Công Trình đường Dây điện Cao Thế 110 KV đi Qua Vườn Nhà ?

Câu hỏi

Gia đình tôi được các cơ quan chức năng tại địa phương thông báo, một phần diện tích đất trồng cây lâu năm của gia đình tôi nằm trong hành phạm vi hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp 110 KV trên không, đồng thời gia đình tôi được bồi thường, hỗ trợ đối với đất trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không ? văn phòng luật sư có thể tư vấn quy định pháp luật về vấn đề này cho hộ gia đình ?

Trả lời

Công trình đường dây điện cao thế 110 KV đi qua vườn nhà ?

Khi dự án công trình lưới điện cao áp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mặt bằng xây dựng, chậm nhất sau mười lăm (15) ngày làm việc chủ đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân là chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng và tài sản khác nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp biết. Việc bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản trên đất và hỗ trợ khác cho người đang sử dụng đất khi xây dựng công trình được thực hiện theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Mọi tài sản hoặc công trình được tạo lập sau khi đã nhận được thông báo thực hiện dự án mà vi phạm hành lang an toàn theo quy định tại Nghị định này thì buộc phải tháo dỡ phần vi phạm và không được bồi thường, hỗ trợ (Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 14//2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014).

Hành lang bảo vệ an toàn của đường dây dẫn điện trên không:

Chiều rộng hành lang được giới hạn bởi hai mặt thẳng đứng về hai phía của đường dây, song song với đường dây, có khoảng cách từ dây ngoài cùng về mỗi phía khi dây ở trạng thái tĩnh, đối với điện áp 110 KV, dây trần, khoảng cách là 4 m (Điểm b Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 14//2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014).

Bồi thường, hỗ trợ đối với đất trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không:

Đất ở, các loại đất khác trong cùng thửa với đất ở của một chủ sử dụng trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không điện áp đến 220 kV thuộc diện Nhà nước không thu hồi đất thì chủ sử dụng đất được bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng đất. Việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện một lần như sau:

- Trên cùng một thửa đất, bao gồm đất ở và các loại đất khác của một chủ sử dụng đất, khi bị hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không chiếm dụng khoảng không lớn hơn hạn mức đất ở thì phần diện tích các loại đất khác trên cùng thửa đất trong hành lang cũng được bồi thường, hỗ trợ. Mức bồi thường, hỗ trợ không lớn hơn 80% mức bồi thường thu hồi các loại đất khác đó tính trên diện tích các loại đất khác nằm trong hành lang;

- Đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không thì chủ sử dụng đất được hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng đất. Việc hỗ trợ được thực hiện một lần, không lớn hơn 30% mức bồi thường thu hồi đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, tính trên diện tích đất trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không.

Mức bồi thường, hỗ trợ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể. Kinh phí chi trả từ nguồn vốn đầu tư của chủ đầu tư công trình lưới điện cao áp (Điều 19 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014).

Bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại:

Chi phí san lấp mặt bằng;

Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp;

Chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh;

Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất (Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014).

Xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại:

Việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại quy định tại Điều 3 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (sau đây gọi là Nghị định số 47/2014/NĐ-CP) thực hiện theo quy định sau:

Hồ sơ, chứng từ chứng minh đã đầu tư vào đất chỉ làm căn cứ để chứng minh về việc người sử dụng đất đã đầu tư vào đất.

Hồ sơ, chứng từ chứng minh đã đầu tư vào đất gồm các giấy tờ sau đây:

- Văn bản, hợp đồng thuê, khoán san lấp mặt bằng, tôn tạo đất đối với đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê, cải tạo đất, chống xói mòn, chống xâm thực, xây dựng, gia cố nền đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh;

- Văn bản, thanh lý hợp đồng; hóa đơn, chứng từ thanh toán đối với từng khoản chi phí đã đầu tư vào đất quy định tại Điểm a Khoản này;

- Văn bản, hợp đồng khác có liên quan đến việc đầu tư vào đất được xác lập tại thời điểm đầu tư.

Người có đất thu hồi không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này nhưng thực tế đã có đầu tư vào đất thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương quyết định việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại (Điều 3 Thông tư số 07/VBHN-BTNMT ngày 12/9/2019 quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất).

Như vậy, về cơ bản thì việc bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản trên đất và hỗ trợ khác cho người đang sử dụng đất khi xây dựng công trình được thực hiện theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, mức bồi thường, hỗ trợ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể, bạn có thể tham khảo nội dung các quy định của pháp luật trên đây, để áp dụng cho phù hợp với trường hợp cụ thể của mình tại mỗi địa phương./.

Liên hệ:

Điện thoại: 0914 165 703

Email: dmslawfirm@gmail.com 

DMS LAW LLCGiám đốc(Đã duyệt)Luật sư Đỗ Minh Sơn

Từ khóa » đất Kv Là Gì