Cứ 30 Giờ Trôi Qua Thế Giới Có Thêm 1 Tỷ Phú, Trong Khi 1 Triệu Người ...

“Davos là dịp để các tỷ phú ăn mừng sự giàu lên đáng kinh ngạc của họ. Nói một cách đơn giản, đại dịch cùng với giá thực phẩm và năng lượng tăng mạnh như hiện nay là một món hời đối với họ. Trong khi đó, kết quả của những nỗ lực giảm nghèo cùng cực trong nhiều thập kỷ hiện đang bị đảo ngược, hàng triệu người đang phải đối mặt với những chi phí tăng cao chóng mặt chỉ để sống qua ngày”, bà Gabriela Bucher, Giám đốc Điều hành Oxfam International cho biết.

Báo cáo chỉ ra rằng 573 người đã trở thành tỷ phú mới trong đại dịch, nghĩa là cứ 30 giờ lại xuất hiện thêm một tỷ phú. Cũng theo tính toán, năm nay, thế giới sẽ có thêm 263 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực, với tốc độ một triệu người sau mỗi 33 giờ.

Cứ 30 giờ trôi qua thế giới có thêm 1 tỷ phú, trong khi 1 triệu người thành nghèo đói
Báo cáo của Oxfam chỉ ra rằng 573 người đã trở thành tỷ phú mới trong đại dịch Covid-19, nghĩa là cứ 30 giờ lại xuất hiện thêm một tỷ phú

Đáng chú ý, tài sản của các tỷ phú tăng thêm trong 24 tháng đầu tiên của dịch COVID-19 còn nhiều hơn 23 năm cộng lại. Tổng tài sản của các tỷ phú trên thế giới hiện tương đương với 13,9% GDP toàn cầu, tăng gấp ba lần (từ 4,4%) so với năm 2000.

Báo cáo của Oxfam chỉ ra rằng tài sản của “các tỷ phú” tăng lên không phải vì họ làm việc chăm chỉ hơn. Chính người lao động mới là người làm việc nhiều hơn, với mức lương thấp hơn và trong điều kiện tồi tệ hơn. Những người siêu giàu đã thao túng hệ thống mà không phải chịu hậu quả trong nhiều thập kỷ và giờ đây là lúc họ thu lời. Một lượng của cải khổng lồ của thế giới đã rơi vào túi họ do tư nhân hóa và độc quyền, sự phớt lờ các quy định và quyền của người lao động trong khi trú ẩn tiền trong các thiên đường thuế – và các Chính phủ thì “không để ý” vấn đề này”, bà Bucher nói.

“Trong khi đó, hàng triệu người khác đang phải nhịn ăn, tắt sưởi ấm, không có khả năng chi trả các hóa đơn và loay hoay để tồn tại. Trên khắp Đông Phi, ước tính cứ mỗi phút lại có thể có thêm một người chết vì nạn đói. Sự bất bình đẳng nghiêm trọng này đang phá vỡ mối liên kết gắn bó của nhân loại. Nó gây chia rẽ, làm xói mòn và ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Sự bất bình đẳng này đang giết chết chúng ta”.

Nghiên cứu mới của Oxfam cũng cho thấy các tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng, thực phẩm và dược phẩm – các ngành thường có cơ chế độc quyền - đang thu về lợi nhuận cao kỷ lục, khi mức lương của người lao động vẫn dậm chân tại chỗ và họ phải vật lộn với mức chi phí sinh hoạt cao nhất trong hàng thập kỷ qua khi dịch bệnh COVID-19 vẫn hoành hành. Tài sản của các tỷ phú ngành thực phẩm và năng lượng đã tăng thêm 453 tỷ USD trong hai năm qua, tương đương với 1 tỷ USD cứ sau hai ngày. Năm trong số các công ty năng lượng lớn nhất (BP, Shell, TotalEnergies, Exxon và Chevron) đang cùng nhau kiếm lời 2.600 USD mỗi giây, và hiện có 62 tỷ phú mới trong ngành thực phẩm.

