1g, bột mã tiền 0,01g, bột hà thủ ô đỏ 0,01g, bột oxalat 0,03g, mật ong 0,01g

Viên bổ hà thủ ô (chữa sốt rét gầy yếu, ăn ngủ kém, đau xương, di tinh, bạch đới) trẻ em chậm đi, chậm mọc răng

Hà thủ ô đỏ 500g, sâm bố chính 300g, hạt sen 300g, cam thảo 100g, đại hồi 100g, quả thảo 100g. Ba vị hà thủ ô, sâm, hạt sen đồ chín. Cam thảo nướng vàng. Thảo quả bỏ vỏ, lấy nhân. Trộn chung, sấy khô, tán nhỏ, rây bột mịn, luyện với mật ong làm viên bằng hạt đỗ đen. Trẻ em uống mỗi lần 6 – 15 viên (tuỳ tuổi), người lớn mỗi lần uống 20 viên.

Món ăn chữa bệnh chứa hà thủ ô

Trà nhuận trường, thông tiện:

Hà thủ ô tươi 30g – 60g, nấu nước uống. Trị các chứng huyết hư, tân dịch khô nên đại tiện bí.

Trà sinh địa thủ ô:

Hà thủ ô chế 16g, thục địa 30g. Hà thủ ô chế, thục địa tẩm rượu, thái lát mỏng, cho nước sôi hãm uống thay trà. Dùng cho các trường hợp cơ thể suy nhược già yếu, râu tóc bạc sớm trước tuổi, bệnh mạch vành, mỡ huyết cao.

Cháo kê hà thủ ô:

Kê 50g, hà thủ ô chế 30g, trứng gà 2 quả. Kê nấu với hà thủ ô thành cháo, khi cháo được gắp bỏ các lát bã thuốc, đập trứng vào, thêm chút đường trắng khuấy đều, đun sôi lại. Cho ăn khi đói. Dùng cho các trường hợp thoát vị, sa tử cung, sa dạ dày trực tràng.

Cháo gà hà thủ ô đỏ:

Gà: ½ con, Hà thủ ô đỏ chế: 30g, Gạo: 70g. Cho gà và Hà thủ ô vào nồi áp suất nấu cho mềm, vớt bỏ bã Hà thủ ô, vớt gà để riêng. Cho gạo vào nồi nước hầm gà lúc nãy nấu đến khi gạo nở bung, bỏ gà đã nấu trở vào nồi, nêm muối vừa ăn. Ăn cháo khi còn nóng, chấm gà với muối tiêu chanh.

Chè đậu đen hà thủ ô:

Hà thủ ô chế 60g, đậu đen 100g. Cả hai thứ cùng nấu với lượng nước thích hợp đến khi đậu đen chín nhừ, vớt bỏ bã hà thủ ô, chia 2 – 3 lần ăn trong ngày. Có thể thêm chút đường hoặc muối. Dùng cho các trường hợp thiểu năng mạch vành, cơn đau thắt ngực, các trường hợp râu tóc bạc sớm, táo bón kinh diễn.

Hà thủ ô hầm gà:

Gà mái tơ 1 con, hà thủ ô chế 30g. Gà làm sạch bỏ ruột, hà thủ ô gói trong vải xô, đặt trong bụng gà, hầm cách thuỷ, lấy ra bỏ bã thuốc, thêm gia vị. Dùng cho các trường hợp râu tóc bạc sớm, đau đầu hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, suy nhược cơ thể.

Chữa đái rắt buốt, đái ra máu (Hải Thượng Lãn Ông):

  • Lá hà thủ ô đỏ tươi, giã vắt lấy nước, hoà với mật uống.
  • Lá hà thủ ô đỏ, lá huyết dụ, lượng bằng nhau. Sắc rồi hoà thêm mật ong uống.

Hà thủ ô tán làm râu tóc trắng hoá đen, khoẻ gân xương, bền tinh khí, sống lâu:

Hà thủ ô đỏ cạo vỏ, thái mỏng phơi khô, tán bột. Ngày uống 4g vào sáng sớm, chiêu thuốc bằng rượu.

 Viên bổ hà thủ ô (chữa sốt rét gầy yếu, ăn ngủ kém, đau xương, di tinh, bạch đới) trẻ em chậm đi, chậm mọc răng:

Hà thủ ô đỏ 500g, sâm bố chính 300g, hạt sen 300g, cam thảo 100g, đại hồi 100g, quả thảo 100g. Ba vị hà thủ ô, sâm, hạt sen đồ chín. Cam thảo nướng vàng. Thảo quả bỏ vỏ, lấy nhân. Trộn chung, sấy khô, tán nhỏ, rây bột mịn, luyện với mật ong làm viên bằng hạt đỗ đen. Trẻ em uống mỗi lần 6 – 15 viên (tuỳ tuổi), người lớn mỗi lần uống 20 viên.

Cháo lươn, đậu đen và hà thủ ô giúp sáng mắt:

Lươn 150g, hà thủ ô 10g, đậu đen 60g, táo đỏ 4 quả, gừng tươi 2 lát mỏng. Cách chế biến như sau: Lươn làm sạch, đậu đen ngâm mềm, cho vào nồi đất, thêm nước vừa đủ, hầm khoảng ba giờ cho nhừ. Nêm gia vị vừa ăn. Dùng trong bữa cơm. nếu dùng liên tục thì liệu trình từ 7-10 ngày. Nếu dùng kéo dài, thường xuyên thì dùng 3 lần/tuần. Những người bị bệnh gan mạn tính tăng huyết áp, bệnh đường tiêu hóa… không nên sử dụng.

Chú ý : Người có huyết áp thấp và đường huyết thấp hạn chế dùng hà thủ ô đỏ.

Từ khóa » Cách Dùng Củ Hà Thủ ô đỏ