Công Tác Dân Vận Vùng đồng Bào Dân Tộc Thiểu Số ở Nghệ An Sau ...
Có thể bạn quan tâm
Tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, với 16.487 km2; trong đó diện tích vùng miền Tây là 13.745 km2 (chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh); vùng miền Tây gồm 252 xã, 1.339 thôn, bản (trong đó 106 xã thuộc khu vực III, 100 xã khu vực II và 46 xã khu vực I, 1.182 thôn bản đặc biệt khó khăn); 6 huyện biên giới gồm 27 xã với 468,281 km đường biên tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào; toàn tỉnh hiện có hơn 3,3 triệu người, vùng miền Tây có 1.197.628 người (chiếm 41%). Đồng bào dân tộc thiểu số có 491.295 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh và 36% dân số miền Tây; có 39 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số có số đông là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu.
Quán triệt và thấm nhuần sâu sắc Bài báo "Dân vận" của Bác Hồ, những năm qua, cấp ủy các cấp quan tâm triển khai, thực hiện, sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh về công tác vận động quần chúng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) về "Công tác dân tộc”, Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Phương hướng nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”, Chỉ thị số 49-CT/TW về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; Đề án 02-ĐA/TU; Kết luận số 10-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số”... HĐND các cấp đã có nhiều đổi mới trong nội dung, phương thức hoạt động, giám sát, tiếp xúc cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo hướng dân chủ, cụ thể, thiết thực, được nhân dân đồng tình. UBND các cấp triển khai thực hiện Chỉ thị 18/2000/CT-TTg (nay là Chỉ thị 16/CT-TTg) của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân vận chính quyền thiết thực, hiệu quả, trong đó tập trung làm chuyển biến nhận thức về công tác dân vận chính quyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm đều tổ chức tuyên truyền học tập bài báo “Dân vận” của Bác Hồ trong cán bộ, công chức; cụ thể hoá chủ trương của Đảng về công tác dân tộc bằng chương trình hành động, các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, như: các đề án về phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An; nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tuyến biên giới phía Tây tỉnh Nghệ An; bảo tồn, phát triển tộc người ƠĐu; phát triển tộc người Đan Lai; giảm nghèo và nâng cao mức sống cho nhân vùng miền Tây và vùng ven biển Nghệ An; phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động truyền đạo Tin lành trái pháp luật ở khu vực biên giới Tây Nghệ An;... Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW về giám sát, phản biện xã hội, Quyết định số 218-QĐ/TW về góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia vào tổ chức mình. Tỷ lệ tập hợp thanh niên là 67,5%; phụ nữ 69,2%; nông dân 80%; công đoàn 100%; Hội cựu chiến binh 97%. Các phong trào như xây dựng đời sống văn hoá, xoá đói giảm nghèo, giỏi việc nước, đảm việc nhà, thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước, xung kích tình nguyện xây dựng quê hương, chung sức xây dựng nông thôn mới, ủng hộ quỹ vì người nghèo... được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả. Việc giúp đỡ 115 xã nghèo miền Tây đã đạt được kết quả tích cực, trong 5 năm gần đây toàn tỉnh đã huy động, nhận giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân với hơn 203,8 tỷ đồng; đã hỗ trợ làm mới được hàng ngàn nhà “đại đoàn kết”, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ phương tiện sản xuất, thuốc chữa bệnh... cho người nghèo để ổn định cuộc sống. Các tổ chức chính trị - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực, chủ động trong hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; giúp đoàn viên, hội viên tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước; phối hợp đào tạo nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm. Tham gia tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các chính sách dân tộc, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo vùng miền Tây giảm 3-4%/năm. Công tác phối hợp giữa các đơn vị lực lượng vũ trang với địa phương đạt được nhiều kết quả thiết thực. Đã có nhiều mô hình, điển hình "Dân vận khéo" về quốc phòng, an ninh như: “Đường biên giới bình an”, “Tổ, đội công tác cùng ăn - cùng ở - cùng làm - cùng nói tiếng dân tộc với bà con các dân tộc thiểu số”, diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, phong trào ''Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc'', phong trào ''Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn (bản) khu vực biên giới'';… Bộ đội Biên phòng tỉnh đã bố trí 27 cán bộ tăng cường xã, 80 đảng viên sinh hoạt tạm thời tại 80 chi bộ thôn bản khu vực biên giới, phân công 456 cán bộ, đảng viên giúp đỡ 2.172 hộ gia đình khu vực biên giới; tổ chức kết nghĩa được 19 cặp bản - bản hai bên biên giới và 8 cặp đồn biên phòng kết nghĩa với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Lào. Cấp ủy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ người dân tộc thiểu số. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 22-NQ/TW về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; Đề án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ có triển vọng; Kết luận số 10-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số... Nhiệm kỳ 2015-2020, có 07 ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là người dân tộc thiểu số, chiếm 9,85% (trong đó có 01 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy).
Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vùng dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế; năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở vùng dân tộc thiểu số còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, chưa tạo được khâu đột phá trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước chưa thường xuyên, thiếu chiều sâu, hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao; nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền vận động nhân dân chưa phù hợp với trình độ nhận thức, đặc điểm tâm lý của từng dân tộc, từng vùng. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở nhiều cơ sở vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế, chậm được đổi mới; sự phối hợp của các bộ phận làm công tác dân tộc của cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ. Tình trạng mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức, quan liêu, hách dịch, gây phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp còn diễn ra; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương chưa kịp thời gây bức xúc trong nhân dân. Công tác nắm bắt thông tin về tâm tư và nguyện vọng của nhân dân để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn chậm. Chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động quảng bá, tư vấn, hướng nghiệp học nghề, việc làm; chưa gắn công tác tuyển sinh với cơ hội tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Chế độ đãi ngộ học sinh người dân tộc thiểu số trong đào tạo và bố trí việc làm sau đào tạo còn bất cập, cơ hội để con em dân tộc thiểu số vào làm việc tại các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thấp. Cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức trong việc tuyển dụng cán bộ, phát hiện nhân tố tích cực để đào tạo, bồi dưỡng, cân nhắc các vị trí lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số. Cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số làm việc và giữ cương vị lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, sở, ban, ngành cấp tỉnh còn ít. Đồng bào thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước sản xuất chậm được khắc phục. Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho đồng bào thực sự không hiệu quả. Không ít công trình, chương trình dự án đầu tư ở vùng dân tộc miền núi chất lượng kém, hiệu quả thấp, một số không có hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy động viên bà con xã Lượng Minh (Tương Dương) trong vùng có nguy cơ sạt lở
Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện tự nhiên về khí hậu thời tiết khắc nghiệt, địa hình, kết cấu hạ tầng còn bất cập; kinh tế - xã hội chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán sản xuất lạc hậu; những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số... Các thế lực thù địch và bọn phản động luôn tìm mọi cách để kích động, xúi dục, lôi kéo gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới; một số hủ tục, tập quán lạc hậu của đồng bào các dân tộc chưa được xóa bỏ. Một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức thật đầy đủ, đúng đắn tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng. Cơ chế chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số chưa đồng bộ, một số chính sách không còn phù hợp; trong tổ chức thực hiện, quản lý còn bộc lộ một số yếu kém nên hiệu quả đạt được trên một số lĩnh vực chưa cao, thiếu kịp thời. Năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của một bộ phận cán bộ cơ sở, cán bộ làm công tác dân tộc có mặt còn hạn chế; quá trình triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số địa phương còn sơ hở, sai phạm đã làm giảm lòng tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng, chính quyền cơ sở. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, thoái hoá, biến chất, tham nhũng, quan liêu, hách dịch làm giảm lòng tin của nhân dân. Những bức xúc, khó khăn của nhân dân được xử lý chậm hoặc hiệu quả thấp, như: giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết việc làm, môi trường... làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác dân vận.
Các cháu học sinh Tri Lễ (Quế Phong) đến trường
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nội dung Bài báo "Dân vận" của Bác Hồ, chúng ta cần:
1. Triển khai công việc và tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số phải thể hiện sự trung thực, bình dị, cởi mở, chân tình; vừa chủ động, linh hoạt, vừa ân cần, khiêm nhường, không tự đặt mình cao hơn người khác; thật sự tin tưởng, quý trọng đồng bào, xác định rõ thái độ “vì nhân dân phục vụ”. Người cán bộ phải nghe được dân nói, nói để dân hiểu, làm để dân tin.
