Cong Vẹo Cột Sống Là Gì, Triệu Chứng, Cách Chẩn đoán Và Chữa Trị

Bệnh cong vẹo cột sống là bệnh nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến vẻ ngoài của bệnh nhân, gây mất tự tin, cản trở giao tiếp xã hội mà còn khiến bệnh nhân đau đớn, ảnh hưởng tới tim, phổi.

Chính vì vậy, khám chữa bệnh cong vẹo cột sống sớm với bác sĩ chuyên khoa Cột sống là vô cùng cần thiết.

Cong vẹo cột sống là gì?

Cong vẹo cột sống là bệnh lý thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Với nhiều người, bệnh diễn biến âm thầm, không có những triệu chứng đặc biệt khiến bệnh nhân khó phát hiện. Khi nhận ra thì bệnh đã nặng khiến việc điều trị trở nên khó khăn, thậm chí cần phải phẫu thuật để điều trị.

Cong vẹo cột sống là tình trạng cong của cột sống sang một bên của trục cơ thể và vẹo xoay của các thân đốt sống theo trục của mặt phẳng ngang, các đốt sống bị cong sang một bên hoặc xoay phức tạp. Thông thường, đường cong có hình chữ S hoặc chữ C.

Đây là bệnh lý phổ biến với trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên, bệnh cũng có thể gặp phải ở cả người trưởng thành. Tỉ lệ mắc bệnh và mức độ cong vẹo cột sống ở các bé gái cao hơn các bé trai. 

Vẹo cột sống là dị tật phổ biến ở cột sống hiện nay. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh vẹo cột sống có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như ảnh hưởng tới các cơ quan khác, dị dạng thân hình, rối loạn tư thế.

Tình trạng vẹo cột sống đang ngày một tăng lên, ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển cơ thể của trẻ nhỏ, cản trở chiều cao, có thể gây biến dạng khung ngực, khung chậu, tác động xấu tới tim, phổi.

Cong vẹo cột sống
Cột sống bình thường và cột sống bị cong vẹo - Ảnh: Vinmec 

Các dạng cong vẹo cột sống thường gặp

Có nhiều dạng cong vẹo cột sống khác nhau, trong đó một số dạng thường gặp gồm:

Vẹo cột sống bẩm sinh

Cong vẹo cột sống bẩm sinh là tình trạng khiếm khuyết về độ cong ở mặt phẳng đứng ngang của cột sống từ khi trẻ mới sinh ra. Cứ 10.000 trẻ sơ sinh thì sẽ có 1 trẻ mắc cong vẹo cột sống bẩm sinh. Bệnh ít gặp hơn so với cong vẹo cột sống ở tuổi vị thành niên nhưng cũng gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Cong vẹo cột sống bẩm sinh thường đi kèm với nhiều dị tật khác bất thường khác ở thận, bàng quang. Biểu hiện ban đầu của cong vẹo cột sống là khối cơ quanh 2 bên cột sống không bằng nhau, nếu để dẫn đến tình trạng lệch vai thì bệnh đã tiến triển nặng.

Vẹo cột sống bẩm sinh là bệnh lý không thể phòng ngừa và cũng khá khó điều trị. Dị tật cột sống bẩm sinh có diễn tiến nhanh, đặc biệt khi trẻ bước vào tuổi dậy thì. Tuy nhiên, bệnh thường diễn ra âm thầm, không gây đau đớn nên trẻ nhỏ và cha mẹ thường không chú tâm.

Vẹo cột sống khởi phát sớm

Vẹo cột sống khởi phát sớm là tình trạng bệnh cong vẹo cột sống xuất hiện trước tuổi dậy thì. Thông thường, vẹo cột sống khởi phát sớm không có nguyên nhân cụ thể. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ nhỏ khoảng dưới 10 tuổi, gây ra tình trạng vai, hông không đều, đầu nghiêng.

Vẹo cột sống tự phát

Vẹo cột sống tự phát hay còn gọi là vẹo cột sống vô căn là loại biến dạng cột sống thường gặp nhất trong nhóm bệnh lý cong vẹo cột sống. Biến dạng cột sống xuất hiện trong quá trình lớn lên và phát triển của trẻ. Bệnh diễn biến nhanh nhất ở độ tuổi dậy thì, từ 12-14 tuổi với bé gái và 13-15 tuổi ở bé trai. 

Bên cạnh cong vẹo cột sống, bệnh nhân có thể gặp các biến dạng về xương sườn, khung chậu và tổng thể cơ thể. 

Vẹo cột sống ở người lớn

Cong vẹo cột sống ở người lớn về bản chất có nguyên nhân là sự biến dạng cột sống từ thời thanh thiếu niên. Ngoài ra, trong quá trình thoái hóa cột sống theo thời gian, các khớp xương và đĩa đệm suy yếu, áp lực tạo ra bởi sự thoái hóa có thể gây ra cong vẹo cột sống.

Cong vẹo cột sống ở người trưởng thành có nhiều triệu chứng hơn so với cong vẹo cột sống ở trẻ em do thoái hóa đĩa đệm gây ra thoát vị chèn ép lên các rễ thần kinh.

