Công Tác Cứu Hộ, Cứu Nạn Trên Biển: Để Ngư Dân Yên Tâm Bám Biển
Có thể bạn quan tâm
Cán bộ, chiến sĩ tàu Cảnh sát biển 9001 cấp cứu thuyền viên tàu TG 91655 TS bị nạn trên biển vào ngày 5-10-2016. |
Thời gian qua, công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển đã được các cơ quan chức năng triển khai nhanh chóng, kịp thời, giúp ngư dân cũng như chủ tàu giảm thiệt hại về người, phương tiện, yên tâm bám biển mưu sinh.
KỊP THỜI CỨU NHIỀU TÀU, THUYỀN VIÊN BỊ NẠN
Trong công tác cứu nạn trên biển, ngoài lực lượng chức năng của địa phương, còn có sự tham gia tích cực của một số lực lượng Trung ương đứng chân trên địa bàn tỉnh như: Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III, Hải đoàn Biên phòng 18... Chỉ tính riêng trong hai tháng gần đây, tàu Cảnh sát biển 9001 của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã cứu 5 vụ ngư dân gặp nạn trong quá trình đánh bắt trên biển. Đơn cử như ngày 7-10, sau khi nhận thông tin tàu BĐ 93392 TS bị va vào đá ngầm, nước tràn vào khoang tại khu vực gần đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), tàu Cảnh sát biển 9001 đã nhanh chóng tiếp cận và sửa chữa lỗ thủng trên tàu này, bảo đảm an toàn cho thuyền viên cùng tài sản trên tàu. Trước đó, ngày 11-8, sau khi nhận thông tin từ tàu Nave Cetus (quốc tịch Liberia, đang hành trình từ Mexico đi Singapore) về việc thuyền viên Baroma Edmundo (quốc tịch Philippines) bị hen suyễn cần cấp cứu gấp, tàu SAR 272 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III (Vungtau MRCC) đã đưa thuyền viên này vào Vũng Tàu để cấp cứu. Sáng 16-5, tàu cá BĐ 51429 TS đang đánh bắt tại khu vực cách Tây Nam Côn Đảo khoảng 30 hải lý thì bị va vào đá, tàu bị chìm. Đồn Biên phòng Côn Đảo đã điều tàu ra hiện trường và cứu được 7 thuyền viên tàu BĐ 51429 TS đưa vào bờ an toàn.
Theo Đại tá Đào Quang Hiển, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, khi sự cố xảy ra, ngư dân, chủ phương tiện thông báo cho lực lượng Bộ đội Biên phòng hoặc Đài Thông tin duyên hải Vũng Tàu (Vũng Tàu Radio) hay qua hệ thống vô tuyến Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III. Sau khi tiếp nhận thông tin, các cơ quan trên sẽ báo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để có biện pháp ứng cứu kịp thời.
Công tác phối hợp tìm kiếm, cứu nạn tàu bị nạn trên địa bàn tỉnh thời gian qua được thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, trước tiên là huy động lực lượng ngư dân đang hoạt động gần khu vực tàu bị nạn đến ứng cứu. Hiện trên toàn tỉnh có 325 tổ đội đoàn kết đánh bắt/2.040 tàu cá/1.992 thành viên. Khi tàu bị nạn trên biển thì chủ tàu, thuyền trưởng liên hệ với các thành viên trong tổ để nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ tại chỗ kịp thời. Tùy theo tình hình thời tiết, tọa độ tàu bị nạn gần hay xa bờ, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh sẽ đề nghị cơ quan, đơn vị Trung ương hoặc địa phương hỗ trợ với mục tiêu cứu người là ưu tiên hàng đầu. “Hiện lực lượng Biên phòng tỉnh vừa được trang bị một con tàu chuyên trách phục vụ công tác tuần tra và cứu hộ, cứu nạn, có thể hoạt động trong điều kiện sóng cấp 6-7. Khi xảy ra sự cố, các lực lượng, trong đó có lực lượng Biên phòng sẽ triển khai mọi biện pháp có thể để kịp thời ứng cứu tàu bị nạn với tinh thần cứu người trước, cứu phương tiện sau”, Đại tá Hiển nói.
Tàu Cảnh sát biển 9001 tiếp cận hiện trường để hỗ trợ tàu TG 91655 TS bị chết máy trôi dạt trên biển vào ngày 5-10-2016. |
TRANG BỊ THÊM PHƯƠNG TIỆN CỨU NẠN, CỨU HỘ
Đánh giá về sự phối hợp giữa các lực lượng trong công tác tìm kiếm cứu nạn thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Lộc, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, công tác này đã được các lực lượng triển khai một cách nhịp nhàng, nhanh chóng, kịp thời, giảm thiểu thiệt hại về người và phương tiện, giúp bà con ngư dân yên tâm hơn khi bám biển mưu sinh. “Khi tàu bị nạn thì không chỉ một cơ quan, đơn vị mà nhiều lực lượng, trong đó có cả ngư dân cùng phối hợp thực hiện việc tìm kiếm cứu nạn”, ông Lộc nhấn mạnh.
