Công Tác Giảm Nghèo ở Vùng đồng Bào Dân Tộc Thiểu Số Tỉnh Lai Châu

(Quanlynhanuoc.vn) – Lai Châu là tỉnh có địa bàn trải rộng, đường biên giới kéo dài, tiếp giáp với tỉnh Vân Nam – Trung Quốc, người dân tộc thiểu số chiếm trên 87%. Điều kiện kinh tế – xã hội của Lai Châu còn nhiều khó khăn, do xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Thực tế này đòi hỏi cần có chiến lược giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh – quốc phòng ở tỉnh Lai Châu.
Cánh đồng Mường Than, xã Mường Than, huyện Than Uyên. tỉnh Lai Châu (Ảnh: Anh Sơn)
Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo của tỉnh Lai Châu

Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội cùng sự đồng thuận của người dân, Lai Châu đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo (CTGN) bền vững. Kết quả này được thể hiện qua những nội dung sau:

Thứ nhất, công tác chỉ đạo, điều hành đã có nhiều đổi mới về nội dung. Nhận thức trách nhiệm về CTGN của các cấp, các ngành và người dân được nâng lên. Cả hệ thống chính trị được huy động vào thực hiện CTGN. Công tác tuyên truyền đã làm chuyển biến nhận thức của người dân, nhất là người nghèo. Nhiều hộ nghèo đã chủ động đăng ký thoát nghèo.

Thứ hai, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đến với đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả tích cực. Hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật từng bước được đầu tư hoàn thiện, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn và miền núi, giải quyết cơ bản nhu cầu của người dân về giao thông, nước sinh hoạt, nước sản xuất, trường, lớp học… tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo hướng giảm nghèo bền vững.

Thứ ba, các chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm từng bước phát huy hiệu quả. Nhiều người lao động được hỗ trợ tự tạo việc làm hoặc tìm kiếm được việc làm có thu nhập ổn định. Mỗi năm, Lai Châu hỗ trợ tư vấn việc làm và đào tạo nghề cho khoảng 50.000 lượt người lao động. Các chính sách hỗ trợ về y tế đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và thụ hưởng nhiều loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế tăng từ mức 93,2% năm 2015 lên 96,8% năm 2020. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế tăng từ 70% năm 2015 lên 90,63% năm 2019 và đạt 95,74% năm 2020 (90/94 xã)1.

Tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình, đề án, mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh Lai Châu đạt mức 10.643.722 triệu đồng2. Nguồn vốn này tạo điều kiện thuận lợi cho phép địa phương chủ động bố trí và thực hiện vốn theo tiêu chí cụ thể, rõ ràng, phù hợp với trình độ phát triển và nhu cầu của từng huyện, xã, bản trên địa bàn. Nhờ vậy, đời sống của người dân, nhất là ở các xã nghèo từng bước được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người nói chung, vùng khó khăn nói riêng đều có tốc độ tăng trưởng khá. Trong cùng giai đoạn này, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,78% mỗi năm, riêng các huyện nghèo ghi nhận mức giảm khoảng 5,44%/năm, vượt chỉ tiêu nghị quyết là giảm 3 – 4%/năm3. Những kết quả đạt được trong CTGN đã góp phần củng cố, tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Một số hạn chế và nguyên nhân trong thực hiện giảm nghèo thời gian qua

Theo chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 – 2015 , tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn khoảng 18,75%, và tỷ lệ hộ cận nghèo là 6,58%. Song theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng lên rất cao, chiếm 40,4% và 10,05%, trong đó tập trung nhiều vào hộ gia đình là người DTTS, sống ở vùng sâu, vùng xa. Do vậy, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Số hộ tái nghèo và nghèo mới phát sinh còn cao. Nhiều hộ thoát nghèo lại rơi vào hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chỉ tính riêng năm 2018, toàn tỉnh có 1.451 hộ nghèo và 3.215 hộ cận nghèo mới phát sinh; có 253 hộ tái nghèo và 253 hộ cận nghèo. Huyện có số hộ tái nghèo, cận nghèo cao nhất là Phong Thổ với 99 hộ tái nghèo, 143 hộ tái cận nghèo và Nậm Nhùn với 52 hộ tái nghèo, 73 hộ cận nghèo4.

