Cua Biển Cà Mau

Tỉnh Cà Mau có chiều dài bờ biển 254 km, gần 70.000 ha đất rừng ngập mặn và trên 250.000 ha đất nuôi tôm kết hợp với các loài thủy sản khác nên sản lượng cua biển ở Cà Mau luôn dẫn đầu trong cả nước. Cua biển là một trong những mặt hàng có giá trị kinh tế cao và được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng.

Cua làm hang trên vùng đất bãi bồi để trú ngụ. Ảnh: Huỳnh Lâm

Những năm đầu giải phóng, vùng đất ngâp mặn ven biển của Cà Mau đa phần còn hoang hóa, ít bóng người nên cua biển cùng với nhiều loài thủy sản khác ở Cà Mau thì nhiều vô số kể. Vào những ngày nước rong (khoảng thời gian rằm và 30 âm lịch hàng tháng) thì cua, tôm, cá kèo… cứ đua nhau đi gần như đặc những tuyến sống. Thời ấy, những ông chủ hàng đáy sau khi đổ đục thì lúc nào cũng có 4 đến 10 cần xé (loại từ 50 đến 100kg) cua. Cua lớn có, cua nhỏ có. Chủ hàng đáy chỉ bắt những loại cua gạch son để bán cho được giá, còn những loại cua ốp (ít gạch) hoặc cua nhèm (cua nhỏ) thì đập chết để chúng khỏi đi vào hàng đáy nữa hoặc cứ đổ bỏ xuống sông.

Bắt cua trong rừng đước Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Lâm

Cua biển con phần lớn được sinh sản ngoài cửa biển rồi theo con nước, cua lần vào các nhánh sông, rạch, ao, đầm thuộc vùng nước mặn, lợ để đào hang sinh sống, trú ngụ. Ngoài việc đóng đáy, ngư dân còn giăng câu, đặt rập, đào hang để bắt cua. Cua thiên nhiên nhiều nhất ở vùng rừng ngập mặn Cà Mau. Khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8 âm lịch hàng năm là mua cua hội, cua tìm đến bạn tình để trao duyên. Thời điểm này cua rất ngon, đầy gạch và chắc thịt.

Đặt rập cua. Ảnh: Huỳnh Lâm

Hiện nay, cua biển trong thiên nhiên ở Cà Mau đã giảm sút nghiêm trọng do áp lực gia tăng dân số và sự tàn phá, săn bắt của con người. Do đó, phần lớn cua biển ở Cà Mau được nuôi kết hợp trong các ao đầm nuôi tôm quảng canh hoặc nuôi tập trung theo mô hình quảng canh cải tiến, thả mồi cho cua ăn và chờ đến ngày cua lớn thì tiến hành thu hoạch. Trong đó, ao đầm nuôi cua ở Cà Mau là vùng đất bãi bồi ven biển, phù sa giàu khoáng chất, sinh vật biển rất phát triển nên nguồn thức ăn cho cua biển rất dồi dào.

Bắt cua là nghề mưu sinh của cư dân vùng rừng ngập mặn. Ảnh: Huỳnh Lâm

Nhờ được nuôi trong môi trường tự nhiên nên cua vận động nhiều, thịt săn chắc, không nhiễm độc hay bị bơm chích tạp chất. Thịt cua biển Cà Mau vừa chắc, vừa thơm, vừa ngọt, vừa bùi và gạch cua thì béo ngậy không chê vào đâu được.

Cua biển Cà Mau – mặt hàng hải sản xuất khẩu có giá trị kinh tế của Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Lâm

Cua biển Cà Mau còn là một loại thực phẩm tươi sống, là món ăn bổ dưỡng cho cả người lớn và trẻ em. Cua biển còn chữa được một số bệnh như thiếu can xi, còi xương, suy dinh dưỡng... Cua biển Cà Mau được xem loại cua biển là ngon nhất nước bởi hàm lượng mỡ thấp, protein cao, dồi dào về khoáng chất và vitamin. Do đó, nhiều nhà hàng, quán ăn hải sản nào tại các thành phố lớn trong cả nước dù bán cua biển nơi đâu, hay ở xứ nào cũng đều quảng cáo là cua biển Cà Mau. Hiện nay, cua biển Cà Mau không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Singapo…

Cua luộc – một món ngon khoái khẩu. Ảnh: Huỳnh Lâm

Cua biển có nhiều loại. Cua gạch (cua đã vào giai đoạn sinh sản), cua cốm (cua 2 da - cua sắp lột), cua càng trắng, cua càng đỏ, cua càng sen, cua yếm vuông (còn gọi là cua trinh nữ - cua cái nhưng chưa có cua đực ôm, chưa được giao phối).

Gạch son cua biển – món ăn giàu dinh dưỡng. Ảnh: Tư liệu

Cua biển Cà Mau có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon và hấp dẫn như cua nướng, cua luộc, rang muối, rang me, nấu bánh canh, lẩu riêu… Tùy thuộc vào cách chế biến của từng món ăn mà chọn cua cho phù hợp. Tuy nhiên, cua gạch son thì chế biến vào bất kỳ món ăn nào cũng ngon và hấp dẫn. Ngon nhất có lẽ có dùng để nấu bánh canh, luộc, nướng mọi, rang muối, rang me.

Ngoài việc chế biến các món ăn tại chỗ, cua biển còn là đặc sản của vùng Đất Mũi Cà Mau để làm quà tặng cho bạn bè, người thân.

Từ khóa » đi Bắt Cua Biển ở Cà Mau