Cùng với ba công ty khác, gia tộc Cargill kiểm soát 70% thị trường nông sản toàn cầu. Trong năm ngoái, Cargill đã thu về mức lợi nhuận lớn nhất trong lịch sử của công ty (5 tỷ USD thu nhập ròng) và họ dự kiến sẽ phá kỷ lục của chính mình một lần nữa vào năm 2022. Riêng gia tộc Cargill hiện có 12 tỷ phú, tăng từ 8 tỷ phú trước đại dịch.

Từ Sri Lanka đến Sudan, giá lương thực toàn cầu cao kỷ lục đang gây ra biến động chính trị và xã hội. 60% các quốc gia có thu nhập thấp đang đứng trước nguy cơ nợ nần chồng chất. Mặc dù lạm phát gia tăng ở mọi nơi, nhưng việc chi phí sinh hoạt bị đội lên ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tới những người lao động thu nhập thấp - những người vốn dễ bị tổn thương nhất về sức khỏe và sinh kế do dịch COVID-19, đặc biệt là phụ nữ, nạn nhân bị phân biệt chủng tộc và bị lề hoá trong xã hội. Người dân ở các nước nghèo phải chi trả gấp đôi phần trăm thu nhập của họ để mua thực phẩm so với người dân các nước giàu.

Số liệu từ báo cáo của Oxfam chỉ ra rằng ngày nay, có 2.668 tỷ phú, tăng 573 người so với năm 2020. Số tỷ phú này sở hữu 12,7 nghìn tỷ USD, tăng 3,78 nghìn tỷ USD. Tài sản của 10 người đàn ông giàu nhất thế giới nhiều hơn tài sản của 40% người nghèo nhất (tương đương 3,1 tỷ người). Tài sản của 20 tỷ phú giàu nhất lớn hơn toàn bộ GDP của các nước vùng châu Phi cận Sahara.

Trong khi đó, một người lao động thuộc nhóm 50% những người nghèo nhất sẽ phải làm việc trong 112 năm mới kiếm được những gì mà một người thuộc nhóm 1% những người giàu nhất kiếm được trong một năm. Những công việc chăm sóc không được ghi nhận và quá tải đang khiến 4 triệu phụ nữ ở Mỹ-Latinh và Caribe không được đi làm. Một nửa số phụ nữ da màu đang làm việc ở Mỹ kiếm được chưa đến 15 đô la một giờ, trong khi mức thu nhập trung bình theo giờ của người Mỹ quý 1 năm 2022 là 26 đô la một giờ.

Đại dịch Covid-19 đã làm xuất hiện thêm 40 tỷ phú mới trong ngành dược phẩm. Các tập đoàn dược phẩm như Moderna và Pfizer đang kiếm được 1.000 đô la lợi nhuận mỗi giây chỉ từ việc kiểm soát độc quyền công nghệ vắc xin COVID-19, mặc dù việc phát triển các loại vắc xin này nhận được hỗ trợ hàng tỷ đô la từ đầu tư công. Họ đang bán vắc xin cho các chính phủ với giá cao hơn đến 24 lần so với chi phí ước tính đối với sản xuất đại trà và kết quả là có đến 87% người dân ở các nước thu nhập thấp vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ.

“Giới siêu giàu và quyền lực đang thu lợi từ nỗi đau và sự khổ cực. Đây là điều không thể chấp nhận được. Một số người trở nên giàu có bằng cách từ chối quyền tiếp cận vắc-xin của hàng tỷ người, những người khác lợi dụng giá cả leo thang của thực phẩm và năng lượng. Họ đang trả những khoản tiền thưởng và cổ tức khổng lồ trong khi trả thuế ở mức tối thiểu. Sự gia tăng của tài sản và đói nghèo giống như hai mặt của một vấn đề, và là bằng chứng cho thấy hệ thống kinh tế của chúng ta đang vận hành dưới sự thao túng của những người giàu có và quyền lực” – bà Bucher cho hay.

