Công Ty Thực Phẩm Bình Tây Của Bà Lê Thị Giàu Làm ăn Ra Sao?

TCDN - Người vừa khởi kiện bà Nguyễn Phương Hằng ra tòa đòi bồi thường 1.000 tỷ đồng chính là doanh nhân Lê Thị Giàu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây - một doanh nghiệp khá có tiếng trong ngành thực phẩm.

Lùm xùm vụ kiện đòi bồi thường 1000 tỷ đồng

Ngày 1/6, TAND quận 1, TP.HCM cho biết, tòa vừa thụ lý vụ “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Lê Thị Giàu (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây) và bị đơn Nguyễn Phương Hằng (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam).

Theo đơn khởi kiện, ngày 14/5, trong buổi livestream trên trang cá nhân và các fanpage, bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Dũng “lò vôi”) đã nói chuyện với chủ đề công bố động trời về Lê Thị Giàu và sư thầy Bửu Chánh (chùa Phước Sơn).

Đơn khởi kiện của bà Lê Thị Giàu cho biết, năm 2017 bà có quan hệ quen biết với bà Hằng khi đến viếng chùa Phước Sơn thiền viện tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Bà Giàu cho rằng mình và bà Hằng không có quan hệ làm ăn, không phải là bạn bè, nhưng thời gian này bà Hằng thường nhắn tin cho bà với lời lẽ xúc phạm, mang tính đe dọa, bà đã lập vi bằng về các tin nhắn này.

Đồng thời, trong livestream ngày 14/5, vợ ông Dũng "lò vôi" đã chỉ đích danh bà Lê Thị Giàu và chùa Phước Sơn. Theo bà Giàu, bà Phương Hằng đã xúc phạm danh dự, uy tín của mình, bịa đặt, vu khống thông tin liên quan đến mối quan hệ giữa mình với chùa Phước Sơn.

Chưa hết, doanh nhân Lê Thị Giàu còn cho rằng bà Hằng đã xúc phạm uy tín thương hiệu Mì lá bồ đề, dầu Nhị thiên đường (do bà Giàu làm chủ) khi tuyên bố là "thương hiệu đểu, chứng nhận giả".

Bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây khởi kiện bà Nguyễn Phương Hằng đòi bồi thường 1.000 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây khởi kiện bà Nguyễn Phương Hằng đòi bồi thường 1.000 tỷ đồng.

"Hôm nay, là nạn nhân của bà Nguyễn Phương Hằng, tôi vô cùng bức xúc và phẫn nộ trước hành vi vu khống và bịa đặt không đúng sự thật, xúc phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của tôi và đặc biệt xúc phạm đến thương hiệu sản phẩm của tôi và bà Nguyễn Phương Hằng tỏ thái độ thách thức tôi đi kiện bà ấy là điều không thể chấp nhận được", bà Giàu trình bày trong đơn.

Trong đơn kiện đến TAND Quận 1, bà Giàu còn yêu cầu yêu cầu tòa án buộc bà Nguyễn Phương Hằng chấm dứt ngay hành vi xúc phạm danh dự, uy tín của bà; gỡ bài nói về bà và công khai xin lỗi và cải chính trên mạng Youtube.

Đồng thời, bà Giàu cũng yêu cầu tòa án buộc bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường tổn thất vật chất và tinh thần cho bà với số tiền 1.000 tỷ đồng.

Công ty thực phẩm Bình Tây làm ăn ra sao?

Được biết, bà Lê Thị Giàu là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây, một doanh nghiệp khá có tiếng trong ngành. Thực phẩm Bình Tây thành lập từ năm 1960, có nhà máy tại Tp.HCM và Đồng Nai. Trên website chính thức, doanh nghiệp này cho biết sở hữu năng lực xuất khẩu 200 container/tháng.

Công ty CP Thực phẩm Bình Tây chủ yếu sản xuất thực phẩm chay ăn liền và các sản phẩm từ gạo như bánh tráng, bún tươi, bún gạo, mì ăn liền, gia vị, nước tương, bánh hỏi,…

Trong đó, một vài sản phẩm được đánh giá là làm nên tên tuổi cho doanh nghiệp này như thương hiệu mì chay Lá Bồ Đề, dầu Nhị thiên đường. Tại miền Nam, mì chay Lá Bồ Đề được ưa chuộng, xuất hiện nhiều trong lễ Vu Lan và lễ cúng dường tại các chùa. Còn tại miền Bắc, mì lẩu nấm của Công ty CP Thực phẩm Bình Tây cũng khá phổ biến.

Không chỉ phân phối tại hơn 100 đại lý và siêu thị trên toàn quốc, các sản phẩm còn được xuất khẩu Mỹ, Canada, Pháp, Hà Lan,… Gần đây, Công ty còn sản xuất một số loại khẩu trang kháng khuẩn.

Về phía nữ doanh nhân Lê Thị Giàu, bà còn đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia TP.HCM. Thời gian gần đây, nữ doanh nhân Lê Thị Giàu thường xuyên đồng hành cùng nhiều hoạt động thiện nguyện như nhận bảo trợ cho con nữ công nhân tử vong do Covid-19, phát động phong trào thiện nguyện cùng Bình Tây mùa Vu Lan... Bà cũng thường xuyên thực hiện các chương trình từ thiện cho trẻ em và người nghèo, tham gia nhiều hoạt động của Phật giáo.

Tuy nhiên, nữ doanh nhân này từng vướng phải một vài lùm xùm liên quan đến các dự án bất động sản.

Cụ thể, tháng 6/2018, báo Thanh Niên đưa tin về việc gần 60 doanh nghiệp đang hoạt động tại cụm công nghiệp Phước Tân gửi đơn kêu cứu đến chính quyền Đồng Nai vì đã bỏ vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, xây dựng trên 150.000 m2 diện tích nhà xưởng để sản xuất, với tổng số công nhân trên 2.000 người, nhưng đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ".

Lý do bởi dự án này không đủ tiêu chuẩn xây dựng cụm công nghiệp tự quản, cơ quan chức năng chưa có quyết định thành lập CCN Phước Tân nhưng doanh nhân Lê Thị Giàu đã tuyên bố rằng được phép xây dựng, sau đó phân lô bán nền cho doanh nghiệp, xây dựng không phép, hoạt động rầm rộ gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, hạ tầng giao thông...

Trong khi đó, doanh nghiệp đăng ký làm chủ đầu tư CCN Phước Tân là Công ty Việt Bản Minh, nơi bà Lê Thị Giàu là cổ đông lớn nhất, góp 40% vốn điều lệ. Đến tháng 10/2020, lực lượng chức năng phường Phước Tân, TP Biên Hòa vừa cưỡng chế, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép tại cụm công nghiệp Phước Tân. 

Từ khóa » Bà Lê Thị Giàu Chùa Phước Sơn