Công Dụng, Cách Dùng Ngưu Tất - Tra Cứu Dược Liệu

Mục lục

  • Mô tả
  • Phân bố, sinh thái.
  • Bộ phận dùng
  • Cách trồng.
  • Sơ chế và bảo quản dược liệu:
  • Mô tả dược liệu
  • Thành phần hóa học chính
  • Cách phân biệt thật giả
  • Tác dụng dược lý.
  • Tính vị, công năng.
  • Công dụng:
  • Cách dùng và liều dùng
  •  Lưu ý, kiêng kị
  •  Bài thuốc liên quan
  • II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU
    • 1. Đặc điểm bột dược liệu
    • 2. Định tính
    • 3. Tiêu chuẩn đánh giá khác
Ngưu tất có tên khoa học: Achyranthes bidentata Blume, họ Rau dền (Amaranthaceae). Tên gọi khác: Cỏ xước, hoài ngưu tất. Ngưu tất có nguồn gốc ở vùng Đông Bắc Trung Quốc hoặc Nhật Bản. Cây đã được thuần hóa và trồng từ lâu đời ở những nước này.

Mô tả

  • Cây thảo cao khoảng 60cm – 1m. Cây sống nhiều năm. Thân mảnh,có cạnh, hơi vuông, thường chỉ cao 1m, cũng có khi tới 2m,phình lên ở những đốt, màu lục hoặc nâu tía. Cành thường mọc thẳng đứng.
  • Lá mọc đối có cuống, hình trứng, đầu nhọn, gốc thuôn hẹp, mép nguyên dài 5 – 12 cm, rộng 2 – 4 cm, hai mặt nhẵn, mép nguyên đôi khi uốn lượn, gân lá mặt trên thường có màu nâu tía, cuống lá dài 1 – 1.5cm.
  • Rễ củ hình trụ dài, có nhiều rễ phụ to.
  • Cụm hoa là bông ở đầu cành hay ké lá, dài 2 – 5 cm. Hoa mọc hướng lên nhưng khi biến thành quả sẽ mọc quặp xuống. lá bắc dài 3 mm, lá đài 5, gần bằng nhau, nhị 5, chỉ nhị dính với nhau và dính cả với nhịp lép, nhị lép có răng rất nhỏ, bao phấn hình mác, chim, bầu hình trứng.
  • Quả nang hình bầu dục có một hạt, lá bắc còn lại và nhọn thành gai cho nên vướng phải có thể mắc vào quần áo.
  • Mùa hoa quả: tháng 5 -7.
  • Cây dùng thay thế: Ở Việt Nam, các thầy thuốc y học cổ truyền và nhân dân ở nhiều nơi đã dùng cây cỏ xước để thay thế ngưu tất với tên ngưu tất nam.

Phân bố, sinh thái.

  • Ngưu tất có nguồn gốc ở vùng Đông Bắc Trung quốc hoặc Nhật Bản. Cây đã được thuần hóa và trồng từ lâu đời ở những nước này.
  • Ngưu tất được nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam, năm 1960. Lúc đầu cây được trồng thuần hóa ở Sapa, sau chuyển sang Sìn Hồ (Lai Châu) rồi về trại thuốc Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và trại thuốc Văn Điển (Hà Nội). Cách đây khoảng 30 năm, ngưu tất đã được trồng dưới dạng sản xuất được liệu ở vùng ngoại thành Hà Nội và các tỉnh thuốc đồng bằng Bắc Bộ. Có thể coi ngưu tất là một ví dụ điển hình về một cây thuốc có nguồn gốc ôn đới, qua quá trình nghiên cứu di thực đã có thể trồng thành công cả ở vùng đồng bằng có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Điều đó cho thấy ngưu tất là cây có biên độ sinh thái tương đối rộng, mặc dù thời vụ trồng chủ yếu vẫn ở thời kì  có nhiệt độ thấp trong năm.
  • Ngưu tất là cây ưu sáng và ưu ẩm. Cây có hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt.

