Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh Tự Hào Truyền Thống Vẻ Vang Qua 69 ...
Có thể bạn quan tâm
Cục Quản lý xuất nhập cảnh (XNC) tiền thân là Phòng Quản lý ngoại kiều, Phòng Công an Biên phòng được thành lập từ năm 1953 theo Nghị định số 74 ngày 13/5/1953 của Thứ Bộ Công an (nay là Bộ Công an) quy định về tổ chức của Thứ Bộ và Công an các địa phương. Ngày 13/5 trở thành Ngày thành lập Cục Quản lý XNC.
Qua các giai đoạn xây dựng và phát triển, tên gọi và tổ chức bộ máy có khác nhau nhưng chức năng chính của Cục Quản lý XNC vẫn là thực hiện quản lý nhà nước về nhập xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài (NNN) tại Việt Nam và XNC của công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp công tác nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam về XNC.
Trải qua 69 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, qua các thời kỳ cách mạng, cán bộ chiến sĩ Cục Quản lý XNC đã phát huy bản chất anh hùng cách mạng, truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân, luôn luôn trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng Cộng sản Việt Nam, tận tụy với Nhân dân. Từ lãnh đạo chỉ huy đến cán bộ chiến sĩ không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, đoàn kết, sáng tạo trong công tác, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều thành tích trong lĩnh vực bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự xã hội, góp phần phục vụ đắc lực đường lối đối ngoại, hợp tác quốc tế và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đất nước đặc biệt là trong công cuộc đổi mới hiện nay.
1. Thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc và kháng chiến chống Đế quốc Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1953 - 1975)
Đây là giai đoạn đánh dấu nhiều sự kiện lịch sử của đất nước, trong đó có sự ra đời của Lực lượng Quản lý XNC. Thời gian này, các nước XHCN đặt trụ sở cơ quan ngoại giao, các cơ quan chuyên môn, chuyên gia kỹ thuật đến giúp Việt Nam xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH; các nước đế quốc tư bản và dân tộc chủ nghĩa cũng lần lượt đặt cơ quan đại diện tại Hà Nội, cơ quan Uỷ ban quốc tế kiểm sát và giám sát việc thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam vẫn còn hoạt động. Hoạt động ngoại giao, cư trú, đi lại giao dịch, XNC bắt đầu phát triển. Bọn gián điệp, tình báo nước ngoài núp dưới danh nghĩa cơ quan ngoại giao, báo chí, thương mại… ráo riết hoạt động thu thập tin tức. Do đó, công tác quản lý nhà nước được khẩn trương đặt ra trên nhiều mặt, trong đó có công tác quản lý ngoại kiều và công tác kiểm soát qua lại biên giới của nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Ngày 13/5/1953, lần đầu tiên Thứ Bộ Công an ra văn bản quy định rõ tổ chức bộ máy của đơn vị quản lý người nước ngoài (quản lý ngoại kiều) và quản lý cửa khẩu quốc tế (Công an Biên phòng) nằm trong hệ thống tổ chức của Vụ Trị an hành chính thuộc Thứ Bộ Công an. Đơn vị quản lý người nước ngoài và quản lý cửa khẩu quốc tế (ngày nay gọi chung là Lực lượng Quản lý XNC) được chính thức nằm trong sơ đồ tổ chức ở Công an Trung ương (Cơ quan Thứ Bộ Công an) và Công an địa phương (Công an Liên khu).
Ngày 24/5/1967, Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định thành lập “Phòng công tác về người nước ngoài” và chuyển đơn vị này từ lực lượng cảnh sát sang lực lượng bảo vệ chính trị thuộc hệ đấu tranh chống gián điệp (gọi là Phòng 3 của Cục K48). Từ đó, Phòng công tác về người nước ngoài cùng với các phòng trinh sát khác của lực lượng Bảo vệ chính trị đã phối hợp chặt chẽ giữa biện pháp quản lý hành chính với biện pháp trinh sát nghiệp vụ, phục vụ kịp thời công tác phản gián của ngành Công an.
