Của Bảng Nhãn Vũ Duy Thanh - Viện Nghiên Cứu Hán Nôm

Tạp chí Hán Nôm >> TCHN từ 2006 về sau >> Năm 2013 >> Số 6
Nguyễn Minh Tường
Bồng Châu thi văn tập của Bảng nhãn Vũ Duy Thanh - Một tác phẩm giá trị trong nền văn học Việt Nam thế kỷ XIX(Tạp chí Hán Nôm, số 6 (121), tr.29-42)

Cập nhật lúc 16h41, ngày 28/12/2014

BỒNG CHÂU THI VĂN TẬP CỦA BẢNG NHÃN VŨ DUY THANH - MỘT TÁC PHẨM GIÁ TRỊ TRONG NỀN VĂN HỌC VIỆT NAM THẾ KỶ XIX

PGS.TS. NGUYỄN MINH TƯỜNG

Viện Sử học

Vũ Duy Thanh 武惟清 (1807-1859), tự là Trừng Phủ 澄甫, hiệu là Mai Khê 梅溪 và Bồng Châu 蓬洲…, người làng Vân Bồng, huyện Yên Khánh (nay là thôn Vân Bồng, xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình).

Ngay từ thuở nhỏ, Vũ Duy Thanh đã tỏ ra là người thông minh, cẩn trọng và có văn tài. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép tiểu sử của ông, có nhận xét: “Vũ Duy Thanh, tự là Trừng Phủ, người Yên Khánh, thuộc Ninh Bình. Lúc trẻ thông tuệ, xem đâu nhớ đấy, 14, 15 tuổi biết làm văn. Anh là Đề, là học trò giỏi, mà Duy Thanh lại còn học giỏi hơn…”(1). Tuy vậy, mãi tới năm 37 tuổi, Vũ Duy Thanh mới đi thi Hương, khoa Quý Mão (1843), trường Nam Định và đỗ Cử nhân(2). Năm sau, khoa Giáp Thìn (1844), ông dự kỳ thi Hội, nhưng không đỗ. Bẩy năm sau, tới khoa thi Hội năm Tân Hợi (1851), ông đi thi và đỗ Phó bảng. Cùng năm Tân Hợi ấy, vua Tự Đức mở khoa thi Cát sĩ (hay Chế khoa), ông đỗ đầu: Đệ nhất giáp Cát sĩ cập đệ, Đệ nhị danh (tức Bảng nhãn)(3).

Sau khi thi đỗ, Vũ Duy Thanh được bổ chức Hàn lâm viện Thị độc, rồi chuyển sang Tập hiền viện. Năm 1853, ông được thăng lên chức Triều liệt Đại phu Quốc tử giám Tư nghiệp. Năm 1855, ông được bổ chức thự Quốc tử giám Tế tửu. Tháng 9 năm Tự Đức thứ 10 (1857), ông được chính thức bổ chức Trung Thuận Đại phu Quốc tử giám Tế tửu.

Trong thời gian giữ chức Tế tửu ở Quốc tử giám, trường Nho học cao cấp bậc nhất của quốc gia Đại Nam ngày đó, Vũ Duy Thanh tỏ rõ là một bậc thầy đạo cao đức trọng, có vốn kiến thức uyên bác và đặc biệt luôn hết lòng đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo lớp hậu tiến.

Sách Đại Nam chính biên liệt truyện, nhận xét về ông như sau: “Duy Thanh tính chất phác ngay thẳng, đối với mọi người vui vẻ giản dị, không cạnh tranh. Nhưng đến khi luận về sự sai lầm của tục học và cái tai hại của dị đoan thì tất ra sức nói…”(4).

Theo Nhà thư tịch học Trần Văn Giáp, trong Lược truyện các tác gia Việt Nam thì tác phẩm của Vũ Duy Thanh có:

- “Bồng Châu Vũ Tiên sinh thí văn - 蓬洲武先生試文 (Văn) ký hiệu VHv.442.

- Trừng Phủ thi tập 澄甫詩集 (Văn)”(5).

Trong sách Các nhà khoa bảng Việt Nam, Ngô Đức Thọ (chủ biên), các tác giả cho biết, Vũ Duy Thanh có các tác phẩm sau:

- “Bồng Châu thi văn tập

- Trừng Phủ thi tập 澄甫詩集

- Bồng Châu tạp thảo 蓬洲雜草, v.v…”(6).

Tác phẩm Bồng Châu thi văn tập hiện đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.1043. Văn bản Bồng Châu thi văn tập là một tập sách chép tay, trên giấy dó, gồm có 222 trang, khổ 27x15cm, mỗi trang có 8 hàng, mỗi hàng trung bình, 22, 23 chữ Hán, nét bút khá già dặn, theo lối Hành thư rõ ràng, dễ đọc.

Bồng Châu thi văn tập được chia làm 3 quyển:

1. Quyển thứ nhất - Thi tập:

+ Thơ Ngũ ngôn cổ phong: 8 bài

+ Thơ Thất ngôn: Tứ tuyệt 23 bài, Trường thiên 8 bài, Bát cú 85 bài.

Như vậy, Quyển thứ nhất có tất cả 124 bài thơ: tiễn tặng bạn bè, mừng thi đỗ, mừng thọ, vịnh cảnh thiên nhiên, vịnh di tích lịch sử, v.v...

2. Quyển thứ hai - Văn tập, gồm có 21 bài trướng: mừng bạn thăng quan, mừng được về hưu, mừng thượng thọ, v.v...

Trong Quyển 2 này, sau bài Nghĩ Hàn Xương Lê cầm, có chép 10 bài thơ thể Sở từ của Vũ Duy Thanh.

3. Quyển thứ ba - Tạp tập, là phần chép các bài Thuyết , Luận , Ký , Bình , Thư , Tế văn , v.v… gồm có 18 bài như: Mộng thuyết, ca ngợi Quản Trọng đời Xuân Thu; phê bình bài Linh Tế tháp ký của Trương Hán Siêu; phê phán đạo Giatô; bác bỏ thuyết thần tiên; phỏng theo bài Tiến học giải của Hàn Dũ… Ngoài ra, Quyển 3 còn có 19 bài Văn tế thần, cầu mưa, cầu phúc, v.v…

Bồng Châu thi văn tập chia thành 3 quyển như trên, gồm có 2 nội dung: thơ và văn xuôi, cho nên chúng tôi cũng xin tách ra làm 2 phần để phân tích và bình luận:

I. Thơ Vũ Duy Thanh - tiếng thơ của một nhà Nho quân tử

Bao trùm lên toàn bộ tập Bồng Châu thi văn tập là một đạo lý nhân nghĩa của đạo Nho và tấm lòng yêu nước, thương dân của một bậc chính nhân quân tử.

