Củ Gai: Vị Thuốc Nam Giúp An Thai, Cầm Máu

Nội dung bài viết

  • 1. Mô tả
  • 2. Thu hái và bào chế
  • 3. Thành phần hoá học
  • 4. Tác dụng dược lý
  • 5. Công dụng và liều dùng
  • 6. Bài thuốc kinh nghiệm

Cây lá Gai là cây mà người ta vẫn thường dùng làm bánh gai hay bánh ít lá gai để ăn và lấy sợi để dệt làm lưới đánh cá. Tuy nhiên, ít ai biết phần rễ củ của loài cây này cũng chính là một vị thuốc quý, gọi là củ Gai. Củ Gai được dùng trong dân gian với tác dụng an thai, cầm máu, trị các chứng nóng tiểu ra máu, mụn nhọt. Cách dùng, công dụng và những điều cần biết về vị thuốc này, xin mời đọc trong bài viết sau.

1. Mô tả

Củ Gai còn có tên tiếng Hán Việt là Trữ ma căn. Đây là rễ đã phơi hoặc sấy khô của cây lá Gai, tên khoa học là Boehmeria nivea (L .) Gaud, họ Gai (Urticaceae).

1.1. Cây lá Gai

Cây nhỏ, cao 1 – 2m. Thân cứng hóa gỗ ở gốc. Cành màu đỏ nhạt, phủ nhiều lông sát. Lá mọc so le, hình trái xoan hoặc hình trứng, gốc tròn hay hình tim, đầu thuôn nhọn, dài 7 – 15cm, rộng 4 – 8cm. Lúc non phủ nhiều lông mềm ở cả hai mặt, lúc già thì mặt trên nhẵn màu lục sẫm, mặt dưới lông trở thành trắng bạc.

Mặt trước và sau lá Gai
Mặt trước và sau lá Gai

Mép có răng hình tam giác, gân gốc 3, cuống lá mảnh, màu đỏ, có lông mềm, lá kèm hình dải nhọn, dễ rụng.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Dược liệu, tải ngay ứng dụng YouMed.

Cụm hoa cùng gốc hay khác gốc, ngắn hơn lá, mọc ở kẽ lá, xếp thành chùy đơn ở hoa cái hay hợp lại với nhau ở hoa cái và hoa đực, có khi tạo thành những túm dày đặc. Cụm hoa đực nhiều hoa, nụ hình cầu có lông lởm chởm, lá dài 4, nhị 4, nhụy lép có dạng quả lê. Trong khi đó, cụm hoa cái hình cầu, mang nhiều hoa, bao hoa màu lục nhạt, hình trứng có lông, hầu dẹp, hình trái xoan, hơi có cánh.

Quả bế, hình quả lê, có nhiều lông, hạt có dầu.

1.2. Củ Gai

Rễ hình trụ, hơi cong queo, dài 8cm đến 25cm, đường kính 0,8cm đến 2cm. Mặt ngoài màu nâu xám hoặc nâu sẫm, có những vết nhăn dài theo chiều dọc và ngang, có lỗ bì và vết tích của rễ con. Chất cứng, vết bẻ màu vàng có xơ, phần vỏ màu nâu xám, phần gỗ màu nâu nhạt. Một số củ ở giữa có vòng đồng tâm, phân tùy (ruột) màu nâu, trong rỗng, tia ruột khá rõ. Mùi nhẹ, vị nhạt, nhai hơi dính răng.

2. Thu hái và bào chế

Thu hoạch vào mùa hạ hay mùa thu. Đào lấy rễ, rửa sạch đất, cắt bỏ rễ con, để nguyên hay thái phiến, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.

Rễ củ Gai phơi khô cắt lát
Rễ củ Gai phơi khô cắt lát

3. Thành phần hoá học

Theo một nghiên cứu năm 1996, 3 hợp chất được phân lập từ rễ của dược liệu và được làm sáng tỏ theo dữ liệu quang phổ của chúng là beta-sitosterol, daucosterol và 19 axit alpha-hydroxyursolic. 

4. Tác dụng dược lý

Dịch chiết bằng cồn từ cây Gai trên ống nghiệm có tác dụng thúc đẩy quá trình đông máu. Trên thí nghiệm cắt đuôi chuột nhắt để xác định thời gian chảy máu, thuốc có tác dụng cầm máu.

Trên chó thí nghiệm gây xuất huyết dưới da bằng cách dùng chất cobalt để chiếu xạ thì dạng chế phẩm trên của củ Gai có tác dụng làm giảm hiện tượng xuất huyết một cách rõ rệt.

Ngoài ra, chưa tìm thấy các nghiên cứu y học hiện đại về tác dụng của củ Gai.

>> Ngoài củ Gai, bạn còn có thể dùng Trắc bá diệp, một dược liệu quen thuộc khác để cẩm máu. Đọc thêm: Trắc bá diệp: Vị thuốc Nam cầm máu.

5. Công dụng và liều dùng

5.1. Công dụng

Thanh nhiệt giải độc, cầm máu, an thai, lợi tiểu.

Chủ trị: Tiểu máu, nôn ra huyết, ra máu âm đạo, huyết trắng màu đỏ, mụn nhọt, động thai ra máu, sưng đau do côn trùng cắn, sang chấn.

5.2. Liều dùng

Ngày dùng từ 6g đến 20g, dạng thuốc sắc.

Dùng ngoài: Rễ tươi giã lấy nước để bôi, đắp hoặc sắc lấy nước rửa.

6. Bài thuốc kinh nghiệm

6.1. An thai

Khi dùng làm thuốc an thai, thường phối hợp với các vị thuốc khác theo những công thức sau:

  • Rễ Gai 8g, mầm cây Mía 10g, Ích mẫu 6g, Hương phụ 4g, Sa nhân 4g. Tất cả phơi khô, thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống 1 lần trong ngày.
  • Rễ Gai 8g, cành Tía tô 8g, Ngải cứu hoặc Cam thảo dày 4g. Sắc nước uống. Nếu thấy ra máu, thêm huyết dụ 10g.
  • Rễ Gai 20g, Hoài sơn 20g, Thục địa 20g, cành Tía tô 12g, Tục đoạn 12g, Ngải cứu 12g, Chỉ xác 8g, Sa nhân 6g. Sắc nước uống chia làm 2 lần trong ngày.
Dược liệu có công dụng an thai
Dược liệu có công dụng an thai

6.2. Dùng ngoài

Dùng rễ Gai giã nát với rễ Vông vang đắp làm cho mụn nhọt chống mưng mủ. 

Lá Gai dùng riêng hoặc giã đắp với cây Cứt lợn có tác dụng cầm máu, làm lành vết thương.

6.3. Lợi tiểu

Củ Gai chữa đi tiểu ra máu với liều dùng trung bình 10 – 30g mỗi ngày, sắc nước uống.

Tóm lại, củ Gai là vị thuốc dễ tìm trong nhân dân, có tác dụng an thai, cầm máu, lợi tiểu. Những thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Khi muốn sử dụng thuốc, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Trần Anh Thư

Từ khóa » Cây Củ Gai Như Thế Nào