Công Dụng Không Ngờ Của Omega-3 Với Sức Khỏe Con Người

Nội dung bài viết

  • Omega-3 là gì?
  • Lợi ích của Omega-3
  • Nguồn thực phẩm giàu omega-3

Omega-3 là acid béo đóng vai trò quan trọng đối với con người. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được Omega-3, vì thế mà phải bổ sung từ thực phẩm một cách hợp lý. Vậy Omega-3 là gì, tác dụng của Omega-3 và nguồn thực phẩm nào cung cấp Omega-3, hãy cùng với Bác sĩ Tống Duy Nam tìm hiểu về vấn đề này.

Omega-3 là gì?

Acid béo là một thành phần chính tạo nên chất béo (lipid). Về mặt cấu trúc hóa học, acid béo thông thường chứa 3 loại nguyên tố: carbon (C), hydro (H) và ôxy (O). Acid béo có thể chia làm hai nhóm: acid béo no (còn gọi là acid béo bão hòa) và acid béo không no (acid béo chưa bão hòa). Omega-3 thuộc nhóm acid béo chưa bão hòa, chữ số “3” chỉ vị trí của nối đôi đầu tiên trong cấu trúc của nó.

Dầu cá omega 3

Hai loại omega 3 được nhắc đến nhiều nhất đó là EPA và DHA, chủ yếu được tìm thấy ở một số loài cá. ALA (axit alpha-linolenic), một loại omega-3 khác, được tìm thấy trong các loại hạt.1

Lợi ích của Omega-3

Omega-3 đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, là thành phần của phospholipid tạo thành cấu trúc của màng tế bào. Đặc biệt, trong cơ thể người, DHA tập trung cao ở võng mạc, não và tinh trùng. Ngoài vai trò cấu trúc của chúng trong màng tế bào, omega-3 (cùng với omega-6) có nhiều chức năng trong các hệ thống tim mạch, hô hấp, miễn dịch và nội tiết của cơ thể

1. Tim mạch

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng với một chế độ ăn cân đối, có bổ sung cá và các loại hải sản khác sẽ góp phần cải thiện sức khỏe hệ tim mạch. Omega-3 giúp điều chỉnh tình trạng rối loạn lipid máu và có thể làm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh lý tim mạch.

bổ sung cá và các loại hải sản khác sẽ góp phần cải thiện sức khỏe hệ tim mạch

2. Ung thư

Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng bổ sung lượng omega-3 cao hơn từ thực phẩm có thể làm giảm nguy cơ ung thư do tác dụng chống viêm và khả năng ức chế các yếu tố tăng trưởng tế bào của omega-3. Một số bằng chứng cho thấy rằng việc sử dụng omega-3 liều cao có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư đại trực tràng.2

Một số thử nghiệm lâm sàng lớn khác lại cho thấy việc bổ sung omega-3 không làm giảm nguy cơ ung thư. Tuy vậy, vấn đề bổ sung omega-3 có liên quan tới khả năng làm giảm nguy cơ ung thư hay không vẫn cần phải chờ kết quả nghiên cứu và kết luận của các nhà khoa học.2

3. Bệnh Alzheimer và chứng mất trí

Một số nghiên cứu quan sát cho thấy chế độ ăn giàu omega-3 có thể giúp giảm nguy cơ suy giảm nhận thức, bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ. Do DHA là thành phần thiết yếu của phospholipid màng tế bào trong não, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng omega-3 có thể bảo vệ chức năng nhận thức bằng cách giúp duy trì chức năng tế bào thần kinh và tính toàn vẹn màng tế bào trong não. Đối với những người bị suy giảm nhận thức nhẹ, omega-3 có thể cải thiện một số khía cạnh nhất định của chức năng nhận thức.2

chế độ ăn giàu omega-3 có thể giúp giảm nguy cơ suy giảm nhận thức, bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ

4. Thoái hóa điểm vàng

Thoái hóa điểm vàng là nguyên nhân chính gây giảm thị lực ở người lớn tuổi. Dựa trên sự hiện diện của DHA trong cấu trúc màng tế bào võng mạc và tác dụng có lợi của EPA đối với võng mạc, các nhà nghiên cứu cho rằng omega-3 có thể giúp ngăn ngừa sự tiến triển của thoái hóa điểm vàng. Kết quả từ các nghiên cứu quan sát cho thấy rằng những người tiêu thụ lượng cao hơn cá béo và / hoặc omega-3 trong chế độ ăn uống có nguy cơ thoái hóa điểm vàng thấp hơn.2

