Cung đường Khúc Khuỷu Của Thầy Giáo đi 'gọi' Học Sinh đến Trường

Tuần đầu ngay sau kỳ nghỉ Tết, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Manh phân công cán bộ, giáo viên đi đến các bản để vận động học sinh ra lớp sau Tết.

Các bản, nhóm dân cư xa, nhà trường phân công các thầy; các cô giáo được ưu tiên đi các bản, nhóm dân cư gần hơn.

Chia sẻ với VietNamNet, thầy Phạm Quốc Bảo, cho hay thông thường thì việc vận động học sinh trở lại lớp sẽ do giáo viên phụ trách nhưng với những điểm khó, điểm nóng mà người dân thường có tâm lý cho con nghỉ, đi học muộn thì thi thoảng thầy cũng tham gia cùng anh chị em.

“Có một số thời điểm mà học sinh trên này hay trốn học hoặc đi học trở lại muộn như đầu năm học, sau Tết, trước Tết hoặc cuối năm học.

Bao giờ người đứng đầu trường học nói thì người dân sẽ nghe hơn nên thi thoảng với những trường hợp đặc biệt, ban giám hiệu trường tôi vẫn thay phiên nhau đi cùng anh em”, thầy Bảo nói.

Nhóm của thầy Bảo gồm thầy và 2 thầy giáo nữa đi đến bản Nậm Nàn - đây là nhóm dân cư xa nhất, cao nhất và cũng khó khăn nhất.

Theo thầy Bảo, ở đây có khoảng 30 hộ dân tộc Mông. Một số phụ huynh ở nhóm dân cư này chưa thực sự quan tâm đến con em họ. Học sinh ở đây cũng hay trốn học và nghịch ngợm ở những vùng khác.

“Quãng đường hơn 30km toàn dốc, nhỏ hẹp và rất nguy hiểm. Giai đoạn này trời nắng ráo nên đi lại còn thuận lợi, chứ nếu trời mưa thì chỉ còn cách để xe lại dọc đường và đi bộ leo gần chục km để tới nơi. Đi đường này, tay lái mà không vững thì rất dễ ngã, nhất là khi xuống các con dốc”.

Các thầy giáo cho hay, xuất phát ở trung tâm xã ở độ cao 580m (so với mực nước biển), nhưng lên trên nhóm dân cư này, chỗ đỉnh dốc có độ cao đạt tới 1.280m.

Thầy Bảo cho hay, người dân nơi đây khá vất vả, kinh tế chủ yếu trông vào ruộng, nương. “Họ muốn có một con đường, có điện, nhưng có lẽ còn lâu mới có được. Ở đây, chỉ có một số hộ gia đình có sóng điện thoại, đa số không có. Chúng tôi lên ngày 12/2 nhưng vẫn cắt cử 1 người ở lại thêm đến ngày 13/2 mới về để còn tiếp tục đôn đốc, thúc giục người dân cho trẻ đến trường”.

Vượt cung đường khó khăn, gập ghềnh nên mọi người cũng khá mệt. Nhưng, theo thầy Bảo, tất cả những mệt mỏi đó như bị xóa sạch hết khi kết quả của buổi vận động khá thành công với 98% học sinh đã quay trở lại trường.

“Chỉ còn một số ít học sinh bị ốm hoặc nhà có việc riêng chưa thể đến trường còn lại đã ra trường ổn định việc học”, thầy Bảo nói.

Thanh Hùng

Clip: Thầy giáo Phạm Quốc Bảo

Thầy cô vượt suối đến trường trong ngày mưa rét tê tái

Thầy cô vượt suối đến trường trong ngày mưa rét tê tái

Trong cái lạnh tê tái trên dưới 9 độ C, hình ảnh các thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hữu Khuông (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) vượt suối để vào trường khiến nhiều người cảm phục.

Từ khóa » đường đi Khúc Khuỷu