Theo ông Lộc, lực lượng chức năng của tỉnh hiện chưa có loại tàu kéo để lai dắt tàu bị trục trặc trên biển như chết máy, bể lốc máy vào bờ. Do vậy, hiện nay UBND tỉnh có chủ trương cho đóng mới một tàu kéo cấp cho lực lượng Biên phòng để phục vụ việc tìm kiếm, cứu nạn. Đồng thời, theo chủ trương của Chính phủ, tỉnh dự kiến thành lập Trạm cứu hộ, cứu nạn trên biển, đặt tại Côn Đảo. Bởi, các tàu đánh bắt ở khu vực này rất nhiều và thời gian qua có khá nhiều vụ tai nạn xảy ra tại đây. Dự kiến, Trạm này sẽ được thành lập trong năm 2017, được trang bị phương tiện chuyên trách để nhanh chóng ứng cứu kịp thời tàu bị nạn.
Để hạn chế các vụ tai nạn trên biển, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con ngư dân, ông Nguyễn Ngọc Lộc cho biết, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thời gian tới sẽ rà soát lại quy chế phối hợp của các cơ quan, đơn vị chức năng để điều chỉnh, bổ sung, phân công nhiệm vụ rõ ràng hơn, giúp việc tìm kiếm cứu nạn trên biển đạt hiệu quả cao nhất; Tiếp tục tuyên truyền vận động bà con ngư dân tham gia vào tổ, đội đoàn kết đánh bắt trên biển, cùng giúp đỡ nhau trong quá trình đánh bắt và cứu hộ, cứu nạn; Nâng cao năng lực, hiệu lực của các trạm bờ để có thể nắm bắt việc hoạt động của các tàu, sẵn sàng ứng cứu khi sự cố xảy ra. Đặc biệt, từ năm 2017, yêu cầu tất cả các tàu cá từ 90CV trở lên phải gắn hệ thống định vị vệ tinh để cơ quan chức năng theo dõi, quản lý và ứng cứu khi sự cố xảy ra được thuận lợi hơn. Nếu tàu nào không thực hiện sẽ không cho hoạt động. “Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để phòng ngừa tai nạn trên biển là chủ phương tiện phải nâng cao ý thức tự giác trong việc bảo đảm đúng tiêu chuẩn quy định về kỹ thuật, trang thiết bị an toàn trong quá trình đánh bắt”, ông Lộc nhấn mạnh.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, 9 tháng năm 2016, trên vùng biển BR-VT xảy ra 87 vụ tàu bị nạn trên biển, khiến 27 thuyền viên thiệt mạng, 23 người mất tích, 19 người bị thương, 22 phương tiện bị chìm, 10 phương tiện bị hư hỏng. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn trên do tàu bị đâm va, lỗi kỹ thuật (phá nước, chết máy, bể lốc máy), thuyền viên bị tai nạn trong quá trình đánh bắt. Các cơ quan chức năng đã phối hợp tìm kiếm cứu nạn được 23 vụ/167 thuyền viên, ngư dân cứu nạn được 16 vụ/131 thuyền viên. |
Sáng 15-10, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã tiếp nhận tàu Cảnh sát biển đa năng 8005. Đây là tàu Cảnh sát biển có quy mô lớn và hiện đại thứ hai được biên chế cho Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3. Ngoài nhiệm vụ tuần tra, tuần tiễu, duy trì thực thi pháp luật trên biển, tàu còn thực hiện việc cứu nạn, cứu hộ và chở các đoàn tham quan trên biển. Tàu Cảnh sát biển đa năng 8005 dài 90m, rộng 14m, vận tốc tối đa 21 hải lý/giờ; tầm hoạt động 5 ngàn hải lý, thời gian hoạt động liên tục 40 ngày đêm. Tàu có khả năng hoạt động ổn định trên biển xa, trong điều kiện cấp sóng không hạn chế. |
nguồn: baobariavungtau.com.vn
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU Đơn vị chủ quản: Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Ghi rõ nguồn "www.baria-vungtau.gov.vn" khi bạn phát hành thông tin từ website nàyTừ khóa » Tìm Kiếm Cứu Nạn Trên Biển
-
CỨU NẠN TRÊN BIỂN - TRUNG TÂM PHỐI HỢP TÌM KIẾM CỨU ...
-
Vietnam Maritime Search And Rescue Coordination Center (Vietnam ...
-
Tìm Kiếm Cứu Nạn Trên Biển
-
Pháp Luật Về Tìm Kiếm Cứu Nạn Trên Biển Và Trong Vùng Nước Cảng Biển
-
Công Tác Tìm Kiếm Cứu Nạn, Cứu Hộ Trên Biển
-
Hoạt Động Cảnh Sát Biển >> Cứu Hộ - Cứu Nạn
-
Trách Nhiệm Phối Hợp Trong Tìm Kiếm Cứu Nạn Trên Biển
-
[PDF] Quyết định Ban Hành Quy Chế Phối Hợp Tìm Kiếm Cứu Nạn Trên Biển ...
-
6 Tháng, Cứu 287 Người Gặp Nạn Trên Biển - Báo Giao Thông
-
Cứu Hộ, Cứu Nạn Trên Biển: Thiếu Và Yếu - Báo Người Lao động
-
Thực Hiện Công ước Quốc Tế Về Tìm Kiếm Cứu Nạn Trên Biển
-
Kết Thúc Tìm Kiếm Cứu Nạn Tàu BTh 97478 TS Bị Nạn Trên Biển
-
QUY TRÌNH PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN TRONG TKCN
-
Huấn Luyện Tìm Kiếm Cứu Nạn Trên Biển Của Lực Lượng Cảnh Sát Biển