Công Ty Có Phải Là Doanh Nghiệp Hay Không?

Công ty có phải là doanh nghiệp hay không? Hiện nay rất nhiều người thắc mắc rằng tại sao công ty chỉ có 3 loại hình mà doanh nghiệp thì có 4 loại hình, chẳng phải doanh nghiệp là cách gọi khác của công ty hay sao? Pháp luật quy định như thế nào về công ty và về doanh nghiệp? Bài viết này của Luật Minh Gia sẽ giải đáp về vấn đề này.

Mục lục bài viết

  • 1. Một công ty có là một doanh nghiệp?
  • 2. Các loại hình công ty
  • 3. Mục đích thành lập công ty
  • 4. Những điểm cần lưu ý khi thành lập và hoạt động của công ty

1. Một công ty có là một doanh nghiệp?

Có rất nhiều trường hợp nhầm lẫn giữa khái niệm công ty và khái niệm doanh nghiệp mặc dù đây là hai thuật ngữ khác nhau. Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 giải thích như sau:

“Điều 4. Giải thích từ ngữ

6. Công ty bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh.

….

10. Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.”

Như vậy công ty là một bộ phận cấu thành nên hệ thống doanh nghiệp và công ty mang đầy đủ những đặc điểm của một doanh nghiệp Việt Nam. Nói cách khác thì một công ty chắc chắn là một doanh nghiệp, còn một doanh nghiệp thì chưa chắc đã là một công ty vì ngoài ba loại hình nêu trên thì doanh nghiệp vẫn còn một loại hình nữa là doanh nghiệp tư nhân.

2. Các loại hình công ty

Như dẫn chứng quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 nêu trên thì hiện nay pháp luật đang ghi nhận 3 loại hình công ty bao gồm:

- Công ty TNHH bao gồm Công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên

+ Công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Các chủ sở hữu phần vốn góp trong công ty TNHH có quyền chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho chủ thể khác theo quy định pháp luật.

+ Công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp do một cá nhân hoặc một tổ chức là chủ sở hữu. Do chỉ có một cá nhân hoặc một tổ chức làm chủ nên tính tự quyết của chủ sở hữu rất cao bao trùm lên toàn bộ hoạt động của công ty.

- Công ty cổ phần là doanh nghiệp mà trong đó vốn điều lệ được chia thành các phần bằng nhau gọi là cổ phần. Công ty cổ phần là công ty đối vốn do đó khả năng huy động vốn của công ty cổ phần cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp vì không giới hạn cổ đông tham gia và đa dạng hình thức huy động vốn.

- Công ty hợp danh là doanh nghiệp có ít nhất hai cá nhân cùng sở hữu chung và chịu trách nhiêm liên quan đến công ty bằng toàn bộ tài sản của mình. Bên cạnh thành viên hợp danh thì công ty hợp danh có thể có thành viên góp vốn là cá nhân hoặc tổ chức chịu trách nhiệm khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp.

3. Mục đích thành lập công ty

Mỗi nhà đầu tư khi thành lập công ty đều có những mục địch riêng, song chung quy lại thì mục đích chính vẫn là tìm kiếm lợi nhuận. Theo đó các nhà đầu tư có thể gián tiếp hoặc trực tiếp thành lập nên các công ty tùy vào điều kiện của mình miễn là không trái quy định pháp luật.

4. Những điểm cần lưu ý khi thành lập và hoạt động của công ty

Khi thành lập doanh nghiệp và trong quá trình hoạt động thì công ty cần lưu ý những vấn đề sau:

- Những trường hợp không được thành lập và quản lý công ty theo quy định tại Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020.

- Điều kiện thành lập công ty đối với nhà đầu tư là người nước ngoài thì phải tuân theo quy định tại Luật đầu tư;

- Công ty phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định tương ứng với ngành nghề kinh doanh;

- Tuân theo quy định pháp luật thuế trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

- Tuân theo quy định pháp luật về lao động trong quá trình sử dụng người lao động

- Các lưu ý khác phù hợp với tình trạng pháp lý của doanh nghiệp.

Từ khóa » Khái Niệm Công Ty