Củ Hủ Dừa Là Gì Và Những Lợi ích Sức Khỏe Mang Lại Khi ăn? - VOH

Mục lục
  1. Củ hủ dừa là gì?
  2. Củ hủ dừa có tác dụng gì?
    1. Cải thiện tiêu hóa
    2. Ngăn ngừa thiếu máu
    3. Giải nhiệt cơ thể
    4. Hỗ trợ giảm cân
    5. Kiểm soát nồng độ cholesterol
  3. Bà bầu ăn củ hủ dừa được không?
  4. Bảo quản và chế biến món ngon với củ hủ dừa
    1. Bảo quản củ hủ dừa đúng cách
    2. Món ngon với củ hủ dừa
  5. Giá trị dinh dưỡng của củ hủ dừa

Dừa là một loại cây khá dễ trồng, không kén đất, hầu hết các bộ phận của cây như thân, lá hay trái dừa đến lúc khô héo vẫn hữu dụng. Bên cạnh đó, người trồng dừa còn “khai phá” được rất nhiều công dụng từ củ hủ dừa. 

1. Củ hủ dừa là gì?

Củ hủ dừa ( cổ hũ dừa ) hay đọt dừa, có màu trắng, là phần lõi non nhất trong ngọn, được coi như phần “tủy sống” của cây dừa. Để lấy được phần lõi thường không dễ dàng vì phải “hy sinh” một cây dừa, nên đây là một thức quà khá "xa xỉ". 

Có thể thu hoạch củ hủ dừa từ cây dừa từ 2 năm tuổi trở lên, nhưng để đảm bảo củ vừa ngọt vừa mềm thì nên lựa chọn những cây dừa già nhiều năm tuổi. 

cu-hu-dua-la-gi-tac-dung-suc-khoe-va-mon-ngon-tu-cu-hu-dua-voh-0
Củ hủ dừa là phần lõi non trong ngọn trên thân cây dừa (Nguồn: Internet) 

2. Ăn củ hủ dừa có tác dụng gì?

Nhiều dưỡng chất quan trọng được tìm thấy trong củ hủ dừa như chất xơ, kali, sắt, kẽm,... Nhờ việc cung cấp những thành phần dinh dưỡng này mà tác dụng của củ hủ dừa mang lại cho sức khỏe như: 

2.1 Cải thiện tiêu hóa 

Nếu như nước dừa cung cấp lượng lớn axit lauric góp phần chống nhiễm trùng đường tiêu hóa thì lượng chất xơ được tìm thấy trong củ hủ dừa cũng giúp cải thiện hệ tiêu hóa hiệu quả, khắc phục tình trạng táo bón và giun đường ruột. 

Xem thêm: Bạn sẽ nhận được 9 lợi ích từ nước dừa khi duy trì uống loại thức uống này mỗi ngày

2.2 Ngăn ngừa thiếu máu 

Để kích thích sản sinh tế bào hồng cầu nhằm ngăn ngừa thiếu máu, có thể bổ sung thêm chất sắt từ củ hủ dừa. Ngoài ra, chất sắt và đồng trong củ hủ dừa còn duy trì hoạt động của các tế bào thần kinh cũng như củng cố chức năng miễn dịch. 

2.3 Giải nhiệt cơ thể 

Củ hủ dừa rất giàu kali và các khoáng chất nên có thể bù nước, thanh nhiệt và giải độc cơ thể. Đặc biệt, kali có vai trò trong quá trình cân bằng chất điện giải, hỗ trợ hồi phục cơ thể sau khi mất nước do tiêu chảy hay sốt siêu vi. 

Xem thêm: Chẩn đoán sốt siêu vi và cách phân biệt sốt siêu vi với sốt xuất huyết

2.4 Hỗ trợ giảm cân 

Củ hủ dừa được đánh giá là mọng nước và chứa nhiều chất xơ nên trong quá trình giảm cân, bạn hoàn toàn có thể sử dụng loại củ này để kiểm soát cơn đói.  

cu-hu-dua-la-gi-tac-dung-suc-khoe-va-mon-ngon-tu-cu-hu-dua-voh-1
Củ hủ dừa có chứa nhiều chất xơ, kiểm soát cơn đói (Nguồn: Internet) 

2.5 Kiểm soát nồng độ cholesterol 

Trong củ hủ dừa không có chất béo bão hòa nên rất tốt cho người cao huyết áp hay mắc các bệnh lý về tim mạch. Một số phân tích dinh dưỡng chỉ ra rằng, các hoạt chất trong củ hủ dừa sẽ làm gia tăng cholesterol tốt (HDL), đồng thời giảm hàm lượng cholesterol xấu (LDL).