Hầu như ở bài thơ nào, từ thơ thù phụng gửi cho bạn bè, đến thơ tả cảnh, vịnh vật…, tác giả Vũ Duy Thanh đều ý thức mình là một nhà Nho chân chính, một nhà giáo mẫu mực. Trong bài Hạ Áng Ngũ Nguyễn Phó bảng(7)賀盎伍阮副榜(Mừng ông Nguyễn Phó bảng người Áng Ngũ), Vũ Duy Thanh nói về bạn mình, nhưng thực ra là ông tự bạch về con người mình:

Phiên âm:

Ngô hữu Nguyễn Tuấn phủ

Phú chất tối thanh thuần.

Vi học thậm khắc khổ

Thanh tùng nại tuế hàn

Hoàng cúc nghi thu phố…

Dịch nghĩa:

Bạn ta là Nguyễn Tuấn phủ

Tư chất rất trong sạch, thuần nhã

Học tập cực khắc khổ

Giống như cây tùng xanh tốt chịu được năm rét buốt.

Giống như hoa cúc vàng thích nghi với tiết trời thu…

Vũ Duy Thanh ví người bạn của ông là Phó bảng Nguyễn Ngạn với cây tùng, hoa cúc, bởi lẽ hai loài cây ấy đều tượng trưng cho người quân tử mà văn chương cổ điển xưa thường nói tới.

Trong sách Luận ngữ, Khổng Tử từng nói: “” - Tuế hàn, nhiên hậu tri tùng bách chi hậu điêu dã (Nghĩa là: Mỗi năm rét đến, mới biết cây tùng, cây bách rụng lá cuối cùng [sau mọi loài cây khác] (Luận Ngữ - Tử Hãn).

Trong cuộc đời làm quan ngắn ngủi, chưa đầy 10 năm, Vũ Duy Thanh chỉ giữ các chức vụ về văn hóa, giáo dục như: Hàn lâm viện Thị độc, Tập hiền viện, Quốc tử giám Tế tửu. Trong đó, chức vụ lâu nhất là Tế tửu Quốc tử giám tại Kinh đô Phú Xuân - Huế, do vậy, Vũ Duy Thanh luôn luôn ý thức được trách nhiệm của một bậc thầy mô phạm đối với bạn đồng liêu và học trò.

Trong bài Thứ Lưu Đông nguyên vận tiễn Ngô Trợ giáo lĩnh Bắc Ninh Đốc học - (Họa vần thơ của Lưu Đông và tiễn Ngô Trợ giáo đi lĩnh chức Đốc học Bắc Ninh), Vũ Duy Thanh có những suy nghĩ khá sâu sắc về nghề làm thầy của mình:

Phiên âm:

Cổ xưng giáo chức lãnh

Ngã hỷ giáo chức thanh…

Kinh điển như uyên hải

Nghĩa lý vị Dịch tinh.

Khóa tập hữu trình hạn

Nhật nguyệt nan vi tranh

Nguyện tử thể thường thái

Nguyện tử tâm thường tỉnh

Nguyện tử thủ thường ngạnh

Nguyện tử mục thường minh

Dịch nghĩa:

Thời xưa cho nghề thầy giáo là chức quan lạnh,

Chúng ta vui lòng vì nghề thầy giáo là nghề thanh bạch.

Kinh điển nhà Nho thì sâu sắc như biển cả,

Còn nghĩa lý thì không chỉ có Kinh Dịch là tinh túy.

Việc dạy học thì có quy trình thời hạn,

Đến mặt trời, mặt trăng cũng khó tranh giành [sự vận hành ấy].

Mong Bác giữ cho thân thể lúc nào cũng thư thái,

Mong Bác giữ cho tâm hồn lúc nào cũng sáng suốt.

Mong Bác giữ cho tay chân lúc nào cũng mạnh cứng,

Mong Bác giữ cho đôi mắt lúc nào cũng tinh tường…

Cuối bài thơ, Vũ Duy Thanh khẳng định giáo chức là một nghề rất cao quý và đầy vinh dự:

Phiên âm:

Định vô ngâm Mục túc

Khởi tất tiển thuần canh

Phạt Đàn năng bất tố

Nhất chức hữu dư vinh.

Dịch nghĩa:

Nhất định không phải ngâm câu thơ Mục túc.

Há lại chẳng thừa món canh rau dút, cá vược?

Nhớ bài thơ Phạt Đàn, chẳng phải ăn không ngồi rồi.

Nghề nhà giáo có thừa sự vinh dự!

Vũ Duy Thanh nói đùa với bạn mình là “Không phải ngâm câu thơ Mục túc” (Vô ngâm Mục túc) là có ý nhắc tới câu thơ trong bài Ký hữu 寄友 (Gửi bạn) của Nguyễn Trãi dưới đây:

Phiên âm:

Thập tải độc thư bần đáo cốt

Bàn vô mục túc, tọa vô chiên.

Dịch nghĩa:

Mười năm đọc sách nghèo đến tận xương,

Mâm cơm không có rau mục túc, chỗ ngồi không có đệm.

Còn nói “Khởi tất tiển thuần canh” là tác giả sử dụng điển tích văn chương cổ điển mà nhà Nho xưa, không ai là không biết, đó là “Thuần canh lô khoái” 蓴羹纑膾 (tức Canh rau dút, gỏi cá vược).

Theo Tấn thư, Trương Hàn, người đất Ngô Quận, tính tình phóng khoáng, làm quan ở Kinh đô, nhân buổi gió thu nổi, chạnh lòng nhớ nhà, nhớ món rau thuần, gỏi cá vược ở quê, bèn than rằng: “Người ta ở đời quý nhất là được thỏa chí, sao lại có thể buộc mình vào con đường làm quan ở xa ngàn dặm để cầu lấy tiếng tăm tước vị!”. Sau đó, ông bèn từ quan, về quê nhà. Ở đây, Bảng nhãn Vũ Duy Thanh chỉ dùng với ý nơi bạn ông làm chức Đốc học là tỉnh Bắc Ninh, cũng không thiếu gì những món ăn đậm đà phong vị quê hương, nên cứ yên tâm với chức vụ triều đình giao phó.

Bảng nhãn Vũ Duy Thanh và bạn ông, trong bài thơ này, đều là những bậc đỗ đại khoa, hết sức thiệp liệp kinh điển, sử sách Nho gia, cho nên hầu như ở đâu cũng thấy các vị sử dụng các điển tích từ Tứ thư(8), Ngũ kinh(9). Vũ Duy Thanh viết để nhắc nhở bạn mình: - Phạt đàn năng bất tố (Tiếng đốn cây bạch đàn, khiến cho không phải ăn không ngồi rồi!).