Bộ phận dùng

Rễ ­ Radix Achyranthis Bidentatae.

Rễ hình trụ tương đối thẳng, dài 20­-30 cm, đường kính 0,5­1 cm. Ðầu trên mang vết tích của cổ rễ, đầu dưới hơi thuôn nhỏ. Mặt ngoài màu vàng đất hay nâu nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc nhỏ và vết tích của rễ con.

Cách trồng.

  • Giống: giống Ngưu tất trồng ở Việt Nam là giống Ngưu tất được di thực từ Trung quốc năm 1960. Chuẩn bị hạt giống cho sản xuất: hạt giống cần phải được chuẩn bị tốt, trước khi vào vụ gieo trồng cần thử lại tỷ lệ mọc mầm để xác định lượng hạt gieo. Thông thường loại hạt giống có tỷ lệ mọc mầm trên 80% thì 1Ha gieo trồng cần 8­9 kg hạt.
  • Thời vụ trồng: thời vụ gieo trồng tốt nhất từ 15/9 -­15/10.
  • Làm đất: cày 2­3 lần để đất có độ sâu 35 cm, bừa kỹ làm nhỏ đất, làm sạch cỏ dại, cày chia luống rộng 1,4m, lên luống sơ bộ, rải đều toàn bộ lượng phân chuồng lên mặt luống, sau đó lên luống tiếp, vét sạch rãnh để luống đạt độ cao 40cm, san phẳng và đập nhỏ đất mặt luống.
  • Gieo hạt: rải đều hạt lên mặt luống với lượng 8­9kg/ha, reo xong phủ rơm, rạ, hoặc trấu và tưới ẩm hang ngày băng thùng tưới có doa.
  • Chăm sóc: yêu cầu đất thường xuyên đủ ẩm. Sau khi mọc 20 ­25 ngày cây có hai đôi lá , cần tiến hành làm cỏ, tỉa cây để khoảng cách giữa các cây 4 ­5cm, kết hợp với bón thúc phân NPK, lượng phân 10kg/ sào , cách làm: rắc đều lượng phân trên luống, dung cành cây khỏa nhẹ để phân rơi xuống gốc, sau đó tưới nước lã để phân không làm chết cây.
  • Phòng trừ sâu bệnh: Sâu bệnh hại xuất hiện ở thời kỳ cây non và cây trưởng thành, phòng trừ như sau:
  • –    Phòng trừ sâu: sâu xám cắn mầm non, bắt bằng tay vào sang sớm. Sâu cuốn là, sâu xanh, rệp hại lá cây trưởng thành dung thuốc Sherpa 25%.
  • –    Bệnh lở cổ rễ hại cây lúc mới trồng, phòng tránh bằng cách giữ độ ẩm vừa phải, ruộng luôn sạch cỏ dại, tỉa cây đúng lúc, không để cây mọc quá dày, không để đất và quần thể cây quá ẩm.

Sơ chế và bảo quản dược liệu:

  • Ngưu tất có thể thu hoạch khi đạt 135 -­140 ngày tuổi. Chọn ngày khô ráo, cắt bỏ than cây trên mặt đất, dùng cuốc, thuổng để đào, tránh làm đứt rễ, ảnh hưởng đến năng xuất và thương phẩm dược liệu. Sau khi thu hoạch cắt bỏ gốc cây, phơi nắng cho mềm, rửa thật sạch, xông sinh để chống mốc và phơi nắng đến khô là được. 5. Thu hái, chế biến và bảo quản
  • Thu hái: Thu hoạch rễ khi cây bắt đầu úa vàng vào tháng 1 – 2 ở vùng núi và tháng 3 – 4 ở đồng bằng. Năng suất khoảng 1,2 tấn/ha.
  • Chế biến: Rễ được loại bỏ rễ con,  được rửa sạch, xông sinh rồi phơi hoặc sấy. Có thể dùng ở dạng sống (cách này thường dung),hoặc tẩm rượu hoặc muối tùy theo từng trường hợp, rồi phơi hay sấy khô.
  • Bảo quản: nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt.

