Công Giáo Miền Nam Việt Nam Có Phải Là Công Cụ Của đế Quốc?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Nguyen-Marshall, V. (2009). “Tools of Empire? Vietnamese Catholics in South Vietnam”, Journal of the Canadian Historical Association, 20 (2), 138–159.

Biên dịch: Lê Văn Luận | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Tóm tắt: Bài viết này khảo sát những hoạt động xã hội và chính trị của người Công Giáo Việt Nam tại Nam Việt (Việt Nam Cộng hòa) trong khoảng thời gian những năm 1950 – 1970. Sự tham gia của người Công Giáo trong môi trường công, từ việc dấn thân vào các tổ chức bác ái xã hội đến việc tổ chức các cuộc biểu tình, chứng tỏ rằng họ có tính tổ chức cao và rất chủ động để thay đổi môi trường chính trị xã hội của mình lúc đó. Tuy người Công Giáo chia sẻ một số quan điểm và mục tiêu chính trị với chính quyền Nam Việt và Hoa Kỳ, họ cũng theo đuổi những mục tiêu riêng của mình, tham gia vào hoạt động chính trị ở cấp quốc gia và địa phương, phê bình các chính sách của chính phủ, và giữ một mức độ độc lập đáng kể so với quyền lực và ảnh hưởng của nhà nước.

Bài đang hotTrump 2.0 có thể khiến Trung Quốc đau đầu ở Đông Nam Á

***

Tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại. Các tổ chức phẩm trật của Phật Giáo và Kitô Giáo góp phần vào những biến cố định hình nên Việt Nam Cộng hoà (Nam Việt) từ 1954 đến 1975. Niềm tin, lòng trung thành và những diễn ngôn tôn giáo đã ảnh hưởng một cách rõ ràng đến chọn lựa chính trị của Việt Nam và Hoa Kỳ trong suốt thời kỳ này. Tư tưởng Công Giáo định hình nên đường hướng của Việt Nam Cộng hoà kể từ buổi đầu thành lập năm 1954; và gần một thập niên sau, năm 1963, các cuộc biểu tình của Phật Giáo góp phần vào việc lật đổ ông Ngô Đình Diệm, tổng thống đầu tiên của Nam Việt. Sau sự sụp đổ của nền Đệ Nhất Cộng Hoà (1955-1963), tôn giáo tiếp tục ghi dấu ảnh hưởng trong các khía cạnh xã hội và chính trị.

Trong chiến tranh Việt Nam,[1] các cuộc biểu tình và phong trào Phật Giáo được thế giới chú ý không chỉ vì đặc tính bi thương do các cuộc tự thiêu của tăng ni, mà còn bởi lời kêu gọi hoà bình của họ gây lay động lòng người trong bối cảnh chết chóc và bạo lực leo thang. Sự chú ý của truyền thông trong suốt chiến tranh và các nghiên cứu học thuật trong vài thập niên gần đây cung cấp cho phương Tây những kiến thức và hình ảnh quen thuộc về các hoạt động của Phật Giáo Việt Nam,[2] còn Công Giáo và những hoạt động của họ ở Nam Việt lại ít được biết đến. Trong các tài liệu tiếng Anh phổ thông lẫn học thuật, có một giả định rằng giáo sĩ và giáo dân Công Giáo hoàn toàn ủng hộ và luôn đứng về phía các nhà cầm quyền trong cả thời kỳ Pháp thuộc lẫn trong các giai đoạn chiến tranh Việt Nam.