Đó là xuất xứ từ bài thơ Phạt đàn, phần Ngụy Phong trong Kinh Thi. Bài thơ Phạt đàn nguyên tác có tất cả 27 câu thơ, từ 4 chữ cho đến 8 chữ. Tôi xin trích 4 câu trong chương I dưới đây:

Phiên âm:

Khảm khảm phạt đàn hề

Trí chi hà chi can hề

Bỉ quân tử hề

Bất tố xan hề.

Dịch nghĩa:

Tiếng chặt cây bạch đàn, tiếng nghe khảm khảm

Rồi đặt cây ấy ở bên bờ sông…

Người quân tử kia!

Không hề ngồi không mà ăn!

Bài thơ Phạt đàn là để khen người quân tử không chịu ngồi không mà ăn, mà hưởng thành quả lao động của người khác.

Bài Trường trung dạ ngâm, đồng bộc hôn thụy cảm tác - 場中夜吟童僕昏睡感作 (Trong trường, đêm đọc thơ bên cạnh đứa tiểu đồng đang ngủ) càng cho thấy tài học của Vũ Duy Thanh:

Phiên âm:

Xảo chuyết sơ lai phận bất đồng

Đại quân phú vật lý hà cùng

Tĩnh tư Âu lão(10) Thu thanh tác

Hạt nhược thùy đầu hãn thụy đồng?

Dịch nghĩa:

Khéo và vụng từ xưa đến nay, phận từng người không giống nhau

Tạo hóa sinh ra muôn vật, cái lý thật vô cùng

Trong lúc yên tĩnh nhớ đến bài Thu Thanh phú của ông già Âu Dương Tu

Sao giống với cảnh đứa tiểu đồng đang gục đầu mà ngủ lúc này?

Trong các bài phú sáng tác vào thời Bắc Tống (960 - 1126), sau hai bài Tiền Xích Bích phú, Hậu Xích Bích phú của danh sĩ Tô Đông Pha (1036 - 1101), thì người ta hay nhắc đến nhất là bài Thu Thanh phú của Âu Dương Tu. Bài phú này của Âu Dương Tu vừa hay về nội dung, vừa hay về nghệ thuật ngôn từ. Trong Thu Thanh phú, ông tả màu sắc của thu, hình dáng của thu, cả tới cái ý, cái khí của thu, để độc giả cảm nhận được cái thê lương trong tiếng thu. Cuối bài Âu Duy Tu lại liên tưởng tới kiếp người: “Bách ưu cảm kỳ tâm, vạn vật lao kỳ hình” (Trăm mối lo làm xúc động trong lòng, vạn việc đời làm lao khổ thân hình), gây cho ta một mối cảm thán vô hạn… Câu kết của bài Thu Thanh phú, đã được Vũ Dương Thanh nhắc đến ở trên: “Đồng tử mạc đối, thùy đầu nhi thụy. Đãn văn tứ bích trùng thanh tức tức, như trợ dư nhi thán tức” (Đồng tử không đáp, gục đầu mà ngủ. Chỉ nghe bốn phía vách có tiếng dế ri rỉ kêu, như thể góp thêm tiếng than thở với ta vậy!).

Sử thần triều Nguyễn từng nhận xét về Vũ Duy Thanh là người bản tính chất phác, ngay thẳng, giản dị. Tôi đọc khá kỹ thơ của ông trong Bồng Châu thi văn tập, nhận thấy thơ Vũ Duy Thanh quả đúng là phần nhiều đều bình dị. Tất cả lời thơ của ông đều rất ôn tồn, thuần hậu và phác thực có phong vị thơ của Đào Tiềm (365 - 427), nhà thơ lớn cuối đời Đông Tấn, đầu đời Lục Triều của Trung Quốc. Đào Tiềm là một thi nhân danh tiếng của Trung Quốc, rất yêu hoa cúc.

Vũ Duy Thanh cũng làm khá nhiều bài thơ về hoa cúc: Vịnh cúc, Trùng Dương vô cúc, Đình tiền mẫu đơn, tuế tứ khai, Hoàng cúc kinh thu bất phát, hý vấn

Bài Vịnh cúc (Vịnh hoa cúc) là một bài thơ hay mà tôi đọc thấy phảng phất phong vị thơ của Đào Tiềm:

Phiên âm:

Ngọc nhụy kim anh sắc sắc tân

Hòa yên, đới lộ cánh thiêm thần

Thùy tri Đào Lệnh sơ ly hạ

Cử thế giai thu, ngã độc xuân.

Dịch nghĩa:

Nhụy như ngọc, cánh như vàng, sắc tươi tốt lúc nào cũng như mới nở.

Tắm gội trong sương sớm, mây chiều, lại càng tôn thêm vẻ thần thái.

Có ai biết ông quan Lệnh họ Đào từng hái cúc dưới hàng giậu thưa?

Mọi người đang trong cảnh mùa thu, chỉ có Ta (chỉ hoa Cúc) giữ riêng vẻ xuân tươi tốt!

Vũ Duy Thanh nói “Đào Lệnh”, là vì Đào Tiềm từng giữ chức quan Lệnh (tức Tri huyện) ở huyện Bành Trạch. Còn “Sơ ly hạ” là có ý nhắc tới 2 câu thơ rất nổi tiếng của thi sĩ họ Đào, trong bài Ẩm tửu (Uống rượu) dưới đây:

Phiên âm:

Thái cúc Đông ly hạ

Du nhiên kiến Nam sơn.

Dịch nghĩa:

Hái cúc dưới hàng giậu phía Đông

Phơi phới thấy núi Nam.

Tôi đã trích một vài bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt, Thất ngôn bát cú của Vũ Duy Thanh trên đây, nhưng ông còn sáng tác nhiều bài thơ Thất ngôn trường thiên nữa. Hầu như ở thể loại nào, thơ Vũ Duy Thanh cũng có những câu thơ hay. Thí dụ một số câu thơ dưới đây:

Phiên âm:

Thê tâm sương lộ kinh thu tự

Cực mục vân sơn cảm hạo tư.

(Trường trung ngộ tiên khảo kỵ)

Dịch nghĩa:

Tấm lòng thương đau lạnh lẽo như sương móc, ở trong trường thêm lo sợ mùa thu.

Đôi mắt đăm đăm dõi nhìn áng mây trên núi, càng nhớ tới ơn lớn của cha.

