Công ước Liên Hợp Quốc Về Luật Biển 1982: 40 Năm Vẫn Vẹn ...
Có thể bạn quan tâm
Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ra đời đánh dấu sự hình thành một khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trong sử dụng biển, quản lý các nguồn tài nguyên biển và bảo tồn các nguồn tài nguyên này cho thế hệ mai sau. (Nguồn: Maritime Issues).
Nền tảng cho trật tự hàng hải toàn cầu
Theo một bài nghiên cứu của các chuyên gia hàng hải đăng tải vừa qua trên trang lowyinstitute.org, trật tự an ninh hàng hải Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao gồm các hiệp ước quốc tế, các diễn đàn ngoại giao đa phương và ngày càng nhiều các sáng kiến an ninh “tiểu đa phương”. Hai yếu tố đầu tiên đang chịu sức ép do hành vi quyết đoán của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng hải và đã dẫn đến sự hình thành của yếu tố sau cùng.
Hiệp ước chính, làm nền tảng cho trật tự hàng hải toàn cầu dựa trên luật lệ là UNCLOS. Với sự đồng thuận của hơn 100 quốc gia phát triển và đang phát triển, UNCLOS là hiệp ước quan trọng nhất điều chỉnh các quy tắc, quyền và trách nhiệm hàng hải.
Ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, UNCLOS đã bị xói mòn bởi các hành động của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông.
Năm 2013, Philippines đã thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc theo thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS và đã giành chiến thắng. Tháng 7-2016, Tòa trọng tài thường trực của LHQ ở La Haye đã ra phán quyết rằng tuyên bố "Đường 9 đoạn" của Bắc Kinh không phù hợp với UNCLOS và hành động của Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của quốc gia này.
Trung Quốc không chỉ từ chối tham gia quá trình tố tụng, mà còn bác bỏ phán quyết của tòa và từ đó đến nay vẫn tiếp tục các hoạt động phi pháp trong các EEZ của các quốc gia Đông Nam Á.
Các quốc gia có biển ở Đông Nam Á đều tin tưởng mạnh mẽ vào tầm quan trọng của UNCLOS, vì về lý thuyết, luật pháp quốc tế là sân chơi bình đẳng giữa các quốc gia lớn và nhỏ. ASEAN và Trung Quốc hiện đang đàm phán về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
"Giải tỏa" các yêu sách xung đột
Ngày 30-3 vừa qua, Đại học Quốc gia Singapore đã tổ chức buổi Hội thảo đánh giá 40 năm thành tựu của UNCLOS.
Chia sẻ tại hội thảo, Giáo sư Laurence Boisson de Chazournes thuộc Đại học Geneva (Thụy Sỹ) cho rằng sau khi UNCLOS ra đời và có hiệu lực đến nay, các quốc gia ven biển đã ra các tuyên bố để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với những vùng biển được mở rộng theo quy định của Công ước. Quy chế pháp lý đối với lãnh hải đã trở thành biện pháp giải tỏa cho các yêu sách xung đột giữa các quốc gia với nhau.
Bàn thêm về cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS, Giáo sư Carlos Esposito thuộc Đại học Madrid (Tây Ban Nha) nhấn mạnh để sử dụng thủ tục bắt buộc giải quyết tranh chấp của UNCLOS, các bên tranh chấp phải đáp ứng điều kiện trao đổi và chưa ký kết văn bản thỏa thuận nào loại trừ thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS.
Công ước cũng có quy định để bảo đảm, trừ một số ngoại lệ được quy định, thì tranh chấp có thể được đưa ra giải quyết tại cơ chế bắt buộc - Toà trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS. Cơ chế Tòa trọng tài này của UNCLOS đã được một số nước sử dụng trên thực tế và tuy có trường hợp có sự phản đối của một bên tranh chấp, song phán quyết của tòa vẫn có giá trị chung thẩm và ràng buộc pháp lý, ngay cả trong trường hợp một bên tranh chấp không tham gia tranh tụng.
Ngoài ra, UNCLOS còn quy định về cơ chế hòa giải bắt buộc, theo đó nếu tranh chấp phát sinh sau khi Công ước có hiệu lực và hai bên không đạt được giải pháp thông qua đàm phán trong một khoảng thời gian hợp lý, một bên có thể đưa tranh chấp ra Uỷ ban hòa giải được thành lập theo Phụ lục V.
Các khuyến nghị của Uỷ ban hòa giải không có giá trị ràng buộc pháp lý nhưng các bên tranh chấp có nghĩa vụ phải đàm phán trên cơ sở báo cáo và khuyến nghị của Ủy ban hòa giải, để đạt giải pháp giải quyết tranh chấp.