Xem thêm: 3 thời điểm cơ thể tự tổng hợp cholesterol xấu mà bạn không hay biết

3. Bà bầu ăn củ hủ dừa được không?

Với vị thanh mát, ngọt giòn, rất lành tính, củ hủ dừa có thể sẽ là món ăn yêu thích của các mẹ bầu cũng như đem đến nhiều lợi ích sức khỏe trong giai đoạn dưỡng thai. Bà bầu hãy yên tâm ăn thêm củ hủ dừa để cải thiện thể chất cho cả mẹ và em bé. 

Một số công dụng củ hủ dừa đem lại trong thai kì:

  • Bổ sung vitamin, giúp thanh nhiệt cơ thể, hạn chế bốc hỏa. 
  • Ngăn ngừa táo bón, tiêu hóa kém. 
  • Phòng chống thiếu máu. 
  • Dưỡng ẩm làn da, giảm khô rạn. 

Lưu ý, mẹ bầu nên hạn chế ăn nhiều củ hủ dừa liền một lúc vì có thể gây đầy bụng, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ nhất.

Xem thêm: Củ hủ dừa ngon miệng, dễ ăn nhưng liệu có an toàn đối với phụ nữ mang thai?

4. Bảo quản và chế biến món ngon từ củ hủ dừa

Để bảo quản cũng như sử dụng củ hủ dừa đúng cách, dưới đây là một số lưu ý bạn cần biết. 

4.1 Bảo quản củ hủ dừa đúng cách 

Giá thành củ hủ dừa tương đối cao, những loại đã gọt vỏ có giá tầm 100.000 - 125.000vnd/kg còn loại sấy khô thì 45.000 - 60.000VNĐ/ 50gr, do đó để giảm bớt tỉ lệ hư hỏng và giữ củ tươi ngon như ban đầu, cần thực hiện phương pháp bảo quản đúng:

  • Củ hủ dừa tươi: Khi chưa sử dụng, không nên gọt lớp vỏ xơ bên ngoài, nên để củ hủ dừa tươi trong túi hút chân không và cất ở ngăn mát tủ lạnh. Nhưng hãy tranh thủ sử dụng trong vòng  3-5 ngày để không mất chất dinh dưỡng. 
  • Củ hủ dừa khô: Có thể bào mỏng củ hủ dừa tươi, ngâm trong nước muối rồi đem phơi nắng hoặc sấy khô. Khi sử dụng chỉ cần ngâm nước và để ráo là được. 
cu-hu-dua-la-gi-tac-dung-suc-khoe-va-mon-ngon-tu-cu-hu-dua-voh-2
Bảo quản củ hủ dừa bằng cách bào mỏng rồi phơi khô (Nguồn: Internet) 

4.2 Củ hủ dừa làm món gì ngon ?

Có rất nhiều món ăn dân dã nhưng hương vị vô cùng hấp dẫn được chế biến từ củ hủ dừa:

  • Củ hủ dừa kho tộ: Kho củ hủ dừa với thịt ba chỉ bằng nồi đất làm thành món củ hủ dừa kho tộ - đặc sản của miền Tây. 
  • Canh củ hủ dừa thịt viên: Ngày hè nóng bức, món canh thanh mát này rất dễ ăn và sẽ giúp thanh nhiệt cơ thể. 
  • Củ hủ dừa hầm giò heo: Vị béo ngậy của giò heo lẫn trong vị ngọt từ củ hủ dừa tạo nên canh hầm đậm đà. 
  • Bánh xèo củ hủ dừa: Nhân bánh xèo là sự kết hợp của rất nhiều nguyên liệu, nếu lựa chọn nhân củ hủ dừa thì hương vị sẽ rất thơm và không bị ngấy. 
  • Gỏi củ hủ dừa với gà: Thực hiện món gỏi khá đơn giản nhưng lại cuốn hút cả nhà bởi vừa ngọt thanh vừa thơm bùi. 

Xem thêm: ‘Điểm danh’ 5 món từ củ hủ dừa có thể khiến bạn ‘đứng ngồi không yên’ vì vừa ngon miệng vừa bổ dưỡng

5. Giá trị dinh dưỡng của củ hủ dừa 

Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong 100g củ hủ dừa như sau:

  • Calo: 36
  • Chất đạm: 4 g
  • Chất béo: 1 g
  • Carb: 4 g
  • Chất xơ: 4 g
  • Kali: 38% giá trị hàng ngày 
  • Photpho: 20% giá trị hàng ngày 
  • Đồng: 70% giá trị hàng ngày 
  • Kẽm: 36% giá trị hàng ngày 

Trên đây đã phần nào nêu rõ những tác dụng của củ hủ dừa mang lại cho sức khi ăn, nếu là một người yêu thích những sản phẩm từ cây dừa thì đừng quên tìm mua và chế biến các món ngon từ củ hủ dừa nhé. 

Từ khóa » Nõn Dừa Non