(Trong trường gặp ngày giỗ của cha)

Hoặc câu:

Phiên âm:

Vụ tỏa tằng Man không mạc mạc

Đào phi vạn khoảnh tự sàn sàn.

(Hoành Sơn quan hoài cổ)

Dịch nghĩa:

Sương mù tựa như thể giam giữ nhà của dân tộc thiểu số ở trong, không gian thật yên tĩnh.

Hàng vạn con sóng lớn chồm lên vỗ dồn dập vào bờ tiếng ào ào.

(Qua Đèo Ngang hoài cổ)

Hay câu:

宿

Phiên âm:

Lạc bút ba đào kinh biến thái,

La hung tinh tú động hàn hương.

(Ức Hàn Văn công)

Dịch nghĩa:

Mỗi khi hạ bút xuống, lời văn như sóng lớn thật đáng kinh sợ, không thể tính trước được,

Giãi bày ý tứ trong lòng như có hàng tinh tú bày ra la liệt, chấn động cả bầu trời lạnh.

(Nhớ Hàn Văn công(11))

Từ khi Bảng nhãn Vũ Duy Thanh đi vào cõi vĩnh hằng đến nay đã hơn một thế kỷ rưỡi (1859-2013). Với một độ lùi thời gian dài hơn 150 năm ấy, đủ cho hậu thế thẩm định giá trị văn chương, thi ca của Vũ Duy Thanh. Thực ra, ngay từ những thập niên đầu của thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam đã đánh giá cao giá trị nghệ thuật cũng như nội dung thi ca của ông.

Trần Trung Viên (1890-1947), soạn giả bộ tuyển tập thi ca Văn đàn bảo giám (gồm 3 tập), xuất bản lần đầu năm 1926, đến năm 1938 mới trọn bộ, là một trong những người đầu tiên công bố thơ ca của Vũ Duy Thanh. Trong tập thi tuyển nói trên, soạn giả Trần Trung Viên, đã tuyển 7 bài thơ Thất ngôn bát cú(12) của Vũ Duy Thanh là: Thơ túng, Thăm cảnh Nhiệt Đàm, Nhớ thầy học cũ, Đề nhà học cũ, Tiễn đưa Nguyễn Tri Phương vào Nam chống giặc, Qua đèo Hải Vân, Qua suối Bạch Đàn.

Trong bộ hợp tuyển thi ca này, tên tuổi của Vũ Duy Thanh được đứng tề danh với các nhà thơ nổi tiếng khác đương thời như: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, v.v…

Ở trên tôi có nói thơ của Vũ Duy Thanh bình dị, thuần hậu và phác thực. Vì thế, nếu cần trích thêm những câu thơ hay trong bộ Bồng Châu thi văn tập, thì không có gì là khó. Tuy nhiên, loại thơ bình dị ấy không phải ai cũng có thể làm được. Về vấn đề này, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học đời Thanh là Viên Mai (1716-1798) đã nhận xét rất chí lý như sau:

“Thơ nên mộc mạc không nên khéo léo, nhưng tất phải là cái mộc mạc từ trong khéo lớn mà ra; thơ nên nhạt không nên nồng, nhưng tất phải là cái nhạt theo sau cái nồng mà có. Cũng ví như ông quan to, công thành danh toại, rồi xõa tóc, cởi dây ấn, tức là danh sĩ phong lưu, nếu bọn thiếu niên con nhà giàu sang cũng bắt chước thái độ ấy, thì sẽ nên đánh roi…”(13).

II. Văn Vũ Duy Thanh - sự uyên bác của bậc sư biểu học cao hiểu rộng

Tản văn của Vũ Duy Thanh, phần lớn được ghi chép lại trong 2 quyển (Quyển 2 và Quyển 3) của Bồng Châu thi văn tập.

Vào tháng 12 năm 2012, trong Hội thảo khoa học lần thứ nhất “Về thân thế, cuộc đời Bảng nhãn Vũ Duy Thanh”, tôi đã viết bài Mấy cảm nghĩ nhân đọc bài Văn sách khoa thi Cát sĩ của Bảng nhãn Vũ Duy Thanh. Trong đó, tôi đã trích lời nhận xét của Học giả Cao Xuân Dục (1843-1923) về khoa Cát sĩ, năm Tân Hợi, niên hiệu Tự Đức thứ 4 (1851), mà Vũ Duy Thanh đỗ đầu: Đệ nhất giáp Cát sĩ cập đệ, Đệ nhị danh (Bảng nhãn) là “Khoa đặc biệt phi thường để đãi tài phi thường” (14).

Khoa Cát sĩ, năm Tân Hợi (1851) này, người phúc duyệt cuối cùng và trực tiếp lấy đỗ bao nhiêu người, ai được đỗ đầu chính là vua Tự Đức (1848-1883). Tự Đức là một ông vua thông minh, chăm học từ nhỏ và là một nhà văn hóa, nhà thơ khá nổi tiếng của Việt Nam thế kỷ XIX. Chúng ta biết một chút về thi tài của vua Tự Đức, để thấy rằng khi ông lựa chọn Vũ Duy Thanh làm người đỗ đầu “Khoa thi đặc biệt phi thường” là không phải chuyện đơn giản chút nào. Tôi cho rằng cái điều mà Vũ Duy Thanh để lại ấn tượng mạnh trong lòng vua Tự Đức không phải chỉ là tài về thi ca, mà chắc chắn ở cả sự uyên bác, thể hiện trong các bài tản văn nghị luận của vị Bảng nhãn họ Vũ này.

Trong số các bài tản văn của Vũ Duy Thanh được tuyển trong Bồng Châu thi văn tập, có khá nhiều bài thể hiện sức học quảng bác của Bảng nhãn Vũ Duy Thanh, như: Nghĩ Hàn Xương Lê, Tiến học giải (Phỏng theo bài Tiến học giải của Hàn Xương Lê); Thạch Hà Trương công thăng thụ Hình bộ Thượng thư, huyện thân hạ tự (đại nhuận) (Văn thân huyện Thạch Hà mừng ông họ Trương được thăng lên chức Hình bộ Thượng thư (Nhuận sắc thay)); Thượng Hình bộ Thượng thư Trương công từ hạ thư (Thư mừng gửi lên Hình bộ Thượng thư họ Trương), v.v… Trong đó, tôi đặc biệt chú ý tới bài Nghĩ Hàn Xương Lê, Tiến học giải của Vũ Duy Thanh. Tôi thiết nghĩ không phải ngẫu nhiên mà người biên tập bộ Bồng Châu thi văn tập, lại xếp bài này lên đầu Quyển 2, tức bài đầu tiên trong các bài tản văn của Vũ Duy Thanh. Vì bày này, tác giả họ Vũ của chúng ta, Nghĩ (tức phỏng theo, bắt chước) bài Tiến học giải của Hàn Xương Lê (tức Hàn Dũ), một trong số Đường - Tống bát đại gia(15), do vậy, chúng ta cần biết nội dung tác phẩm của họ Hàn nói về vấn đề gì?