Các công trình nghiên cứu về thời kỳ Pháp thuộc có xu hướng tập trung vào vai trò của các thừa sai Công Giáo đối với việc xâm chiếm và cai trị thuộc địa của Pháp.[3] Còn giai đoạn từ giữa tới cuối thế kỷ 20, các nhà sử học tập trung tìm hiểu cách Công Giáo ảnh hưởng đến quyết định của Hoa Kỳ trong việc giúp đỡ ông Ngô Đình Diệm, cũng như nền tảng Công Giáo định hình nên chính sách và hành động của ông.[4] Trong số ít những nghiên cứu tách ra khỏi xu hướng chủ yếu này có công trình của Trần Thị Liên, người tập trung chú ý vào vai trò của Công Giáo trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, và mối quan hệ giữa Công Giáo với các chính phủ của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Việt Nam Cộng hoà.[5] Người Công Giáo Việt Nam thường được lịch sử gắn với cuộc đại di cư 1954 và vai trò ủng hộ ông Diệm của họ. Những thương thảo ở Hội nghị Geneva kết thúc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất đưa đến sự phân chia Việt Nam ở vĩ tuyến 17; và cho phép người dân tự do chọn lựa khu vực sinh sống của mình. Khoảng 810.000 người miền Bắc chọn di cư đến miền Nam, trong đó 75% là người Công Giáo.[6]

Người di cư Công Giáo có khuynh hướng chống cộng gay gắt và thuộc nhóm ủng hộ mạnh mẽ ông Ngô Đình Diệm, người đã cung cấp cho họ những nguồn lực (chủ yếu từ Hoa Kỳ) để định cư. Theo Seth Jacobs, chính quyền ông Diệm “ưu đãi một cách rõ ràng cho người Công Giáo tị nạn đến từ miền Bắc: họ nhận được nhiều hơn những hàng hoá cứu trợ từ Hoa Kỳ; người Công Giáo gốc Bắc giữ những vị trí quan trọng trong quân đội và các cơ quan nhà nước.”[7] Một vài sử gia có quan điểm khác trong việc giải thích mối quan hệ giữa ông Diệm và dân Công Giáo Việt Nam. Ví dụ, Philip Catton và Chu Thị Lan cho rằng mối quan hệ giữa ông Diệm với dân tị nạn Công Giáo và Giáo Hội tại thời điểm đó không tốt đẹp và đầy những căng thẳng.[8] Tuy vậy, quan điểm này vẫn là thiểu số. Đa phần cho rằng người Công Giáo Việt Nam rất được thiện cảm bởi chính quyền Nam Việt, đặc biệt dưới thời Ngô Đình Diệm.

Việc tập trung gắn người Công Giáo với chương trình di cư vào Nam và việc hình thành chính phủ chống cộng của ông Diệm đã dẫn đến một hệ quả: người Công Giáo Việt Nam được xem xét từ những góc nhìn phiến diện, với sự phụ thuộc vào các thế lực ngoại quốc và bộ máy tôn giáo của họ bị miêu tả cường điệu. Một đánh giá điển hình về Công Giáo Việt Nam là tuyên bố của Joseph Buttinger rằng “hầu hết người Công Giáo không theo chủ nghĩa quốc gia dòng chính và không có thái độ bài ngoại như phần lớn dân chúng không theo Công Giáo.”[9] Nói khác đi, ưu tiên tôn giáo của người Công Giáo khiến họ không hòa nhập với phần còn lại của xã hội và khiến họ ít ái quốc và ít dân tộc chủ nghĩa hơn. Một giải thích khác cho thái độ tách biệt với xã hội này của người Công Giáo là do họ có kinh nghiệm bị bách hại trước khi thực dân Pháp xâm lược. Pierro Gheddo cho rằng những cuộc bách hại trong quá khứ đã tạo ra một não trạng “cục bộ” nơi người Công Giáo Việt Nam, đến mức họ xa cách với xã hội dòng chính. Thêm nữa, những người không theo Công Giáo ở Việt Nam, thậm chí đến thế kỷ 20, vẫn có xu hướng nhìn người Công Giáo với thái độ nghi ngờ.[10]

