Cu-ba: Sáu Mươi Năm Kiên định Và Sáng Tạo Mở đường Cách Mạng

Tấm gương mở đường của cách mạng Cu-ba

Với cuộc cách mạng chống chế độ thực dân Tây Ban Nha được khởi phát từ năm 1810 tại Vê-nê-xu-ê-la, Mỹ La-tinh là khu vực đầu tiên trên thế giới thắp sáng ngọn đuốc giải phóng dân tộc trong thời đại cách mạng tư sản. Đến cuối thế kỷ XIX, tất cả các nước thuộc địa của khu vực Mỹ La-tinh (trừ Cu-ba và Pu-ét-tô Ri-cô) đã giành được độc lập, trở thành các quốc gia dân tộc. Tuy nhiên, ngay sau đó, hơn 30 quốc gia Mỹ La-tinh non trẻ này lại rơi vào thân phận thuộc địa kiểu mới và cả khu vực Mỹ La-tinh bị Mỹ xem là “sân sau” của mình. Hàng loạt phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa liên tiếp nổ ra, song đều bị các thế lực thực dân kiểu mới và các lực lượng tay sai, phản động dập tắt.

Trong bối cảnh bế tắc về đường lối, chiến lược, sách lược kéo dài của các lực lượng cộng sản, yêu nước và cách mạng, năm 1953, tại Cu-ba đã bừng sáng một “ngọn lửa hồng” - cuộc cách mạng bạo lực chống chế độ độc tài, được lãnh tụ Cu-ba Phi-đen Ca-xtrô triển khai, để những năm sau đó trở thành cuộc cách mạng nhân dân, chống đế quốc và cuối cùng trở thành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhờ con đường duy nhất phù hợp và khả thi do lãnh tụ Phi-đen Ca-xtrô khai mở, đất nước Cu-ba nhỏ bé với gần 10 triệu dân ngày ấy đã thoát khỏi sự kìm kẹp của đế quốc, trở thành mảnh đất tự do đầu tiên tại khu vực Tây bán cầu, kể từ ngày 01-01-1959.

Tấm gương Cu-ba thức tỉnh toàn nhân loại, trước hết là nhân dân các nước Mỹ La-tinh vùng lên chống đế quốc, giải phóng dân tộc. Các cuộc cách mạng ở Chi-lê, Đô-mi-ni-ca, En Xan-va-đo, Grê-na-đa, Ni-ca-ra-goa... vào thập niên 60 - 70; quá trình phế truất các chế độ độc tài, dân chủ hóa xã hội thập niên 80; cao trào phê phán mô hình kinh tế tự do mới thập niên 90 của thế kỷ XX và làn sóng cách mạng cánh tả chống đế quốc ở trên 15 quốc gia Mỹ La-tinh từ đầu thế kỷ XXI đến nay là hệ quả tất yếu của cuộc đấu tranh cách mạng ở khu vực Mỹ La-tinh kể từ khi có “ngọn hải đăng” Cu-ba soi sáng. Mỹ La-tinh không cam chịu thân phận “sân sau” của các “ông chủ” Mỹ, đã trở thành một trong những không gian đấu tranh chống đế quốc mạnh mẽ nhất, bùng nổ nhất. Những trang sử vàng của khu vực Mỹ La-tinh đương đại đều in đậm dấu ấn của cuộc cách mạng Cu-ba - tấm gương mở đường và nguồn cảm hứng không vơi cạn trước dòng chảy của thời gian.

