Cổng Thông Tin:Hệ Mặt Trời – Wikipedia Tiếng Việt

Mặt trời và các hành tinh của Hệ Mặt trời (khoảng cách không theo tỷ lệ)

Hệ Mặt Trời là hệ hành tinh của Mặt Trời, bao gồm Mặt Trời và các thiên thể xung quanh. Các thiên thể nằm trong hệ Mặt Trời có thể kể đến như hành tinh, hành tinh lùn, vệ tinh, sao chổi, vân vân. Hệ Mặt Trời chỉ là một hệ hành tinh trong số vô vàn các hệ hành tinh quanh vì sao khác.

Mặt Trời là ngôi sao loại dãy chính nằm ở chính giữa hệ Mặt Trời. Các nhà thiên văn học thường chia hệ Mặt Trời thành ba vùng. Vùng trong cùng bao gồm 4 hành tinh đất đá (Sao Thủy, Sao Kim, Trái Đất và Sao Hỏa) và vành đai tiểu hành tinh nằm giữa quỹ đạo của Sao Hỏa và Sao Mộc. Vùng phía giữa chứa 2 hành tinh khí (Sao Mộc và Sao Thổ), 2 hành tinh băng (Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương), và vành đai Kuiper nằm ngay bên ngoài quỹ đạo của Sao Hải Vương. Vùng ngoài cùng của hệ Mặt Trời hiện tại còn nhiều điều bí ẩn, được cho là chứa rất nhiều hành tinh lùn và thiên thể nhỏ băng giá chưa được tìm thấy.

Qua nhiều thế kỷ nghiên cứu thiên văn, thuyết nhật tâm Copernicus của Nicolaus Copernicus đã được cải tiến thành thuyết hệ Mặt Trời hiện đại. Theo hiểu biết hiện nay của các nhà thiên văn, hệ Mặt Trời của chúng ta chỉ là một trong rất nhiều hệ hành tinh nằm quanh các ngôi sao khác, cùng nhau chuyển động trong Ngân Hà. Bằng chứng từ các bao thể trong thiên thạch cho thấy hệ Mặt Trời được hình thành khoảng 4,55 tỷ năm trước, khi một phần của đám mây phân tử sụp vào, tạo thành Mặt Trời sơ khai và đĩa tiền hành tinh. Các nghiên cứu về hệ Mặt Trời giúp con người hiểu rõ ảnh hưởng của thiên thạch đâm vào Trái Đất, điều kiện phát triển sự sống ngoài Trái Đất, phát triển ngành du hành vũ trụ, và có thêm hiểu biết vị thế của con người trong vũ trụ. (Đọc thêm...)

Phác thảo của Hệ mặt trời

Từ khóa » Các Hệ Mặt Trời