Cung Một Dây Olympic – Giải Mã Cung Tên Thế Vận Hội
Có thể bạn quan tâm
ADDRESS
946 Trường Sa, P13, Q3, TP.HCM
CALL US
+84 933 107 539
Menu Đặt lịch bắn cung Cung một dây Olympic – Giải mã cung tên Thế Vận Hội- Tháng tám 3, 2021
- 8:35 chiều
- No Comments
Bộ môn bắn cung được trình làng lần đầu tại Olympic vào năm 1900 đến 1908, lần nữa vào năm 1920. Năm 1931, Tổ chức bắn cung thế giới – World Archery được thành lập, đến năm 1972 bắn cung được vận động thành công trở thành một môn cố định của Thế Vận Hội.
Các quy định thi đấu, trang thiết bị của môn bắn cung càng ngày được cải tiến, chuẩn hoá và ta có cung Olympic như hiện nay. Cung Olympic là một loại cung một dây có cánh cung hình dáng cong ngược (recurve bow), bắn mũi tên nhọn đến mục tiêu cách đó 70m. Giá thành của các bộ cung tên này không quá đắt đỏ: giá chỉ khoảng một chiếc xe tay ga tại Việt Nam! (chiếc nào thì không nói)
Cung Olympic khác biệt so với cung "bình thường"
Nếu bạn từng thấy cung và tên trên phim ảnh, thì bạn sẽ thuờng thấy: cung có hình dáng đơn giản, thường chỉ có kích thước gói gọn tương đương cung thủ. Chỉ có cây cung (hình cung, trần trụi) và mũi tên (ống tròn thẳng, nhọn hoặc bén với đuôi lông gà).
Và cung thủ trong phim thường mang túi đựng mũi tên sau lưng.
Khác ở chỗ...
Các vận động viên đeo túi đựng tên ở hông, quay ra phía sau, đồng thời túi tên (quiver) cũng đựng nhiều phụ kiện linh tinh khác (cung thủ nữ hay đựng son, cung thủ nam hay giấu…thuốc lá). Đùa thôi trong thi đấu thuốc lá thì bị cấm nhé!
Có thể thấy cung của vận động viên gồm các bộ phận (khác màu), phân biệt cánh cung và thân cung. Các bộ phận này có thể tháo rời được. Như thế này:
Và sau 5 phút lắp ráp, ta sẽ có một bộ cung tên thế ni:
Vậy mấy cái thanh cân bằng lỉa chỉa kia có tác dụng gì?
Thanh cân bằng (Stabilizer) có tác dụng làm tay đòn đối trọng, làm cho cung nặng hơn, chúi về phía trước, giúp cung thủ ngắm mục tiêu ổn định hơn (không bị rung). Đồng thời làm cung “đầm” hơn. Bộ cân bằng thường có cấu tạo gồm những ống carbon, bịt đầu bằng kim loại (nhôm) và gắn ở phía ngọn là các khối tạ nặng (inox hoặc tungsten) (có thể kèm cục cao su). V-Bar là cái chạc chia góc cho các thanh phụ (ngắn) hướng về phía sau và 2 bên.
Cung khi bắn ra thì rung động mạnh. Thanh cân bằng có gắn cao su chống rung sẽ khắc phục điều này. Xem video bạn sẽ thấy sau khi bắn cung rung mạnh, làm quả tạ ở đầu cân bằng “nghoe nguẩy” qua lại lên xuống:
Ví dụ một cây cung Olympic được bắn ra theo hướng mũi tên màu xanh lá cây.
- Thanh cân bằng dài nhất phía trước (thanh chính) sẽ giúp cung ổn định theo hướng dọc lên-xuống (pitch), làm cung chúi xuống, tránh đường cho mũi tên bay đi (cung không bị hất lên trên ảnh hưởng mũi tên bay). Đồng thời giúp ổn định hướng góc đảo trái-phải (yaw).
- 2 thanh cân bằng ngắn ở hai bên (thanh phụ) sẽ giúp cung ổn định không bị lật nghiêng (roll). 2 thanh ngắn này thường hướng về phía sau, làm đối trọng cho thanh chính phía trước, tăng ổn định pitch.
- Những tính chất này cần phải sắp xếp và tính toán hợp lý để đạt được hiệu quả tốt nhất – hoặc qua thử-và-sai (trial & error)
Cách hoạt động của thước ngắm
Thước ngắm là dụng cụ hỗ trợ ngắm của cung thủ, có chức năng giữ và thay đổi vị trí đầu ruồi.