Xây dựng mô hình thay thế xã hội tư bản chủ nghĩa từ thực tiễn cách mạng Cu-ba

Từ năm 1899, Cu-ba tồn tại như một quốc gia độc lập về mặt danh nghĩa chính trị nhưng hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ về kinh tế, quốc phòng và an ninh. Hiến pháp Cu-ba năm 1899 hiến định rằng, chính quyền Mỹ có quyền và trách nhiệm bảo đảm an ninh cho Cu-ba trong mọi tình huống; Chính phủ Cu-ba cho Mỹ thuê các căn cứ quân sự Ba-gia-mô và Goan-ta-na-mô. Nền kinh tế Cu-ba bị chi phối hoàn toàn bởi các tập đoàn độc quyền của Mỹ và tư sản mại bản trong nước, khi 83% tổng diện tích canh tác mía toàn quốc, tương đương 20% tổng diện tích đất canh tác của đất nước nằm trong tay 28 “ông chủ” Mỹ. Tư bản Mỹ cũng chiếm đoạt hầu hết nguồn tài nguyên, khoáng sản, như dầu mỏ, ni-ken...; các ngành công nghiệp điện khí, thông tin và du lịch, dịch vụ. Gần 7 triệu dân lao động Cu-ba phải sống trong thân phận làm thuê, lệ thuộc; 20% số dân Cu-ba là những người giàu nhất chiếm 58% tổng thu nhập quốc gia và 20% số người khác là những ng¬ười nghèo nhất chỉ đ¬ược hưởng 2% tổng thu nhập quốc gia; gần 30% ngư¬ời dân trên 12 tuổi mù chữ; chỉ có 55% số trẻ em từ 6 tuổi được đến trường; tuổi thọ bình quân của người dân Cu-ba là 58 tuổi...

Chế độ tư bản chủ nghĩa đã đẩy Cu-ba vào tình trạng kém phát triển nghiêm trọng. Thực tiễn phát triển của đất nước đã làm nảy sinh nhu cầu về một cuộc cách mạng xã hội thay thế chế độ xã hội tư bản thuộc địa cùng tất cả cơ cấu kinh tế và thiết chế chính trị bằng một chế độ xã hội dựa trên nền sản xuất và chính quyền của nhân dân lao động. Giống như nhiều quốc gia khác, chủ nghĩa xã hội ở Cu-ba không chỉ là tất yếu lịch sử của sự phát triển, mà cấp bách và rõ rệt hơn, đó còn là điều kiện cho sự phát triển.

Sau thắng lợi ngày 01-01-1959, chính quyền cách mạng Cu-ba triển khai nhiều chính sách cải tạo kinh tế, văn hóa, xã hội, ... mang đậm khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó thiết lập chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa về các tư liệu sản xuất chủ yếu là sự cải tạo cơ cấu quan trọng nhất của nền kinh tế cũng như công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Cu-ba. Chế độ bóc lột bị loại bỏ, người lao động có địa vị làm chủ xã hội. Từ nền kinh tế độc canh mía đường lạc hậu và phụ thuộc, Cu-ba xây dựng nền kinh tế công - nông nghiệp và dịch vụ với nhiều ngành mũi nhọn. Chế độ phân phối theo lao động được thực thi, về cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học, thể thao và các hoạt động xã hội được đẩy mạnh. Giai cấp công nhân và đội ngũ những người lao động có điều kiện phát triển, trưởng thành, tôi luyện phẩm chất cách mạng và năng lực chuyên môn. Hình ảnh, uy tín, vị thế của Cu-ba với vai trò là tiền đồn xã hội chủ nghĩa và tấm gương cách mạng tại khu vực Tây bán cầu được xác lập ở tầm cao một cách đầy thuyết phục trên trường quốc tế.

Từ năm 1960 đến nay, Mỹ đã áp dụng mọi biện pháp, như tuyên truyền thù địch, cô lập ngoại giao, tổ chức bạo loạn trong nước, không kích Thủ đô La Ha-ba-na (Cu-ba), đổ bộ xâm lược bãi biển Hi-rôn năm 1961, gây hấn bằng cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962, ban hành các đạo luật cấm vận, dàn dựng hơn 800 vụ mưu sát lãnh tụ Cu-ba Phi-đen Ca-xtrô... nhằm xóa sổ mầm mống cộng sản ở khu vực Tây bán cầu. Song, tất cả các chiến lược, mưu toan đó đều thất bại thảm hại. Bản đồ chính trị châu Mỹ và thế giới đã được vẽ lại, trong đó hiên ngang Cu-ba xã hội chủ nghĩa ngay trước siêu cường tư bản chủ nghĩa.

Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội trên thế giới từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX và sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991 đã đẩy Cu-ba vào “thời kỳ đặc biệt” - vừa mất đi thành trì, chỗ dựa vững chắc, vừa bị Mỹ xiết chặt bao vây, cấm vận đã gây ra cho quốc đảo nhỏ bé tổng giá trị thiệt hại gần 950 tỷ USD. Cu-ba đã vượt qua thử thách lịch sử, bảo vệ và phát triển chế độ xã hội chủ nghĩa bằng sức mạnh chủ yếu của một cuộc cách mạng chân chính, đường lối chính trị đúng đắn, động lực phi thường của toàn dân, đoàn kết quốc tế sâu rộng... Không một thành quả, giá trị, ưu việt xã hội chủ nghĩa nào bị hủy bỏ ngay trong những năm tháng đầy khó khăn đó. Phải vừa kiên định, vừa sáng tạo đến mức mẫu mực đối với mục tiêu chủ nghĩa xã hội, Đảng và nhân dân Cu-ba mới bảo vệ được chế độ xã hội chủ nghĩa chỉ cách siêu cường Mỹ chưa đầy 100 dặm trước sóng gió dữ dằn của thời cuộc.

Vững tin vào con đường do Cu-ba mở ra, lãnh tụ Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vét nhất quán với tính chất xã hội chủ nghĩa của cuộc cách mạng Bô-li-va ở Vê-nê-xu-ê-la, đưa đất nước đi lên “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”. Tổng thống Bô-li-vi-a Ê-vô Mô-ra-lét từng nhiều lần tuyên bố: “chủ nghĩa xã hội là niềm hy vọng của Mỹ La-tinh”, khẳng định mình là người “chống chủ nghĩa đế quốc từ trong xương tủy”. Còn Tổng thống Ni-ca-ra-goa Đa-ni-en Oóc-tê-ga tuyên bố: “hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở đất nước mình”... Sức mạnh tư tưởng của cách mạng Cu-ba tràn đầy ý nghĩa thời đại, là vũ khí tinh thần không thể thiếu cho cuộc đấu tranh tìm kiếm những phương án thay thế chủ nghĩa tư bản hôm nay và ngày mai ở khu vực Mỹ La- tinh nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Mô hình Cu-ba - tiên phong trong nhận thức về phát triển bền vững

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 đã khiến cộng đồng quốc tế thức tỉnh nhiều nhận thức quan trọng. Đây không đơn thuần là sự sụp đổ của hàng loạt hệ thống ngân hàng, chính sách tài chính, cơ cấu kinh tế, chuỗi thị trường toàn cầu,... mà sâu xa hơn, đó là sự phá sản của một nhận thức sai lầm về phát triển, đòi hỏi nhân loại phải vượt qua những giới hạn kinh tế thuần túy khi bàn bạc, giải quyết vấn đề phát triển và chậm phát triển.

Với tư cách là một phạm trù lịch sử, phát triển cần được định nghĩa lại trên tất cả các bình diện, từ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa cho đến môi trường... Có thể nêu ra những nhân tố định tính cơ bản của phát triển là sự hài hòa giữa thỏa mãn về vật chất và toại nguyện về tinh thần; giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội, phát triển văn hóa, con người; giữa hiệu quả sản xuất, kinh doanh và an toàn môi trường sinh thái; giữa hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội; giữa tự do sáng tạo và chuẩn mực giá trị; giữa dân chủ và trật tự kỷ cương; giữa cá nhân và cộng đồng, gia đình và xã hội, truyền thống và hiện đại; là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không gây tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của những thế hệ tương lai - đó là phát triển bền vững. Mặc dù tiến bộ về kinh tế là nội dung hàng đầu nhưng phát triển nhân tố con người mới là nội dung cơ bản của mục tiêu phát triển trong thời đại ngày nay.

Khi cách mạng thành công, Cu-ba là một thuộc địa nghèo nàn, lạc hậu. Triển khai các chính sách kinh tế - xã hội phù hợp, đất nước Cu-ba đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Đến nay, toàn dân Cu-ba được bảo đảm một nền giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao miễn phí; an sinh xã hội được phổ quát đến mọi tầng lớp nhân dân; 100% người dân biết đọc, biết viết; không còn trẻ em suy dinh dưỡng; tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong hạ xuống sát mức 4/1.000; tuổi thọ bình quân của người dân xấp xỉ 80 tuổi; xã hội hoàn toàn không có ma túy, cờ bạc; văn hóa, thể thao sôi động và lành mạnh; chỉ số phát triển con người đạt gần 0,8 điểm, ngang với các nước phát triển trên thế giới; là một trong 20 quốc gia có chỉ số y tế cao nhất thế giới; môi trường sinh thái được bảo đảm nghiêm ngặt... Những chỉ số ấn tượng này được Cu-ba duy trì trong mọi hoàn cảnh, bởi lãnh tụ Cu-ba Phi-đen Ca-xtrô xác định đó là “những nội dung mang tính nguyên tắc” trong xây dựng xã hội mới và là “những vấn đề không được đem ra thương lượng” trong mọi quá trình điều chỉnh, cải cách.