Tuy vậy, luận điểm về sự cục bộ này bị các học giả hiện nay về Việt Nam thời thuộc địa đặt vấn đề và đưa ra một nhận định khác. Trong nghiên cứu của mình về Việt Nam thế kỷ 19, Nola Cooke cho rằng nhờ nhiều sự tương đồng với thuyết vật linh và tư tưởng Nho Giáo, Công Giáo không được xem là một tôn giáo đối nghịch; và tới thế kỷ 19, Công Giáo đã hoà nhập được vào xã hội Việt Nam.[11] Tương tự, Jacob Ramsay khẳng định người Công Giáo Việt Nam, đặc biệt là người miền Nam, không bị cô lập với những người không theo Công Giáo: “Vào đầu thế kỷ 19, nhiều người Công Giáo địa phương thuộc về một di sản trải qua nhiều thế hệ, và tạo nên một cộng đồng hội nhập tích cực với xã hội dòng chính.”[12] Vào giữa thế kỷ 20 (thời điểm được đề cập trong bài viết này), Công Giáo đã tồn tại hơn ba thế kỷ trong lịch sử Việt Nam. Tuy Công Giáo đã cắm sâu vào lịch sử Việt Nam, những bài viết về chiến tranh Việt Nam vẫn gắn họ với các cường quốc thực dân và tân thực dân, trước là Pháp và sau đó là Hoa Kỳ.

Việc coi Công Giáo Việt Nam là một cộng đồng ít hòa nhập xã hội hay một phần của âm mưu tân thực dân tạo ra một thành kiến khác: Công Giáo bị xem như là tay chân cho chính phủ, quân đội và bộ máy tình báo Hoa Kỳ. Hình ảnh thường được gợi lên về Công Giáo Việt Nam là hình ảnh một đàn cừu đi theo những mệnh lệnh của các cha xứ và sự tuyên truyền của Hoa Kỳ trong việc di cư vào Nam sau khi đất nước chia cắt. Người ta không để ý tới những ý định riêng của người di cư, thay vào đó quyết định di cư vào Nam của dân Công Giáo miền Bắc được gán cho chiến lược tuyên truyền hiệu quả của CIA. Như Jacob miêu tả: “lời kêu gọi gợi cảm hứng nhất của Lansdale đã được gởi đến cho dân Công Giáo Bắc Việt. Những người lính trong quân đội Nam Việt, được đưa ra miền Bắc và mặc thường phục, đã rải truyền đơn với dòng chữ ‘Chúa Kitô đã đến miền Nam’ và ‘Đức Mẹ đã rời miền Bắc’.”[13]

Dù rõ ràng Hoa Kỳ đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện và khuyến khích cuộc di cư vào Nam, chưa có nhiều nghiên cứu khảo sát động cơ của những người di cư để đánh giá sự hiệu quả của tuyên truyền lên quyết định của họ. Một trong những nghiên cứu đầu tiên và sâu rộng về Bắc di cư đã đưa ra những bằng chứng trái ngược. Theo Peter Hansen, người di cư Công Giáo và không theo Công Giáo không bị dắt mũi bởi chiến dịch tuyên truyền của CIA, mà có nhiều lý do khác nhau thúc đẩy họ ra đi.[14] Trần Thị Liên đồng ý với nhận định này: “Trong góc nhìn của chúng tôi, cuộc di cư của người Công Giáo là chọn lựa mang tính chính trị. Việc họ từ chối sống trong chế độ cộng sản là dựa trên kinh nghiệm cụ thể của họ khi từng sống dưới sự thống trị của chế độ đó.”[15] Những lý do này bao gồm nỗi sợ bị tịch thu ruộng đất và bị trả thù. Một số người di cư đã có kinh nghiệm cá nhân về sự đàn áp dưới tay các thành viên lãnh đạo Việt Minh nên họ chào đón cơ hội được ra đi. Tương tự, chúng ta chưa biết nhiều về lý tưởng chính  trị của người Công Giáo trong suốt thời gian tồn tại của chế độ Việt Nam Cộng hòa, nên không thể đi đến kết luận rằng người Công Giáo không chủ trương theo chủ nghĩa quốc gia, hay họ ủng hộ tất cả các chế độ cầm quyền ở Nam Việt.

