Cửa Hàng Treo Biển 'hết Xăng': Găm Hàng Trục Lợi? - Tiền Phong

Cần phối hợp với cảnh sát kinh tế vào cuộc làm rõ

Dường như có vẻ bất thường nhưng lại thường xảy ra, mỗi khi xăng dầu chuẩn bị tăng giá, lại xuất hiện tình trạng treo biển “hết xăng”. Ông thấy sao về điều này?

Cửa hàng treo biển 'hết xăng': Găm hàng trục lợi? ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

Quả thật, việc cửa hàng treo biển “hết xăng” trước mỗi lần xăng dầu chuẩn bị tăng giá, gây bất bình trong dư luận, xã hội. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, mọi người dân đều phải sử dụng. Chẳng lẽ xe hết xăng, cửa hàng không bán, người dân phải dắt bộ xe về nhà, hay phải xếp hàng đứng đó đợi xăng về?

“Bộ Công Thương cần phối hợp với cảnh sát kinh tế vào cuộc làm rõ, xem có sự móc nối, găm hàng trục lợi từ phía nhà phân phối hay không? Còn với các cửa hàng đại lý, Sở Công Thương các tỉnh, thành cùng chi cục quản lý thị trường phải có trách nhiệm kiểm tra, làm rõ”.

Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Tình trạng treo biển “hết xăng” đã trở thành câu chuyện muôn thủa, báo chí liên tục phản ánh, nhưng tại sao nó vẫn xảy ra? Đặc biệt vào mỗi dịp điều chỉnh lớn, như vào chiều 11/3, trước thông tin xăng tăng 3.000 đồng lít, người dân lại xếp hàng, và báo chí lại phản ánh nơi này, nơi kia “hết xăng”, rồi lần sau lại tái diễn…

Vậy trách nhiệm của Bộ Công Thương, cơ quan quản lý thị trường trong việc này ra sao?

Về mặt trách nhiệm, Bộ Công Thương, cơ quan quản lý thị trường có thanh tra, kiểm tra, xử lý vấn đề này hay không là một vấn đề rất lớn đặt ra. Nếu có kiểm tra, thanh tra đầy đủ, phải công bố cho người dân rõ cây xăng nào găm hàng, trục lợi. Nguyên nhân hết hàng là gì? Nếu cố tình găm hàng chờ giá lên, có bị phát hiện, xử lý không, mức độ xử lý như thế nào?

Thậm chí, cần phải xem xét, làm rõ xem liệu có sự câu kết, móc ngoặc giữa cửa hàng xăng dầu với cán bộ có trách nhiệm trong việc này không? Có sự bao che, trục lợi không?... Bộ Công Thương cần chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành và cơ quan quản lý thị trường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng này.

Ngoài cửa hàng xăng dầu bán ra thị trường, theo ông có cần phải làm rõ hành vi của cả doanh nghiệp đầu mối?

Cửa hàng treo biển 'hết xăng': Găm hàng trục lợi? ảnh 2

Cây xăng phố Trần Phú (Hà Đông) lúc 11h trưa ngày 11/3 treo biển hết xăng, hết hàng. Ảnh: Trọng Tài

Đúng vậy. Ngoài các cửa hàng xăng dầu bán trực tiếp cho người dân cũng cần phải làm rõ, xem doanh nghiệp đầu mối cung cấp xăng dầu cho các cửa hàng có cung ứng đầy đủ không. Cần phải làm rõ xem chính bản thân doanh nghiệp đầu mối có găm hàng, trục lợi không? Phải chăng, vì anh biết rõ giá xăng dầu chuẩn bị lên, mới cố tình, hoặc viện lý do nào đó để không cung cấp, hoặc cung cấp không đầy đủ xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý, nên mới xảy ra tình trạng khan hiếm, không đủ xăng bán? Hay doanh nghiệp đầu mối đã cung cấp đầy đủ, nhưng các cửa hàng lại găm hàng chờ lên giá?

Có thể nói, lợi nhuận họ thu về từ việc găm hàng này rất lớn, trong khi đó người dân phải chịu khổ, bức xúc. Vì thế, cơ quan chủ quản cần làm rõ trắng đen, cửa hàng nhỏ lẻ hay đơn vị đầu mối, hay cả hai đều găm hàng trục lợi. Bộ Công Thương cần làm rõ để trả lời cho công luận. Cửa hàng treo biển “hết xăng”, phải có bàn tay nào đó làm việc này chứ? Bản thân tôi cũng rất hoài nghi, có khi cả doanh nghiệp đầu mối cung cấp và cây xăng bán lẻ đều “găm hàng” chờ giá lên.

Điều chỉnh thuế, áp dụng từ 1/4 là phù hợp

Liên quan đến việc điều chỉnh thuế môi trường với xăng dầu, Bộ Tài chính lúc đầu đề xuất giảm 1.000 đồng/lít xăng, 500 đồng/lít dầu, sau đó lại chốt mức điều chỉnh dự kiến giảm 2.000 đồng với xăng, và 1.000 đồng với dầu. Theo ông, điều chỉnh ở mức nào phù hợp nhất?

Đây là vấn đề rất được quan tâm và nhiều chuyên gia cũng đã cho ý kiến về vấn đề này. Điều chỉnh thuế để giảm giá xăng dầu là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi mức giảm bao nhiêu là phù hợp, Bộ Tài chính, Công Thương và các bộ, ngành khác cần phải tính toán cụ thể trước khi trình lên Chính phủ. Chúng ta đều biết, tăng thuế sẽ đánh vào người dân, còn giảm thuế sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, nên sẽ tác động trực tiếp tới từng hộ gia đình và toàn bộ nền kinh tế.

Đặc biệt, trong thời gian qua, giá xăng dầu luôn có sự biến động, liên tục tăng giá, lập đỉnh cao nhất trong nhiều năm qua. Đời sống, thu nhập của người dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn; còn nền kinh tế vừa bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi, lại vướng ngay rào cản lớn vì giá xăng dầu quá cao.

Ông nghĩ sao về thời gian áp dụng, liệu có thể thực hiện sớm hơn so với đề xuất từ 1/4?

Dù rất muốn nhanh hơn, sớm hơn, nhưng tôi cho rằng việc này rất khó. Theo tôi, chính sách này được áp dụng từ đầu tháng 4 tới theo đề xuất của Bộ Tài chính là phù hợp, khó có thể nhanh hơn được. Bởi việc điều chỉnh như vậy cũng phải có nhiều quy trình, Bộ Tài chính dự thảo, xin ý kiến, rồi trình ra Chính phủ chốt phương án cụ thể, sau đó mới trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, sau đó mới ban hành được.

Quá trình này thường mất nhiều công đoạn, trong khi hiện nay đã vào thời điểm gần giữa tháng 3 rồi, như vậy chỉ còn khoảng nửa tháng nữa để chuẩn bị, trước khi ban hành và chính thức có hiệu lực. Các chính sách điều chỉnh khác cũng thường được ban hành vào đầu tháng, vì thế theo tôi, thời gian áp dụng từ 1/4 là hoàn toàn phù hợp.

Cảm ơn ông!

Thành Nam (thực hiện)

Từ khóa » Treo Biển Hết Xăng