2. Phải hăng hái, nhiệt tình, chủ động, sáng tạo, không ngại khó khăn. Khi gặp khó khăn cần bình tĩnh, sáng suốt, đề xuất ý kiến với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các ngành, Mặt trận và đoàn thể để tìm giải pháp khắc phục; đồng thời bàn bạc, trao đổi với đồng bào để tìm giải pháp tốt nhất.
3. Làm bất kỳ việc gì cũng cần cân nhắc, tính toán nhiều mặt kỹ lưỡng, bảo đảm đã làm là đạt kết quả tốt. Cần làm thử trước để lấy thực tế thuyết phục, có kinh nghiệm để nhân ra diện rộng.
4. Tiến hành mọi việc lớn, nhỏ đều phải nhẫn nại. Cần khắc phục bám sát quần chúng, bằng nhiều cách khéo léo tác động để sớm hiểu được tâm tư, tình cảm của đồng bào, lựa cách giải thích cho đồng bào.
5. Mỗi dân tộc thiểu số có bản sắc văn hóa riêng, nhất là đối với một số dân tộc đặc thù trong tâm lý có nhiều vấn đề nhạy cảm. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức của một bộ phận đồng bào về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước còn hạn chế.
6. Đề ra kế hoạch, triển khai thực hiện cần xác định rõ các bước tiến hành cụ thể nối tiếp nhau, nhằm đạt mục tiêu đề ra. Không "đánh trống bỏ dùi", "đầu voi đuôi chuột". Tuy nhiên, cũng không thể vì chắc chắn mà để công việc trì trệ, kéo dài, không dám tiến nhanh, tiến mạnh. Nói “vững chắc” là còn đòi hỏi hiệu quả đạt được phải tạo cơ sở để có thể vững bước đi lên trong tương lai.
7. Tuyên truyền, giáo dục các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, trong đó có chính sách dân tộc với các nội dung cốt lõi là bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng đoàn kết gắn bó lâu đời của nhân dân các dân tộc nước ta trong công cuộc dựng nước và giữ nước vì sự trường tồn của công đồng đan tộc Việt Nam thống nhất. Tôn vinh người tốt, việc tốt, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là tuyên truyền phổ biến cách làm ăn mới, hướng dẫn việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, động viên đồng bào tích cực xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, coi trọng đào tạo và giáo dục thể chất, phòng chống tệ nạn xã hội và loại bỏ dần các tập tục lạc hậu. Thực hiện tốt công tác cán bộ và quần chúng nhân dân các dân tộc thiểu số, coi việc chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số có trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị tốt, có uy tín với quần chúng là nguồn sức mạnh có tính then chốt để thực hiện thắng lợi công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số. Tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao cảnh giác cách mạng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
8. Sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục sinh động, thiết thực, sát với từng vùng, từng đối tượng: Tuyên truyền, phổ biến qua hệ thống phát thanh - truyền hình - truyền thanh bằng tiến phổ thông và tiếng dân tộc. Tuyên truyền, phổ biến chính sách thông qua các buổi hội họp, các hoạt động của các địa phương, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, hội quần chúng. In ấn và chuyển tải các ấn phẩm văn hoá, sách, báo bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc đến tay đồng bào các dân tộc. Xây dựng đội ngũ báo cáo viên giỏi viết, giỏi nói và có tâm huyết để tổ chức các đội thông tin tuyên truyền lưu động đến với các vùng, các xã đặc biệt khó khăn vùng sâu, vùng xa, kết hợp tuyên truyền chính sách với hoạt động văn hoá, văn nghệ. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng hình thức thi viết hoặc thi sân khấu hoá. Chú trọng hình thức tuyên truyền miệng và lựa chọn những cán bộ, người có uy tín am hiểu ngôn ngữ và phong tục tập quán dân tộc thiểu số để làm công tác này. Mở rộng hình thức đối thoại trong công tác tuyên truyền, vận động.
