Cụm Di Tích Đình - đền - Chùa Cầu Muối, Thờ Phụng Nhị Thánh Cao ...

Đình - đền - chùa Cầu Muối nằm ở trung tâm làng Cầu Muối; thuộc xã Tân Thành, Phú Bình, Thái Nguyên. Cầu Muối được gọi theo địa danh của làng. Đình Cầu Muối thờ thành hoàng làng là Cao Sơn Quý Minh Đại Vương; 2 ngôi đền có tên: Đền Thượng và đền Công Đồng; Chùa có tên chữ là Linh Sơn Tự. Gọi tắt là Cụm di tích lịch sử văn hoá đình- đền - chùa Cầu Muối.

Đình - Đền - Chùa Cầu Muối cách thủ đô Hà Nội chừng 70 km về phía Đông Bắc; cách trung tâm thành phố Thái nguyên 40 km về phía Đông Nam; cách trung tâm huyện Phú Bình 11 km về phía Đông.

Đình Cầu Muối

Đình Cầu Muối thờ Thành Hoàng làng là Cao Sơn Quý Minh Đại Vương (tức Dương Tự Minh) một tướng tài dưới thời nhà Lý; ông có công lớn đối với vùng đất Thái Nguyên. Sau khi mất, Dương Tự Minh được nhiều triều đại phong kiến Việt Nam sắc phong là “Thượng Đẳng Thần”. Dọc theo dải sông Cầu từ Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang…, nhân dân lập đền, miếu, đình để thờ cúng và tôn ông là Thành Hoàng Làng.

Đình Cầu Muối không chỉ là nơi thờ Thần Hoàng Làng mà còn là trung tâm chính trị - văn hóa, là nơi sinh hoạt, hội họp của làng. Chính vì vậy, kiến trúc của Đình được xây dựng với Tiền đình và Hậu cung. Tiền đình là nơi họp bàn các công việc quan trọng, là trung tâm sinh hoạt văn hóa chính trị của làng. Hậu cung đình gồm 2 gian dài 6m, rộng 4,5m; bộ khung bằng gỗ Lim; mái lợp ngói Đáp Cầu; tường xây 3 phía theo kiểu “tường hồi bít đốc”.

Nơi thờ Dương Tự Minh nằm ở gian thứ 2 trong hậu cung, lùi về phía sau hàng cột cái trong và nâng cao trên một cái gác lửng trang trọng mà không đóng kín cách biệt. Tại đây còn lưu giữ hương án và ngai thờ là những hiện vật gốc tại Đình Cầu Muối.

Di tích đình - đền - chùa Cầu Muối

Chùa Cầu Muối thờ Phật

Chùa Cầu Muối quay về hướng Nam; như người Việt có câu “Lấy vợ hiền hòa; làm nhà hướng Nam”. Hướng Nam đón gió mát; tránh gió tây nóng; vừa là hướng thuận với triết lý âm dương ngũ hành; vừa có nghĩa các Đức Phật và Bồ Tát ngồi quay hướng Nam để nghe lời kêu cứu của chúng sinh trong kiếp đời mà cứu vớt. Sự bài trí tượng thờ như thu lại toàn bộ Tam Bảo; được bài trí theo giáo lý của đạo Phật. Các lớp tượng bày từ ngoài vào trong; bố trí từ thấp lên cao; gợi không khí tĩnh lặng; linh thiêng.

Chùa Cầu Muối tọa lạc trên một đồi thoai thoải, trong khung cảnh thiên nhiên đẹp, xung quanh có đồng ruộng, đồi cây tươi tốt, thoáng mát, với khuôn viên sân chùa rộng rãi. Nằm thế tựa sơn, cảnh mây núi bao phủ, gió mát quanh năm; đặc biệt trước cửa Chùa còn có cây Trâm Mai cổ thụ đã hơn 300 năm tuổi cành lá xum xuê tỏa bóng, gắn với nhiều chi tiết li kì, thần thoại.