2. Trong giai đoạn đất nước giành độc lập thống nhất đến trước thời kỳ đổi mới (1975 - 1986)
Tháng 5/1975, Đoàn Công an nhân dân vũ trang sân bay Tân Sơn Nhất được thành lập, do Bộ Tư lệnh Công an vũ trang quản lý, có nhiệm vụ kiểm soát người và phương tiện xuất, nhập, quá cảnh và phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong và ngoài ngành giữ gìn an ninh chính trị và TTATXH tại địa bàn cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, Cục Quản lý XNC đã khẩn trương thực hiện đăng ký quản lý hàng trăm nghìn NNN bị kẹt lại miền Nam, tiếp thu quản lý các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự các nước đồng minh Mỹ - Ngụy.
Ngày 28/02/1977, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng Không dân dụng Việt Nam ra Quyết định số 239/QĐTC v/v chuyển sân bay quân sự Đa Phúc thành sân bay quốc tế Nội Bài; Ngày 02/01/1978 sân bay quốc tế Nội Bài chính thức tiếp nhận chuyến bay quốc tế đầu tiên. Lúc này lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát và phục vụ các chuyến bay tại cửa khẩu sân bay Nội Bài có 3 cơ quan chính là Hàng Không, Hải Quan và Công an.
Ngày 25/01/1980, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 22-CP thành lập Cục Cảnh sát cửa khẩu thuộc Bộ Nội vụ (ký hiệu là KH8) với nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ nghiên cứu và chỉ đạo công tác quản lý quy chế hành chính ở cửa khẩu; phối hợp với các Vụ, Cục chuyên môn nghiệp vụ của Bộ trong công tác bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH ở biên giới, bờ biển, hải đảo và trực tiếp chỉ đạo các Đồn cảnh sát ở hai sân bay Gia Lâm và Nội Bài thuộc Thủ đô Hà Nội. Cục Cảnh sát cửa khẩu do một Cục trưởng phụ trách, một số Phó cục trưởng giúp việc và có 7 đơn vị trực thuộc: Phòng Tham mưu, Phòng Chính trị, Phòng Hậu Cần, Phòng Quản lý hành chính cửa khẩu, Phòng Trinh sát cửa khẩu, Trường Hạ sĩ quan cảnh sát cửa khẩu và Đồn Cảnh sát cửa khẩu sân bay Gia Lâm - Nội Bài. Sau khi có quyết định thành lập, Cục Cảnh sát cửa khẩu đã tiếp nhận khu bệnh xá của Bộ Tư lệnh Công an vũ trang (40A Hàng Bài) làm trụ sở làm việc, tiếp nhận các trạm kiểm soát cửa khẩu đường bộ, cảng biển và sân bay từ Công an nhân dân vũ trang bàn giao về Bộ Nội vụ.
Thực hiện Nghị định số 250-CP ngày 12/6/1981 của Hội đồng Chính phủ, ngày 18/6/1981 Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết định số 11/QĐ-BNV quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Tổng cục An ninh nhân dân. Tổ chức bộ máy của Tổng cục An ninh nhân dân gồm 12 vụ, cục trong đó có Cục Quản lý người nước ngoài và XNC và Cục Quản lý cửa khẩu. Ngày 20/12/1981, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 73-BNV về nhiệm vụ, tổ chức Cục Quản lý người nước ngoài và XNC (A18) và Quyết định số 74-BNV về nhiệm vụ, tổ chức Cục Quản lý cửa khẩu (A19) thuộc Tổng cục An ninh. Tháng 6/1981, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định chuyển giao Đồn Công an cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất do Công an Tp. Hồ Chí Minh quản lý về Cục Quản lý cửa khẩu (A19) - Tổng cục An ninh.
Tập thể lãnh đạo và cán bộ chiến sỹ Cục Quản lý xuất nhập cảnh năm 1982
Vấn đề xuất cảnh định cư của người Việt Nam đã sớm trở thành chương trình nhiều nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế quan tâm và tham gia hợp tác. Việc giải quyết cho công dân Việt Nam ra nước ngoài định cư là một mặt công tác quan trọng của Lực lượng Quản lý XNC nói riêng và của Ngành Công an nói chung. Vào thời kỳ này, thành tích nổi bật của ta là đã kiên trì đàm phán, vận động các tổ chức quốc tế và các nước ủng hộ giúp đỡ, đấu tranh với Mỹ yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm hậu quả chiến tranh, nên đã thúc đẩy các chương trình xuất cảnh tiến triển tốt, tranh thủ được sự đồng tình của dư luận quốc tế, đỡ được khó khăn cho nền kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời nhân việc giải quyết xuất cảnh, các biện pháp nghiệp vụ của ngành Công an cũng được triển khai phục vụ tích cực cho bảo vệ an ninh quốc gia.