Nguyên nhân của những hạn chế này là do:

Một là, vị trí địa lý, giao thông đi lại khó khăn, hàng hóa sản xuất ra chưa tạo được lợi thế cạnh tranh so với các tỉnh khác. Thiên tai, hạn hán xảy ra hầu khắp các địa bàn toàn tỉnh với sức tàn phá lớn, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 đợt mưa lớn, mưa đá, dông lốc làm 4 người chết, 15 người bị thương, ảnh hưởng về nhà ở, nông nghiệp,… ước tính thiệt hại khoảng 167 tỷ đồng. Nhiều hộ vừa thoát nghèo bị tái nghèo trở lại5.

Hai là, một số văn bản hướng dẫn của trung ương được ban hành còn chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện CTGN, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Công tác phối hợp trong chỉ đạo điều hành của một số cấp ủy, chính quyền, các ngành và các tổ chức chính trị, xã hội chưa thực sự chặt chẽ. Công tác tuyên truyền vận động còn chưa thực sự sâu rộng đến các hộ nghèo. Nhiều hình thức, nội dung tuyên truyền về giảm nghèo còn chưa phù hợp với đối tượng.

Ba là, đội ngũ cán bộ làm CTGN có trình độ chuyên môn còn hạn chế nên việc tham mưu cho chính quyền cơ sở còn chưa tốt. Việc điều tra khảo sát các nhu cầu hỗ trợ cho người nghèo chưa sát thực tế, dẫn đến kết quả thực hiện một số chương trình còn thấp.

Bốn là, việc huy động nguồn lực tại chỗ để trợ giúp hộ nghèo, nhất là huy động của người dân và các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, mà nguyên nhân là vì là tỉnh còn nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, các DN chủ yếu là DN nhỏ.

Năm là, vẫn còn nhiều hộ nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo.

Giải pháp thúc đẩy hiệu quả công tác giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số của tỉnh Lai Châu trong những năm tiếp theo

Thứ nhất, tăng cường công tác chỉ đạo điều hành: tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành của giai đoạn 2016 – 2020, đề ra giải pháp quản lý, điều hành giai đoạn 2021 – 2025 sát với tình hình thực tiễn; đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và tập huấn các kiến thức về quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và cán bộ DTTS các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở xã, thôn, bản, những người trực tiếp chỉ đạo thực hiện.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền: tổ chức các hoạt động tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bằng nhiều hình thức và nhiều thứ tiếng để phù hợp với phong tục, tập quán của mỗi dân tộc. Tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương (đặc biệt là tuyên truyền trên đài phát thanh các xã).

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế, chính sách: tập trung hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng để tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế; giảm dần các chính sách cho không, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (chỉ thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp mang tính chất an sinh xã hội); tăng các chính sách hỗ trợ gián tiếp, hỗ trợ tín dụng cho người nghèo; hỗ trợ DN, hợp tác xã tham gia các chương trình, tạo điều kiện làm đầu tàu thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Có chính sách hỗ trợ học sinh ở các xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trong việc sử dụng các nguồn lực được giao.

Thứ tư, huy động các nguồn lực: trong đó, tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng – xã hội vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, tập trung vào hệ thống giao thông nông thôn, đường nội đồng, thủy lợi, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn; phát triển hệ thống trường học, trạm y tế, bưu chính viễn thông. Thực hiện chính sách thu hút, kêu gọi DN đầu tư, ưu tiên đối với lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực phi nông nghiệp có sử dụng nhiều lao động. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động là người DTTS góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động khu vực nông thôn theo hướng giảm dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; thực hiện đào tạo gắn chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, nhu cầu của các DN, xã hội; khuyến khích các DN tham gia đào tạo, nâng cao chất lượng lao động.

Thứ năm, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ: cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; điều động luân chuyển cán bộ có năng lực giữ vị trí chủ  chốt ở huyện, xã khó khăn để nâng cao công tác tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách sáng tạo, đột phá phù hợp với điều kiện đặc thù vùng cũng như tổ chức thực hiện thiết thực và hiệu quả các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững.

Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết: việc tăng cường và nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch và các chính sách giảm nghèo để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và uốn nắn những sai phạm trong tổ chức thực hiện triển khai CTGN đạt hiệu quả.

Chú thích: 1. Báo cáo số 68-BC/ĐB ngày 08/6/2020 của Đảng bộ tỉnh Lai Châu về Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 – 2025. 2. Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28/6/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 28/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu khóa XIV về Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 01/9/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu về Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 – 2020. 3, 4, 5. Quyết định số 1888/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu về kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020. 6. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu. Báo cáo kết quả thực hiện công tác Lao động – Người có công và Xã hội (các năm 2017, 2018, 2019).
TS. Lê Hương Giang Trường Đại học Lao động – Xã hội

Từ khóa » Tỉnh Lai Châu Có Bao Nhiêu Dân Tộc