Mô tả dược liệu

  • Rễ to, dài, dẻo là loại tốt. Loại có thân và rễ màu hồng gọi là hồng thảo căn.
  • Rễ hình trụ, dài 20 – 30 cm, đường kính 0,5 – 1,0 cm. Đầu trên mang vết tích của gốc thân, đầu dưới thuôn nhỏ. Mặt ngoài màu vàng nâu, có nhiều nếp nhăn dọc nhỏ và vết tích của rễ con.

Thành phần hóa học chính

  • Rễ Ngưu tất có chứa khoảng 4% saponin toàn phần trong đó có acid oleanolic [(3beta)-3-Hydroxyolean-12-en-28-oic acid] 0,096%, và acid oleanolic α -L-rhamnopyranosyl – β – D- galactopyranosid. Rễ còn chứa ecdysteron và inokosteron. Hàm lượng ecdysteron khoảng 0,037%.
  • Rễ Ngưu tất chứa một saccharid là fructan mạch ngắn với mức độ trùng hợp trung bình là 8. Chất saccharid này có tác dụng cải thiện hệ miễn dịch (Yu Bias và cs, 1995)
  • Rễ còn có một peptidpolysaccharid trong đó 24,1% là peptid bao gồm glycin, serin, acid glutamic và acid aspartic. Chất peptidpolysaccharid này có tác dụng miễn dịch (Fang J. N, và cs, 1990; CZ 114: 29994k)
  • Betain có trong rễ với hàm lượng 0,93-1,029% đã được chứng minh là ổn định trong quá trình chế biến. Rễ khô còn có emodin và physcion.

Cách phân biệt thật giả

Hồng căn thảo là một loại ngưu tất có thân lá và rễ đỏ cùng loài Achyranthes bidentate.

Tác dụng dược lý.

  • Kháng viêm rõ rệt đối với giai đoạn cấp tính và mạn tính của phản ứng viêm thực nghiệm. Rễ ngưu tất có tác dụng mạnh hơn khoảng 4 lần so với rễ cỏ xước.
  • Gây thu teo tuyến ức chuột cống đực non. Tác dụng gây thu teo tuyến ức là một trong những đặc tính của thuốc ức chế miễn dịch. Rễ ngưu tất có tác dụng mạnh hơn khoảng 8 lần so với rễ cỏ xước. Có mối tương quan song song giữa tác dụng kháng viêm và tác dụng gây thu teo tuyến ức của rễ Ngưu tất.
  • Rễ Ngưu tất có tác dụng làm giảm cholesterol máu ở thỏ đã gây tăng cholesterol từ ngoài vào và gây ức chế sự tổng hợp cholesterol trong cơ thể thỏ; gây hạ huyết áp rõ rệt trên mèo, mức độ hạ áp từ từ, thời gian tác dụng kéo dài. Có độc tính thấp.
  • Chế phẩm Solamin trong thành phần có ngưu tất và một số dược liệu khác đã được áp dụng để điều trị thấp khớp với kết quả là có tác dụng chống viêm và giảm đau rõ rệt trên lâm sàng. Kết quả tốt nhất và tương đối nhanh đối với đau lưng cấp do lạnh và sang chấn. Ðối với viêm đa khớp dạng thấp, chưa có biến dạng về khớp và đối với chứng đau nhức đơn thuần, tác dụng điều trị tương đối tốt. Khi đã có biến dạng về xương, cơ, khớp, kết quả kém. Thuốc không gây tác dụng phụ đáng kể.
  • Các chế phẩm từ cao ngưu tất và saponin ngưu tất đã được áp dụng để điều trị các bệnh tăng cholesterol máu và tăng huyết áp với kết quả:

– Ngưu tất có tác dụng làm giảm cholesterol máu trên 65% số bệnh nhân có cholesterol máu cao được điều trị. Mức độ hạ thường từ 20 -50% so với mức được điều trị, tác dụng hơi yếu hơn so với clofibat.