Theo Giáo sư Esposito, thực tiễn cũng đã cho thấy, phán quyết của các cơ quan tài phán theo quy định của UNCLOS đã góp phần giải thích đúng đắn các quy định của UNCLOS, giúp làm rõ một số vấn đề còn chưa rõ hoặc gây tranh cãi, hoặc yêu sách và hành động trái với quy định của UNCLOS.
Tòa trọng tài ở La Hay tổ chức tranh tụng kín cho vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan đến yêu sách phi pháp của Trung Quốc về Biển Đông. (Nguồn: PCA)
Tại Hội thảo, Tiến sỹ Tara Davenport thuộc Đại học Quốc gia Singapore đánh giá cao phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực (PCA), cho rằng phán quyết là cơ sở pháp lý quan trọng trong giải quyết vấn đề Biển Đông và các bên liên quan cần tôn trọng luật pháp quốc tế, không có hành động làm phức tạp tình hình.
Bà Davenport khẳng định: “Phán quyết của PCA là văn bản pháp lý có giá trị quốc tế cao và có vai trò quan trọng trong giải quyết tranh chấp cũng như phân định giới hạn bên ngoài của thềm lục địa ở Biển Đông. Việc phân định các giới hạn của thềm lục địa là thủ tục ràng buộc và bắt buộc trong UNCLOS”.
Việt Nam tiên phong tuân thủ UNCLOS
Việt Nam là một trong những nước trong khu vực đi tiên phong trong việc triển khai thực thi nghiêm túc và hiệu quả nội dung của UNCLOS.
Tại Hội nghị lần thứ 31 Các quốc gia thành viên UNCLOS diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Mỹ tháng 6/2021, Đại sứ Đặng Đình Quý, khi đó là Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã nhấn mạnh UNCLOS 1982 là khuôn khổ toàn diện điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, góp phần vào việc bảo đảm an toàn, an ninh, tự do hàng hải, duy trì hoà bình và an ninh quốc tế và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Việt Nam đã và đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán phân định biển với các nước trong khu vực, bảo vệ môi trường biển, hợp tác song phương và đa phương trong duy trì an ninh biển, chống nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không được quy định và không được điều chỉnh, phát triển kinh tế biển.
Liên quan đến tình hình Biển Đông, Đại sứ Đặng Đình Quý nêu rõ Biển Đông là tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng, việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải tại Biển Đông có ý nghĩa thiết yếu với hoà bình, phát triển của khu vực và quốc tế.
Đại sứ tái khẳng định mọi tranh chấp phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ và UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Việt Nam cương quyết phê phán và bác bỏ yêu sách về ranh giới biển theo đường "lưỡi bò" chủ quan, phi lý, do Trung Quốc áp đặt, không dựa vào những tiêu chuẩn của UNCLOS. Điều đáng quan ngại là để hiện thực hóa yêu sách "lưỡi bò" phi lý đó, Trung Quốc hiện đang triển khai nhiều hoạt động vi phạm đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia xung quanh Biển Đông.
Việt Nam cùng các quốc gia trong khu vực và quốc tế đã cực lực phản đối các vi phạm này và kiên trì theo đuổi chủ trương giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa theo đúng các nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Theo baoquocte.vn
Từ khóa » Theo Công ước Năm 1982 Của Lhq Về Luật Biển
-
Công ước Liên Hợp Quốc Về Luật Biển 1982: Cơ Sở Pháp Lý Quốc Tế ...
-
Công ước Liên Hợp Quốc Về Luật Biển 10 12 1982
-
Một Số Quy định Trong Công ước Của LHQ Về Luật Biển Năm 1982
-
Công ước Liên Hợp Quốc Về Luật Biển 1982: 40 Năm ...
-
Công ước Của LHQ Về Luật Biển 1982: 'Hiến Pháp Về Biển Và đại ...
-
Bình Luận Về Sự Tương Thích Giữa Luật Biển Việt Nam 2012 Và Công ...
-
Tìm Hiểu Các Quy định Về Giải Quyết Tranh Chấp Trong Công ước Về ...
-
Tìm Hiểu Một Số Nội Dung Cơ Bản Của Công ước Liên Hợp Quốc Về ...
-
Việt Nam Với Công ước Của Liên Hợp Quốc Về Luật Biển 1982
-
Công ước Của Liên Hợp Quốc Về Luật Biển Năm 1982
-
Tổng Quan Về Công ước Của Liên Hợp Quốc Về Luật Biển 1982 ...
-
[PDF] Nội Dung Tuyên Truyền Về Công ước Luật Biển - Sở Tài Chính
-
Quyền Tài Phán Của Quốc Gia Ven Biển Trên Cơ Sở Quy định Của Pháp ...