3. Trong giai đoạn đổi mới từ 1986 đến nay
Ngày 16/07/1988, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết định số 49/QĐ-BNV thành lập Cục Quản lý cửa khẩu, quản lý người nước ngoài, xuất cảnh, nhập cảnh (gọi tắt là Cục Quản lý XNC, số hiệu là A18) trên cơ sở sáp nhập Cục Quản lý người nước ngoài và XNC (A18 cũ) và Cục Quản lý cửa khẩu (A19 cũ). Cục Quản lý XNC trực thuộc Tổng cục Phản gián, là đơn vị nghiệp vụ, có trách nhiệm giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Phản gián thống nhất chỉ đạo, chỉ huy lực lượng quản lý XNC trong cả nước tiến hành các biện pháp công tác quản lý xuất nhập theo đúng pháp luật của Nhà nước và chủ trương của Bộ; phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành động vi phạm pháp luật Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trong cả nước.
Đồng chí Đại tá Nguyễn Cần, Cục trưởng phát biểu tại Đại Hội Đại biểu đảng bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh lần 2 vòng 2 năm 1991
Giải quyết vấn đề người dân tộc thiểu số Tây Nguyên trốn sang Cam-pu-chia: Lực lượng Quản lý XNC đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao thực hiện tốt việc đàm phán với HCR và Cam-pu-chia về việc tiếp nhận người DTTT Tây Nguyên; trực tiếp tổ chức tốt công tác xác minh, đã thực hiện tiếp nhận 751 người DTTS Tây Nguyên hồi hương trong 48 đợt do UNHCR tổ chức trao trả theo Thỏa thuận giữa Việt Nam - Cam-pu-chia - UNHCR. Qua đó tiến hành khai thác, thu thập được nhiều thông tin liên quan đến âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và bọn phản động trong việc tổ chức đưa người DTTS Tây Nguyên vượt biên sang Cam-pu-chia, có kế hoạch chủ động trong công tác đấu tranh phòng, chống người DTTS trốn sang Cam-pu-chia; đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ các chủ trương, biện pháp giải quyết vấn đề này, do đó, tình hình an ninh chính trị ở Tây Nguyên đã dần được ổn định. Ngày 16/02/2011, Chính phủ Cam-pu-chia đã đóng cửa các trại tị nạn dọc biên giới Cam-pu-chia - Việt Nam, khép lại chương trình tiếp nhận người DTTS Tây Nguyên vượt biên sang Cam-pu-chia.
Đấu tranh với phía Mỹ trong việc hợp tác giải quyết cho công dân VN xuất cảnh định cư Hoa Kỳ theo Tiến trình tái định cư nhân đạo (HR): Tháng 11/2003, Chính phủ Hoa Kỳ thông qua đường ngoại giao đề cập với Chính phủ Việt Nam việc mở lại các chương trình di trú của Mỹ tại Việt Nam xem xét cho phép những người trước đây đã hợp tác sang Mỹ định cư. Hai bên đã ký thỏa thuận thực hiện Tiến trình tái định cư nhân đạo và lập nhóm công tác hỗn hợp 2 bên để thực hiện (Tổ công tác HR Việt Nam do đại diện Cục Quản lý XNC làm Tổ trưởng).
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục An ninh, lực lượng Quản lý XNC đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao đàm phán với phía Mỹ; tổ chức thành công các đợt phổ biến thông tin công cộng về HR trên phạm vi 38 tỉnh, thành phía Nam; tổ chức các cuộc họp kỹ thuật với phía Mỹ để giải quyết đúng theo thỏa thuận đã ký, thúc đẩy kết thúc cơ bản Tiến trình HR vào tháng 6/2008. Bên cạnh việc hợp tác với phía Mỹ thực hiện Tiến trình HR, lực lượng Quản lý XNC đã chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong ngành Công an làm tốt công tác phòng ngừa, khẩn trương xác minh các trường hợp nghi vấn, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng các bộ ngành và ban ngành địa phương làm tốt công tuyên truyền, khéo léo điều chỉnh các ý kiến đề nghị của phía Mỹ theo ý đồ của ta, làm cho Chương trình HR của Mỹ chỉ tác động ở một mức độ nhất định, không gây xáo trộn xã hội hoặc tạo dư luận bất lợi về chính trị cho ta.
Đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động của các tổ chức, đối tượng phản động nhập xuất cảnh VN: Qua công tác xét duyệt nhân sự nhập cảnh và kiểm soát ở cửa khẩu sân bay quốc tế, sàng lọc và tiếp nhận người hồi hương từ các nước, lực lượng Quản lý XNC cùng các đơn vị nghiệp vụ đã phát hiện hàng ngàn đối tượng tham gia các tổ chức chính trị phản động ở nước ngoài, trong các trại tị nạn như “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng”, tổ chức “Việt Nam canh tân cách mạng Đảng” gọi tắt là “Việt Tân”, “Liên minh Dân chủ Việt Nam”, “Tân Dân chủ”, “Tập hợp Dân chủ đa nguyên”, “Mặt trận giải phóng quốc gia”… trong đó có nhiều tên đã nhận nhiệm vụ về Việt Nam móc nối, gây cơ sở để thành lập tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới lật đổ chế độ. Lực lượng Quản lý XNC đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tiến hành các biện pháp đấu tranh và vô hiệu hoá số đối tượng này.
Năm 2007, tổ chức “Việt Tân” ráo riết thực hiện kế hoạch “Sang sông” (còn gọi là Kế hoạch Đông tiến 7). Bọn chúng đưa nhiều toán xâm nhập về nước móc nối với số chống đối chính trị, công nhân, người khiếu kiện, học sinh, sinh viên… xây dựng cơ sở tại chỗ hoặc đưa ra nước ngoài huấn luyện phương pháp đấu tranh bất bạo động, kết nạp vào tổ chức, thực hiện ý đồ công khai hóa tổ chức chính trị đối lập, biểu tình phá rối an ninh, rải truyền đơn phản động, đấu tranh xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục An ninh, lực lượng Quản lý XNC đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ truy tìm, tổ chức đấu tranh, thi hành lệnh trục xuất đối với các đối tượng được tổ chức “Việt Tân” cử về nước hoạt động chống phá.
Năm 2010 và 2011, xuất hiện hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia do NNN thực hiện, sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông, internet, tấn công các ngân hàng và tài khoản của công dân một số nước trong khu vực, gây mất trật tự nghiêm trọng về an toàn xã hội. Lực lượng Quản lý XNC đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương khám phá, bắt giữ, trục xuất và bàn giao cho phía nước ngoài 152 đối tượng; trong 6 tháng đầu năm 2012, đã điều tra, xử lý 43 đối tượng người Đài Loan và Trung Quốc. Công tác đấu tranh, xử lý đã đáp ứng và đảm bảo các yêu cầu về chính trị, nghiệp vụ và pháp luật, được Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an biểu dương và đánh giá cao.
Đặc biệt qua công tác trinh sát, trong 06 tháng đầu năm 2012, Cục Quản lý XNC đã đầu tư nhiều công sức, lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, bắt giữ liên tiếp 10 vụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn gồm 12 đối tượng mang các quốc tịch Phi-lip-pin, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Nigeria và Việt Nam, thu giữ 45,2 kg ma túy tổng hợp được vận chuyển vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất và mở rộng làm rõ đường dây của tổ chức buôn bán, vận chuyển ma túy để tiêu thụ trong nước và vận chuyển sang nước thứ ba. Bọn tội phạm đã dùng các thủ đoạn đối phó và cất giấu ma túy rất tinh vi, đã lọt qua sự kiểm tra, soi chiếu, chó nghiệp vụ… của cơ quan hải quan, cơ quan phòng chống ma túy của nhiều nước nhưng khi đến Việt Nam thì bị lực lượng Quản lý XNC phát hiện, bắt giữ.