– Các tác dụng làm giảm tỷ lệ beta/alpha liprotein máu ở 82% số bệnh nhân có tỷ lệ này cao, tác dụng gần tương đương với clofibat.

– Có tác dụng làm giảm huyết áp ở 83% số bệnh nhân cao huyết áp, huyết áp trung bình từ 180/100mmHg giảm xuống 145/90mmHg, có tác dụng giảm huyết áp gần tương đương với alpha – methyl dopa.

– Đa số bệnh nhân điều trị với ngưu tất có cảm giác dễ chịu và đỡ rõ rệt các triệu chứng chủ quan như cảm giác nặng đầu, tức ngực, chóng mặt, mỏi mệt, giảm chí nhớ, khả năng làm việc tăng lên. Trong quá trình điều trị bằng ngưu tất, không có tác dụng phụ đáng kể. Chỉ có vài bệnh nhân có rối loạn tiêu hóa nhẹ, khi giảm tiêu hoặc tam nghỉ uống thuốc vài ngày thì hết và lại có thể dùng tiếp.

– Chế phẩm từ cao ngưu tất đã được điều trị cho 31 bệnh nhân xơ vữa động mạnh ở tuổi 52 – 86. Thuốc đã làm giảm các chỉ số lipid như: lipid toàn phần cholesterol toàn phần, cholesterol trong thành phần beta – liprotein và những glycerid. Riêng chỉ số phospholipid không thấy có thấy đổi. Thuốc không gây tác dụng phụ đáng kể.

– Một bài thuốc trong có ngưu tất và một số dược liệu khác được áp dụng cho 22 bệnh nhân cao huyết áp có tuổi, đã giữ được huyết áp ổn định, không có cơn cao huyết áp. Ngưu tất có tác dụng chống co thắt do acetylcholin và histamin trên hồi tràng cô lập chuột lang.

– Ngưu tất có tác dụng chọn lọc gây co cơ trơn tử cung mà không làm co cơ trơn ruột và gây sẩy thai ở người.

Acid oleanolic có tác dụng dự phòng tổn thương gan gây bởi carbon tetraclond, làm giảm đáng kể mức tăng GPT và mực triglycerid gan khi gây nghiễm độc gan bởi CCl4. Ngoài ra, lượng glycogen trong tế bào gan chuột điều trị tăng lên, cấu trúc của ty lạp thể và nội chất bị tổn thương của tế bào gan được phục hồi.

Một bài thuốc khác gồm ngưu tất và một số dược liệu khác được áp dụng cho 70 nam giới trong đó có người bình thường đã có cao, người kém hoạt động sinh dục, người có chất lượng tinh dịch kém, người không có tinh trùng trong tinh dịch. Bài thuốc có tác dụng làm ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng cường khả năng hoạt động tình dục, chất lượng tinh trùng tốt hơn.

Tính vị, công năng.

Ngưu tất có vị đắng chua, tính bình, không độc, vào 2 kinh can và thận. Dạng sống có tác dụng hành huyết tan ứ, tiêu ung lợi thấp. Dạng chín có tác dụng bổ can, ích thân, cường gân tráng cốt.

Công dụng:

  • Ngưu tất dạng sống chữa cổ họng sưng đau, mụn nhọt, đái rát buốt, đái ra máu hoặc sỏi, bế kinh, bụng dưới kết hòn cục, đẻ khó hoặc khi đẻ rau thai  không ra, sau khi đẻ ứ huyết gây đau bụng, chấn thương, ứ máu bầm, đầu gối nhức mỏi.
  • Ngưu tất sao tẩm chữa can thận hư, ù tai, đau lưng, mỏi gối, tay chân co quắp hoặc bại liệt.
  • Ngày dùng 6-12g dạng thuốc sắc hoặc bột.
  • Phụ nữ có thai, băng huyết không nên dùng ngưu tất. Trong y học Trung Quốc, rễ ngưu tất với liều 5 – 12g dưới dạng nước sắc được sử dụng làm thuốc phục hồi sức lực, lợi tiểu, chữ bế kinh, đau kinh, tăng huyết áp, thấp khớp, sỏi đường tiết niệu, viêm họng, viêm amidan.
  • Ngoài ra, nó còn được dùng làm thuốc kích thích tình dục, tráng dương, chữa liệt dương, gây sảy thai. Dùng ngoài, nước sắc 20% Ngưu tất chữa các bệnh về da chân và các móng (bệnh nấm biểu bì).
  • Hạt được dùng làm thuốc chống độc, chữa thấp khớp, hen phế quản (phối hợp với một số dược liệu khác). Phụ nữ có thai không được dùng.