Bằng cách tìm hiểu những hoạt động xã hội và chính trị của người Công Giáo Việt Nam cũng như các tổ chức của họ, bài viết này đưa ra một cái nhìn sơ khởi về dân Công Giáo nói chung và những ước vọng của họ. Bài viết tập trung chủ yếu vào các hoạt động bác ái xã hội và chính trị của người Công Giáo ở thành thị, đặc biệt là ở Sài Gòn, thủ đô miền Nam. Bài viết không có tham vọng khảo sát thấu đáo và sát sao về tất cả những hoạt động liên quan đến Công Giáo trong chiến tranh, mà chỉ là một bước khai phá nhằm gợi cảm hứng cho những nghiên cứu xa hơn.

Những tài liệu lưu trữ ở Việt Nam và Hoa Kỳ, các nguồn từ báo chí Việt Nam ghi nhận rằng Công Giáo Việt Nam là một tổ chức rất năng động trong các vấn đề chính trị và xã hội. Giới lãnh đạo Công Giáo có vẻ rất sẵn lòng làm việc với các thiết chế chính trị Việt Nam lẫn Hoa Kỳ nhằm gây ảnh hưởng lên các sự kiện và chăm lo cho lợi ích của Công Giáo. Họ làm điều này trong môi trường nhiều thách đố bao gồm sự cai trị độc tài, chiến tranh và sự gia tăng thống trị của Hoa Kỳ. Từ trong bối cảnh đó, Công Giáo Việt Nam có khuynh hướng tìm đến nhà nước và tổ chức quốc tế để được giúp đỡ trong việc thực hiện các công việc bác ái xã hội hay để vận động sự hỗ trợ chính trị.

Việc lệ thuộc vào sự giúp đỡ của nhà nước thì tương tự như tình huống mà các tổ chức nhân đạo của Mỹ đã từng đối mặt. Nhiều nghiên cứu về các tổ chức như Cooperative for American Relief Everywhere (CARE), Catholic Relief Services (CRS), và Vietnam Christian Service đã cho thấy cách thức mà các tổ chức phi chính phủ này đã hợp tác sâu sát với các chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ.[16] Mối quan hệ thân thiết này là nguồn gốc dẫn tới các lo lắng và bất bình của chính các thành viên thuộc tổ chức, cụ thể là những người chất vấn khía cạnh đạo đức và sự vô ích của sự can thiệp của Hoa Kỳ.

Mối quan hệ gần gũi của Công Giáo Việt Nam với các tổ chức liên quan đến Kitô Giáo và chính phủ nước ngoài đã cho họ có được những trợ giúp về tài chính và về cơ sở hạ tầng. Nhờ những liên kết chiến lược này, các tổ chức Công Giáo có tổ chức tốt và nguồn quỹ rất ổn định. Tuy vậy, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, các tổ chức thiện nguyện và giáo dân quan tâm trước hết đến việc bảo vệ lợi ích của họ. Đối với nhiều người Công Giáo, sự tồn tại của một chế độ phi cộng sản và thân Công Giáo ở Nam Việt rất quan trọng. Mục tiêu này gần với mục tiêu của chính phủ Hoa Kỳ, khiến người Công Giáo trông có vẻ như là một phương tiện của các chính sách thực dân mới của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tuy vậy, khảo sát vấn đề này từ góc nhìn của người Công Giáo miền Nam lại đưa ra một bức tranh khác.

(Còn  tiếp 2 phần)

Van Nguyen-Marshall là phó giáo sư (Associate Professor) thuộc khoa Lịch Sử của Đại Học Trent. Bà đã xuất bản các bài nghiên cứu về các hoạt động nhân đạo và yêu nước của Việt Nam thời thuộc địa, và đang tiếp tục nghiên cứu về tầng lớp trung lưu và đời sống xã hội ở miền Nam Việt Nam giai đoạn những năm 1960 – 1970.

The article was first published in English in Journal of the Canadian Historical Association (volume 20, number 2, 2009, pp. 138–159). Neither the Canadian Historical Association nor the author is responsible for the translation.

#155: Bắc di cư: Dân Công giáo tị nạn từ miền Bắc và vai trò của họ tại Việt Nam CH, 1954-1959

————-

[1] Do không có sự đồng thuận nhất quán về ngày bắt đầu Chiến Tranh Việt Nam, tôi dùng thuật ngữ này như cách nói ngắn gọn chỉ về giai đoạn chia cắt đất nước từ năm 1954 đến lúc kết thúc chiến tranh năm 1975.