Bài Tiến học giải của Hàn Dũ được ông sáng tác với mục đích chính để cổ xúy phong trào Cổ văn, mà ông được coi là người lãnh đạo. “Cổ văn” là khái niệm đối lập với Biền văn. Đặc trưng của “Cổ văn” là câu văn xuôi riêng rẽ, không gò bó theo một công thức nhất định, khác với “Biền văn” rất chú trọng đối ngẫu, văn vẻ, âm luật và điển cố. Về thể văn, nó khôi phục truyền thống văn chương Tiên Tần(16), Lưỡng Hán(17), cho nên gọi là Cổ văn 古文. Thời kỳ Trung Đường (765-836), Hàn Dũ và những nhà văn khác đề xướng thể văn này, để phản đối văn phong phù hoa, diễm lệ từ đời Lục triều (thế kỷ thứ V-VI) về sau. Phong trào Cổ văn dựa vào ngọn cờ phục hồi Nho học mà phát triển.

Trong bài Tiến học giải, Hàn Dũ phát biểu chủ trương của mình trong công cuộc vận động phục hưng cổ văn. Trong đó, có đoạn ông viết:

調”.

Phiên âm:

Thượng quy Diêu Tự(18), hồn hồn vô nhai, Chu Cáo(19), Ân Bàn(20), cật khuất ngạo nha, Xuân Thu cẩn nghiêm, Tả thị phù khoa, Dịch kỳ nhi pháp, Thi chính nhi nhập ba, hạ đãi Trang, Tao, Thái sử(21) sở lục, Tử Vân(22), Tương Như(23) đồng công dị khúc, tiên sinh chi vu văn, khả điều hoành kỳ trung nhi tứ kỳ ngoại hỹ”.

Dịch nghĩa:

“Trên thì theo quy củ của vua Thuấn, vua Hạ Vũ mênh mông vô bờ bến; bốn thiên Chu Cáo, ba thiên Bàn Canh văn chương rất khó, sáu thiên Xuân Thu(24) thì cẩn nghiêm; Tả thị(25) giải thích kinh [Xuân Thu] thì phù hoa, khoe khoang; Kinh Dịch thì biến hóa khôn lường; nhưng lại đáng làm phép tắc; Kinh Thi thì nghĩa lý chính đính, còn từ cú thì hoa lệ; tiếp đến là sách của Trang Chu(26), sách Ly Tao(27) và những điều mà Thái sử Công ghi lại(28); Tử Vân, Tương Như tuy cùng tạo những khúc điệu khác nhau, nhưng nét khéo léo thì tương đồng. Tiên sinh(29) về mặt văn chương có thể nói là một túi kinh luân để rồi có thể phóng tứ ra ngoài vậy”.

Cổ văn của Hàn Dũ đều được đặt nền tảng trên văn chương của những nhà văn và những tác phẩm mà ông lược kể trên. Hàn Dũ tuyên bố dứt khoát rằng: Phi Tam đại, Lưỡng Hán chi thư, bất cảm quan” (Không phải là văn chương thời Tam đại (Hạ - Thương - Chu) và Lưỡng Hán (Tiền Hán, hậu Hán), thì không dám xem).

Qua đó, ta thấy chủ trương của vị đại Nho thời Đường, Hàn Dũ trong bài Tiến học giải rất hợp với mong muốn chấn chỉnh việc học đương thời của vị Quốc Tử giám Tế tửu, Bảng nhãn Vũ Duy Thanh. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện cho biết về vấn đề ấy như sau: “[Vũ Duy] Thanh từng dâng sớ [lên vua Tự Đức], nói rằng: Muốn được thực tài tất phải khôi phục phép dạy, phép thi của cổ nhân và liệt ra 8 mục:

1. Cẩn thận phép dạy ở trường tư các làng.

2. Kén chọn tổng lý và tá lại.

3. Dựng xã thương.

4. Giữ nghiêm phép dạy ở các trường phủ, huyện.

5. Nghị đổi lại phép thi Hương.

6. Mở rộng phép dạy ở các nhà Quốc học.

7. Chọn thầy bạn cho Tôn sinh(30).

8. Sửa định lại việc ban phát kinh sách”(31).

Trong bài Nghĩ Hàn Xương Lê, Tiến học giải, Bảng nhãn Vũ Duy Thanh cũng mở đầu bằng nỗi băn khoăn cho việc học của sinh viên Quốc tử giám thời bấy giờ. Ông viết: “Quốc tử [giám] Tiên sinh cổ khiếp chi hạ dữ luận văn ư đường thượng, ngữ chi viết: “Học dục kỳ bác, vô thiển, dĩ tạc thức dục kỳ trác, dĩ bác phương kim. Minh thánh viễn lãm, xiển lãng nhân văn, cột dương Phong Nhã(32), đào chú Điển Phần(33); hóa tương long ư Thái thượng. Đạo lưu nhất hồ thánh chân…” - Dịch nghĩa: “Trong một buổi nhàn hạ, vị Tiên sinh ở Quốc tử giám, bên cạnh có mấy bài luận văn, đang ngồi chơi ở giảng đường, ông nói với học trò rằng: “Sự học là muốn có kiến thức uyên bác, chớ nông cạn, cần phải đào sâu suy nghĩ để có được hiểu biết cao xa, chớ hẹp hòi hoặc bác tạp. Phàm bậc thánh minh luôn nhìn xa, để xiển dương, sáng tỏ nhân văn, phát huy Phong Nhã, đào chú Điển Phần, để cải hóa và có dầy dặn kiến thức ở trước nhà vua. Đạo học phải thông tỏ, thống nhất ở nơi đích thực của các bậc thánh…”. Đó là điều, ta thấy Bảng nhãn Vũ Duy Thanh đã có cái nhìn về sự học giống với bậc đại Nho Hàn Dũ vừa nói ở trên.

Bài Thạch Hà Trương công thăng thụ Hình bộ Thượng thư, huyện thân hạ tự (Đại nhuận) (Văn thân huyện Thạch Hà mừng ông họ Trương(34)được thăng lên chức Hình bộ Thượng thư (Nhuận sắc thay), cũng có nhà nhiều câu văn hay, sử dụng hình ảnh đẹp, như:

- Long Hưng vân chí, đồng sinh phượng minh, phù cố hữu thiên giả, tồn yên”. Dịch nghĩa: Rồng có bay lên, thì mây mới có chỗ tụ lại, cây ngô đồng có sinh ra, thì phượng hoàng mới có chỗ để kêu hót. Phàm mọi sự vật trên muốn vững bền và tồn tại được là vì có trời vậy!