Cách dùng và liều dùng

  • Ngày 3– 9 g, dưới dạng thuốc sắc.
  • Trị cholesterol máu cao, huyết áp cao, xơ vữa động mạch dùng 0.25 cao khô hoặc thuốc ống 4g ngưu tất khô/ống.

 Lưu ý, kiêng kị

Phụ nữ có thai, băng huyết không dùng.

 Bài thuốc liên quan

Bài 1

Chữa co giật, bại liệt, phong thấp, teo cơ, xơ vữa mạch máu.

Ngưu tất 10 – 12 g, sắc uống.

Bài 2

Chữa phong thấp, thấp khớp.

  • Ngưu tất 12 g, hy thiêm 16g, thổ phục linh 16g, lá lốt 10g. Dạng thuốc viên, ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 – 15g.
  • Ngưu tất 10g, vòi voi 15g, ké đầu ngựa 15g, lá lốt 15g. Dạng thuốc viên, mỗi lần uống 10 – 15g.
  • Ngưu tất 10g, lá lốt  16g, cỏ xước 16g, cành dâu 20g, cà gai 16g. Sao qua, sắc thuốc mỗi ngày một thang. Dùng 3 -5 thang liền. Có thể củng cố kết quả bằng cành lá lốt nấu với lạc ăn trong 7 ngày.
  • Ngưu tất 12g, thổ phục linh 20g, hy thiêm 15g, cà gai leo 15g, ích mẫu 10g, hương phụ 10g, ké đầu ngựa 10g. Sắc kỹ, ngày uống một thang.

Bài 3

Chữa viêm đa khớp dạng thấp.

Ngưu tất 12g, độc hoạt 12g, tang ký sinh 12g, phòng phong 12g, tục đoạn 12g, xuyên khung, thục địa, bạch thược, đảng sâm, ý dĩ, mỗi vị 12g, tần giao 10g, quế chi 8g, xuyên khung 8g, cam thảo 6g, tế tân 6g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 4

Chữa bị thương máu tụ ở ngoài hay bị ngã máu ứ ở trong, lao động nhiều chân tay nhức mỏi.

Ngưu tất 100g, huyết giác 50g, sâm đại hành 30g, ngâm với 600 ml rượu 35 – 400, thi thoảng lắc đều. Sau 10 ngày, uống mỗi lần 15 ml, ngày 2 lần.

Bài 5

Chữa trẻ em chậm đi.

Ngưu tất, mộc qua, mỗi vị 6g, vỏ chân chim 12g, tán nhỏ, uống với nước cơm.

Bài 6

Chữa huyết áp cao, nhức đầu chóng mặt, nhức mắt, ù tai, mắt mờ, rồi loạn tiền đình, khó ngủ, đau nhức dây thần kinh, rút gân, co giật, táo bón.

Ngưu tất 12g, hạt muống 12g. Sắc uống mỗi ngày một thang.

Bài 7

Chữa xuất huyết nào do xơ cứng mạch máu não, kèm theo liệt nửa người, mất tiếng hoàn toàn hoặc không hoàn toàn và đau lưng.

Ngưu tất 3g, hoàng kỳ 15.5g, sinh địa 15.5g, long đởm thảo 10g, hạt mơ 10g, đương quy 6g, bạch thược 6g, hồng hoa 3g, cát cánh 3g, cam thảo, phòng phong 3g. Sắc chia 3 lần uống trong ngày. Uống 2 -3 tháng.

