[CPA – Pháp Luật] Dạng Bài Tập Về Phá Sản - TỰ ÔN THI

Bài viết số 2 của Series hướng dẫn tự ôn thi CPA Môn Luật: Bài tập Luật phá sản

Dạng bài tập Luật phá sản đã từng xuất hiện liên tục trong các năm 2012-2015. Tuy nhiên năm 2016-2018 thì tạm ngưng. Nên rất có thể dạng này sẽ được xuất hiện trong đề thi CPA môn luật năm 2019. Chính vì vậy, mình sẽ cập nhật lại dạng bài này đầu tiên cho kỳ thi năm nay.

Có thể bạn quan tâm: Tổng hợp các dạng bài tập ôn thi CPA môn luật

Có bạn nào hoang mang khi mở Luật phá sản ra đọc không?

Dựa vào kinh nghiệm của bản thân, mình nghĩ chắc là không ít. 🙂 Với phần này, theo mình thì không nên vội vã đọc văn bản. Thay vào đó, hãy xem cách xử lý các tình huống thường gặp trong đề thi. Sau đó mới tóm tắt, hệ thống lại các kiến thức trọng tâm.

1. Các tình huống thường gặp trong Bài tập Luật phá sản

Quy trình thực hiện phá sản doanh nghiệp bao gồm các giai đoạn sau:

  • Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
  • Thụ lý hồ sơ
  • Họp Hội nghị chủ nợ
  • Thanh lý tài sản

Thông thường đề bài sẽ đưa ra tình huống về một doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán. Và hỏi xoay quanh 4 giai đoạn này. Cụ thể:

  • Yêu cầu xác định khi nào một công ty lâm vào tình trạng phá sản
  • Yêu cầu xác định chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp
  • Yêu cầu xác định Toà án có thể thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản? có quyền ra quyết định mở thủ tục phá sản?
  • Yêu cầu xác định thứ tự thực hiện phân chia giá trị tài sản còn lại
  • Yêu cầu xem xét tính hợp pháp của giao dịch thanh toán nợ sau khi toà án quyết định mở thủ tục phá sản
  • Yêu cầu xem xét tính hợp pháp của hành vi thanh toán nợ trước khi toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
  • Chỉ ra các biện pháp khẩn cấp, tạm thời/ kê biên, niêm phong tài sản có thể áp dụng

Các bạn lưu ý. Chúng ta cần tuân theo 3 bước sau khi giải quyết các tình huống trong Bài tập Luật phá sản:

  • Đưa ra các giả sử cần thiết nếu bạn thấy đề bài không cho thông tin
  • Xác định và nêu ra cơ sở pháp lý cần áp dụng
  • Đưa ra kết luận

Như vậy: 1 câu trả lời cần có 3 phần: Giả sử (nếu có) + Cơ sở pháp lý + Kết luận.

Hãy cùng xem 4 tình huống bài tập luật phá sản doanh nghiệp sau:

Tình huống về phá sản doanh nghiệp | Bài tập 1

Công ty TNHH TH có 2 thành viên là bà T và bà H. Mỗi người góp 4 tỷ vốn điều lệ, có trụ sở tại quận Nam từ Liêm – Thành phố Hà Nội. Sau 5 năm thua lỗ, đến nay công ty TH không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn là 25 tỷ. Mặc dù các chủ nợ có yêu cầu nhiều lần. Tất cả 20 doanh nghiệp, cá nhân là chủ nợ của TH đều có trụ sở hoặc cư trú tại Hoà Bình. Công ty không nợ người lao động.

Yêu cầu:

(1) Đối tượng nào có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty TNHH TH?

(2) Toà án nào có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với công ty TH?

(3) Trong số các chủ nợ có:

  • Ngân hàng thương mại cổ phần M. Khoản nợ của TH với Ngân hàng M là 7 tỷ & có tài sản thế chấp trị giá 8 tỷ.
  • Công ty TNHH N với số nợ là 1 tỷ và tài sản đảm bảo trị giá 0.5 tỷ
  • L là nhà cung cấp vật tư với số nợ là 0.5 tỷ và không có tài sản đảm bảo

Giả sử công ty TH bị áp dụng thủ tục thanh lý, bị tuyên bố phá sản. Và công ty TNHH N được thanh toán 0.8 tỷ. Vậy ngân hàng M và doanh nghiệp L được thanh toán bao nhiêu?

