Công Dụng Và Cách Dùng Của Vị Thuốc Tần Giao - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Tổng quan về Tần giao
  • 2. Thành phần hóa học
  • 3. Công dụng theo y học hiện đại
  • 4. Công dụng theo y học cổ truyền
  • 5. Đơn thuốc kinh nghiệm
  • 6. Lưu ý khi sử dụng

Tần giao có tên khoa học là Gentiana macrophylla Pall, thuộc họ Long đởm (Gentianaceae). Theo Đông y, vị thuốc có tính cay, vị đắng, tính hơi hàn, quy vào ba kinh Can, Vị, Bàng quang. Tần giao có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, nhuận trường. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn thêm nhiều thông tin về dược liệu này.

1. Tổng quan về Tần giao

1.1. Nhận biết dược liệu

Tần giao là loại cây nhỏ, cao 1 – 1,5m. Cành nhẵn, màu lục hoặc tím sẫm, hơi phình ở mấu. Lá mọc đối, hình mác hẹp. Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành bông hẹp, lá bắc hình chỉ, hoa màu trắng, có đốm tía. Quả nang nhẵn, hình đinh.

1.2. Phân bố

Cây mọc hoang hoặc được trồng nhiều ở các tỉnh thuộc Trung Quốc như Quảng Đông, Đài Loan, Đông Bắc… và một số nước khác như Triều Tiên, Ấn độ… Dược liệu này phân bố rải rác ở các tỉnh thuộc nước ta, thường mọc bụi hoang hoặc ở bãi đất trống.

Cụm hoa Tần giao với màu lục pha tím sẫm
Cụm hoa với màu lục pha tím sẫm

1.3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Bộ phận dùng: Rễ cây thường được dùng làm thuốc. Phần rễ sau thu hoạch đem rửa sạch với nước, loại bỏ rễ con, thái thành từng lát nhỏ và mỏng rồi đem phơi hoặc sấy khô.  

Cây Tần giao thu hái quanh năm, thời điểm tốt nhất để thu hoạch là vào mùa hè (tháng 7 hoặc tháng 8).

2. Thành phần hóa học

Thành phần chính trong dược liệu: Gentianine A, B, C; Gentianide, Alkaloid, Glucozo, tinh dầu.

3. Công dụng theo y học hiện đại

Rễ Tần giao có tác dụng kháng viêm rõ do tác dụng của thành phần Gentianine A. Thuốc còn có tác dụng giảm đau, giải nhiệt, an thần. Ngoài ra, dược liệu còn có tác dụng tăng đường huyết, hạ huyết áp và ổn định nhịp tim.

4. Công dụng theo y học cổ truyền

Tần giao có vị đắng, tính mát, có tác dụng khu phong, trừ thấp, tán ứ, tiêu sưng, giảm đau. Vỏ rễ và vỏ thân được dùng làm thuốc chữa đau xương khớp, chân tay tê bại, các vết sưng đau, vàng da, ho, sốt, mụn nhọt, rôm sảy. Ngày dùng 6 – 12g, có thể đến 20g, dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu.

Trong y học Trung Quốc, rễ sắc uống có tác dụng lợi tiểu, hạ nhiệt và giảm đau, thấp khớp, mụn nhọt, tiêu chảy. Ở Thái Lan, rễ có tác dụng trị tiểu tiện khó, tiêu chảy và rắn cắn.

Rễ Tần giao
Rễ Tần giao

5. Đơn thuốc kinh nghiệm

5.1. Chữa ho, sốt, mồ hôi trộm

  • Rễ Tần giao, Miết giáp, Địa cốt bì, Sài hồ, mỗi vị 10g. Đương quy, Tri mẫu, mỗi vị 5g. Ô mai 4g. Sắc uống trong ngày.
  • Tần giao, Địa cốt bì mỗi loại 12g. Cam thảo 8g. Sắc uống trong ngày.

5.2. Chữa phong thấp, chân tay tê bại

  • Rễ Tần giao, rễ Hoàng lực, rễ Gai tầm xoong, mỗi vị 20g. Củ Cốt khí, rễ Thiên niên kiện, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
  • Tần giao, Phòng kỷ mỗi vị 12g. Bạch chỉ, Đào nhân, Nhũ hương, Hải phong đằng, Hoàng bá, Uy linh tiên mỗi loại 10g. Độc hoạt, Xuyên khung mỗi loại 8g. Sắc uống trong ngày.

5.3. Chữa bong gân, sai khớp

  • Tần giao 20g, lá Diên tươi 50g. Cốt toái bổ, Xuyên tiêu mỗi vị 20g. Sắc uống lúc còn ấm, ngày 1 thang.
  • Lá Tần giao, lá Ngải cứu, lá Diên dùng tươi, lượng bằng nhau. Giã nhỏ đắp ngày 2 lần.

6. Lưu ý khi sử dụng

Người suy nhược, thể trạng yếu, người bị tiêu chảy không nên sử dụng.

Tần giao có nhiều công dụng trong điều trị bệnh. Tuy nhiên, không phải đối tượng nào sử dụng cũng mang lại hiệu quả cao. Bạn đọc cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn trước khi sử dụng để đem lại hiệu quả tốt nhất.

Từ khóa » Tác Dụng Của Cây Tần Bì Gai