“Ước tính hơn hai năm đại dịch hoành hành đã cướp đi sinh mạng của hơn 20 triệu người và tàn phá nền kinh tế trên diện rộng. Giờ đây, lãnh đạo các chính phủ ở Davos đang đối mặt với một sự lựa chọn vô cùng quan trọng: tiếp tục để giới tỷ phú lũng đoạn nền kinh tế hay thực hiện những hành động quyết liệt để vì lợi ích của đại đa số người dân. Việc chính phủ lựa chọn cách nào sẽ thể hiện qua việc họ có quyết định đánh thuế tài sản của các tỷ phú hay không”.

Trước thực trạng bức tranh bất bình đẳng quá lớn này, Oxfam khuyến nghị các chính phủ cần khẩn trương đánh thuế cộng đồng hay thuế đoàn kết cộng đồng một lần vào khối tài sản kiếm được nhờ đại dịch của các tỷ phú để hỗ trợ những người đang vật lộn với chi phí sinh hoạt gia tăng, và hỗ trợ phục hồi sinh kế công bằng và bền vững hậu COVID-19. Argentina đã áp dụng loại thuế đặc biệt một lần được gọi là 'thuế triệu phú' và hiện đang xem xét áp dụng thuế đối với phần lợi nhuận bất thường từ năng lượng, và thuế đánh vào tài sản không khai báo được giữ ở nước ngoài để có tiền trả nợ cho IMF. Trên thực tế, giới siêu giàu đã tích trữ gần 8 nghìn tỷ đô la tại các thiên đường thuế.

Chấm dứt việc trục lợi từ khủng hoảng bằng cách áp dụng một lệnh thuế tạm thời ở mức 90% đối với phần lợi nhuận vượt mức nhằm giành lại phần lợi nhuận bất thường của các tập đoàn lớn trong tất cả các ngành. Oxfam ước tính rằng việc áp dụng mức thuế này với 32 công ty đa quốc gia siêu lợi nhuận vào năm 2020 đã có thể tạo ra doanh thu 104 tỷ USD.

Đánh thuế tài sản thường kỳ để hạn chế sự giàu có cực đoan và quyền lực độc quyền, cũng như lượng khí thải carbon quá mức của giới siêu giàu. Mức thuế tài sản hàng năm chỉ từ 2% đối với các triệu phú và 5% đối với các tỷ phú, có thể tạo ra 2,52 nghìn tỷ USD mỗi năm — đủ để đưa 2,3 tỷ người thoát nghèo, sản xuất đủ vắc xin cho thế giới và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe phổ quát và an sinh xã hội cho tất cả người dân ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp. Oxfam cho biết các tính toán trên dựa trên các số liệu cập nhật và toàn diện nhất hiện có. Số liệu về những người giàu nhất trong xã hội lấy từ Danh sách Tỷ phú năm 2021 của Forbes. Tất cả số tiền đều được quy về đô la Mỹ, và những phần có liên quan đã được điều chỉnh theo lạm phát bằng cách sử dụng chỉ số giá tiêu dùng của Hoa Kỳ, dựa trên định nghĩa nghèo cùng cực là sống với mức dưới 1,90USD/ngày của Ngân hàng Thế giới.

Theo ước tính của Oxfam và Save the Children, cứ 48 giây lại có một người chết đói ở Ethiopia, Kenya và Somalia, những nước đang bị hạn hán tàn phá. Một nửa số phụ nữ da màu đang làm việc ở Mỹ kiếm được chưa đến 15 đô la một giờ. Số tiền này không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt của hầu hết các hộ gia đình và khiến hàng triệu gia đình ở Mỹ sống trong cảnh nghèo đói. Trong khi đó, theo Gabriel Zucman, giới siêu giàu đã tích trữ gần 8 nghìn tỷ USD tại các thiên đường thuế./.

Từ khóa » Triệu Phú Hay Tỷ Phú