Bài 8

Chữa xơ cứng động mạch với chóng mặt ù tai.

Ngưu tất 6g, sinh địa 12.5g, gai dầu 12.5g, mạch môn, bạch thược, mẫu đơn, trắc bách diệp, keo da lừa, mỗi vị 9g, giun đất phơi khô 6g, cam thảo 4.5g, nhân sâm 3g. Sắc với 800 ml nước, còn 300 ml chia 3 lần, uống trong ngày.

Bài 9

Bài thuốc tư âm bổ thủy, dùng trong điều trị sốt xuất huyết.

Ngưu tất, tri mẫu, hoàng bá, sinh địa, huyền sâm, mạch môn, hạt muống sao, đan sâm, đơn bì xích thược, cỏ nhọ nồi, trắc bá sao, huyết dụ, mỗi vị 10- 16g, sắc uống ngày 1 thang.

Bài 10: Chữa kinh nguyệt châm, lương  huyết ít, màu thẫm đen, bụng đau, đại tiện thường táo.

Ngưu tất 12g, ích mẫu 16g, nghệ xanh 16g, củ gấu (tứ chế) 16g, lá mần tưới, tô mộc, chỉ xác mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày một thang, mỗi tháng 3-5 thang.

Bài 11: Chữa kinh ra không định kỳ, lượng ít, sắc nhạt mệt mỏi.

Ngưu tất 12g, hoài sơn, đẳng sâm, ý dĩ, mỗi vị 16g, biển đậu, đan sâm, mỗi vị 12g, bạch truật, long nhãn, táo nhân, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 12: Chữa rong kinh.

Ngưu tất 12g, cỏ nhọ nồi 16g, bạch truật 12g, phục linh, bán hạ chế, trần bì, hương phụ, mỗi vị 8g, sắc uống ngày một thang

Bài 13: Chữa bế kinh.

  • Do huyết bị giảm sút : ngưu tất 12g, đảng sâm 20g, hoài sơn, ý dĩ, ích mẫu, mỗi vị 16g, bạch truật, kỷ tử, thục địa, hà thủ ô, kê huyết đằng mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
  • Do huyết ứ trệ: ngưu tất 12g, ích mẫu 16g, đào nhân, uất kim, tạo giác thích, hương phụ, mỗi vị 8g, sắc uống ngày một thang.

Bài 14: Chữa viêm cầu thận cấp tính, phù thũng, đái đỏ sen, viên gan virus, đái vàng thẫm, da vàng, viêm bang quang đái ra máu.

Ngưu tất 12g, rễ cỏ tranh, cỏ mã đề, mộc thông, huyết dụ, lá móng tay, huyền sâm, mỗi vị 15g, sắc uống.

Bài 15: Chữa viêm cầu thận mạn tính.

Ngưu tất 12g, xa tiền tử 16g, thục địa, hoài sơn, kỷ tử mỗi vị 12g, cúc hoa 10g, sơn thù, đan bì, trạch tả, phục linh mỗi vị 8g, sắc uống ngày một thang.

Bài 16: Chữa đái ra máu do sỏi đường tiết niệu, sang chấn.

Ngưu tất 12g, cỏ nhọ nồi, ngẫu tiết, mỗi vị 16g, ích mẫu, uất kim, huyết dụ, đan sâm, mỗi vị 12g, chỉ thực 6g, bách thảo sương 4g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 17: Chữa bí tiểu tiện hay gặp ở người già.

Ngưu tất, thục địa, hoài sơn, xa tiền tử, mỗi vị 12g, sơn thù, phục linh, trạch tả, đan bì, phụ tử chế, mỗi vị 8g, nhục quế 4g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 18: Chữa viêm phần phụ mạn tĩnh.

Ngưu tất, đan sâm, mỗi vị 12g, hạt quýt, hạt vải, hương phụ, xuyên luyện tử, tam lăng, nga truật, mỗi vị 8g, sắc uống ngày một thang.