Đấu tranh phòng, chống hoạt động XNC trái phép và nhận trở lại công dân: Trong những năm gần đây, hoạt động của các đường dây tổ chức đưa người XNC trái phép, tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Lực lượng Quản lý XNC đề xuất lãnh đạo Bộ Công an ký thỏa thuận hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống XNC trái phép với nhiều nước, trong đó thường xuyên hợp tác có hiệu quả với cơ quan chức năng các nước như Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, Úc, Nga, Ba Lan, Đức… và các cơ quan của Liên hợp quốc như Tổ chức di cư quốc tế (IOM), Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL), Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) ngăn chặn có hiệu quả hoạt động của bọn tội phạm.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, các nước (nhất là EU) và các tổ chức quốc tế đặc biệt quan tâm và thúc ép Việt Nam hợp tác quản lý di cư và nhận trở lại công dân. Lực lượng Quản lý XNC đã tích cực cùng cơ quan chức năng của Bộ Ngọai giao kiên trì đấu tranh ngoại giao, mưu trí vận dụng các quy định của luật pháp và thông lệ quốc tế để thuyết phục các nước chấp thuận theo phương án cao đã được Thủ tướng phê duyệt, tránh bị các nước ép nhận trở lại công dân với số lượng lớn, ồ ạt. Đến nay, đã tham mưu cho Chính phủ ký thỏa thuận với 18 nước và vùng lãnh thổ.
Từ năm 2002 đến năm 2008, số lượng người Châu Phi nhập cảnh Việt Nam tăng đột biến. Lực lượng Quản lý XNC đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, ngăn chặn số đối tượng người Châu Phi nhập cảnh trái phép, số nhập cảnh Việt Nam với mục đích không rõ ràng, không có khả năng tài chính…; cử các tổ công tác phối hợp với các đơn vị, địa phương sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ thực hiện kiểm tra, truy quét thu gom và xử lý vi phạm, buộc xuất cảnh các đối tượng cư trú bất hợp pháp; đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và trực tiếp làm việc với Đại sứ quán và tổ chức hội đoàn NNN của các nước có liên quan tại Việt Nam để tổ chức cấp giấy tờ và đưa công dân của họ về nước. Thông qua công tác này đã thu thập được nhiều thông tin, trao đổi và phối hợp với cơ quan nghiệp vụ của ngành Công an mở chuyên án đấu tranh, bắt giữ, truy tố nhiều đối tượng phạm tội người Châu Phi, đặc biệt là các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Đến cuối năm 2010, về cơ bản ta đã giải quyết xong tình trạng người Châu Phi cư trú trái phép tại các tỉnh thành phía Nam.
Trong những năm gần đây, tình hình người nước ngoài xuất nhập cảnh trái phép vào Việt Nam diễn biến phức tạp với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhất là trong năm 2020 trước tình hình đại dịch Covid-19 bùng nổ trên thế giới, khu vực và trong nước vấn đề xuất nhập cảnh trái phép được đặt ra hết sức nghiêm trọng cần phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và đảm bảo công tác phòng chống dịch bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã thường xuyên cập nhật cho Công an các địa phương về phương thức thủ đoạn tổ chức cho NNN nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép; chủ động nắm tình hình, điều tra xác minh kịp thời phát hiện NNN, cư trú trái phép. Trong năm 2020 và đầu năm 2021, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã khởi tố 04 vụ án hình sự, trong đó, 03 vụ liên quan việc tổ chức cho người Việt Nam xuất nhập cảnh trái phép, 01 vụ liên quan tổ chức cho 6 người Trung quốc nhập cảnh trái phép chuyển cơ quan điều tra, truy tố theo quy định của pháp luật.