Vẹo cột sống thần kinh cơ

Vẹo cột sống thần kinh cơ xảy ra do các tổn thương về thần kinh, tủy sống và não bộ ảnh hưởng đến các cơ dưới tổn thương gây ra dị tật về cơ tác động đến hình dạng đốt sống

  • Tình trạng thần kinh xảy ra khi có tổn thương dây thần kinh, tổn thương não do chấn thương, tai nạn, bệnh tật, ảnh hưởng tới con đường thần kinh cơ bắp từ não tới tủy sống.
  • Tình trạng cơ bắp như teo cơ cột sống, loạn dưỡng cơ Duchenne ngăn chặn các cơ hoạt động dẫn đến tình trạng vẹo cột sống.
Bệnh cong vẹo cột sống
Các dạng cong vẹo cột sống thường gặp - Ảnh: Mapple Healthcare

Nguyên nhân gây cong vẹo cột sống

Nguyên nhân gây cong vẹo cột sống có thể đa dạng và phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây cong vẹo cột sống:

  • Bẩm sinh: Một số trường hợp cong vẹo cột sống là do yếu tố bẩm sinh, tức là xảy ra từ khi còn trong bụng mẹ. Điều này có thể do sự phát triển bất thường của cột sống thai nhi. Ngoài ra, khi mang thai, mẹ có tiếp xúc với các chất động hại hoặc thai nhi bị chèn ép trong lúc  mang thai cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ sinh ra bị biến dạng cột sống
  • Thoái hóa cột sống: Sự thoái hóa cột sống là một nguyên nhân phổ biến gây cong vẹo cột sống ở người già. Khi tuổi tác tăng, cột sống có thể mất đi tính linh hoạt hoặc xẹp dốt sống và dẫn đến sự cong vẹo
  • Thói quen sinh hoạt sai tư thế: Một số thói quen sinh hoạt không đúng tư thế, như ngồi cong lưng hoặc mang vật nặng sai cách, có thể gây áp lực lên cột sống và dẫn đến cong vẹo cột sống
  • Yếu tố di truyền: Có một yếu tố di truyền trong việc phát triển cong vẹo cột sống. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh cong vẹo cột sống, khả năng mắc bệnh của các thành viên khác trong gia đình cũng tăng lên
  • Chấn thương: Một chấn thương nghiêm trọng hoặc tai nạn có thể gây tổn thương cho cột sống và dẫn đến cong vẹo cột sống
  • Bệnh lý: Một số bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp dạng thấp tuổi, hoặc bệnh loãng xương có thể gây cong vẹo cột sống
  • Yếu tố môi trường: Một số yếu tố môi trường như tư thế ngồi không đúng, không có đủ hoạt động thể chất, hoặc không có đủ dinh dưỡng cũng có thể góp phần vào việc gây cong vẹo cột sống

Triệu chứng cong vẹo cột sống

Bệnh cong vẹo cột sống có thể nhận biết thông qua các dấu hiệu điển hình như:

  • Gai đốt sống không thẳng hàng
  • Hai vai lệch, không bằng nhau, bên cao bên thấp
  • Xương bả vai nhô ra bất thường, khoảng cách từ 2 mỏm xương đến bả vai không bằng nhau
  • Độ rộng hẹp giữa thân và hai tay khác nhau
  • Xương sườn lồi lên, rõ hơn so với bên còn lại, thắt lưng mất cân đối
  • Vị trí của hông bất thường, chân dài chân ngắn
  • Cơ thể lệch sang một bên, đầu không ở giữa hai vai

Vẹo cột sống ở trẻ sơ sinh không có triệu chứng đau vì dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, người trưởng thành bị vẹo cột sống có thể có nhiều triệu chứng khác nhau, nhiều trường hợp gây mất chức năng vận động.

  • Đau lưng, thắt lưng, cứng khớp
  • Tê chân, chuột rút, đau nhức do dây thần kinh bị chèn ép
  • Căng cơ lưng và chân

Chẩn đoán Cong vẹo cột sống

Vẹo cột sống được chẩn đoán bằng X-quang đứng ở toàn bộ cột sống từ phía sau và bên cạnh giúp bác sĩ đo đạc được độ cong bất thườngcủa cột sống. 

Chụp cộng hưởng từ MRI cột sống thường được chỉ định cho những bệnh nhân có ít triệu chứng hoặc có triệu chứng đau lan xuống chân để kiểm tra các tổn thương do chèn ép thần kinh.

Cũng như chụp MRI, chụp cắt lớp vi tính CT cho hình ảnh rõ nét giúp bác sĩ đánh giá tình hình của những bệnh nhân có triệu chứng ở chân hoặc các dấu hiệu về tổn thương dễ hoặc dây thần kinh.

Phim chụp X-quang cong vẹo cột sống
Chụp X-quang giúp phát hiện độ cong bất thường của cột sống - Ảnh: Vinmec 

Phương pháp điều trị bệnh cong vẹo cột sống

Dựa vào mức độ cong vẹo cột sống của người bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một hoặc nhiều phương pháp điều trị dưới đây:

  • Theo dõi định kỳ: Đối với trường hợp cong vẹo cột sống nhẹ, có thể không cần điều trị mà chỉ cần được theo dõi và chụp X-quang định kỳ để kiểm tra xem tình trạng có tiến triển hay không
  • Đeo nẹp cột sống: Đối với trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, việc đeo nẹp cột sống quanh thân có thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Nẹp cột sống thường được làm từ nhựa và có thể đeo suốt 24 giờ mà không gây khó khăn trong hoạt động hàng ngày
  • Can thiệp phẫu thuật: Bệnh cong vẹo cột sống có thể cần phải can thiệp điều trị phẫu thuật bằng các phương pháp như: phẫu thuật chỉnh hình cột sống, phẫu thuật ghép xương,... trong trường hợp bệnh nặng, không thể điều trị bằng các phương pháp khác

Trên đây là những chia sẻ của BookingCare về bệnh cong vẹo cột sống. Hy vọng bài viết sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc và người thân. Ngoài ra, bạn đọc cũng có thể tham khảo thêm các bài viết khác về Bệnh Cột sống tại chuyên mục Cẩm nang của BookingCare.

Từ khóa » Các Dấu Hiệu Cong Vẹo Cột Sống