Công Ty Cổ Phần Cấp Thoát Nước Phú Yên 22 Năm Hình Thành Và ...

Nước sạch là một trong những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của con người. Nước sạch là nguồn sống, là sức khoẻ trước mắt và lâu dài cho cộng đồng. Nước sạch là một trong những tiêu chí của xã hội văn minh, thể hiện trình độ văn hoá, thước đo chất lượng cuộc sống con người.

Trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, ngành Cấp nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện, khẳng định vai trò, vị thế của một ngành kỹ thuật hạ tầng đô thị.

Nhận thức được tầm quan trọng của nước sạch, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Lãnh đạo tỉnh Phú Yên luôn quan tâm đến vấn đề đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp mở rộng các Nhà máy nước. Đến nay, toàn tỉnh đã có 08/9 thị trấn, thị xã và thành phố đã có hệ thống cấp nước tập trung.

Quá trình hình thành và phát triển

Tháng 7/1989, tỉnh Phú Yên được tách ra từ tỉnh Phú Khánh, thị xã Tuy Hoà trở thành Tỉnh lỵ Phú Yên. Tại thời điểm này, Tuy Hoà là thị xã tỉnh lỵ duy nhất của Việt Nam người dân chưa được sử dụng nước máy. Trước tình hình đó, ngày 12/4/1991, UBND tỉnh Phú Yên Quyết định số 282/QĐ-UB về việc thành lập Ban quản lý công trình Nhà máy nước Phú Yên với chức năng, nhiệm vụ quản lý, đầu tư xây dựng Nhà máy nước Tuy Hoà, công suất 5.000 m3/ngày.

Giai đoạn 9/1996 - 8/2000:

Ngày 28/9/1996, UBND tỉnh Phú Yên ra Quyết định số 1443/QĐ - UB về việc thành lập Công ty Cấp nước Phú Yên, trên cơ sở tổ chức lại Ban QLCT Nhà máy nước Phú Yên. Công ty hoạt động công ích với chức năng nhiệm vụ quản lý và khai thác Nhà máy nước Tuy Hòa công suất 5.000 m3/ngày.

Đến ngày 14/4/1997 tiếp nhận NMN Sông Cầu, công suất 2.000m3/ngày và ngày 16/6/1999 tiếp nhận NMN Tuy An, công suất 1.000 m3/ngày.

Từ năm 1997 đến năm 2000, Công ty tiến hành đầu tư xây dựng mới 02 NMN: NMN Sông Hinh với công suất 2.000 m3/ngày và NMN Đồng Xuân với công suất 2.000 m3/ngày; Đầu tư mở rộng NMN Tuy Hòa từ 5.000 lên 7.000 m3/ngày. Đầu tư mở rộng NMN Sông Cầu từ 2.000 lên 3.000 m3/ngày. Đầu tư mở rộng NMN Tuy An từ 1.000 lên 2.000 m3/ngày.

Tổng công suất thiết kế toàn Công ty quản lý khai thác là 16.000 m3/ngày.

Giai đoạn 9/2000 - 11/2005:

Ngày 14/8/2000, UBND tỉnh Phú Yên ra Quyết định số 2025/ QĐ - UB về việc Đổi tên và bổ sung ngành nghề hoạt động cho Công ty Cấp nước Phú Yên thành Công ty Cấp thoát nước Phú Yên.

Công ty đã đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước đến các Khu Công nghiệp Hòa Hiệp thuộc huyện Đông Hòa, KCN An Phú thuộc TP Tuy Hòa. Nâng cấp NMN Tuy Hòa từ 7.000 lên 14.000 m3/ngày với công nghệ xử lý tiên tiến. Đầu tư xây dựng mới NMN Đông Bắc Sông Cầu công suất 900 m3/ngày cung cấp nước cho KCN Đông Bắc Sông Cầu. Đầu tư xây dựng mới NMN Sơn Hòa công suất 2.000 m3/ngày.

Tổng công suất thiết kế toàn Công ty quản lý khai thác là 25.900 m3/ngày đêm.

Giai đoạn 12/2005 - 11/2015:

Ngày 22/12/2005 UBND tỉnh ra Quyết định số 2878/QĐ-UBND V/v đổi tên thành Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Phú Yên.

Đầu tư, mở rộng nâng công suất của các NMN: Nâng công suất NMN Tuy Hòa từ 14.000 lên 28.000 m3/ngày; NMN Tuy An từ 2.000 lên 3.000 m3/ngày và NMN Đồng Xuân từ 2.000 lên 3.000 m3/ngày bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á. Đầu tư xây dựng mới NMN Phú Hòa công suất 2.000 m3/ngày bằng nguồn vốn JBIC Nhật Bản.

Năm 2007 Công ty tiếp nhận quản lý NMN Vũng Rô công suất 200 m3/ngày từ Ban QLDA các công trình trọng điểm tỉnh.

Đến tháng 11/2015 Công ty quản lý và khai thác 09 NMN trong toàn tỉnh với tổng công suất thiết kế là 44.100 m3/ngày.

