'Cứ Hai Tuần VN Phải ứng Phó Với Một Vụ Việc Phòng Vệ Thương Mại ...
Tại hội nghị Triển khai nhiệm vụ công tác cuối năm do Bộ Công Thương tổ chức ngày 14/7, tại Hà Nội, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại cho biết đến thời điểm này đã có 214 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Riêng trong nửa đầu năm, đã có 12 vụ việc điều tra mới đối với các sản phẩm sắt thép, tủ gỗ, pin năng lượng Mặt Trời...
“Cứ hai tuần, chúng ta lại phải ứng phó với một vụ việc phòng vệ thương mại mới của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch lớn mà các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ có ảnh hưởng tới đời sống của người dân cũng bị điều tra phòng vệ thương mại,” ông Lê Triệu Dũng chia sẻ.
Xử lý hiệu quả thông qua cảnh báo sớm
Theo lãnh đạo Cục phòng vệ thương mại, trong các vụ việc này, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả thông qua cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý và trao đổi kịp thời với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc.
[Bộ Công Thương: Tập trung giải pháp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu]
Bộ Công Thương cũng tích cực tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định, thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp; trao đổi, tham vấn đưa ra quan điểm của ta về các khía cạnh pháp lý và thực tiễn của vụ việc với Cơ quan điều tra của nước ngoài, đề nghị tuân thủ các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Mặt khác, Bộ Công Thương đã và đang xem xét khởi kiện các biện pháp phòng vệ thương mại của cơ quan điều tra nước ngoài nếu có dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO.
Nhờ đó, cho tới nay Việt Nam đã đạt kết quả tích cực trong nhiều vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc được hưởng mức thuế thấp (với các mặt hàng như tôm, cá tra cá basa, một số sản phẩm thép, ván gỗ MDF…), góp phần duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Canada...
Dẫn ví dụ cụ thể trong vụ việc chống bán phá giá với mật ong mới đây, theo ông Dũng, nhờ sự chỉ đạo sát sao, trao đổi trực tiếp của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công Thương, Hoa Kỳ đã giảm thuế chống bán phá giá dành cho ngành mật ong Việt Nam từ mức 410,93%-413,99% (sơ bộ) xuống gần 7 lần còn 58,74%-61,27%, giúp ngành mật ong có thể nỗ lực tiếp tục xuất khẩu sang Hoa Kỳ, duy trì sinh kế của gần 4 vạn người nuôi ong.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 nhóm mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo để thông tin cho các cơ quan chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác.
Trên cơ sở danh sách cảnh báo do Bộ Công Thương cung cấp, các đơn vị liên quan đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài.
“Thông qua công tác cảnh báo sớm, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã không bị động trong công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài,” đại diện Cục phòng vệ thương mại nhấn mạnh.
Nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp
Trên thực tế, công tác điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cũng tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần bảo vệ, tạo lập lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bị bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước.
Tính đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng tổng cộng 25 vụ việc phòng vệ thương mại. Các mặt hàng điều tra đa dạng gồm: Các sản phẩm kim loại cơ bản (nhôm, thép, vật liệu hàn), hóa chất (sorbitol, sợi filament, màng BOPP), trong đó có nhiều sản phẩm có mối quan hệ mật thiết và đặc biệt quan trọng tới đời sống của người nông dân (sản phẩm đường, bột ngọt (liên quan tới cây mía), bột ngọt (liên quan tới cây sắn).
Đặc biệt, việc Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đã có tác động tích cực đối với ngành mía đường, giúp tiêu thụ hết mía, tăng thu nhập của nông dân và theo phản ánh, nhiều địa phương đã có kế hoạch mở rộng diện tích trồng mía.
“Cục phòng vệ thương mại đang phối hợp các đơn vị liên quan điều tra theo đúng quy định và sẽ sớm báo cáo lãnh đạo bộ biện pháp ngăn chặn đường Thái Lan đi qua các nước ASEAN khác để vào Việt Nam,” ông Lê Triệu Dũng nói.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)Theo thống kê, các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu hiện đang bảo vệ các ngành sản xuất trong nước chiếm đến 10,27% GDP của Việt Nam và công ăn việc làm của hàng trăm nghìn lao động.