Theo quy định của Olympic, ống ngắm của cung recurve không được phép có thấu kính phóng đại (hay thu nhỏ). Chỉ đơn giản là không có kính hoặc kính trong suốt 0 độ thôi.
Gắn thước ngắm vào không tự động giúp cung thủ “bắn trúng” (accurate). Nó giúp cung thủ “bắn chính xác” (precise) là chính. Để bắn chính xác và bắn trúng, cung thủ cần phải luyện tập rất rất rất rất nhiều và tinh chỉnh trang bị của mình hợp lý.
Để mở khoá kiến thức rõ hơn nữa về cơ chế ngắm-bắn, chỉnh góc, đo đạc khi bắn cung,...vui lòng nạp lần đầu vào Khoá học bắn cung Nâng cao tại CLB Bắn cung Trần Quan.
- Huấn luyện dziên
Cách hoạt động của cung
Cung Olympic hiện đại thường cấu tạo từ 3 bộ phận chính: thân cung (riser), các cánh cung (limbs) và dây cung (bowstring)
Thân cung
Thân cung (riser) là bộ phận cứng không đàn hồi hay biến đổi, thường làm bằng hợp kim nhôm, sợi carbon hay vật liệu graphene. Thân cung có tay cầm (grip) nơi cung thủ trực tiếp chạm vào, có lỗ ren để gắn các phụ kiện cần thiết, cũng như khớp gài đặc biệt (tiêu chuẩn ILF hoặc Formula) để gắn cánh cung.
Các cung thủ thường chọn mẫu thân cung theo…sở thích là chính. Các vật liệu và công nghệ trên riser không quá khác biệt giữa các mẫu cao cấp (hi-end). Đó là lý do tại Olympic, bạn có thể thấy mỗi người một kiểu thân cung khác nhau, rẻ có, đắt có, đủ màu sắc. (điển hình như An San sử dụng mẫu riser WIAWIS ATF tầm trung sơn màu cute phô mai que và dành 3 Huy chương vàng Olympic 2020)
Cánh cung
Cánh cung (limb) là tấm vật liệu dẹt, đàn hồi gắn vào 2 đầu của thân cung có chức năng tạo lực bắn mũi tên đi.
Khi gắn đúng chiều vào thân cung, cánh cung có hình dạng cong sẽ hướng phía trước, ngược lại so với dáng cong của thân cung (nên mới có tên là recurve, hay cung cong ngược/cung phản khúc)
Cánh cung là bộ phận tạo lực bắn quan trọng của cung. Lực bắn mạnh – yếu hay tầm bắn xa – gần đều phù thuộc vào các cánh cung này. Dù vậy lựa chọn độ dài và lực bắn của cánh cung sẽ phụ thuộc vào thể trạng vật lý của cung thủ (đủ khoẻ hay không, sải tay dài hay ngắn). Cánh cung của cung thủ Olympic thường có lực kéo 30-60 pound (13.6 – 27kg) (Olympic không giới hạn lực kéo của cánh cung).
Để tạo ra khả năng đàn hồi mạnh mẽ, bền bỉ, các cánh cung thường có kết cấu nhiều lớp từ nhiều loại vật liệu khác nhau: lõi foam, graphene, gỗ/tre, sợi carbon, sợi thuỷ tinh,… và kết dính với nhau bằng keo epoxy hay tương tự. Ngoài ra hãng Uukha của Pháp lại có cánh cung đặc 100% carbon, được cho là bền bỉ và hiệu suất cao hơn.
Phốt mùa Olympic:
Các lớp vật liệu bị tách ra làm phá hỏng kết cấu của cánh cung. Có thể do thời tiết nắng nóng – ẩm tại châu Á khiến gỗ bị biến dạng, hoặc có lỗi trong thớ gỗ.
Tình trạng này cũng xảy ra nhiều tại Việt Nam, nhất là các loại cánh cung có lõi gỗ. Chỉ là anh này quá xui xẻo, luyện tập cả đời chỉ để thua Olympic uất ức thế này.