Đáp án

[Yêu cầu 1] Đối tượng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Cơ sở pháp lý: Luật Phá sản 2014 – Điều 5 – Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Kết luận: Những đối tượng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty TH là các chủ nợ không có bảo đảm hoặc các chủ nợ có bảo đảm một phần trong số 20 doanh nghiệp, cá nhân đã nêu. Do công ty không nợ lương người lao động nên người lao động không tham gia nộp đơn kiện phá sản.

[Yêu cầu 2] Toà án nào có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản

Cơ sở pháp lý: Luật Phá sản 2014 – Điều 8 – Thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân

Kết luận: Toà án có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản công ty TH là TAND cấp quận nơi công ty có trụ sở chính: TAND quận Nam Từ Liêm Thành phố Hà Nội

[Yêu cầu 3] Phân chia tài sản khi doanh nghiệp phá sản

Cơ sở pháp lý: Luật Phá sản 2014 – Điều 53 – Xử lý khoản nợ có bảo đảm và Điều 54 – Thứ tự phân chia tài sản

Kết luận:

Công ty TNHH N (bị nợ 01 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là 0.5 tỷ) đuợc thanh toán 800 triệu đồng. Theo quy định nợ có bảo đảm phải được thanh toán theo đúng hợp đồng; do vậy có thể thấy trong số 800 triệu đồng được trả có 500 triệu trả theo loại nợ có tài sản bảo đảm. Còn lại 500 triệu là nợ không bảo đảm và được thanh toán 300 triệu. Tức chủ nợ được thanh toán 60% số nợ.

Từ đó, có thể suy luận rằng:

  • Doanh nghiệp tư nhân L được thanh toán 300 triệu (60% số nợ không bảo đảm);
  • Ngân hàng M có quyền phát mãi tài sản bảo đảm bằng thế chấp (8 tỷ) để thu hồi món nợ 7 tỷ (trả đủ);
  • Nếu tài sản phát mãi sau khi trừ đi số nợ mà vẫn còn thì phải nộp vào tài khoản do TAND mở để thanh toán cho các chủ nợ khác.

Tình huống về phá sản doanh nghiệp | Bài tập 2

Công ty cổ phần A có trụ sở chính tại quận Đống Đa – Hà Nội. Sau 1 thời gian hoạt động, tính đến ngày 15.9.2019, các khoản nợ đến hạn trả của A lên tới 24.2 tỷ. Bao gồm:

Nợ ngân hàng B: 15 tỷ được bảo đảm bằng giá trị quyền sử dụng đất diện tích 200m2 – được định giá 7 tỷ

Nợ công ty TNHH C: 5 tỷ

Nợ công ty cổ phần D: 4 tỷ được bảo đảm bằng giá trị quyền sử dụng đất 100M2 được định giá 6 tỷ

Nợ lương người lao động 200 triệu

Sổ sách kế toán của A thể hiện A không có khả năng thanh toán các khoản nợ nói trên. Mặc dù đã đến hạn nhưng các chủ nợ chưa có yêu cầu đòi nợ.

Yêu cầu

(1) Công ty A có “lâm vào tình trạng phá sản” không?

(2) Giả định A bị rơi vào tình trạng phá sản, xác định các chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với các công ty nói trên?

(3) Giả định A bị áp dụng thủ tục thanh lý tài sản: nếu giá trị tài sản còn lại của A được xác định là 3 tỷ. Việc phân chia giá trị tài sản còn lại của A cho các chủ nợ được thực hiện như nào?

Đáp án:

[Yêu cầu 1] Xác định dấu hiệu phá sản

Căn cứ pháp lý: Luật phá sản 2014 – Điều 4 – Giải thích từ ngữ. Theo đó:

  • Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán và bị TAND ra quyết định tuyên bố phá sản.
  • Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
  • Bản chất của tình trạng phá sản là tại một thời điểm nhất định sau thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán, doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ cho chủ nợ.