Nhờ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế, các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không bình đẳng, từ đó tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Cùng với công tác kháng kiện, khởi kiện, các hoạt động cung cấp thông tin, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương cũng được thực hiện một cách toàn diện, đặc biệt thông qua các chương trình làm việc, đào tạo, xây dựng các tài liệu hướng dẫn cho các Hiệp hội, cung cấp bản tin cảnh báo sớm hàng tuần…
Đặc biệt, nội dung thông tin về phòng vệ thương mại đã được cụ thể hóa, chi tiết cho từng ngành hàng, từng nhóm ngành hàng (ví dụ như thép, gỗ, thủy sản, pin mặt trời, gạch men, mật ong, mía đường...).
Dù vậy, qua thực tế triển khai cho thấy nhận thức về phòng vệ thương mại, đặc biệt là tại các địa phương, nhiều ngành hàng còn hạn chế, các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại cần tiếp tục được rà soát, hoàn thiện. Hơn nữa, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương cần được củng cố để đảm bảo hiệu quả trong việc ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài…
“Nguyên nhân chính là phòng vệ thương mại là lĩnh vực mới đối với hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam. Phần lớn doanh nghiệp Việt là vừa và nhỏ, trong khi phòng vệ thương mại là lĩnh vực phức tạp, mang tính pháp lý cao đòi hỏi nhiều nguồn lực để xử lý…,” đại diện Cục phòng vệ thương mại thông tin.
Trước thực tế đó, ông Lê Triệu Dũng nhấn mạnh Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng vệ thương mại; triển khai có hiệu quả các Đề án lớn về phòng vệ thương mại.
Đơn vị này cũng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại và ứng phó với các vụ kiện của nước ngoài nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam như gỗ, dệt may, thủy sản, sắt thép…
“Chúng tôi sẽ theo dõi, chủ động điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, đặc biệt đối với các ngành sản xuất các sản phẩm cơ bản, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng nền kinh tế tự chủ, tăng khả năng chống chịu trước các diễn biến bên ngoài,” ông Lê Triệu Dũng nhấn mạnh thêm./.
(Vietnam+)Từ khóa » Gỗ Phù điêu Phong Thủy
-
Bí Quyết Chọn Màu Sắc Phù Hợp Cho đồ Nội Thất Và Sàn Nhà Bằng Gỗ
-
5 Lưu ý Về Phong Thủy Nhất định Nên Biết Khi Làm Trần Nhà, Gợi ý Cách Chọn Loại Phù Hợp Với Bạn
-
3 Loại Nước Lau Dọn Bàn Thờ Sạch Sẽ Chuẩn Phong Thuỷ, Thần Phật đều Gật Gù ưng Bụng
-
Căn Biệt Thự Triệu đô Của Mai Thu Huyền Phim 'Những Ngọn Nến ...
-
4 Bước Chuyển Ban Thờ Cũ Sang Mới Thần Linh Gật đầu, Tổ Tiên Mát Dạ
-
5 Cây Cảnh Phong Thủy, Nở Hoa Là Báo điềm Lành Sắp đến Nhà
-
Loại Cây Cảnh Người Giàu Rất Thích Trồng Trước Nhà, Là Vị Thuốc Đông ...
-
Xuất Khẩu Cà Phê, Thủy Sản, đồ Gỗ Tiếp Tục Là điểm Sáng
-
Đất Khó Hóc Chọ Và Những Người Giỏi Trường đời
-
Cuộc Sống Viên Mãn Của Doanh Nhân - Hoa Hậu Hà Kiều Anh Trong ...
-
Thương Mại Việt Nam-Lào Ngày Càng đi Vào Chiều Sâu
-
Tháng Cô Hồn Yên Tâm Sửa Nhà Tránh Trùng Ngày Xấu
-
Việt Nam - Lào Còn Nhiều Dư địa Trong Hợp Tác Thương Mại
-
Những Loại Cây Thích Hợp Trồng Trên Ban Công