Công Ty Bảo Châu: Buýt 78 Cần Sớm Ra Khỏi điểm Dừng

Cung đường 21B đoạn từ Tế Tiêu chạy ra Hà Đông luôn tấp nập người tham gia giao thông, bởi đây là cửa ngõ phía Tây Nam, dẫn vào Thủ đô Hà Nội. Đầu những năm 2000, Buýt số 78 là tuyến duy nhất trung chuyển khách trên cung đường này vào nội Đô. Tuy nhiên thời gian gần đây, một số bức xúc của những người có liên quan tới tuyến Buýt 78, được gửi tới Tòa soạn Doanh nghiệp và Thương hiệu, cho thấy có nhiều bất công về quyền lợi đối với nhân lực vận hành tuyến Buýt số 78, do Công ty Bảo Châu điều hành.

(Ảnh xe Buýt 78 vận hành trên đường trong khu vực quận Hà Đông, TP.Hà Nội)

Chia sẻ với Phóng viên, anh N.V.C, lái xe tại Công ty Bảo Châu cho biết: Mỗi xe chúng tôi phải đầu tư khoảng trên dưới 1 tỷ đồng, nhưng phải đứng tên Công ty Bảo Châu để phù hợp với quy định của tuyến Buýt cố định. Giờ anh em lái xe ra về với hai bàn tay trắng, bởi các xe phải bán lại cho Công ty với giá vài chục triệu đồng một xe. Hiện chỉ còn lại 5 xe là của các cá nhân, trên 20 xe đã phải chở thành tài sản Công ty một cách “bất đắc dĩ”.

Cũng theo anh N.V C thì: Hàng ngày, ngoài tiền lệnh phải nộp về là 780.000 đồng, chúng tôi phải đóng thêm 90.000 đồng tiền bảo hiểm xã hội (trong đó lái xe chịu 50.000 đồng, phụ xe chịu 40.000). Tôi đầu tư xe vào Công ty Bảo Châu từ tháng 01/2013, sau hơn 4 năm làm việc, tháng 3/2017 tôi phải nghỉ việc vì bệnh tật. Tuy nhiên, khi ốm đau, phát sinh quyền lợi bảo hiểm tôi mới biết là Công ty Bảo Châu thu tiền nhưng không đóng bảo hiểm cho tôi và anh em lái phụ xe.

Cuối năm 2017 trở về đây, do lượng xe giảm từ gần 40 xe xuống còn trên 20 xe, dẫn đến thời gian xếp khách nhiều hơn. Vì vậy tiền lệnh đã tăng lên 940.000 đồng/ngày/xe, tổng tiền hàng ngày chúng tôi phải nộp về Công ty là 1.030.000 đồng (trong đó có 90.000 đồng, tiền bảo hiểm). Áp lực đạt doanh thu đối với những ai chưa nhượng lại xe cho Công ty là rất lớn, bởi ngoài số tiền nộp về Công ty, còn rất nhiều khoản chúng tôi phải bỏ ra như chi phí xăng dầu, ăn uống, sửa chữa xe.

Hầu hết anh em mua xe để chạy tuyến Buýt 78, đều là dân trên trục đường 21B. Chân lấm tay bùn, giờ vay mượn để đầu tư, vượt khó mà có được đâu. Cố gắng cuối cùng lại về với hai bàn tay trắng. Đúng như “bị cướp” các anh ạ! Anh N.V.H, một chủ xe trong tuyến Buýt số 78 chia sẻ với nụ cười buồn trên môi.

Tại buổi làm việc ngày 09/11/2018, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Hà Đông - ông Hoàng Đức Hiếu cho biết: Công ty Cổ phần Dịch vụ và Vận tải Bảo Châu dừng đóng Bảo hiểm từ tháng 6/2013 sau khi số nợ bảo hiểm lên gần 4 tỷ đồng.

(Ảnh do BHXH Hà Đông cung cấp, thể hiện Công ty Bảo Châu dừng đóng BHXH từ tháng 6/2013. Tính đến tháng 11/2018, số tiền nợ BHXH là gần 4 tỷ đồng)

Như vậy, sau khi đã tạo ra một “đống nợ” ngân sách, cùng dấu hiệu thu tiền bảo hiểm của công nhân viên rồi bỏ túi. Công ty Bảo Châu mang trên mình hai từ “bỏ trốn”, rồi “theo gió cuốn” đi xa rất xa. Vậy hiện nay tuyến xe Buýt 78 đang “thuộc” về ai? Liệu có liên quan gì tới những khoản nợ khổng lồ kia không? Doanh thu trên báo cáo thuế có đúng với tiền lệnh các xe phải nộp về Công ty không?

Những câu hỏi vì sao “khổ tận cam lai” là thế, mà anh em lái phụ xe lại “giấu kín” được trong thời gian dài như vậy? Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ và Vận tải Bảo Châu có phải là chủ nhân tiếp theo của tuyến Buýt 78 hay không? Văn bản trả lời của Cục thuế Hà Nội cung cấp số liệu nợ thuế của đơn vị này là bao nhiêu?

Ở tuyến bài tiếp theo, chúng tôi sẽ đưa các bạn tới lộ trình hình thành tuyến Buýt 78 từ khi còn là Hợp tác xã, cũng như chặng đường “lỡ dở” sau trúng thầu của 2 tuyến Buýt trợ giá. Mời các bạn đón đọc!

Vũ Chiến

Từ khóa » Giá Xe Bus 78