VĐV người Phần Lan Antii Vikstrom bên cây cung gãy (lần nữa) của mình, dẫn đến thua ngược khi đang dẫn trước đối thủ (5-3). Dù VĐV nào cũng mang theo cung dự phòng, cú thua đó làm anh rất sốc và không thể tập trung thi đấu (cung dự phòng thường không “quen tay” bằng cung chính).Được biết, anh dùng mẫu riser Hoyt Faktor + cánh cung Hoyt Velos Gỗ-carbon – nổi tiếng dễ hỏng ở châu Á. Bế tắc hơn là chính cung thủ này trước đó đã từng “phá” nhiều cặp cánh cung (cùng mẫu), giá gần 1000USD/cặp và khiến anh chàng “cháy túi”. (Xem thêm)
Dây cung
Khi mắc dây cung vào ta cần nén căng cánh cung (về phía ngược lại với chiều cong của cánh) một chút.
Dây cung (bowstring) được mắc vào 2 đầu của cánh cung giúp kéo căng cánh cung. Dây cung không đàn hồi. Dây cung phải được làm từ vật liệu nhẹ, chắc chắn và không giãn – sợi Polyester như Dyneema hoặc Dacron là tốt nhất. (chắc hơn cả dây thép nữa)
Dây cung được bện từ nhiều sợi cước nhỏ hơn, được bọc quanh bởi một lớp chỉ cước khác (serving) tại những nơi tiếp xúc với ngón tay, cánh cung.
Đừng nhầm lẫn rằng dây cung là dây thun đàn hồi nhé!
- Huấn luyện dziên
Những phụ kiện bổ trợ khác
Ngoài các bộ phận chính đó, cung Olympic còn phải gắn nhiều thứ nữa để trở lên hữu dụng và đạt ưu thế tối đa. Sau đây là danh sách các món “đồ chơi” mà cung thủ Thế Vận Hội nào cũng phải dùng.
Mũi tên (Arrow)
Thông thường mũi tên là những ống trụ tròn có đầu nhọn. Chất liệu ống thường là duy nhất một loại: gỗ; tre; carbon nguyên chất; hoặc nhôm.
Những mũi tên của tuyển thủ quốc gia thì khác, họ luôn dùng sản phẩm của hãng Easton, mẫu X10, là loại mũi tên kết hợp nhôm hàng không và sợi carbon nguyên chất: vỏ ngoài carbon có hình trống (ở giữa phình to) bao bọc xung quanh một ống trụ hợp kim nhôm (mác 7075 – nhôm hàng không). Đầu mũi tên làm từ tungsten có trọng lượng riêng lớn, nhỏ nhưng nặng. Khấc đuôi mũi tên hãng Beiter (Đức) bằng nhựa cứng được đúc từ một khuôn duy nhất – nên mọi khấc đuôi đều giống nhau tuyệt đối.
Ngay cả cánh ổn định (vane) của họ cũng đặc biệt: là những tấm nhựa mỏng xoắn mạnh. Được dán vào thân tên bằng keo 2 mặt và keo cách điện (kiểu vậy), cung thủ thường phải tự dán bằng tay (hoặc nhờ ai đó làm giúp).
Những điều trên nhằm giảm trọng lượng, phân bổ trọng tâm, cải thiện khí động học, đảm bảo đồng nhất về hình dáng, kết cấu. Giúp tên bay xa hơn, ổn định và chính xác hơn.
Dù nhìn có vẻ “công nghệ cao”, những mũi tên Easton X10 của cung thủ thì rất mỏng manh, kém bền, cánh ổn định dễ rách. Trung bình giá một mũi tên như thế khoảng 1,5 triệu đồng, việc vô tình phá hỏng nó là chuyện thường ngày ở huyện, làm cho việc luyện tập trở nên tốn kém. Nhưng cái giá phải trả để lấy được huy chương vẫn xứng đáng.
Nếu bạn là người chơi bình thường ở các CLB, hay chỉ mới tập gần đây, việc mua mũi tên X10 thì không cần thiết. Nếu thích và dư dả thì vẫn không có gì sai.
Lẫy kê tên (Arrow rest)
Để mũi tên gác trực tiếp lên thân cung thì không hợp lý lắm vì nó sẽ cản trở mũi tên đi qua. Lẫy kê tên sẽ là một “cánh tay” đỡ lấy mũi tên.
Nó thường là một mẫu nhựa dẻo hoặc là sợi dây thép cứng.