Chùa Cầu Muối vừa hòa đồng trong cảnh quan của làng quê bình dị êm ả; vừa kết tinh khẳng định bản sắc riêng độc đáo như biểu hiện một sức mạnh thiên nhiên vùng “địa linh hội tụ long mạch” với sự huyền diệu mà con người hoài niệm, khát vọng.Chùa có tên chữ là “Linh Sơn Tự”. Ở Chùa Cầu Muối hiện nay còn lưu giữ được cây hương đá tứ diện Linh Sơn Tự được lập vào năm Hoàng triều Vĩnh Thịnh 14 (1719).

Chùa Cầu Muối

Đền Công Đồng thờ Mẫu Liễu Hạnh

Cách Đình, Chùa Cầu Muối 150m về phía Bắc là đền Công Đồng. Đền nằm trên một quả đồi cao hình bán nguyệt có độ cao trung bình so với mặt bằng xung quanh khoảng trên 50m. Đền kiến trúc theo kiểu chữ Đinh (J) gồm 3 gian tiền tế và một gian hậu cung. Trước cửa Đền Công Đồng là một khoảng sân rộng phía trước dựng một án hương thờ Mẫu Bán Thiên Công Chúa. Hai bên lập am thờ Quan Sơn Thần (phíatrái) và Mẫu mẹ (phía phải). Tòa tiền tế ba gian dài 9m, rộng 4m, diện tích 36. Hậu cung dài 5m, rộng 4m, diên tích 20.

Chính giữa trên hương án thờ Mẫu Liễu Hạnh. Đây là tượng của một người đàn bà trẻ, đẹp, phúc hậu (mặc áo xanh) từ bi trong tư thế bình thường của một người dân giữa cuộc đời. Bên phải thờ Tam tòa Thánh Mẫu: tượng Mẫu Thoải Cung, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thượng Thiên và Tam Phủ Công Đồng. Trên hương án trang trí hình rồng chầu mặt nguyệt. Ba tán cây Sau Sau cổ thụ chừng 200 năm tuổi tỏa bóng mát khuôn viên, tạo không khí trong lành, thoáng mát cho du khách.

Đền Công Đồng Cầu Muối là nơi thờ tự chính của Đạo Tứ Phủ, nơi được tương truyền là rất linh ứng và thiêng liêng. Có lẽ chính vì vậy, hàng năm nơi đây thu hút rất đông khách thập phương. Qua 3 lần đầu thai, bà Chúa Liễu Hạnh nổi tiếng về sự hiếu đạo, được người đời truyền tụng và suy tôn làm mẹ của muôn người. Bà là biểu tượng cho sức mạnh của phụ nữ. Bà đề cao hạnh phúc, quyền tự do và độc lập.Các nguyên tắc của Mẫu Liễu Hạnh về trừng phạt kẻ xấu và ban thưởng người tốt đãtrở thành thông điệp về sự bảo vệ và hi vọng vào công bằng xã hội cho nhân dân.

Ngoài ra, trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện li kì, huyền bí về nguồn gốc lập nên Đền Công Đồng là: “Ngày xưa có 2 mẹ con người nọ đi bán muối ngang qua địa phận của dãy núi hiện nay cho xây dựng Đền thì thấy không khí trong lành, núi non xanh tốt bèn nghỉ chân tại đó. Người con thấy khát nước nên đòi mẹ đi lấy nước.

Người mẹ xuống khe suối ngay dưới chân núi lấy nước thì bị một con hổ dữ tát chết, người con thấy lâu thì xuống tìm mẹ, khi xuống đến suối thì cũng bị hổ tát chết. Nhưng kì lạ, hổ đói lại không ăn thịt mà để 2 mẹ con nằm cạnh nhau bên bờ suối. Cũng kì lạ thay, không biết từ đâu, mối đùn đất che kín 2 mẹ con chỉ để hở 2 bàn chân.

Dân làng thấy lạ, bèn làm lễ cúng rồi chọn một vị trí đẹp trên lưng chừng núi chôn cất. Nhưng mỗi ngày, mỗi tháng qua đi đống đất mối đùn lên ngày một to hơn, thành một cái gò đất cao. Dân làng đem rào giậu chỗ đó cẩn thận và coi đó là vùng đất thiêng, không được xâm phạm.

