Củng Lợi Và Chương Tử Di Trong Phim Của Vương Gia Vệ | Vietcetera

Củng Lợi: Hoa mẫu đơn vươn cao rồi lại tàn

Trước khi đến với Vương Gia Vệ, Củng Lợi đã là một ngôi sao tỏa sáng rực rỡ không chỉ ở Trung Quốc mà còn khắp thế giới. Thập niên 90, thời kỳ bùng nổ của điện ảnh Trung Quốc thế hệ thứ 6, Củng Lợi là một nữ diễn viên quan trọng nhất, khi cô xuất hiện trong những bộ phim thành công nhất của Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca.

Các nhân vật nữ của Củng Lợi giai đoạn này hầu hết đều mang màu sắc hiện thực, phản ánh những giai đoạn lịch sử khốc liệt của Trung Quốc trong thế kỷ 20. Ví dụ như giai đoạn phong kiến, chiến tranh, Cách mạng Văn hóa, hoặc phản ánh một đặc tính văn hóa nào đó của người Trung Quốc hiện đại.

Những bộ phim tiêu biểu nhất của thời này là Cao Lương Đỏ (1988), Cúc Đậu (1990), Đèn Lồng Đỏ Treo Cao (1991), Thu Cúc Đi Kiện (1993), Phải Sống (1995) – đều do Trương Nghệ Mưu đạo diễn. Ngoài ra, Bá Vương Biệt Cơ (1994) do Trần Khải Ca đạo diễn đã giới thiệu cho thế giới thấy những hình ảnh phụ nữ Trung Quốc thật khác biệt. Họ dám sống hơn, quyết liệt hơn và thậm chí cũng dữ dội hơn – qua sự hóa thân xuất sắc của Củng Lợi.

Cô và hai đạo diễn tài danh này đã tỏa sáng ở các LHP quốc tế hàng đầu khi giới thiệu với thế giới một hình ảnh Trung Hoa thật khác biệt, đồng thời dám phơi bày những vết thương và sự xấu xí bị che giấu ở đất nước này. Tất nhiên vì thế, Củng Lợi cũng thường bị hóa trang xấu đi.

Cô quê mùa, lam lũ khi thể hiện những nhân vật có xuất phát điểm thấp kém trong xã hội, như trong Cúc Đậu, Thu Cúc Đi Kiện hay Phải Sống. Dù ngoài đời, cô sở hữu một nhan sắc kiêu hãnh và lộng lẫy, không hề thua kém các “đại mỹ nhân” thời điểm đó như Lâm Thanh Hà, Trương Mạn Ngọc, Lý Gia Hân hay Vương Tổ Hiền.

Có lẽ Vương Gia Vệ là đạo diễn nhìn thấy được vẻ đẹp kiêu hãnh (bề ngoài) nhưng dễ tổn thương (bên trong) của Củng Lợi. Ông mời Củng Lợi tham gia hai bộ phim của mình ở thời điểm ngôi sao này chuẩn bị bước vào tuổi 40 và không còn ở thời điểm đỉnh cao nữa.

Sự lựa chọn này hoàn toàn có tính toán. Vì hai vai diễn của Củng Lợi cộng tác với Vương Gia Vệ đều là nhân vật ở độ tuổi trung niên, đang đối mặt với mất mát của tình yêu và sự tàn lụi của nhan sắc.

alt
Củng Lợi trong phim The Hand | Nguồn: The Hand

Điều đó thể hiện rõ nhất trong Bàn Tay (The Hand), một trong ba phim ngắn có tên chung là Eros (2004). Chúng được làm để tri ân huyền thoại điện ảnh người Ý Michelangelo Antonioni, với hai chủ đề nổi bật của ông là tình yêu và tình dục.

Quyến rũ kiêu kỳ nhưng cũng đắng cay bi thảm trong Bàn Tay

Bàn Tay có độ dài 43 phút, được quay trong 3 ngày liên tục, giữa lúc dịch SARS bùng nổ ở Hong Kong và giữa các quãng nghỉ khi quay bộ phim 2046.

Ở bộ phim này, Củng Lợi gần như xuất hiện từ đầu đến cuối với cuộc đời thăng trầm của một cô gái gọi hạng sang từ thời đỉnh cao đến lúc suy tàn. Nhà phê bình John Powers nhận xét đây là một trong những vai hay và sâu sắc nhất của Củng Lợi.

Qua diễn xuất vừa tinh tế vừa điêu luyện của mình, cô khiến người xem cảm nhận được bước sa sút của nhân vật (cô Hoa), từ sự quyến rũ kiêu kỳ thành đắng cay bi thảm, nhưng chưa bao giờ kém hấp dẫn đi. Bởi ngay trong sự tàn lụi đó, Vương Gia Vệ vẫn khiến người xem thấy được sự quyến rũ của nó.