5. Bệnh khô mắt

Khoảng 14% người trưởng thành ở Hoa Kỳ mắc bệnh khô mắt, tình trạng giảm thể tích và chất lượng nước mắt mạn tính dẫn đến viêm và tổn thương mắt, gây cảm giác khó chịu và suy giảm thị lực. Phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh khô mắt cao hơn các nhóm khác. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng omega-3 , đặc biệt là EPA và DHA, có thể làm giảm nguy cơ mắc và giúp làm giảm các triệu chứng do khô mắt.2

omega-3 , đặc biệt là EPA và DHA, có thể làm giảm nguy cơ mắc và giúp làm giảm các triệu chứng do khô mắt

6. Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn, với tình trạng viêm khớp mạn tính, có các triệu chứng bao gồm đau, sưng, cứng khớp và suy giảm chức năng của khớp. Do tác dụng chống viêm của chúng, một số nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng omega-3 có thể làm giảm một số triệu chứng của viêm khớp dạng thấp và giảm sự phụ thuộc của bệnh nhân vào các thuốc chống viêm.2

Qua các nghiên cứu, một số phát hiện cho thấy omega-3 có thể bổ trợ cùng với biện pháp điều trị bằng thuốc để cải thiện các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận điều này.2

7. Trầm cảm 

Một phân tích tổng hợp năm 2016 của 26 nghiên cứu cho thấy ở những người có chế độ ăn nhiều cá hơn thì nguy cơ trầm cảm thấp hơn. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng omega-3 có thể có lợi ích với trẻ em và thanh thiếu niên bị trầm cảm.2

Tại Đại học Y khoa Harvard, có một nghiên cứu lớn đang được tiến hành để xác định xem việc bổ sung omega-3 (hay kết hợp với vitamin D) có thể ngăn ngừa trầm cảm ở người cao tuổi khỏe mạnh hay không.3

chế độ ăn nhiều cá hơn thì nguy cơ trầm cảm thấp hơn

8. Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Một số nghiên cứu cho thấy dầu cá có thể làm giảm các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở một số trẻ và cải thiện các kỹ năng tinh thần của chúng, như suy nghĩ, ghi nhớ và học tập. Nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn trong lĩnh vực này và không nên sử dụng omega-3 như một liệu pháp điều trị chính.1

9. Dị ứng ở trẻ em

Khi còn trong bào thai, dinh dưỡng của thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào dinh dưỡng của người mẹ. Người mẹ có chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh và toàn diện, đồng thời người mẹ cũng có sức khỏe tốt, khả năng đề kháng cao hơn, đủ sức cho quá trình sinh nở và mau chóng phục hồi sau sinh. Chính vì vậy mà việc bổ sung dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất cho phụ nữ mang thai đóng vai trò rất quan trọng.

Mặc dù chưa có kết luận chắc chắn nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra gợi ý về mối liên hệ giữa việc sử dụng omega-3 hoặc chế độ ăn cá nhiều hơn với tỷ lệ mắc các triệu chứng bệnh dị ứng ở đời con. Các tác giả của những nghiên cứu này đã kết luận rằng sử dụng bổ sung omega-3 cho phụ nữ khi mang thai, cho con bú có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh dị ứng ở trẻ em.2

Nguồn thực phẩm giàu omega-3

Cơ thể con người không tự tổng hợp được omega-3. ALA có thể được chuyển đổi thành EPA và sau đó thành DHA, nhưng việc chuyển đổi (xảy ra chủ yếu ở gan) rất hạn chế, với tỷ lệ được báo cáo là dưới 15% . Do đó, việc bổ sung omega-3 qua đường ăn uống là cần thiết.

ALA có nhiều trong các loại dầu thực vật, như hạt lanh, hạt chia, đậu nành, dầu hạt cải, quả óc chó,… DHA và EPA có trong cá, dầu cá và dầu nhuyễn thể, nhưng ban đầu chúng được tổng hợp bởi vi tảo chứ không phải bởi cá. Khi cá ăn các loại phù du tiêu thụ vi tảo, chúng tích lũy omega-3 trong các mô cơ quan. Các loại cá giàu omega-3: cá trích, cá thu, cá hồi, cá mòi, cá tầm, cá ngừ,…

Ngoài ra, trên thị trường hiện nay cũng có nhiều loại viên uống bổ sung omega-3 với hàm lượng khác nhau. Hãy tham khảo sự tư vấn của bác sĩ để có một chế độ ăn cân đối và sử dụng omega-3 hợp lý.

Video chia sẻ thông tin chi tiết về Dầu cá (Omega-3):

Biên tập bởi: Dược sĩ Lương Triệu Vĩ

Từ khóa » Tác Dụng Của Omega 3 Với Phụ Nữ