Theo lời người dân kể lại, Mẫu báo mộng vào một người trong làng, yêu cầu lập đền thờ ngay phía trên gò đất đó. Hiện nay, bên trong hậu cung ngay dưới tượng thờ Quan hổ là mộ của vị Thánh Mẫu trong truyền thuyết được nhân dân truyền miệng tới bây giờ.”

Câu chuyện tuy mang tính chất li kì, nhưng đó là những giá trị được kết tinh, lưu truyền và bảo tồn đến ngày nay.

Từ khi có Đền Cầu Muối, dân làng và nhân dân xa gần thường đến cầu nguyện, cầu của, cầu phúc, cầu người, cầu tài, cầu mưa…; cầu gì được nấy rất linh thiêng. Đã từ lâu, người dân Cầu Muối và du khách thập phương luôn nhớ ngày 04 tháng Giêng âm lịch hàng năm là ngày giỗ Mẫu ở Đền Công Đồng và tổ chức lễ hội ở cụm di tích này.

Đền Thượng thờ Mẫu Thượng Ngàn

Cách Đền Công Đồng 300m về phía Tây Bắc là Đền Thượng. Đền tọa lạc trên một quả đồi cao chừng trên 100m so với mặt bằng xung quanh, trông xa như hình một con voi phủ phục. Kiến trúc Đền Thượng theo kiểu chữ Đinh (J) (nhân dân thường gọi là chuôi vồ).

Đền được tôn tạo lại năm 1999. Mái Đền lợp ngói, tường hồi bít đốc. Tiền bái ba gian dài 7m, rộng 4m, diện tích 28. Hậu cung dài 5m, rộng 3m, diện tích 15. Đền Thượng thờ Mẫu Thượng Ngàn – vị thánh trong “Tứ Bất Tử” của đạo Tứ Phủ.

Đền Thượng Cầu Muối

Đình - đền - chùa Cầu Muối được khởi dựng từ thời Hậu Lê. Nơi đây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hoá của nhân dân trong làng mà còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Đến nay; Cụm di tích này còn lưu giữ được nhiều hiện vật gốc có giá trị nghệ thuật và niên đại cổ xưa như: Chiêng núm đồng; chuông nhí đồng; giá văn tế; nhang án; ngai thờ; cối đá; 5 bát hương gốm cổ; 23 pho tượng và cây hương đá được lập năm 1719…

Trước đây; Cụm di tích này chỉ mở cửa đón nhân dân địa phương đến làm lễ vào ngày Sóc; ngày Vọng; tức ngày mùng một; ngày rằm theo lịch trăng hàng tháng. Nhưng 3 năm trở lại đây; theo nguyện vọng của người dân trong vùng và du khách thập phương; đình – đền – chùa Cầu Muối mở cửa vào tất cả các ngày trong tuần và lễ hội diễn ra trong cả tháng Giêng; trong đó ngày hội chính vào mùng 6 Tết.

Dân gian có câu “đầu năm mua muối; cuối năm mua vôi” để nói về phong tục tập quán của người Việt trong năm mới. Những ngày đầu năm; tại các vùng quê Phú Bình; Bắc Giang; Bắc Ninh… nhiều người đi bán muối dạo qua khắp các đường làng; ngõ xóm.

Tại các đình chùa; muối được bày bán bên cạnh hoa quả; vàng mã; đèn hương… Người bán sẽ đong một bát đầy có ngọn chứ không gạt ngang miệng bát bởi người ta cho rằng mua muối có ngọn mới mang lại sự đầy đủ; trọn vẹn và no ấm cả năm. Theo quan niệm của người xưa; muối mặn có thể xua đuổi tà ma; đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Bên cạnh đó; tục mua muối đầu năm còn có ý nghĩa cầu mong sự đậm đà; hòa thuận trong tình cảm gia đình; sự mặn mà trong các quan hệ làm ăn… như vị đậm đà của muối.

Nguồn: HanoTour

Ths Nguyễn Thy Ngà

Từ khóa » đền Muối Có Mở Cửa Không