Có thể nói, thế giới đã tốn khá nhiều giấy mực để nghiên cứu tại sao và bằng nguồn lực nào, Chính phủ Cu-ba duy trì một cách có hiệu quả những ưu việt kinh tế - xã hội nêu trên ngay cả trong những năm tháng hết sức khó khăn về kinh tế, tài chính, đối lập mạnh mẽ với đầy rẫy biến tướng của mô hình tự do mới tư bản chủ nghĩa đương đại lấy kinh tế làm mục tiêu tối thượng của sự phát triển. Sức sống của Cu-ba một lần nữa được khẳng định chính là sự kiên định và sáng tạo.

Thế giới ngày nay ẩn chứa đầy nghịch lý. Chưa bao giờ loài người sản xuất ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ như bây giờ, trong đó xét về mặt lượng thuần túy, có thể bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm cho toàn bộ số dân trên thế giới, nhưng vẫn còn gần 900 triệu người nghèo đói cùng cực. Danh sách các quốc gia kém phát triển nhất (LDC) tăng lên con số 47 quốc gia vào năm 2017 so với 25 quốc gia vào năm 1999. Theo Báo cáo mới nhất của tổ chức Oxfam, năm 2017, khoảng cách giữa 1% giới siêu giàu và 99% còn lại của thế giới ngày càng có xu hướng tăng; 82% của cải trên thế giới được tạo ra đã rơi vào 1% số người giàu nhất thế giới; 8 người giàu nhất thế giới hiện có khối tài sản tương đương với 3,6 tỷ người nghèo nhất cộng lại; 42 người giàu nhất thế giới nắm giữ 80% tài sản toàn cầu. Ngân hàng Thế giới (WB) phản ánh, hiện nay 60% tổng sản phẩm toàn cầu thuộc về 10 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Thế giới dưới sự thống trị của các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa là một thế giới 1% và 99% tương phản, loại trừ nhau. Sự giàu sang của một nhóm người, hoặc một số quốc gia được đánh đổi bằng sự bần cùng của các nhóm người khác, quốc gia khác - đây là lô-gíc phát triển đương đại. Một thế giới như vậy không thể là sự lựa chọn của loài người và trên hành trình xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, mô hình Cu-ba sẽ còn được dẫn chứng nhiều với tất cả niềm tin và quyết tâm hành động.

Cách mạng Cu-ba - một trong những biểu tượng sống động nhất của chủ nghĩa quốc tế cách mạng trong thời đại ngày nay

Về bản chất, cách mạng vô sản và xây dựng chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp quốc tế. Không đội ngũ cộng sản riêng biệt nào có thể giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc đấu tranh “ai thắng ai” trước chủ nghĩa tư bản. Vô sản chỉ trở thành cách mạng và cộng sản khi ý thức được sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân. Những nguyên lý nền tảng này đã được Đảng Cộng sản Cu-ba đặc biệt chú trọng trong tuyên truyền, giáo dục chính trị và thực hành chính sách. Nhờ vậy, toàn dân Cu-ba nhận thức sâu sắc rằng cách mạng Cu-ba là bộ phận hữu cơ của sự nghiệp đấu tranh chung ở khu vực Mỹ La-tinh và toàn thế giới vì những mục tiêu cao cả của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, chủ quyền quốc gia và tiến bộ xã hội; luôn giương cao tinh thần quốc tế trong sáng; sẵn sàng thực hiện có hiệu quả các sứ mệnh quốc tế.

