COVID-19: Vaccine Cúm Cũng Có Khả Năng Ngừa Virus SARS-CoV-2

Zalo Facebook Twitter Lưu bài viết Bản in Copy link COVID-19: Vaccine cúm cũng có khả năng ngừa virus SARS-CoV-2 ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các loại vaccine cúm cũng có khả năng phòng COVID-19, đặc biệt là những thể nặng nhất, song tác dụng này có thể không kéo dài.

Nghiên cứu đã được đăng trên trang medRxiv.org, trang web đăng tải sớm những nghiên cứu chưa được đánh giá phản biện trước khi chính thức công bố trên các tạp chí khoa học.

Nghiên cứu có sự tham gia của hơn 30.000 nhân viên y tế tại Qatar cho thấy so với những người chưa tiêm phòng cúm, thì những người đã tiêm vaccine cúm được bảo vệ gần 90% trước nguy cơ mắc COVID-19 nặng trong những tháng tiếp theo.

Nghiên cứu được tiến hành vào cuối năm 2020 trước khi vaccine ngừa COVID-19 được phân phối ra thị trường và củng cố những kết luận trước đó rằng việc tăng cường hệ miễn dịch sử dụng vaccine cúm và các vaccine khác có thể giúp cơ thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Trong những tháng đầu đại dịch, trong khi vaccine ngừa COVID-19 vẫn còn đang trong quá trình phát triển, các nhà nghiên cứu vô cùng quan tâm đến năng lực bảo vệ trước virus SARS-CoV-2 của các vaccine hiện có.

Tuy nhiên, việc thu thập bằng chứng liên quan là rất khó khăn, do những người định tiêm vaccine để phòng những căn bệnh khác ngoài COVID-19, cũng có thể đưa ra những lựa chọn khác giúp giảm nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2.

[Triển vọng đẩy lùi dịch COVID-19 bằng các loại vaccine mới]

Để giảm thiểu những tác động có thể gây sai số này, một nhóm nghiên cứu do chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Laith Jamal Abu-Raddad tại Trường y Weill Cornell Medicine ở Doha, Qatar dẫn đầu đã phân tích hồ sơ y tế của 30.774 nhân viên y tế trong nước.

So với việc phân tích hồ sơ của người dân nói chung, điều này sẽ giúp giảm bớt, nhưng không loại trừ hoàn toàn những yếu tố gây sai lệch kết quả.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 518 nhân viên có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và so sánh với hơn 2.000 người tham gia nghiên cứu có kết quả âm tính với virus này.

So với những người chưa tiêm, những người đã tiêm vaccine cúm mùa vào thời điểm đó có nguy cơ dương tính với virus SARS-CoV-2 ít hơn 30%, nguy cơ mắc COVID-19 nặng ít hơn 89%.

Günther Fink, một chuyên gia dịch tễ tại Đại học Basel ở Thụy Sĩ, cho biết phân tích của Qatar đã giảm bớt xác suất những nghiên cứu đưa ra kết luận tương tự trước đó chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vaccine cúm cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện tại Brazil.

Trong khi đó, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Mihai Netea tại Trung tâm Y tế của Đại học Radboud ở Nijmegen, Hà Lan khẳng định đây là một bằng chứng quan trọng.

Các dữ liệu cho thấy vaccine ngừa cúm không chỉ có liên quan đến việc giảm số ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mà còn những ca mắc bệnh nặng, chứng tỏ tác dụng bảo vệ là có thực.

Hiện cũng chưa rõ vì sao vaccine cúm, với thành phần là xác của các virus cúm, cũng có khả năng bảo vệ trước COVID-19. Các loại vaccine thường huấn luyện hệ miễn dịch nhận dạng được một số mầm bệnh nhất định, đồng thời kích hoạt được hàng rào kháng virus.

Chuyên gia Netea cũng đã tìm thấy dấu hiệu của những phản ứng như vậy ở những người đã tiêm phòng cúm.

Nhóm nghiên cứu cũng tìm cách đánh giá cụ thể các lợi ích chống COVID-19 của vaccine phòng cúm và các vaccine phòng bệnh khác.

Để loại trừ hoàn toàn khả năng sai sót khi thống kê, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm ngẫu nhiên và giả dược có kiểm soát tại Brazil, với việc xét nghiệm xem vaccine cúm, sởi, quai bị và rubella có khả năng bảo vệ trước COVID-19 hay không.

Việc biết được rằng vaccine phòng cúm và những căn bệnh khác có thể bảo vệ trước nguy cơ mắc COVID-19, dù là một phần hoặc trong một thời gian nhất định, cũng có triển vọng giúp giảm bớt tác động tiêu cực của đại dịch trong tương lai trước khi thế giới bào chế được một vaccine hữu hiệu.

Chuyên gia Netea tin rằng thế giới có thể đã cứu được hàng triệu người nếu có biện pháp bảo vệ ngay từ đầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Từ khóa » Khả Năng Chống Covid Của Các Loại Vaccine