Công Ty Truyền Thông Lớn Nhất Philippines Bị Dừng Hoạt động
Có thể bạn quan tâm
ABS-CBN, một trong những mạng lưới phát sóng lớn nhất và có sức ảnh hưởng nhất tại Philippines đã bị buộc phải đóng cửa sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte cùng với nhiều nghị sĩ đồng minh quyết định không gia hạn giấy phép của đài.
Nhân viên và những người ủng hộ thắp nến tại cổng của ABS-CBN ở thành phố Quezon hôm 5-5. |
Công ty truyền thông ABS-CBN đã bị Ủy ban Viễn thông Quốc gia (NTC) yêu cầu đóng cửa sau khi giấy phép phát sóng, được cấp bởi Quốc hội Philippines, hết hạn hôm 5-5. Quyết định này được đưa ra sau khi nhiều nghị sĩ không đồng ý cho phép ABS-CBN tiếp tục hoạt động theo giấy phép mới. ABS-CBN đã tuân thủ yêu cầu của NTC, dừng phát sóng tất cả 42 đài truyền hình, 10 kênh phát sóng kỹ thuật số và 23 đài phát thanh kể từ 20 giờ (giờ địa phương) tối 5-5.
Dừng hoạt động vào thời điểm quan trọng
Yêu cầu ABS-CBN ngừng hoạt động xảy ra trong bối cảnh nhiều khu vực ở Philippines, trong đó có Ga tàu điện ngầm Manila, vẫn bị phong tỏa khi Philippines nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Đến nay, Philippines có gần 10.000 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 600 trường hợp tử vong. “Hàng triệu người Philippines sẽ mất nguồn tin tức và giải trí khi ABS-CBN ngừng phát sóng trên truyền hình và đài phát thanh tối nay... Mọi người cần thông tin quan trọng và kịp thời khi quốc gia đang đối phó với đại dịch Covid-19”, ABS -CBN cho biết trong một tuyên bố hôm 5-5.
Quyết định không gia hạn giấy phép cho ABS-CBN đánh dấu lần đầu tiên một đài truyền hình bị buộc phải dừng lên sóng kể từ tháng 9-1972. Khi đó, Tổng thống Ferdinand Marcos đã đặt đất nước trong tình trạng thiết quân luật. Trong một tuyên bố trên facebook, Hiệp hội phóng viên nước ngoài tại Philippines đã lên án việc từ chối gia hạn giấy phép cho ABS-CBN, cho rằng nó đe dọa tự do báo chí “vào thời điểm mà công chúng cần báo chí nhất”. “Khi Philippines đang quây cuồng với đại dịch Covid-19, ABS-CBN là cần thiết hơn bao giờ hết để giúp cung cấp thông tin cho công chúng”, tuyên bố cho biết, đồng thời cáo buộc quyết định này “rõ ràng là một trường hợp quấy rối chính trị”.
Bị Tổng thống “tấn công”
Kể từ khi trở thành tổng thống vào tháng 6-2016, ông Duterte đã nhiều lần chỉ trích và chê bai truyền thông nước này, cáo buộc các cơ quan này tạo ra “tin giả” và coi các nhà báo là “gián điệp”. Theo báo cáo của cảnh sát, ABS-CBN bị tấn công dữ dội nhất do đã lên tiếng chỉ trích “cuộc chiến chống ma túy” tàn bạo của ông Duterte, dẫn đến cái chết của hơn 6.600 người kể từ khi bắt đầu vào tháng 6-2016.
Trước đó, ông Duterte cáo buộc công ty này đứng về phía kẻ thù chính trị của ông khi từ chối phát sóng một trong những đoạn quảng cáo chính trị khi ông đang tranh cử tổng thống. Ông cũng tố ABS-CBN trốn thuế. Nhà lãnh đạo Philippines nhiều lần khẳng định sẽ không bao giờ ký một đạo luật mở rộng nhượng quyền thương mại cho ABS-CBN. Ông Duterte thường xuyên đe dọa sẽ buộc ABS-CBN phải ngừng hoạt động, kể cả trong lễ tuyên thệ vào tháng 11-2019, tuyên bố Cty truyền thông này sẽ “ra đi” vào năm 2020. “Nếu các ông đang mong đợi một sự đổi mới, tôi rất tiếc. Các ông sẽ ra đi. Tôi sẽ chứng kiến các ông ra đi”, ông Duterte nói vào thời điểm đó.