Bài Đề Tam hữu đồ tịnh tự thuyết chí (Đề bức tranh “Ba người bạn”, cùng bài tự) là một bài tạp văn khá hay và ngắn gọn. Bảng nhãn Vũ Duy Thanh viết: “Dư ngẫu nhàn tọa, cố đông bích gian, đa điểm ô tích, nhân dĩ ngốc bút nhu mặc, hý tùy ô tích vi họa, sậu thành sổ phong, dĩ vi hữu “Sơn”; bất khả vô thụ. Toại thành “Mai” nhất; hựu dĩ vi thụ; bất khả độc; kế thành “Tùng”, “Trúc”, vi “Tam hữu”(35).

Hữu Sơn, hữu Thụ, bất khả vô Cầm; nhân tả hạc, lập phong đầu; mi du cốc khẩu, các thành song yên. Nhân chiếm nhất tuyệt; dĩ kỷ kỳ thực. Hốt ức Phan, Lê lưỡng quân tử, hựu vi thuyết dĩ quảng chi, tịnh chí kỳ hậu vân:

Mai cù, trúc sấu hợp tùng trinh

Đạm bạc tương tao ngẫu nhĩ thành

Nhất hác gian tình, mi cộng viễn

Sổ phong dật trí, hạc đồng thanh”.

Dịch nghĩa:

Ta ngẫu nhiên có một buổi nhàn hạ, ngồi ngắm bờ tường phía Đông, thấy khá nhiều những vết ố, nhân đó, bèn lấy chiếc bút lông cùn thấm vào đĩa mực, cứ theo những vết ố mà vẽ đùa, chẳng mấy chốc, thành dăm ngọn núi. Ta cho rằng đã có núi, thì không thể không có cây cối. Lại vẽ một cây Mai. Ta lại cho rằng đã có cây, thì không thể đứng một mình. Tiếp đó, vẽ luôn Tùng, Trúc [để cùng với Mai] làm thành ba người bạn.

Nhưng có núi, có cây rồi không thể không có bầy cầm thú, vì thế vẽ một con hạc đậu trên đầu ngọn núi, và một con Nai lững thững trước cửa hang núi, để cho thành một đôi vậy! Nhân đó khẩu chiếm một bài thơ tứ tuyệt để ghi lại sự việc. Rồi bỗng nhớ đến hai bậc quân tử họ Phan, họ Lê, lại làm thêm một bài Thuyết để mở rộng nghĩa, cũng ghi chép lại có cuối bài. Thơ rằng:

Mai gầy trúc võ, với tùng trinh.

Đạm bạc ngẫu nhiên hóa bạn lành.

Ngòi nước mát trong nai thấp thoáng

Đỉnh non nhàn nhã hạc cao thanh.

Ngoài một vài bài, tôi vừa trích dẫn ở trên, Bảng nhãn Vũ Duy Thanh còn nhiều bài tản văn khá hay, nội dung vừa hàm súc vừa uyên bác, như bài: Đông song mộng thuyết, trình Vũ Đông Dương (Nói về giấc mộng bên cửa sổ phía Đông, gửi Vũ Đông Dương(36)); Đề Linh Tế tháp ký hậu (Đề ở dưới bài Linh Tế tháp ký(37)); Linh Tế tháp ký giải (Giải thích rõ về bài ký tháp Linh Tế [của Trương Hán Siêu]); Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký phê bình (Phê bình bài ký tháp Linh Tế ở núi Dục Thúy), v.v… Tuy nhiên, trong giới hạn của một bài tạp chí, chúng tôi không thể viết dài hơn được. Do vậy, hy vọng trong một tương lai gần, được trở lại vấn đề này, chúng tôi xin bàn kỹ, để bạn đọc hiểu rõ hơn về nội dung và nghệ thuật thơ ca cũng như sự uyên bác, hàm súc trong các bài tản văn của Vũ Duy Thanh.

Để tạm kết bài này, tôi xin rút ra một vài nhận xét dưới đây:

1. Vũ Duy Thanh là một danh nhân lịch sử, một nhà thơ tài năng sống và hoạt động vào nửa đầu thế kỷ XIX. Ông là nhà khoa bảng lớn, là người đỗ vào hàng cao nhất trong lịch sử khoa cử Nho học (1807-1919), dưới triều Nguyễn. Lịch sử khoa cử Nho học triều Nguyễn, không lấy Trạng nguyên, chỉ lấy đỗ 2 vị Bảng nhãn (tức Đệ nhất giáp, Tiến sĩ cập đệ, Đệ nhị danh) là: Phạm Thanh (1821-?) đỗ Bảng nhãn, Chính khoa Tân Hợi (1851) và Vũ Duy Thanh đỗ Bảng nhãn, Chế khoa Cát sĩ Tân Hợi (1851), cùng dưới triều vua Tự Đức (1848-1883).

Người đời tiếc cho tài năng của Vũ Duy Thanh, cho rằng tài của ông đáng Trạng nguyên, nên đương thời gọi ông là “Trạng Bồng” (Ông Trạng nguyên làng Bồng).

Như chúng ta đều biết, hoạn lộ của Vũ Duy Thanh không dài, các chức quan mà ông phụ trách đều thiên về công việc giáo dục, văn hóa như: Hàn lâm viện Thị độc, Quốc lử giám Tế tửu, tuy nhiên, không vì thế mà ông tỏ ra xao nhãng với các công việc chính trị trọng đại thời bấy giờ. Năm 1858, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn, phần lớn muốn nghị hòa, Vũ Duy Thanh và một số người cùng chí hướng với ông, đều cho rằng “Phải đánh mới định được đại cục”. Vũ Duy Thanh dâng sớ lên vua Tự Đức xin tăng cường lực lượng quốc phòng, chấn chỉnh việc nội trị, cải cách học thuật, văn hóa, kinh tế. Sớ dâng lên, không được vua Tự Đức chấp thuận, Vũ Duy Thanh ngày đêm nghiên cứu Binh thư, rồi viết Bình Tây thất sách (Bẩy sách lược bình giặc Pháp), và còn trích tiền lương của mình để mua sắm vật liệu, với ý định đóng thuyền thủy chiến có hỏa pháo để chống lại tàu chiến của Pháp. Nhưng công việc chưa xong, thì Vũ Duy Thanh đột ngột đi vào cõi vĩnh hằng…

2. Cuộc đời làm quan của Vũ Duy Thanh, tuy có một vài trắc trở, nhưng như ông tự nhận xét, cũng có nhiều vinh dự… Có được điều đó, là vì Vũ Duy Thanh luôn luôn là một vị quan thanh liêm, mẫu mực. Trên cương vị là Tế tửu Quốc tử giám, vị Hiệu trưởng của Trường cao cấp Nho học đứng đầu cả nước thời bấy giờ, ông là bậc thầy đạo cao, đức trọng luôn tận tụy với việc đào luyện nhân tài cho đất nước.