Kết luận:

Công ty A có dấu hiệu mất khả năng thanh toán (không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán). Do vậy, công ty A có thể xem là lâm vào tình trạng phá sản (với điều kiện các món nợ đã quá hạn thanh toán trên 3 tháng).

[Yêu cầu 2] Chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Căn cứ pháp lý: Luật phá sản 2014 – Điều 5 – Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Kết luận:

Các chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với công ty A là:

– Ngân hàng B (vì là chủ nợ có bảo đảm một phần)

– Công ty TNHH C (vì là chủ nợ không có bảo đảm)

– Người lao động trong công ty A (thông qua người đại diện hoặc qua đại diện tổ chức công đoàn)

– Cổ đông hoặc nhóm cổ đông công ty A theo quy định tại điều lệ công ty: Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng. Trừ khi có quy định khác cho nhóm cổ đông sở dưới dưới 20%.

[Yêu cầu 3] Bài tập chia tài sản khi doanh nghiệp phá sản

Căn cứ pháp lý: Theo quy định tại Điều 54 Luật phá sản 2014:

Việc phân chia tài sản còn lại của công ty được thực hiện theo nguyên tắc: Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ % tương ứng với số nợ.

Kết luận:

Giá trị tài sản còn lại của công ty là 3 tỷ và 2 tỷ từ tài khoản đảm bảo sau khi đã trả nợ cho công ty D. Như vậy, tổng là 5 tỷ.

Khoản nợ còn lại của công ty sau khi trả nợ cho công ty D: 24,2 tỷ – 4 tỷ = 20.2 tỷ

Việc phân chia giá trị còn lại của tài sản được thực hiện theo thứ tự ưu tiên:

  • Phí phá sản
  • Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BH cho người lao động
  • Trả cho ngân hàng A và công ty C

Do không có thông tin nên không xác định được số tiền mà mỗi chủ nợ nhận được.

Tình huống về phá sản doanh nghiệp | Bài tập 3

Ngày 3.9.2019, toà án nhân dân tỉnh Nam định đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty TNHH Xuân phát. Xuân phát có trụ sở tại tỉnh Nam định do bà Mỹ làm giám đốc và là đại diện theo pháp luật.

Ngày 3.10.2019, toà án nhân dân tỉnh Nam định ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty TNHH Xuân Phát.

Trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản, tổ quản lý, thanh lý tài sản phát hiện trước khi toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty TNHH Xuân Phát, công ty này đã thực hiện 1 số hành vi sau:

Ngày 15.5.2019: Thanh toán 300 triệu (nợ chưa đến hạn) cho công ty Thu Hè có trụ sở ở tỉnh Thanh Hoá do em gái bà Mỹ làm giám đốc.

Ngày 5.9.2019: Thanh toán 1 tỷ (nợ không có bảo đảm và đã đến hạn) cho công ty Thu Đông có trụ sở tại Thái Bình.

Yêu cầu:

(1) Các hành vi mà công ty Xuân Phát đã thực hiện là hợp pháp hay bất hợp pháp?

(2) Công ty Xuân Phát có bảo lãnh cho công ty Lộc phát do em trai của bà Mỹ vay 1 tỷ tại chi nhánh ngân hàng M tại tỉnh Nam định. Khoản vay này đã đến hạn phải trả nhưng công ty Lộc Phát không thanh toán mặc dù làm ăn có lãi. Khi toà án mở thủ tục phá sản đối với công ty TNHH Xuân phát, chi nhánh ngân hàng M tại tỉnh Nam định đề nghị được thanh toán khoản vay 1 tỷ bằng tài sản thế chấp phát sinh từ hợp đồng bảo lãnh của công ty Xuân Phát. Yêu cầu của ngân hàng M có căn cứ pháp lý để thực hiện hay không?