Nhưng trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ABS News Channel của Philippines, người phát ngôn của Tổng thống, ông Harry Roque, đã hạ thấp vai trò của văn phòng tổng thống trong sự ra đi của ABS-CBN. “Ông ấy thực sự trung lập và muốn cho tất cả các đồng minh của mình biết rằng ông ấy không chống lại họ. Họ có thể bỏ phiếu nếu họ muốn”, ông Roque nói.
Quyết định về việc có gia hạn giấy phép hoạt động cho ABS-CBN hay không đã được đưa ra bàn bạc tại Hạ viện Philippines trong hơn 6 tháng qua, dù Chủ tịch Hạ viện Alan Peter Cayetano hồi tháng 10-2019 đã cam kết sẽ giải quyết vấn đề vào cuối năm 2019. Theo Thông tấn xã Philippines (PNA), mặc dù đã có 11 dự luật được đưa ra để gia hạn giấy phép nhưng không tiến triển nào được thực hiện trước khi giấy phép hết hạn.
Theo một tuyên bố từ ABS-CBN, Cty và nhiều nghị sĩ đã nỗ lực để nhận được thẩm quyền tạm thời tiếp tục phát sóng, nhưng không thành công. Lãnh đạo đa số Thượng viện Philippines, ông Juan Miguel Zubiri, cho rằng lệnh ngừng phát sóng là “bất thường và không chính đáng” trong đại dịch Covid-19.
Được thành lập vào năm 1953, ABS-CBN là một trong những đài truyền hình được theo dõi nhiều nhất ở Philippines, cung cấp cả chương trình tin tức và giải trí. Có tới 2/5 người Philippines theo dõi kênh truyền hình của ABS-CBN, tương đương 40 triệu khán giả. Trong khi đó, đài phát thanh nổi tiếng của công ty này cũng chiếm tới 25% thị phần. ABS-CBN còn sở hữu một kênh truyền hình cáp và điều hành một công ty con cung cấp nội dung trực tuyến cho hàng triệu người Philippines ở nước ngoài. Tập đoàn truyền thông và giải trí đã hoạt động 66 năm này có khoảng 11.000 nhân viên.
ABS-CBN không phải là tổ chức tin tức đầu tiên gặp sự cố khi hoạt động tại Philippines dưới thời chính quyền Tổng thống Duterte. Một số giám đốc điều hành hàng đầu tại công ty truyền thông mới nổi Rappler đã bị bắt vào năm 2019. CEO Maria Ressa bị buộc tội vi phạm luật chống “luật giả”, và gian lận chứng khoán. Ressa tuyên bố rằng vụ bắt giữ bà là một hành động có động cơ chính trị.
AN BÌNH
Từ khóa » đài Abs-cbn
-
ABS-CBN – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tranh Cãi đổi Mới Nhượng Quyền Thương Mại ABS-CBN - Wikipedia
-
Đóng Cửa Đài Truyền Hình Lớn Nhất Philippines | VTV.VN
-
Thời Sự VTV - ABS-CBN, đài Truyền Hình Lớn Nhất Của Philippines ...
-
ABS-CBN Tin Tức Và Các Vấn đề Thời Sự - Wikimedia Tiếng Việt
-
ABS-CBN Tin Tức Và Các Vấn đề Thời Sự - Wikimedia Tiếng Việt
-
Đài ABS-CBN: Ông Duterte Tuyên Bố Con Gái Sẽ Tranh Cử Tổng Thống
-
ABS-CBN - Wikiwand
-
ABS-CBN Tin Tức Và Các Vấn đề Thời Sự - AGR-14 ZAP - Wikipedia
-
Địa Chỉ Của ABS-CBN ở Philippines Là Gì?
-
Philippines đóng Cửa Đài Truyền Hình Lớn Nhất Nước - Công Luận
-
ABS-CBN - Wiki Là Gì
-
DYAP-AM - DYEZ-TV - Wikipedia