Trong lịch sử đương đại của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới, nhất là nhân dân các nước châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh có nhiều trang vàng ghi nhận sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ quốc tế Cu-ba trên chiến trường chống thực dân, đế quốc, phản động vì mục tiêu giải phóng dân tộc; sự nhiệt tình và chủ nghĩa nhân văn cao cả của hàng chục vạn giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, chuyên gia Cu-ba trong công cuộc tái thiết đất nước; sự ủng hộ mạnh mẽ và lập trường nhất quán của Cu-ba trên các diễn đàn quốc tế... Ngay trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, vẫn có hàng chục nghìn học sinh, sinh viên quốc tế được đến Cu-ba học tập miễn phí; trên 50.000 nhân viên y tế, hơn 60.000 giáo viên và chuyên gia Cu-ba đang thực thi nghĩa vụ quốc tế ở gần 70 quốc gia; Cu-ba vẫn chia sẻ những nguồn lực vật chất khan hiếm của mình để giúp đỡ nhân dân các dân tộc trên thế giới và không một lần do dự trước những đề nghị từ phía các dân tộc cách mạng.

Trong một thế giới thịnh hành nhiều nền chính trị thực dụng hiện thời, nhân loại tiến bộ rất cần chủ nghĩa quốc tế chân chính mang phong cách Cu-ba, phong cách của nhà lãnh đạo Phi-đen Ca-xtrô, Chê Ghê-va-ra,... để vững tin bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ trong quan hệ giữa người với người, cũng như giữa các quốc gia dân tộc. Tấm gương Cu-ba thật sự có giá trị soi sáng lương tri chính trị toàn cầu.

Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đến nay đã hun đúc nên nhiều mối quan hệ thắm tình đoàn kết chiến đấu giữa các quốc gia dân tộc. Quan hệ Việt Nam - Cu-ba xứng đáng là mẫu mực và tấm gương đã được thể hiện và thử thách qua nhiều thời kỳ, năm tháng lịch sử; trở thành niềm tự hào của nhân dân hai nước. Trong chủ nghĩa quốc tế của Cu-ba, sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nhân dân Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh... luôn có một vị trí rất riêng, hết mực thủy chung, trong sáng. Nhân dân Cu-ba dõi theo từng ngày tình hình chiến tranh ở Việt Nam; chia sẻ từng cân đường, viên thuốc...; coi ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam là lương tâm và trách nhiệm của mình; dõng dạc tiếng nói bảo vệ Việt Nam trên mọi diễn đàn quốc tế; vì Việt Nam sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình... Trong tâm trí của quân và dân Việt Nam nhớ mãi hình ảnh Tổng Tư lệnh Phi-đen Ca-xtrô - nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên và duy nhất - vào tận chiến trường Quảng Trị khi chưa yên khói lửa chiến tranh, phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, thúc giục bộ đội Việt Nam tiến về giải phóng Sài Gòn và hẹn gặp lại nhau trong ngày đại thắng.

Từ năm 1975 đến nay, Việt Nam và Cu-ba luôn sát cánh bên nhau trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Cuối năm 1982, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Cu-ba được ký kết tại Thủ đô La Ha-ba-na xác định khuôn khổ pháp lý cho mối quan hệ đã “xum xuê lá xanh và quả ngọt”. Nhân dịp này, Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtrô đánh giá: “Giống như những dòng sông nhỏ phát sinh từ những vùng xa cách nhau và trong một thời gian dài đã trải qua những thác ghềnh và trong cảnh lẻ loi, hai dân tộc chúng ta đã trải qua lịch sử cho đến một lúc nhập vào dòng sông lớn và hùng vĩ của cách mạng xã hội chủ nghĩa”.

Từ năm 1992 đến nay, tại cuộc họp thường niên, Đại hội đồng Liên hợp quốc tiến hành bỏ phiếu dự thảo Nghị quyết phản đối chính sách cấm vận của Mỹ đối với Cu-ba. Năm 2018 cũng như nhiều năm qua, cộng đồng quốc tế đã thể hiện sự đoàn kết đối với đất nước Cu-ba xã hội chủ nghĩa, với 191/193 phiếu thuận. Đây không chỉ là những vòng tay bảo vệ một quốc gia độc lập có chủ quyền, mà quan trọng hơn, đó là sự trân trọng của thế giới đối với Cu-ba trong 60 năm qua đã kiên định và sáng tạo mở đường chống thực dân, đế quốc, biến ước mơ của nhân dân lao động thành hiện thực sinh động - giành độc lập dân tộc; xóa bỏ chế độ bóc lột, áp bức, bất công; xây dựng chế độ mới của tự do, nhân văn, đoàn kết quốc tế và phát triển./.

Từ khóa » đất Nước Cuba Tiến Lên Chủ Nghĩa Xã Hội Khi Nào