Nhân vật nam chính trong phim, anh thợ may cho cô Hoa (do Trương Chấn đóng) cũng là kẻ bị vẻ đẹp của cô mê hoặc, ngay cả khi nhan sắc của cô đã tàn phai.

Bộ phim kể về một mối quan hệ kỳ lạ giữa một anh chàng thợ may nhút nhát tên Chương (Trương Chấn) được ông chủ phái đến căn hộ của cô Hoa, một gái bao hạng sang, để lấy số đo.

Ngay trong lần đầu tiên, chàng thợ may mới lớn đã chứng kiến những âm thanh sặc mùi nhục cảm giữa cô và một “người tình” giàu có. Sau đó, Chương bị cô thao túng cảm xúc bằng cách dùng bàn tay để chạm lên những bộ phận nhạy cảm khiến anh không thể cưỡng lại được.

Để rồi từ đó, gã thợ may tội nghiệp thầm thương trộm nhớ và tương tư cô Hoa, mặc cho cô hành hạ và quát mắng, hoặc phải chứng kiến những cảnh lả lơi giữa cô và các người tình giàu có.

Khi thời thế thay đổi theo thời gian, tuổi tác cũng dày lên, cô Hoa bắt đầu thất sủng. Cô không còn là gái bao hạng sang nữa, thậm chí còn trở thành gái đứng đường, thiếu thốn tiền bạc và bệnh tật. Cô như một cánh hoa tàn trước gió đông, còn anh chàng thợ may vẫn cung cúc tận tụy bên cô…

Bàn Tay, dù là một bộ phim ngắn, nhưng đẹp và tranh nhã như một tác phẩm cổ điển. Hình ảnh của Củng Lợi trong phim này, phần nào khiến ta liên tưởng đến hình ảnh của Vivien Leigh trong bộ phim kinh điển của Hollywood thời vàng son: Chuyến Tàu Mang Tên Dục Vọng (A Streetcar Named Desire, 1951).

Đó đích thực là sự quyến rũ của vẻ đẹp tàn lụi, như “cánh hoa mẫu đơn vươn cao rồi lại tàn” – một hình ảnh được diễn đạt bằng ngôn ngữ điện ảnh rất đẹp trong 2046, liên quan đến hai nhân vật do Củng Lợi và Chương Tử Di đóng.

Đau đớn đến nghẹt thở với 2046

Trong 2046, bộ phim ra mắt cùng năm với Bàn Tay – Củng Lợi thậm chí còn xuất hiện ngắn hơn. Cô đóng vai một người phụ nữ bí ẩn, một tay chơi cờ bạc có nickname là Nhện đen, nhưng sau đó, cô tiết lộ tên mình là Tô Lệ Trân với Châu Mộ Vân (Lương Triều Vỹ) khi mối quan hệ giữa họ bắt đầu thân mật hơn.

alt
Củng Lợi trong phim 2046 | Nguồn: 2046

Thân mật, nhưng không tiến xa hơn. Bởi giữa họ là một khoảng cách không thể vượt qua. Tô Lệ Trân (Củng Lợi) với một quá khứ tăm tối mà cô không thể quên. Còn Châu Mộ Vân, thì đơn giản không thể quên được mối tình với Tô Lệ Trân khác (Trương Mạn Ngọc).

Trong cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa bọn họ, với một cú máy dài miên man, Vương Gia Vệ đã lột tả được vẻ đẹp đau đớn đến nghẹt thở của Củng Lợi sau một nụ hôn dài và cuồng nhiệt với Lương Triều Vỹ đến nhòa cả vết son môi. Cô lấy một tay để quệt vết son môi lem ra và để cho dòng lệ tuôn chảy trên gương mặt bất động.

Tiếp đó, là hình ảnh của Châu Mộ Vân bước đi với giọng tự sự “voice-over” của anh ta: “Trong tình yêu không thể có người thay thế. Tôi chỉ tìm lại cảm giác tôi đã từng có với Tô Lệ Trân năm xưa. Chính tôi còn không nhận ra điều đó, nhưng chắc chắn cô ấy hiểu”.

Và một dòng đề từ nữa, xuất hiện trên màn hình: “Mùa hoa mẫu đơn nở. Cánh hoa vươn cao rồi lại tàn”.

Củng Lợi chính là hình ảnh của cánh hoa mẫu đơn vươn cao rồi lại tàn, trong thế giới điện ảnh của Vương Gia Vệ.

Từ khóa » Củng Lợi Ten Tieng Anh