Công Trình Tu Bổ, Tôn Tạo Chùa Quỳnh Lâm đang Dần đi Vào Hoàn Thiện

TLYT – Chùa Quỳnh Lâm toạ lạc trên một ngọn đồi thấp ở Tiên Du, thuộc xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chùa được khởi dựng từ thời Lý. Những năm cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, cùng với chùa Hoa Yên ở Yên Tử, chùa Báo Ân ở Siêu Loại (Bắc Ninh), chùa Thanh Mai ở Hải Dương, thiền viện Quỳnh Lâm do Pháp Loa trụ trì là một trong những trung tâm của giáo hội Trúc Lâm thời Trần. Vào năm 1329, Quỳnh Lâm trở thành Đệ nhất danh lam cổ tích của nước Nam và là một trung tâm Phật giáo lớn thời đó.

Trải qua năm tháng, cùng với những biến động của thời cuộc, chùa nhiều lần bị xuống cấp hoặc bị phá hủy, thiêu rụi rồi lại được trùng tu, tôn tạo.

Chính điện Chùa cũ

Các cuộc điều tra, khai quật khảo cổ học chùa Quỳnh Lâm từ năm 2007 đến nay cho thấy, quy mô kiến trúc đồ sộ của chùa Quỳnh Lâm xưa hiện chỉ còn giữ được một số di vật cổ. Đó là tấm bia đá cao 2,5m dựng trước chùa được trang trí hình rồng uốn lượn mềm mại, đặc trưng cho rồng thời Lý. Tiếp đó là các thành bậc rồng bằng đá xanh, gần một trăm tảng đá kê chân cột, chạm cánh sen, đầu rồng bằng đất nung, khánh đá. Đặc biệt là một góc bệ đá có hình chim thần Garuda được tạo như một hình người ngồi xổm, hai tay vươn lên hai giá bệ để đỡ tòa sen. Tất cả đều thể hiện rõ nét điêu khắc đá thời Trần.

Hiện vật thời Lê còn lại ở đây nhiều nhất là các bia đá và các ngôi bảo tháp. Đặc biệt là hai bức chạm đá ở bài vị và tượng của bà Hậu Phật Bùi Thị Thao với các hình chạm trổ công phu, tỷ mỉ, mềm mại và đang ở thế động rất tự nhiên, hiện thực. Ngoài ra chùa còn có bia đá ghi rõ ngày tháng năm trùng tu chùa, tên các thiện nam tín nữ đã có hảo tâm công đức tiền của tu bổ chùa và những công trình đã làm trong các đợt trùng tu. Trong vườn chùa còn hệ thống tháp cổ được ghép bằng đá xanh thớ mịn với kỹ thuật ghép mộng chắc chắn đã để lại cho hậu thế một kho tàng nghệ thuật vô giá.

Vườn tháp

Từ năm 2006 đến nay, chùa Quỳnh Lâm đang được trùng tu, tôn tạo với quy mô lớn. Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm được bộ Văn hóa và UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, do BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đại diện là Thượng tọa Thích Đạo Quang, Phó trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh làm chủ đầu tư và hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa với tổng kinh phí khoảng hơn 100 tỉ đồng. Dự án bao gồm 3 tòa thượng điện, hành lang giải vũ, cổng tam quan, sân vườn, nội thất thờ tự và các công trình phụ trợ. Kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ lim, đá thanh, lớp ngói mũi hài truyền thống, gạch bát phục chế theo đúng kiến trúc mỹ thuật truyền thống của dân tộc.

Điện Di Lặc hiện tại cơ bản đã hoàn thiện Bên trong một tòa Thượng điện Nét chạm trổ hình rồng vô cùng đẹp mắt Thượng tọa Thích Đạo Hiển (Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Quảng Ninh) cho biết: “Năm 2016, dự án chính thức làm lễ khởi công động thổ. Từ đó đến nay, chủ đầu tư đã rất cố gắng dốc toàn lực để thực hiện dự án này. Trong quá trình xây dựng, công trình đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của đông đảo Tăng, Ni, Phật tử và các nhà hảo tâm, trong đó có sự phát tâm rất lớn từ quỹ Thiện Tâm của tập đoàn VinGroup. Hiện nay, tòa thượng điện thứ nhất và thứ hai đã được hoàn thiện. Tòa thượng điện thứ ba dự kiến vào tháng 8/2019 sẽ hoàn thiện, sau đó sẽ tiếp tục làm hành lang giải vũ, cổng tam quan và các công trình phụ trợ như phê duyệt.

Ở công trình này, chủ đầu tư đã hợp tác với những nghệ nhân làm mộc nổi tiếng ở làng nghề truyền thống của tỉnh Bắc Ninh, nên kiến trúc hoa văn, hoạ tiết gỗ cũng như trang trí mái truyền thống rất đẹp mắt và đúng phong cách truyền thống.

Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư cũng gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên khó khăn nhất là khâu lựa chọn nguyên vật liệu và nguồn kinh phí. Bởi kiến trúc chùa hoàn toàn bằng gỗ. Hiện nay để tìm được khối lượng gỗ (hơn 3000 khối gỗ lim) là công việc rất vất vả. Có những cột chính đường kính tới 80cm.”

Quang cảnh chùa nhìn từ bên ngoài Đồi thông xanh mát nơi con đường dẫn vào chùa

Dù còn nhiều khó khăn, song hi vọng rằng dự án chùa Quỳnh Lâm với sự quan tâm giúp đỡ, phát tâm công đức của nhiều người, sự cố gắng của Thượng tọa trụ trì, dự án sẽ sớm hoàn thiện để đưa vào hoạt động, xứng danh là chốn Tổ đình nổi tiếng của Phật giáo Trúc Lâm, xứng danh với vị thế của chùa Quỳnh Lâm trong lịch sử. Từ đó, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, góp phần hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh.

Mai Anh

Tham khảo: http://ditichlichsuvanhoa.com/dttc/CHUA-QUYNH-LAM-a766.html

Wikipedia.org, Chùa Quỳnh Lâm

https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=5BE449

Từ khóa » Chùa Quỳnh Lâm Bắc Ninh