Thoi đẩy (Plunger)
Thoi đẩy trong bắn cung tương tự như phuộc nhún của xe máy (nhưng hình dáng y như cái bugi). Nó có lò xo ở bên trong và thân piston có thể nhún ra nhún vào. Plunger có tác dụng giữ mũi tên ở đúng vị trí (ở giữa cung) và làm ổn định mũi tên bay qua (mũi tên không bay thẳng mà bị uốn cong bởi lực đẩy đột ngột của dây cung, plunger có nhiệm vụ điều hoà sự biến đổi này)
Plunger Wifler MP-1, một loại thoi đẩy có thiết kế mới không dùng lò xo. Mở banh nó ra thì cũng không thấy gì cả – ngoài mấy cục nam châm đất hiếm tạo lực đẩy êm ái và ổn định hơn.
Không lò xo thép, không tùm lum linh kiện hào nhoáng, chi tiết động ở mức tối thiểu (chỉ duy nhất đầu piston) – quá đơn giản để có thể hỏng. (nam châm sẽ giảm 1% lực từ trong khoảng…100 năm)
Clicker
Đây là một bộ phận đơn giản cấu tạo từ tấm thép, carbon hay que inox cứng – có nhiệm vụ tạo ra âm thanh “click”.Nó được dùng để cung thủ luyện tập khả năng phản xạ có điều kiện: khi nghe tiếng “click” – cung thủ tự động bắn tên đi.
Clicker gắn vào thân cung, rà trên mũi tên của cung thủ khi giương cung, khi đầu mũi tên lùi về sau và hết cản đường tấm click – tấm click đó tự do và đập vào thân cung, tạo ra âm thanh “chát/ click/ tạch” đủ cho cung thủ nghe thấy. Khi nghe tiếng, cung thủ thả lỏng các ngón tay và cung bắn mũi tên ra.
Bạn biết rằng nếu giương cung càng lùi về đằng sau thì bắn càng mạnh? Nếu kéo dây không đủ thì mũi tên bắn ra yếu đi, rơi xuống, đáp vào mục tiêu ở vị trí thấp hơn. Ở cuộc thi Olympic, lệch một milimét cũng đủ trả giá cho một cái huy chương.
Các mũi tên của cung thủ phải có độ dài y hệt nhau, khối lượng bằng nhau để khi bắn, cung thủ sẽ kéo dây cung về cùng một độ dài sải tay, không sai một ly. Clicker khi kết hợp với độ dài mũi tên như nhau, cung thủ sẽ có được độ chính xác cao (vì lặp đi lặp lại hoàn hảo, bắn mũi nào cũng như mũi nào, không quá mạnh, không quá yếu giúp mũi tên chụm chính xác)
Đệm ngón tay (Fingertab)
Tưởng tượng bạn dùng 3 ngón tay móc lấy một đoạn dây dù, đầu sợi dây cột vào bình nước 21 lít (21kg ~ 46 pound) và nâng khỏi mặt đất. 72 lần. Mỗi lần 10 giây.
Chắc chắn là không con người nào làm được rồi, sợi dây mảnh sẽ cứa rách da ngón tay, chưa kịp mỏi vì cung mạnh thì đã đau ngón tay và bỏ cuộc. Vì vậy cung thủ sẽ luôn có chiếc đệm ngón tay (fingertab) như thế này:
Đệm ngón tay thường là những tấm da bò, ngựa hay nhân tạo giúp bảo vệ các ngón tay của cung thủ. Các sản phẩm dành cho thi đấu còn có bộ phận kim loại/nhựa cứng ghép với nhiều lớp da. Kèm theo đó là cục chia ngón (ngón trỏ và giữa) giúp cung thủ không vô tình chạm ngón tay vào đuôi mũi tên – gây ảnh hưởng đường tên bay.
Dây đeo cung ngón tay (Finger Sling)
Kĩ thuật và thiết bị của môn bắn cung yêu cầu cung thủ thả tay, giúp cung rơi xuống tự nhiên và tránh đường cho mũi tên bay ra. Dây đeo cung đơn giản là để cột vào 2 ngón tay của cung thủ, không cho cung rớt hoàn toàn khỏi bàn tay.
Chuyện sẽ xảy ra nếu bạn “quên” cột dây:
Ông chú phản ứng rất hay vì không hoảng loạn nhặt cung lên. Chồm người về phía trước trong trường bắn rất nguy hiểm, các bạn chú ý khi bắn cung thì hãy bình tĩnh, thư giãn tâm hồn nhé!