Giai đoạn từ 11/2015 đến nay:

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Phú Yên về cổ phần hóa Doanh nghiệp nhà nước. UBND tỉnh Phú Yên ra Quyết định số 1312/QÐ-UBND ngày 20/7/2015 V/v Phê duyệt phương án và chuyển Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Phú Yên thành công ty cổ phần. Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Phú Yên có vốn nhà nước chiếm 62,46%. Công ty có vốn điều lệ là 236 tỷ đồng. Tổng số cán bộ, người lao động: 212 người (50 nữ).

Công ty đã đầu tư, mở rộng nâng công suất của các NMN: Nâng công suất NMN Sông Cầu từ 3.000 lên 5.000 m3/ngày; NMN Sông Hinh từ 2.000 lên 3.000 m3/ngày; Tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước tại các NMN trong tỉnh.

Tổng công suất cấp nước theo thiết kế là 47.100 m3/ngày (gồm 09 Nhà máy nước tại các thị trấn, thị xã và thành phố trong toàn tỉnh. Thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa chưa đầu tư xây dựng Nhà máy nước).

Về thuận lợi:

Tập thể CB.NLĐ luôn đoàn kết, cùng nhau xây dựng Công ty ngày càng lớn mạnh và hoạt động toàn diện trong suốt các giai đoạn phát triển với các mô hình quản lý từ BQL dự án đến DNNN và hiện nay là Công ty cổ phần.

Công ty luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các Sở ban ngành đoàn thể, sự phối hợp của lãnh đạo chính quyền các địa phương trong mọi hoạt động xây dựng và phát triển Công ty.

Về khó khăn:

Có nhiều đầu mối quản lý, địa bàn hoạt động trải rộng đến hầu hết các huyện của tỉnh, trong đó có 03 huyện miền núi là Đồng Xuân, Sơn Hoà và Sông Hinh;

Sự biến động bất thường của thời tiết, hạn hán và mưa lũ thường xuyên đã ảnh hưởng đến nguồn nước khai thác, dẫn đến ảnh hưởng đến hiệu quả SXKD của Công ty.

Một số kết quả đạt được trong cấp nước tại Phú Yên.

- Đảm bảo cung cấp nước sạch đạt chất lượng cho hơn 50.000 khách hàng tại 08/9 thị trấn, thị xã, thành phố trong tỉnh (thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa chưa đầu tư xây dựng Nhà máy nước) và 04 Khu Công nghiệp (Hòa Hiệp 1, Hòa Hiệp 2, An Phú và Đông Bắc Sông Cầu), hoàn thành tốt nhiệm vụ Tỉnh giao. Đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và SXKD là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đặt ra cho mỗi địa phương trong quá trình phát triển.

- Làm chủ hoàn toàn công nghệ trong ngành cấp nước hiện nay: Công nghệ xử lý nước, công nghệ tự động hóa trong quản lý, vận hành, hệ thống SCADA, làm cơ sở tiến đến xây dựng mô hình quản lý hệ thống cấp nước theo công nghệ 4.0. Trong sản xuất, Công ty đã lắp đặt thiết bị đo liên tục 3 chỉ tiêu: Độ đục; pH và Clo dư trong nước; sử dụng tủ điều khiển biến tần gắn với thiết bị bơm làm giảm tiêu hao điện năng, giảm chi phí quản lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản lý SX, sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để quản lý mạng lưới cấp nước tại TP Tuy Hoà và TX Sông Cầu. Đã triển khai thực hiện Hóa đơn điện tử.

- Ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, kinh doanh hiệu quả như: Quản lý hệ thống sản xuất nước sạch theo tiêu chuẩn ISO 9001-2015; Xây dựng thành công phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO 17025 đáp ứng nhu cầu quản lý, kiểm soát chất lượng nước theo quy định hiện hành.

- Bên cạnh phát triển nhanh về tỷ lệ người dân được dùng nước sạch, Lãnh đạo tỉnh Phú Yên luôn chú trọng nâng cao chất lượng nước cấp, chỉ đạo đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tiên tiến, hiện đại, bền vững, phát huy tác dụng lâu dài. Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên, đã năng động, sáng tạo, thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, tạo một bước phát triển nhảy vọt về lưu lượng, chất lượng nước, tiến nhanh đến mục tiêu cấp nước sạch an toàn.

Quy hoạch cấp nước từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo quy hoạch đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 toàn tỉnh có 10 đô thị với nhu cầu dùng nước như sau:

TT

Tên đô thị

Nhu cầu dùng nước (m3/ngày đêm)

Năm 2025 Năm 2030

01

Thành phố Tuy Hòa

43.790

45.300

02

Thị xã Sông Cầu

15.990

18.400

03

Thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân

3.580

3.700

04

Thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An

2.300

2.380

05

Thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa

4.040

5.310

06

Thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa

3.160

3.270

07

Thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh

3.365

3.490

08

Thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa

4.226

4.380

09

Thị xã Đông Hòa

58.190

83.760

10

Thị trấn Vân Hòa, huyện Vân Hòa

737

760

Mục tiêu tổng quát của Công ty trong thời gian đến năm 2025.