Thực hiện kế hoạch bảo vệ các sự kiện quan trọng của đất nước, các đoàn nguyên thủ quốc gia và khách quốc tế sang thăm và làm việc tại VN: Lực lượng Quản lý XNC đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, xét duyệt nhân sự, quản lý cư trú đối với NNN và cô ng tác quản lý công dân Việt Nam XNC; tham mưu, báo cáo lãnh đạo Tổng Cục An ninh và Bộ Công an, phối hợp với các Cục nghiệp vụ, cơ quan chức năng ở sân bay quốc tế và Công an các địa phương trọng điểm triển khai các biện pháp chống khủng bố; tăng cường công tác nắm tình hình, rà soát, thắt chặt các biện pháp đảm bảo an ninh, bảo vệ an toàn cho các chuyến bay; tăng cường công tác kiểm soát giấy tờ tại cửa khẩu sân bay, đề xuất thực hiện những đối sách thích hợp với từng loại đối tượng theo đúng chủ trương của Bộ Công an; tổ chức hàng trăm lượt kiểm tra cư trú đối với NNN, công dân Việt Nam định cư nước ngoài; phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm và đã đẩy đuổi kịp thời, làm trong sạch địa bàn… đảm bảo tuyệt đối an toàn, thành công các sự kiện quan trọng nhưng vẫn đảm bảo công tác đối ngoại, lịch sự, tận tình chu đáo, được khách quốc tế đánh giá cao, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, không để cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Đã trực tiếp làm thủ tục và tham gia công tác bảo vệ, lễ tân cho hàng trăm đoàn nguyên thủ của các nước trên thế giới sang thăm và làm việc với Việt Nam, nhiều đoàn khách quốc tế vào Việt Nam dự các hội nghị lớn như SEAGAMES 22, PARAGAMES năm 2003, Hội nghị cấp cao ASEM 5 năm 2004, Hội nghị cấp cao APEC 14 năm 2006, Đại lễ Phật đản năm 2008, Lễ rước đuốc Olympic tại Việt Nam năm 2008, Hội nghị cấp cao ASEAN 16, 17 năm 2010…; đảm bảo tuyệt đối an toàn các hoạt động chính trị lớn của đất nước như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX năm 2001, lần thứ X năm 2006, lần thứ XI năm 2011, bầu cử Quốc hội khóa XI năm 2002, Đại lễ 1000 năm Thăng Long năm 2010, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp năm 2011…
Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trao cờ thi đua của Chính phủ cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh
vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2020
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý XNC: Thực hiện Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, lực lượng Quản lý XNC đã đề xuất giảm trên 40% thủ tục về XNC nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý, phục vụ tốt yêu cầu công tác an ninh; trong đó đã mạnh dạn loại bỏ nhiều thủ tục thuộc thẩm quyền của Cục Quản lý XNC; đảm bảo công tác quản lý XNC được thực hiện công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quá trình thực hiện. Năm 2021, Bộ đánh giá chỉ số cải cách hành chính của Cục Quản lý xuất nhập cảnh đạt 81,46 điểm (xếp loại Tốt), đứng thứ 3 trong khối các đơn vị trực thuộc Bộ; kết quả mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính do đơn vị trực tiếp thực hiện đạt 96,54%. Hoàn thành triển khai tích hợp 02 dịch vụ công (cấp hộ chiếu phổ thông; khai báo tạm trú cho NNN tại Việt Nam qua trang thông tin điện tử) với Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Dự kiến trong tháng 6/2022, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Công an đồng ý triển khai thực hiện 37 dịch vụ công.
Việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho NNN nhập cảnh Việt Nam thể hiện sự công khai, minh bạch, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện và tiết kiệm, đồng thời tạo bước tiến mạnh mẽ về cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động XNC, góp phần kích cầu du lịch, thu hút đầu tư, mở rộng hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, trong những năm qua CBCS Lực lượng Quản lý XNC đã phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đổi mới phương pháp lãnh đạo chỉ đạo, lập nhiều thành tích trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới phục vụ chiến đấu, huấn luyện và công tác. Cục đã làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công an đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác quản lý XNC, góp phần thực hiện có hiệu quả công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước, đã tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (Luật số 49); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của NNN tại Việt Nam (Luật số 51); 03 Nghị quyết của Quốc hội; 01 Nghị quyết Chính phủ, 06 Thông tư liên quan và đề xuất xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế 10 nghị định đổi mới cải cách thủ tục hành chính, các quy trình, quy định công tác quản lý, kiểm soát XNC và tăng cường công tác quản lý NNN trong tình hình hiện nay.