Đáp án

[Yêu cầu 1] Hành vi thanh toán bất hợp pháp

Căn cứ pháp lý: Luật phá sản 2014 – Điều 59 – Giao dịch bị coi là vô hiệu và Điều 61 -Tạm đình chỉ, đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực

Kết luận:

Giao dịch 1. Thanh toán 300 triệu đồng (nợ chưa đáo hạn) cho công ty Thu Hè do em gái bà Mỹ làm Giám đốc

Giao dịch của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được thực hiện với những người liên quan trong thời gian 18 tháng trước ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản thì bị coi là vô hiệu….

Giao dịch này là giao dịch với những người liên quan (em gái của người quản lý DN). Và được thực hiện trong thời gian 18 tháng trước khi TAND ra quyết định mở thủ tục phá sản (3.10.2019. Do đó, đây là giao dịch bị coi là vô hiệu.

Giao dịch 2. Giao dịch ngày 5.9.2019, thanh toán 1 tỷ (nợ không có bảo đảm và đã đến hạn)

Giao dịch của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được thực hiện trong thời gian 6 tháng trước ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản bị coi là vô hiệu nếu thuộc một trong các trường hợp: …Thanh toán hoặc bù trừ có lợi cho một chủ nợ đối với khoản nợ chưa đến hạn hoặc với số tiền lớn hơn khoản nợ đến hạn…Giao dịch khác với mục đích tẩu tán tài sản của doanh nghiệp…

Trường hợp này là khoản thanh toán được thực hiện trong thời gian 6 tháng trước ngày TAND ra quyết định mở thủ tục phá sản (3.10.2019). Nhưng đây lại là “nợ đã đến hạn”. Do đó, sẽ không bị coi là vô hiệu. Trừ khi bị coi là trường hợp tẩu tán tài sản của doanh nghiệp.

Ngoài ra:

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày TAND thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (3.9.2019), nếu xét thấy việc thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực và đang được thực hiện hoặc chưa được thực hiện sẽ có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp thì chủ nợ …có quyền yêu cầu TAND ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng. Trừ trường hợp xử lý các khoản nợ có bảo đảm theo quy định

Trường hợp này là khoản nợ không có bảo đảm. Do đó, nếu có yêu cầu của các chủ nợ hoặc cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 5 ngày từ ngày 3.9.2019, thì Xuân Phát phải ngừng thành toán nợ cho công ty Thu Đông.

[Yêu cầu 2]

Căn cứ pháp lý: Điều 55. Nghĩa vụ về tài sản trong trường hợp nghĩa vụ liên đới hoặc bảo lãnh

Kết luận:

Giao dịch của ngân hàng M cho Lộc Phát vay liên đới đến Xuân phát. Do Xuân Phát là bên bảo lãnh.

Lộc Phát không chiụ trả nợ. Ngân hàng M có quyền đòi Xuân Phát thực hiện việc trả nợ theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Xuân phát sẽ phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo hợp đồng. Và mọi việc sẽ tùy thuộc vào khả năng trả nợ của công ty Xuân phát. Khi Xuân Phát bị mất khả năng thanh toán nên không thanh toán đầy đủ trong phạm vi bảo lãnh thì Xuân Phát có quyền yêu cầu Lộc Phát thanh toán phần còn thiếu.

VÌ ở đây công ty Lộc phát vẫn làm ăn có lãi chứ không bị mất khả năng thanh toán. Do đó: Xuân phát sẽ không phải chịu trách nhiệm thay cho Lộc Phát do việc không thanh toán nợ.

Tình huống về phá sản doanh nghiệp | Bài tập 4

Công ty TNHH D có trụ sở chính tại Hà Nội và thành lập năm 2015. Do ông Hoàng Văn Đức là giám đốc.

Sau 1 thời gian hoạt động, đầu năm 2018 công ty bắt đầu hoạt động khó khăn và thua lỗ. Tháng 2/2019 trong quá trình giải quyết tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa công ty D và chi nhánh ngân hàng T, toà án nhân dân TP HCM phát hiện công ty T mất khả năng thanh toán nợ đến hạn.

Yêu cầu:

(1) Sau khi phát hiện công ty D mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, toà kinh tế TAND TP HCM có quyền ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty D không?