9. Tác phong của người cán bộ dân vận khi thực thi nhiệm vụ ở vùng dân tộc thiểu số là : “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Yêu cầu khi làm công tác dân vận là: “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”. Trọng dân là tôn trọng quyền dân chủ của dân, không phiền nhiễu dân; tôn trọng tự do tín ngưỡng, tự do không tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng bào, có thái độ chân thành, không thành kiến phân biệt đối xử. Gần dân là có thái độ, tác phong, lối sống gần gũi với dân; cùng với đồng bào chia sẻ sướng, khổ, vui, buồn. Khi có điều kiện thì cố gắng thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng của đồng bào”; hướng dẫn đồng bào những công việc cụ thể trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc giáo dục, y tế trong gia đình… Hiểu dân là nghe được tiếng nói thực của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương công tác, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào (sử dụng được ngôn ngữ dân tộc thiểu số là một lợi thế để hiểu đồng bào). Có kế hoạch cụ thể đi khảo sát, nghiên cứu, nắm tình hình tại cơ sở để nắm bắt kịp thời tình hình đời sống vật chất, tinh thần, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc; có những giải pháp kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở. Học dân là khiêm tốn, biết lắng nghe, học hỏi đồng bào dân tộc thiểu số. Có trách nhiệm với dân là thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và coi đó là trách nhiệm của người cán bộ. Những người làm công tác quản lý nhà nước làm công tác dân vận thông qua việc xuất phát từ điều kiện thực tế, phù hợp lợi ích của dân mà xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; không được chủ quan, duy ý chí hoặc đặt quyền lợi cá nhân lên trên lợi ích của dân; thực hiện nghiêm việc công khai hóa các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư... và kế hoạch thực hiện để đồng bào biết và tham gia quản lý, giám sát. Thực hiện tốt chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
10. Thực hiện tốt năm bước của công tác dân vận: Điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và hướng hành động. Tuyên truyền, vận động phải cụ thể, thiết thực, dễ hiểu để đồng bào dễ nghe, dễ hiểu, dễ tin, dễ tiếp thu và thực hiện. Chú trọng đổi mới hình thức, phương pháp vận động để phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện và các đối tượng cụ thể (tìm hiểu về tổ chức xã hội truyền thống trong từng dân tộc để kế thừa và phát huy những nhân tố cần thiết và có tác dụng tích cực). Tìm hiểu phong tục, tập quán sinh hoạt của từng dân tộc để đề ra chủ trương, nhiệm vụ công tác đúng đắn, sát hợp, tính khả thi cao.
Như vậy, nhìn lại 70 năm thực hiện Bài báo "Dân vận" của Bác Hồ, chúng ta càng thấm thía:“Dân vận kém thì việc gì cũng kém”. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ, nhưng nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”. Hôm nay chúng ta cùng nhau nhắc lại nhiệm vụ công tác dân vận để tuyên truyền, vận động thực hiện ở địa phương, cơ quan, đơn vị đạt hiệu quả thiết thực đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.
Phan Thanh Đoài
Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy
Từ khóa » Dân Trí Nghệ An
-
Có 102.457 Tin Tức, Video Về "nghệ An" - Dân Trí
-
Tổng Hợp Tin Tức, Video Hình ảnh Về Tỉnh Nghệ An | Báo Dân Trí
-
Án Mạng Kinh Hoàng ở Nghệ An, 4 Người Thương Vong | Báo Dân Trí
-
Tổng Hợp Tin Tức, Video Hình ảnh Về Tp Vinh Nghệ An | Báo Dân Trí
-
Tin Tức Việt Nam Và Quốc Tế Nóng, Nhanh, Cập Nhật 24h | Báo Dân Trí
-
Tổng Hợp Tin Tức, Video Hình ảnh Về Tp Vinh | Báo Dân Trí
-
Tổng Hợp Tin Tức, Video Hình ảnh Về Công An Tỉnh Nghệ An - Dân Trí
-
Nguyên Nhân Loạt "hố Tử Thần" Xuất Hiện ở Nghệ An | Báo Dân Trí
-
Khám Phá Khu Chợ đồ Cổ "độc Nhất" ở Nghệ An | Báo Dân Trí
-
Báo Nghệ An điện Tử - Tin Tức Cập Nhật Trong Ngày
-
Nghệ An 24h
-
Danh Sách Các Cơ Quan, Phóng Viên Báo Chí Thường Trú Hoạt động ...
-
Tin Tức Nóng, Hình ảnh Video Mới Nhất Về Tỉnh Nghệ An - 24H
-
TỈNH NGHỆ AN - Trang Tin điện Tử Của Ủy Ban Dân Tộc