Trên cương vị là một nhà trước thư, lập ngôn, Bảng nhãn Vũ Duy Thanh để lại cho hậu thế một số tác phẩm, trong đó có giá trị hơn cả là: Bồng Châu thi văn tập, mà chúng tôi vừa giới thiệu sơ lược nội dung ở trên.

Tôi thật lấy làm tiếc rằng: Hiện nay giới nghiên cứu văn hóa nói chung, nghiên cứu văn học nói riêng chưa biết nhiều về các tác phẩm thi văn của Vũ Duy Thanh. Ở trên, tôi đã nhắc đến bộ thi tuyển Văn Đàn bảo giám của Trần Trung Viên, có tuyển chọn 7 bài thơ Thất ngôn bát cú của ông. Thế mà, vào tháng 10 năm 2004, trong Từ điển Văn học (Bộ mới), do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành, khổ 19x27cm, dày 2182 trang, không có tên Vũ Duy Thanh! Trong số 23 nhà thơ, nhà văn họ Vũ có tên trong bộ Từ điển Văn học này, thì mở đầu là Nhà thơ, nhà văn Vũ Anh Khanh (1926 -1956)và kết thúc là Nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939). Tôi đã đọc tất cả tiểu sử và sự nghiệp thi ca, tản văn của 23 nhà thơ, nhà văn họ Vũ nói trên, thấy rằng đều rất xứng đáng được vinh danh trong bộ từ điển dày dặn này! Nhưng tôi nghĩ thầm trong bụng rằng: “Giá như hỏi một vài vị nhà thơ, nhà văn họ Vũ ấy, thử so sánh thi tài, văn tài của mình với cụ “Trạng Bồng - Bảng nhãn Vũ Duy Thanh”, thì không biết họ sẽ nghĩ sao đây?!”.

Điều đó, đặt ra cho giới nghiên cứu Sử học, Văn học hiện nay một trách nhiệm thiết thực cần tiến hành ngay là: Dịch những tác phẩm chữ Hán, đặc biệt là bộ Bồng Châu thi văn tập(38)của Vũ Duy Thanh, và cho xuất bản để công bố rộng rãi.

Tôi thiết nghĩ, nếu làm được như vậy, không chỉ là việc tôn vinh một danh nhân lịch sử, danh nhân văn hóa của Việt Nam ở thế kỷ XIX, mà còn quan trọng hơn, chúng ta đã góp phần giới thiệu một tác gia tầm cỡ, còn ít người biết tới cho độc giả hiện tại.

3. Có thể khẳng định Vũ Duy Thanh là một danh nhân văn hóa, có những đóng góp rất đáng ghi nhận đối với tiến trình lịch sử văn hóa của nước nhà. Với những trước tác của mình, nhất là tác phẩm Bồng Châu thi văn tập, Vũ Duy Thanh xứng đáng được coi là một tác gia tên tuổi của nền văn học Việt Nam vào thế kỷ XIX.

Tôi hoàn toàn tin rằng: Nếu làm được các điều trên đây, một cách trọn vẹn, thì nhân dân mọi miền đất nước, trong đó có nhân dân Yên Khánh - Ninh Bình sẽ tin yêu cuộc sống hơn, trân trọng những gì thuộc về quá khứ vẻ vang của dân tộc hơn. Và, tại cõi vĩnh hằng kia, cụ “Bảng Bồng - Vũ Duy Thanh” chắc sẽ hài lòng và mãn nguyện đôi phần.

Chú thích:

(1) Đại Nam chính biên liệt truyện. Nxb. Thuận Hóa, Huế 1993, tập 4, tr.304.

(2) Cao Xuân Dục: Quốc triều Hương khoa lục. Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh. 1993, tr.243.

(3) Cao Xuân Dục: Quốc triều đăng khoa lục. Trung tâm Học liệu xb, Sài Gòn. 1961, tr.121.

(4) Đại Nam chính biên liệt truyện. tập 4, Sđd, tr.305.

(5) Lược truyện các tác gia Việt Nam. Trần Văn Giáp chủ biên, tập 1, Nxb. Sử học, H. 1962, tr.437.

(6) Các nhà khoa bảng Việt Nam. Ngô Đức Thọ chủ biên, Nxb. Văn học, H. 1993, tr.839.

(7) Nguyễn Phó bảng: tức Nguyễn Ngạn , người xã Áng Ngũ, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình (nay thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Sau đổi tên là Nguyễn Tiến Khanh. Đỗ Phó bảng khoa Kỷ Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1849). Làm quan đến Đốc học.

(8) Tứ thưLuận ngữ, Đại học, Trung Dung, Mạnh tử.

(9) Ngũ KinhThi - Thư - Lễ - Dịch - Xuân Thu.

(10) Âu lão: Ông già họ Âu, tức Âu Dương Tu (1007-1072), tự là Vĩnh Thúc , hiệu là Lục Nhất Túy Ông , quê ở Lô Lăng (nay là tỉnh Giang Tây). Ông đỗ Tiến sĩ năm 1030, làm chức Quán các Hiệu khám ở triều. Mười năm sau mới được làm chức Hàn lâm viện Học sĩ và được giao soạn bộ Tân Đường thư, 222 quyển. Soạn xong bộ sách trên, ông được thăng Hàn lâm viện Thị độc, rồi Khu mật Phó sứ, cuối cùng làm tới chức Binh bộ Thượng thư. Ông trước tác nhiều, ngoài bộ Tân Đường thư, ông còn tự soạn bộ Tân Ngũ đại sử, 75 quyển.

(11) Hàn Văn công tức Hàn Dũ (768 - 824): tự làThoái Chi退, đỗ Tiến sĩ năm 792. Năm 796, ông làm chức Quán sát, sau được làm chức Giám sát Ngự sử, rồi Sứ quán Tu soạn, cuối cùng được thăng tới Hình bộ Thị lang. Hàn Dũ có danh vọng trên văn đàn nhờ có tài về cổ văn và nhiệt thành bênh vực đạo Nho.