(2) Giả sử ngày 31/8/2019, D nhận được quyết định mở thủ tục phá sản của Toà án có thẩm quyền. Sau đó đã xảy ra 1 số sự kiện sau:

Ngày 5.9.2019, tất cả chủ nợ của D đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đề nghị Toà án cho rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Và ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản. Nhưng Toà án không chấp nhận và vẫn tiếp tục giải quyết.

Ngày 26.9.2019, D thanh toán 500 triệu cho công ty A (chủ nợ không có bảo đảm) sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của Quản tài viên

2 sự kiện này có hợp pháp không?

Đáp án

[Yêu cầu 1] Thẩm quyền ra quyết định mở thủ tục phá sản

Căn cứ pháp lý: Luật Phá sản 2014 – Điều 5 – Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và Điều 6 – Thông báo doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán

Kết luận:

Trong danh sách các đối tượng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không bao gồm Toà án. Ngoài ra, các cá nhân, cơ quan, tổ chức khi phát hiện doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho những người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Do đó: Toà kinh tế TAND TP HCM chỉ có thể thông báo cho công ty D. Sau đó, TAND chỉ có thể ra Quyết định mở thủ tục Phá sản doanh nghiệp khi có đơn yêu cầu của những người có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định.

[Yêu cầu 2] Các giao dịch phát sinh sau ngày có quyết định mở thủ tục phá sản

Sự kiện 1

Căn cứ pháp lý: Luật phá sản 2014 – Điều 37 – Thương lượng giữa chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp, mất khả năng thanh toán

Kết luận:

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày TAND nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có quyền đề nghị bằng văn bản gửi TAND để các bên thương lượng việc rút đơn.

Do đó, việc TAND không chấp nhận là đúng bởi vì đã quá thời hạn được thương lượng.

Sự kiện 2

Căn cứ pháp lý: Luật phá sản 2014 – Điều 48 – Hoạt động của doanh nghiệp bị cấm sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản và Điều 16 – Quyền, nghĩa vụ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản

Kết luận:

Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, các doanh nghiệp bị cấm: Thanh toán khoản nợ không có bảo đảm. Trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp…

Do vậy, việc thanh toán của công ty D cho A sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản là vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, Quản tài viên cũng không có quyền hạn cho phép Doanh nghiệp thanh toán nợ.

2. Hệ thống kiến thức cần biết để xử lý các tình huống bài tập Luật phá sản

Qua các tình huống trên, các bạn có thể thấy rằng sẽ có một số căn cứ luật cần phải nhớ để show off khi làm bài tập Luật phá sản.

Các bạn nên đọc thật kỹ các điều khoản này. Sau đó tóm tắt, hệ thống lại cho dễ nhớ. Các bạn có thể tham khảo sơ đồ tóm tắt của mình:

Bài tập luật phá sản
DOWNLOAD PDF

Chi tiết 1 số điều khoản thường gặp khi làm bài tập Luật phá sản:

Điều 5. Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Điều 8. Thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân
Điều 18. Quyền, nghĩa vụ của người tham gia thủ tục phá sản
Điều 19. Quyền, nghĩa vụ của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Điều 20. Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán
Điều 42. Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản
Điều 44. Giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản
Điều 48. Hoạt động của DN, HTX bị cấm sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản
Điều 54. Thứ tự phân chia tài sản
Điều 53. Xử lý khoản nợ có bảo đảm
Điều 55. Nghĩa vụ về tài sản trong trường hợp nghĩa vụ liên đới hoặc bảo lãnh
Điều 59. Giao dịch bị coi là vô hiệu
Điều 70. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Điều 73. Nghĩa vụ của ngân hàng nơi doanh nghiệp hợp tác xã có tài khoản
Điều 86. Đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản
Điều 110. Nghĩa vụ về tài sản sau khi có quyết định tuyên bố DN,HTX phá sản
Điều 126. Đình chỉ thi hành quyết định tuyên bố phá sản

Vậy là mình đã giải thích xong về dạng bài tập Luật phá sản. Trong bài tiếp theo, mình sẽ giải thích về dạng bài Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại. Các bạn theo dõi nhé!

Từ khóa » Bài Tập Về Phá Sản Và Giải Thể