Bài 19: Chữa bại liệt trẻ em.

Ngưu tất 160g, tri mẫu, thục địa mỗi vị 80g, bạch thược 60g, cao quy bản, đương quy, tỏa dương, cao xương hổ, mỗi vị 40g, trần bì 30g, hoàng bá 16g. Tán bột làm viên, ngày uống 8g.

Bài 20: Chữa lao xương và lao khớp xương.

Ngưu tất 12g, miết giáp 20g, ngân sài hồ, địa cốt bì, mẫu đơn bì, xuyên tục đoạn, mỗi vị 12g, thanh cao, đào nhân, mỗi vị 8g, hồng hoa 4g. Nếu có mồ hôi trộm thêm mẫu lệ 40g.

Nếu có ổ áp xe thêm : kim ngân hoa 20g, liên kiều 16g, bối mẫu 8g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 21: Chữa viêm tắc động mạch.

Ngưu tất, đảng sâm, biển đậu, kê huyết đằng, đan sâm, cỏ nhọ nồi, mỗi vị 16g, huyết dụ, trạch lan, mỗi vị 12g, quế chị, phụ tử chế, mỗi vị 6g, sắc uống ngày một thang.

ngưu tất

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU

1. Đặc điểm bột dược liệu

Bột màu nâu nhạt, mùi hơi hắc, vị ngọt sau đắng. Soi dưới kính hiển vi thấy: Mảnh bần, mảnh mô mềm thành mỏng, nhiều mảnh mạch điểm, tinh thể calci oxalat hình cầu gai kích thước 0,03 – 0,04 mm và những mảnh vỡ hình khối của các tinh thể này.

2. Định tính

A. Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 50 ml dung dịch natri clorid 1% (TT), đun sôi nhẹ, lọc, cho dịch lọc vào ống nghiệm, lắc, xuất hiện nhiều bọt bền vững (saponin).

B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 4.4)

  • Bản mỏng: Silica gel G
  • Hệ dung môi khai triển: Cloroform – methanol (40 : 1)
  • Dung dịch thử: Cân 2 g bột dược liệu, thêm 20 ml ethanol (TT), đun cách thuỷ hồi lưu trong 40 phút, rồi để yên. Lấy 10 ml dung dịch ở phía trên, thêm 10 ml acid hydrocloric (TT), đun hồi lưu trong 1 giờ, cô dịch chiết còn khoảng 5 ml, rồi thêm 10 ml nước, chiết với 20 ml ether dầu hỏa (60 – 90 oC). Bốc hơi dịch chiết ether dầu hoả tới cắn, hoà cắn trong 2 ml ethanol (TT) được dịch thử.
  • Dung dịch đối chiếu: Dung dịch acid oleanolic chuẩn 0,1% trong ethanol (TT). Nếu không có acid oleanolic chuẩn có thể dùng 2 g bột rễ Ngưu tất (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như dung dịch thử.
  • Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 giọt dung dịch đối chiếu và 10 – 20 giọt dung dịch thử. Sau khi triển khai, để khô bản mỏng ngoài không khí rồi phun thuốc thử hiện màu là dung dịch acid phosphomolypdic 5% trong ethanol (TT) và sấy ở 110 oC trong 10 phút. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vết có cùng màu và giá trị Rr với vết của acid oleanolic trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu. Nếu dùng Ngưu tất chiết dung dịch đối chiếu thì trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vết có cùng màu sắc và giá trị Rr với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

3. Tiêu chuẩn đánh giá khác

  • Độ ẩm: Không quá 12%
  • Tro toàn phần: Không quá 9%
  • Tạp chất
  • Tỉ lệ gốc thân còn sót lại: Không quá 1%
  • Tạp chất khác: Không quá 0,5%.
  • Kim loại nặng: Không quá 3 ppm Pb; 0,8 ppm Cd; 1 ppm Hg, 2,0 ppm As

Từ khóa » Vị Dược Liệu Ngưu Tất