[2] Robert Topmiller, The Lotus Unleashed: The Buddhist Peace Movement in South Vietnam 1964–66 (Lexington: University Press of Kentucky, 2002); James McAllister, “‘Only Religions Count in Vietnam’: Thich Tri Quang and the Vietnam War,” Modern Asian Studies 42, no. 4 (2008): 751–82; Mark Moyar, “The Militant Monks: The Buddhist Movement during the Vietnam War,” Modern Asian Studies 38, no. 4 (2004): 749–84.

[3] Patrick Tuck, French Catholic Missionaries and the Politics of Imperialism in Vietnam, 1857–1914: A Documentary Survey (Liverpool: Liverpool University Press, 1987).

[4] Seth Jacobs, America’s Miracle Man in Vietnam: Ngo Dinh Diem, Religion, Race, and US Intervention in Southeast Asia (Durham, NC: Duke University Press, 2006).

[5] Tran Thi Lien, “Les Catholiques vietnamiens pendant la guerre d’Indochine (1945–1954). Entre la reconquête coloniale et la résistance communiste.” (Ph.D. diss., Institut d’Études Politiques de Paris, 1997); Tran Thi Lien, “Les Catholiques Vietnamiens dans la République du Vietnam (1954–1963),” in Du Conflit d’Indochine aux Conflit Indochine, ed. Pierre Brocheux (Paris: Éditions Complexe, 2000), 53–77; Tran Thi Lien, “The Catholic Question in North Vietnam: From Polish Sources, 1954–6.” Cold War History 5, no. 4 (November 2005): 427–49.

[6] Peter Hansen, “The Virgin Heads South: Northern Catholic Refugees in South Vietnam, 1954–64,” (Ph.D. diss., Melbourne College of Divinity, Victoria, Australia, 2008), 4.

[7] Jacobs, 189.

[8] Philip Catton, Diem’s Final Failure (Lawrence: University Press of Kansas, 2002), 60–;. Lan T. Chu, “Catholicism vs. Communism, Continued: The Catholic Church in Vietnam,” Journal of Vietnamese Studies 3, no. 1 (2008): 161–2.

[9] Joseph Buttinger, Vietnam: A Dragon Embattled, vol. II (New York: Praeger, 1967), 846.

[10] Piero Ghetto, The Cross and the Bo-Tree: Catholics and Buddhists in Vietnam (New York: Sheed and Ward, 1970), 19.

[11] Nola Cooke, “Early Nineteenth-Century Vietnamese Catholics and Others in the Pages of the Annales de la Propagation de la Foi,” Journal of Southeast Asian Studies 35, no. 2 (June 2004): 261–85.

[12] Jacob Ramsay, “Extortion and Exploitation in the Nguyen Campaign against Catholicism in 1830s–1840s Vietnam,” Journal of Southeast Asian Studies 35, no. 2 (June 2004): 314.

[13] Jacobs, 133. This image can also be found in influential books of Marilyn Young, The Vietnam Wars (New York: Harper Collins, 1991), 45; and George Herring, America’s Longest War, 4th ed. (New York: McGraw-Hill, 2002), 62–3.

[14] Hansen, 127–8.

[15] Tran Thi Lien, “Les Catholiques vietnamiens dans la République du Vietnam ,” 60.

[16] Perry Bush, “The Education of Vietnam Christian Service,” Peace and Change 27, no. 2 (April 2002): 198–224; Delia T. Pergande, “Private Voluntary Aid And Nation Building in South Vietnam: The Humanitarian Politics Of Care, 1954–61,” Peace & Change 27, No. 2 (April 2002): 165–97; Christopher J. Kauffman, “Politics, Programs, and Protests: Catholic Relief Services in Vietnam, 1954–1975,” The Catholic Historical Review XCI, no. 2 (April 2005): 223–50.

Từ khóa » Công Giáo Việt Nam Từ đế Chế đến Quốc Gia