Chiêm ngưỡng các cung thủ tại Olympic Tokyo 2020
Bắn cung thể thao không chỉ có vậy
Thế giới thể thao dùng cung và mũi tên còn vô vàn nội dung khác. Như Cung trợ lực, Cung Truyền thống, cung barebow,… Có thể không nằm trong kì thi Thế Vận Hội danh giá, nhưng vẫn là bộ môn thể thao mọi người có thể tiếp cận, với các thể loại cung khác nhau. Là bộ môn sử dụng vũ khí, các độc giả muốn tham gia hãy luôn nhớ rằng nó chỉ dành cho thể thao thôi nha! Phải chú ý sử dụng an toàn, không dùng để sát sinh hay gây thương tích (thực ra thì cũng rất kém hiệu quả để làm thế)
Chia sẻ bài viết:
Có thể bạn quan tâm
Chơi bắn cung và sự liên tưởng đến xe 2 bánh
24/05/2022 Không có bình luậnSự liên tưởng nhảm nhí từ bắn cung đến phương tiện hai bánh – giúp bạn tưởng tượng được sự khác nhau của các trường phái bắn cung khác nhau.
Xem thêm »6 Điều thần kỳ của bắn cung
24/03/2022 Không có bình luận1. Mình có cần phải rất khỏe để bắn cung? Không nhất thiết. Mới bắt đầu bắn thì thể lực tầm nào cũng có thể
Xem thêm »Khởi động với dây cao su
07/03/2022 Không có bình luậnKhởi động với dây cao su Trước khi bắn cung, ngoài khởi động các động tác cơ bản như xoay vai, xoay cổ, xoay cánh
Xem thêm »Bắn cung mục tiêu và Bắn cung địa hình
19/02/2022 Không có bình luậnBắn cung có khá nhiều loại hình thú vị. Trong đó phải kể đến hai loại hình nổi bật: Bắn cung mục tiêu – Target
Xem thêm »Tản mạn Trường cung Anh
05/01/2022 Không có bình luậnTrường cung -(Longbow) được đặt tên vì chính độ dài của nó, thường bằng chiều cao của người bắn – xuất xứ hơn ngàn năm
Xem thêm »Tổng quan lịch sử bắn cung
05/01/2022 Không có bình luậnTổng Quan Lịch Sử Bắn Cung Bắn cung được định nghĩa là môn thể thao liên quan đến hoạt động bắn tên bằng cung, mục
Xem thêm » « Previous Next »ĐỊA CHỈ
946 Trường Sa, Phường 13, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
bancungtranquan@gmail.com
PHONES
Phone 1: 0933107539 Phone 2: 0868879540
GIỜ LÀM VIỆC
T2 - T6: 09:30 – 20:45 T7 - CN: 09:00 – 20:45
2024 © Copyrights Tran Quan Brothers
- Support
- Contact Us
- Disclaimer
Từ khóa » Bộ Bắn Cung Bao Nhiêu Tiền
-
1 Bộ CUNG TÊN GIÁ BAO NHIÊU TIỀN ? 1- Giá Cả - Facebook
-
Mua Cung Tên Thể Thao Giá Rẻ, Uy Tín, Chất Lượng Cao
-
Mua Bắn Cung Của AMEYXGS, Honda Với Giá Tốt Nhất Tại Việt Nam
-
Bắn Cung Giải Trí - Decathlon
-
BỘ BẮN CUNG SOFTARCHERY 100 - Decathlon
-
Bắn Cung Cho Người Mới - Nhập Môn Cung Thuật – Trần Quan ...
-
Bí Mật Về Cây Cung Giá Hàng Nghìn USD Của Cung Thủ Việt Nam
-
Trải Nghiệm Cực Ngầu Tại 5 CLB Bắn Cung ở Sài Gòn - HaloTravel
-
Các Dòng Cung Tên Thể Thao Tốt Nhất Trên Thị Trường Hiện Nay
-
Cung Tên Thể Thao Sài Gòn: Trang Chủ - Balista Shop
-
Nơi Bán Bộ Cung Tên Bắn Giá Rẻ, Uy Tín, Chất Lượng Nhất - Websosanh
-
5 Câu Lạc Bộ Bắn Cung Tại TP. HCM Bạn Nên Ghé 1 Lần!
-
Các Giải đấu Bắn Cung Và Những điều Người Mới Cần Biết - LEEP.APP
-
Top 5 CLB Bắn Cung Sài Gòn: địa Chỉ, Giá Vé, Trải Nghiệm - Digiticket