Hoàn thành xuất sắc vai trò Thành viên Tiểu ban Giám sát thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh nCoV và là một trong những đơn vị tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch. Tham mưu Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, lãnh đạo Bộ Công an ban hành nhiều chủ trương, chính sách XNC như: chủ động đề xuất, tra cứu thông tin, điện chỉ đạo lực lượng quản lý XNC Công an các địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà, khoanh vùng, rà soát địa chỉ khai báo tạm trú của NNN, công dân VN trên các chuyến bay nhập cảnh có ca dương tính với Covid-19; tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành các Kế hoạch, Hướng dẫn đón công dân Việt Nam từ vùng dịch trở về nước; giải quyết các thủ tục cấp giấy tờ XNC, cư trú cho NNN do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chưa thể xuất cảnh; áp dụng gia hạn tạm trú cho NNN. Phối hợp với các Ban ngành đảm bảo đủ quân số, cơ sở vật chất, trang thiết bị chống dịch cho CBCS trực tiếp thực hiện nhiệm vụ để duy trì năng lực kiểm soát, phòng chống dịch; chủ động xây dựng phương án bố trí quân số, xử lý tình huống khi có CBCS nhiễm bệnh; phân luồng, hướng dẫn, sàng lọc hành khách để nhanh chóng giải quyết thủ tục nhập cảnh, áp dụng những biện pháp phòng, chống dịch; ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, phát hiện, truy vết; tăng cường quản lý chặt chẽ địa bàn nơi cư trú đối với NNN, không để nhập cảnh trái phép, nhập cảnh không đúng đối tượng… Ngày 19/02/2021, Chủ tịch nước đã kí Quyết định số 222/QĐ-CT tặng thưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Huân chương Lao động hạng Ba trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
* Cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý XNC trong thời gian qua không ngừng phát triển. Từ Phòng quản lý Ngoại kiều và Phòng Công an Biên phòng thuộc Vụ Trị an hành chính (ngày 13/5/1953), đến năm 2022 Cục Quản lý XNC có 14 đầu mối trực thuộc gồm 8 phòng; 05 CACK Cảng hàng không quốc tế là Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc và 01 cơ quan Ủy ban kiểm tra trực thuộc Đảng ủy Cục Quản lý XNC. Tổng quân số hiện tại của Cục Quản lý XNC là hơn 1.763 CBCS.
Đồng chí Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai công tác năm 2022 của Cục Quản lý xuất nhập cảnh
Trong 10 năm trở lại đây, Đảng bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh liên tục là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, trong đó 5 năm đạt đơn vị trong sạch vững mạnh. Đơn vị đã 06 lần được nhận cờ thi đua của Bộ Công an, 02 lần nhận Cờ thi đua của Chính phủ, trong đó năm gần nhất là năm 2021. Ghi nhận những đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trong 69 năm qua, Đảng, Nhà nước và Ngành Công an đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Lao động và nhiều Bằng khen, giấy khen… Đặc biệt, năm 2013 Cục đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và Ngành Công an dành cho nỗ lực, cố gắng của cả tập thể và CBCS đơn vị trong suốt chặng đường dài vừa qua.
Đ/c Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an trao Huân chương lao động Hạng Ba của Bộ Công an cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh, tháng 6/2021
Tự hào với truyền thống vẻ vang qua 69 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ chiến sỹ Lực lượng Quản lý XNC ngày nay lại tiếp bước các thế hệ cha anh trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Lực lượng Quản lý XNC trong cả nước quyết tâm phấn đấu, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, đoàn kết thống nhất vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng với sự quan tâm, tin tưởng của Đảng và Nhà nước đã dành cho lực lượng Công an nói chung và Lực lượng Quản lý XNC nói riêng./.
Phạm Thảo - Tuyên truyền
Từ khóa » Ngành Trinh Sát Phản Gián
-
Những điều Cần Biết Về Ngành Trinh Sát An Ninh - Tuyển Sinh Số
-
Ngành Trinh Sát An Ninh Là Gì? Điểm Chuẩn Và Các Trường đào Tạo
-
Ngành Trinh Sát An Ninh Và Những Điều Cần Biết - Top10truonghoc
-
Ngành Trinh Sát An Ninh Là Gì? Học Ngành ... - Hướng Nghiệp GPO
-
Ngành Trinh Sát Cảnh Sát Là Gì? Học Ngành ... - Hướng Nghiệp GPO
-
Ngành Trinh Sát An Ninh Và Những Điều Cần Biết
-
Học Viện An Ninh Nhân Dân đào Tạo Trinh Sát Chất Lượng Cao
-
Phản Gián – Wikipedia Tiếng Việt
-
Phản Gián Là Gì? Thông Tin Chi Tiết Về Hoạt động ... - LADIGI Academy
-
Lực Lượng Ngoại Tuyến Công An Nhân Dân Thầm Lặng Góp Chiến Công
-
Học Viện An Ninh Nhân Dân Mở Lớp đào Tạo Trinh Sát Chất Lượng Cao ...
-
Ngành điều Tra Trinh Sát - Công Việc Của Niềm Tự Hào Dân Tộc
-
Chuyên án C30-một Chiến Dịch Phản Gián Hoàn Hảo
-
Cục Trinh Sát BĐBP - 60 Năm Chiến đấu Và Trưởng Thành