Củ đậu (củ Sắn) ăn Ngon Nhưng Hạt Thì Lại Cực độc

Nếu có tham gia các hội nhóm thích trồng cây, bạn sẽ thấy nhiều thành viên khoe hoa thơm cỏ lạ, trong số đó đó hoa và hạt củ đậu (tức củ sắn theo cách gọi Nam Bộ).

Trên thực tế, củ sắn là loại củ thơm ngon, giúp dưỡng da rất tốt, tuy nhiên, toàn cây của nó lại có độc (chỉ có phần củ là ăn được).

Thời gian vừa qua, có nhiều trường hợp đã bị ngộ độc do ăn nhầm quả và hạt của dây củ sắn (do quả và hạt của nó rất đẹp, trông như các loại đậu cove, đậu ván… nên nhiều người tưởng rằng có thể ăn được). Với trẻ em, nhiều trường hợp vì tò mò hình dáng đẹp mắt của hạt củ sắn mà đã ăn và nhập viện. Thậm chí, có trường hợp cấp cứu không kịp nên đã tử vong.

Ngộ độc do ăn hạt củ đậu (củ sắn)
Ngộ độc do ăn hạt củ đậu (củ sắn)

Các biểu hiện của ngộ độc

Được biết, thân, lá, hoa, quả và hạt của dây củ đậu (dây củ sắn) đều có chứa chất độc Rotenon (chất này thường được dùng để điều chế thuốc trừ sâu). Đặc biệt, hạt của cây là bộ phận độc nhất vì không chỉ chứa Rotenon mà còn chứa các chất độc khác. Vì vậy, trước đây, có người từng dùng lá và hạt của cây này để làm thuốc độc diệt côn trùng, thuốc cá.

Khi bị ngộ độc, nạn nhân sẽ có các biểu hiện như: nôn mửa, nhức đầu, đau bụng, chóng mặt, co giật, hôn mê, mất ý thức, tổn thương não… và thậm chí tử vong (do tim ngừng đập).

Được biết, ngộ độc do Rotenon gây ra là loại ngộ độc nặng, vì vậy, các biểu hiện của nó tiến triển rất nhanh và có thể gây chết người trong vòng 2 – 5 giờ nhiễm độc.

Hạt củ đậu rất độc
Hạt củ đậu rất độc

Vì vậy, khi thấy có dấu hiệu ngộ độc và nghi ngờ là do các bộ phận của dây củ sắn (dây củ đậu) gây ra thì cần đưa ngay đến bệnh viện để cấp cứu, không được lơ là (trong thời gian đưa đi cần tiến hành các biện pháp gây nôn để nạn nhân nôn hết chất độc ra) (1) (2).

Củ đậu (củ sắn) mọc mầm có ăn được không?

Trong toàn cây củ đậu (củ sắn) thì chỉ có phần củ là không có độc và có thể ăn được. Không chỉ thế, củ sắn còn rất giòn và ngọt nước nên ăn sống cũng ngon mà chế biến thành các món canh, lẩu, xào… cũng ngon.

Không chỉ thế, với chị em phụ nữ thì củ sắn còn có tác dụng làm đẹp. Chỉ cần thái vài lát mỏng rồi xoa lên mặt (hoặc xay nát, ép lấy nước thoa lên mặt), đợi nước khô thì rửa lại bằng nước lã là da sẽ sạch, mịn mát và tươi trắng hơn (vào mùa lạnh còn giúp da không bị nứt nẻ). Ngoài ra, nếu lấy củ sắn xắt mỏng, phơi khô, xay nát thành bột rồi thoa lên da thì da sẽ mát mịn và hết rôm sảy (kể cả da mặt).

Củ đậu (củ sắn) mọc mầm chứa chất độc hại
Củ đậu (củ sắn) mọc mầm sẽ chứa chất độc hại

Ở trạng thái bình thường, củ sắn là loại củ đa công dụng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Võ Văn Thái (trường Cao Đẳng Y dược thành phố Hồ Chí Minh) thì khi củ sắn mọc mầm, những chất dinh dưỡng có trong nó sẽ bị chuyển thành những chất khác gây hại cho sức khỏe như: gây nôn mửa, tiêu chảy… và ngộ độc. Vì vậy, với những củ sắn đã mọc mầm thì bạn nên bỏ nhé!

Thông tin thêm: Ngoài củ sắn thì nhiều loại củ khác khi đã mọc mầm cũng sẽ chứa chất độc gây hại cơ thể như: củ hành, củ nghệ, đậu phộng.. đặc biệt là củ gừng, củ khoai lang và củ khoai tây. Những củ này ăn vào sẽ gây hại lên các cơ quan nội tạng và hệ thần kinh (3).

Phân biệt

  • Củ sắn (theo cách gọi của người miền Nam) chính là củ đậu (theo cách gọi của người miền Bắc).
  • Củ sắn (theo cách gọi của người miền Bắc) chính là củ khoai mì (theo cách gọi của người miền Nam).

Nguồn tham khảo

  1. Cứu 2 anh em ngộ độc nặng sau khi ăn hạt củ đậu ngày giáp Tết, https://suckhoedoisong.vn/cuu-2-anh-em-ngo-doc-nang-sau-khi-an-hat-cu-dau-ngay-giap-tet-169168087.htm, ngày truy cập: 10/ 09/ 2021.
  2. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, NXB Y học, HN, 2018, trang 652.
  3. Củ đậu mọc mầm có ăn được không?, https://truongcaodangyduoctphcm.vn/cu-dau-moc-mam-co-an-duoc-khong/, ngày truy cập: 10/ 09/ 2021.

Từ khóa » đậu Doc