(12) Trong Văn đàn bảo giám, ngoài 7 bài thơ Thất ngôn bát cú nói trên, soạn giả Trần Trung Viên còn tuyển bài Cổ Kinh danh thắng, một bài Biền phú, hạn vận, ca ngợi cảnh đẹp của Cổ Kinh đô Hoa Lư.

(13) Viên Mai: Tùy Viên thi thoại. Nxb. Giáo dục, H. 1999. Bản dịch của Nguyễn Đức Vân, tr.59.

(14) Cao Xuân Dục: Quốc triều đăng khoa lục. Trung tâm học liệu xb, Sài Gòn 1961, tr.121-122.

(15) Đường - Tống bát đại gia: Tám đại gia thời Đường - Tống, gồm có:

- Thời Đường: Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên

- Thời Tống: Âu Dương Tu, Tăng Củng, Vương An Thạch, Tô Tuân, Tô Thức (Tô Đông Pha), Tô Triệt.

(16) Tiên Tần: tức trước đời Tần (221 TCN - 206 TCN). Chủ yếu chỉ thời kỳ: Xuân Thu (770 TCN - 480 TCN) và Chiến Quốc (480 TCN - 221 TCN).

(17) Lưỡng Hán: Hai đời Hán, tức: Tiền Hán (206 TCN-8 SCN) và Hậu Hán (24-220).

(18) Diêu: họ của vua Thuấn; Tự: họ của vua Vũ.

(19) Chu Cáo, gồm có: Đại Cáo, Tửu Cáo, Khang Cáo, Lạc Cáo, Thang Cáo.

(20) Ân Bàn, gồm 3 thiên Bàn Canh: Thượng, Trung, Hạ.

(21) Thái sử công, tức Tư Mã Thiên, tác giả bộ Sử ký nổi tiếng.

(22) Tử Vân: là tên tự của Dương Hùng (53 TCN - 18 SCN), nhà tư tưởng nổi tiếng thời Tiền Hán. Tác phẩm có: Thái Huyền, Pháp Ngôn

(23) Tương Như: tức Tư Mã Tương Như (179 - 117 TCN), người Thành Đô, tự Tràng Khanh, rất đa tài, văn hay đàn giỏi. Ông là một tác giả nổi tiếng nhất về phú, có các tác phẩm: Tử hư phú, Đại nhân phú, Mỹ nhân phú, Trường môn phú

(24) Xuân Thu: tức Kinh Xuân Thu, bộ sử nước Lỗ do Khổng Tử (551 - 479 TCN) soạn.

(25) Tả thị: tức Tả truyện của Tả Khâu Minh, giải thích nội dung Kinh Xuân Thu, vì vậy còn được gọi là Xuân Thu Tả truyện.

(26) Sách của Trang Chu: chỉ bộ Nam Hoa kinh của Trang Tử.

(27) Ly Tao: bài thơ theo thể Sở từ của Khuất Nguyên (343 - 277 TCN), một bài thơ trường thiên, có 370 câu tả tâm sự của ông.

(28) Chỉ bộ Sử ký của Tư Mã Thiên.

(29) Tiên sinh: chỉ Tư Mã Tương Như.

(30) Tôn sinh: tức số con em trong tôn thất nhà Nguyễn học tại Quốc tử giám.

(31) Đại Nam chính biên liệt truyện. Sđd, tập 4, tr.305.

(32) Phong Nhã: chỉ Kinh Thi. Kinh Thi có 3 phần: Phong - Nhã - Tụng. Ở đây dùng để phiếm chỉ thi ca cổ điển của Trung Hoa.

(33) Điển Phần: chỉ Tam phần - Ngũ điển.

- Tam phần: chỉ thư tịch cổ của các đời Phục Hy - Thần Nông - Hoàng Đế, để nói về Đại đạo.

- Ngũ điển: chỉ thư tịch cổ của các đời Thiếu Hạo, Chuyên Húc, Cao Tân, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn.

(34) Ông họ Trương: tức Trương Quốc Dụng (1797-1864), người xã Phong Phú, huyện Thạch Hà (nay thuộc xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1829). Lúc đầu được bổ chức Hàn lâm viện Biên tu, thăng Lang trung Bộ Hình. Phạm lỗi phải đi hiệu lực. Sau được phục dụng điều đi Án sát Quảng Ngãi, Hưng Yên, về Kinh sung làm Kinh diên Giảng quan. Sau thăng Hình bộ Thượng thư, kiêm Quốc sử quán Tổng tài, được điều làm Thống đốc Hải An quân thứ (Hải Dương - Quảng Yên). Ông tử trận trong khi dẹp cuộc phiếm loạn của Tạ Văn Phụng ở Quảng Yên năm 1864.

(35) Tam hữu: Văn chương cổ điển Trung Hoa, Việt Nam… thường lấy hình tượng tùng, trúc, mai làm biểu tượng cho sự can đảm, khí tiết, chịu đựng được cái rét và sương tuyết của mùa Đông, gọi là “Đông hàn tam hữu” (Ba người bạn chịu được cái rét mùa Đông). Ở đây ám chỉ bậc kẻ sĩ quân tử có khí phách trượng phu “Uy vũ bất năng khuất” (Mạnh Tử).

(36) Vũ Đông Dương: tức Vũ Phạm Khải (1807-1872), tự là Đông Dương, hiệu là Ngu Sơn và Dưỡng Trai, quê xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Đỗ Cử nhân khoa Tân Mão (1831), làm quan tới chức Hàn lâm Trực học sĩ, quyền biện Bố chánh Thái Nguyên. Ông là người đứng đầu phái chủ chiến trong triều đình Tự Đức. Tác phẩm có: Ngu Sơn toàn tập, gồm 3 quyển thơ, 15 quyển văn.

(37) Linh Tế tháp ký: tên cả bài là Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký (Bài ký tháp Linh Tế ở núi Dục Thúy) của Trương Hán Siêu (? - 1354) là một danh Nho học vấn sâu rộng vào nửa đầu thế kỷ XIV đời Trần.

(38) Tôi được nhà nghiên cứu Phạm Như Thơm (Viện Sử học), photocopy cho 1 bản dịch ra tiếng Việt bộ Bồng Châu thi văn tập, không thấy ghi tên người dịch!. Tuy nhiên, sau khi đọc kỹ bản dịch này và đối chiếu với nguyên tác chữ Hán, tôi nhận thấy bản dịch chất lượng thấp, không thể đem ra xuất bản được./.

(Tạp chí Hán Nôm, số 6 (121), tr.29-42)

Tải về nội dung chi tiết tại đây:
In
Lượt truy cập:

Từ khóa » Cát Trong Hán Nôm