- Đến năm 2025, tiêu chuẩn cấp nước bình quân tại các đô thị đạt 120lít/người/ngày đêm; chất lượng nước cấp đạt quy chuẩn quy định;

- Dịch vụ cấp nước ổn định, liên tục 24 giờ trong ngày, áp lực nước trên toàn mạng đạt quy chuẩn quy định;

- Đảm bảo hoạt động đúng ngành nghề theo Điều lệ Công ty và đầu tư chuyên sâu vào lĩnh vực cấp thoát nước đô thị;

- Đầu tư phát triển đảm bảo đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội của Nhà nước;

- Định hướng đầu tư phát triển bền vững và theo lộ trình đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp của Chính phủ;

- Các chỉ tiêu: Sản lượng tiêu thụ, doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng ổn định, bền vững;

Giải pháp thực hiện chiến lược đến năm 2025.

- Đầu tư đúng trọng tâm, kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân khu vực đô thị, góp phần hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVI; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương.

- Đầu tư nâng công suất, mở rộng một số nhà máy đã khai thác đến 85-90% công suất thiết kế, sau khi xem xét đánh giá khả năng phát triển nhằm tăng sản lượng tiêu thụ, hiệu quả đầu tư; có kế hoạch phân kỳ đầu tư để đảm bảo sản xuất liên tục không bị gián đoạn;

- Từng bước chuyển đổi nguồn nước khai thác từ nước ngầm sang nước mặt ở những khu vực có điều kiện khai thác nước mặt, phù hợp với công nghệ của từng nhà máy để đảm bảo tính bền vững, giảm chi phí, phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 90% sản lượng khai thác nguồn nước mặt; chú trọng đến trong tác bảo vệ môi trường trong khai thác nước và xử lý nước thải của các nhà máy;

- Đẩy mạnh công tác chống thất thu, thất thoát bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào quản trị mạng lưới đường ống cấp nước để kiểm soát lưu lượng, áp lực, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước;

Với nhu cầu dùng nước như trên, dự kiến quy hoạch cấp nước đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 như sau:

- Khu vực thành phố Tuy Hòa: Nâng công suất Nhà máy nước thành phố Tuy Hòa từ 28.000 m3/ngày đêm lên 50.000 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu dùng nước cho thành phố Tuy Hòa là đô thị loại 2 vào năm 2025.

- Khu vực huyện Đông Hòa: Đầu tư xây dựng mới Nhà máy nước Nam Phú Yên công suất 60.000 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu dùng nước cho thị xã Đông Hòa là thị xã Công nghiệp của tỉnh vào năm 2025.

- Thị xã Sông Cầu: Nâng công suất Nhà máy nước thị xã Sông Cầu từ 5.000 m3/ngày đêm lên 8.000 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu dùng nước cho thị xã Sông Cầu là đô thị loại 3 vào năm 2025 (cấp nước các phường nội thị, xã Xuân Phương và xã Xuân Thọ 1). Đến năm 2030 khi nhu cầu dùng nước tăng, tiếp tục đầu tư xây dựng Nhà máy nước mới phía nam thị xã Sông Cầu công suất 10.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước cho các khu vực còn lại.

- Khu vực Đông Bắc Sông Cầu: Nâng công suất Nhà máy nước khu vực Đông Bắc Sông Cầu từ 900 m3/ngày đêm lên 5.000 m3/ngày đêm, cấp nước toàn bộ các xã khu vực phía Bắc thị xã Sông Cầu và Khu Công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu. Đến năm 2030 tiếp tục nâng công suất Nhà máy nước khu vực Đông Bắc Sông Cầu từ 5.000 m3/ngày đêm lên 8.000 m3/ngày đêm.

- Các thị trấn còn lại: Nâng công suất Nhà máy nước thị trấn Phú Hòa từ 2.000 m3/ngày đêm lên 6.000 m3/ngày đêm, đảm bảo cấp nước cho khu vực huyện Phú Hòa và thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa. Đầu tư nâng công suất Nhà máy nước Hai Riêng, huyện Sông Hinh từ 3.000 m3/ngày đêm lên 4.000 m3/ngày đêm; Nâng cấp công suất Nhà máy nước Củng Sơn, huyện Sơn Hòa từ 2.000 m3/ngày đêm lên 4.000 m3/ngày đêm; Nâng cấp Nhà máy nước thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An từ 3.000 m3/ngày đêm lên 4.000 m3/ngày đêm.

Những thành tích đã đạt được.

- Đảng bộ Công ty được Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Tỉnh công nhận là Đảng bộ cơ sở trong sạch vững mạnh năm 2017.

- Tập thể Công ty đã được UBND Tỉnh, các Bộ nhành tặng Bằng khen và được Chủ tịch Nước tặng Huân chương lao động hạng 2.

- Công đoàn cơ sở và Đoàn thanh niên Công ty liên tục nhiều năm liền đạt danh hiệu Vững mạnh xuất sắc.

- CLB Quân nhân nhiều năm liền được công nhận Vững mạnh.

Từ khóa » Nhà Máy Nước Phía Nam